Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Tâm và Tiền trong tư vấn thiết kế kiến trúc

ashui.com - Một công trình kiến trúc tốt, ngoài quyết định đúng đắn của chủ đầu tư, sự đồng thuận của các cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan còn là chất lượng của đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Nếu nhà thầu xây dựng cũng thực hiện tốt bổn phận của họ - có kỹ thuật tốt và rất biết tôn trọng hồ sơ thiết kế thì câu chuyện để nói, để bàn sẽ chỉ còn là công tác tư vấn thiết kế. 


Công trình Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk / thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Thuận (nguồn: Ashui.com)

Một nền kiến trúc cần cái “Tâm” của nhà tư vấn thiết kế

Một trong những điều quan trọng, xác định chất lượng của tư vấn thiết kế đối với sản phẩm của họ đó là thiết kế phí - khoản tiền tương ứng trả công cho lao động và trách nhiệm của họ. Đây chính là mối quan hệ giữa chữ tâm và đồng tiền.

Đã từ lâu lắm rồi, tất cả những người làm nghề tư vấn thiết kế kiến trúc đều hiểu rằng, chi phí trả cho tư vấn Việt Nam (theo định mức của Nhà nước) là rất thấp so với giá tư vấn của nước ngoài - với cùng một loại hình công việc giống nhau (thường thấp hơn từ 4,5 ~ 6 lần, thậm chí đến hơn 10 lần). Các tư vấn Việt Nam biết vậy, “kêu ca” kiến nghị, bàn luận… thì cứ bàn. Song vẫn rất vui vẻ, nếu có công việc suôn sẻ theo đơn giá Nhà nước để làm cũng là tốt lắm rồi! Tại sao vậy? Nhiều người nói thẳng ra rằng - “Tiền nào của nấy”! Tại sao lại nói như vậy được nhỉ?

Chúng ta đều biết rằng, Nhà nước (Bộ Xây dựng) đều có đầy đủ những văn bản pháp quy quản lý, hướng dẫn đầy đủ về sản phẩm của tư vấn thiết kế, cho từng loại hình công việc. Có thể nói, các hướng dẫn của Bộ Xây dựng là khá kỹ, và cũng khó để có một cách hướng dẫn nào khác hơn.

Như vậy, hướng dẫn đã có, tiêu chuẩn về một bộ sản phẩm quy định cho các nhà tư vấn thiết kế phải thực hiện là đủ để xem xét, quản lý. Song trên thực tế, để hiểu các hướng dẫn này thế nào cho đúng, để làm được cho giống nhau… là một vấn đề không dễ dàng, còn là một khoảng cách khá xa so với những gì mà nó cần đạt đến, kể cả về chiều rộng của những vấn đề cần được đề cập trong hồ sơ và chiều sâu của những chi tiết cần được nghiên cứu đầy đủ và chính xác! Vậy ai có thể biết rõ điều này?

Cũng chỉ có nhà tư vấn thiết kế, bởi hơn ai hết, đồ án kiến trúc xây dựng là “con đẻ” của họ, KTS sẽ biết cần phải có một bộ hồ sơ thiết kế như thế nào mới đúng là đầy đủ. Cần phải bỏ thêm bao nhiêu thời gian nghiên cứu nữa mới đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tư vấn.

Ở đây không nói đến trường hợp các tổ chức tư vấn thiết kế không có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm để hiểu đúng công việc mà mình phải làm.

Vậy sản phẩm của tư vấn thiết kế phải qua các khâu quản lý kiểm duyệt của các cơ quan thẩm tra, thẩm định…thì sao? Chúng ta phải hiểu rằng các khâu công tác này cũng không thể thay thế bổn phận của tư vấn thiết kế, trách nhiệm của họ cũng chỉ có thể giới hạn ở những phần cơ bản của bộ sản phẩm thiết kế. Hơn nữa chất lượng sản phẩm của tư vấn thiết kế lại không thuần túy chỉ là những gì cụ thể, trong khi các nhà tư vấn thiết kế lại rất biết cách làm “hàng” của họ.

Chất lượng của sản phẩm thiết kế cũng chỉ có thể nhận thấy được một phần nào trong quá trình diễn biến xây dựng, khó khăn đâu thì cùng nhau giải quyết và cuối cùng thì công trình cũng được xây dựng xong, “tiền nào của nấy” rồi cũng xong.

Thời gian cứ trượt đi, đã lâu lắm rồi, hàng ngàn công trình kiến trúc đã ra đời theo cách như vậy. Các nhà tư vấn thiết kế rất hiểu về quy trình và rất biết cách ứng xử qua các giai đoạn công việc mà họ phải làm. Nhưng một điều sâu xa của hệ thống này, chỉ đến khi ngồi vào hội thảo, chỉ đến khi tổng kết một chặng đường đã qua của nền kiến trúc Việt Nam… hầu như chúng ta không mấy tự hào về nó.

Trong phạm vi câu chuyện này, chúng ta chỉ nói về trách nhiệm của tư vấn thiết kế, trước lịch sử xây dựng của đất nước. Có phải là “tiền nào của nấy” hay không, cái “Tâm” của nhà tư vấn thiết kế để ở đâu?

Có thể nói ai cũng hiểu rằng hầu hết các KTS được đào tạo với cái nghề mà “Tâm” của họ chỉ nghĩ cho công việc tương lai. Thiết kế chính là công việc lập kế hoạch cho tương lai, là gửi gắm những “mơ ước” - ý đồ của mình trên giấy. Dù ở trình độ nào thì bản năng của các KTS là như vậy và cái “Tâm” của họ là như vậy. Nó luôn có ở trong mỗi người, chỉ có điều trong một hoàn cảnh nào đó, nó không được thức tỉnh mà thôi.

Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ / thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Thuận (nguồn: Ashui.com)

Thiết kế phí phải đủ dùng vào những việc gì?

Quan niệm thế nào cho đúng về thiết kế phí. Nếu hiểu rằng đó là một khoản tiền để trả công cho thời gian và sản phẩm của nhà tư vấn thiết kế, đủ để họ sống thì đơn giản quá. Chúng ta cần phải hiểu rằng tư vấn thiết kế là những công việc không thể là sản phẩm của một người, mà là sản phẩm phối hợp của nhiều chuyên gia, của một tổ chức tư vấn. Chi phí cho tổ chức tư vấn để có thể hoạt động được bình thường, có thể phải kể đến tối thiểu như sau:

- Cơ sở vật chất, văn phòng làm việc và các trang thiết bị văn phòng phẩm, máy móc và các phần mềm cần thiết… Đây là những chi phí rất lớn, đòi hỏi tổ chức tư vấn phải thường xuyên mua sắm, thay thế và cập nhật. Phải đủ các công cụ mạnh mới có thể đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và làm ra sản phẩm.

- Phải có một đội ngũ chuyên gia đủ mạnh, có mức lương đảm bảo đủ cho cuộc sống của họ ổn định, yên tâm công việc mà họ đang làm.

- Phải đủ chi phí trang trải cho những rủi ro mà thực tế là một đặc thù của nghề nghiệp. Đây là những việc rất bình thường của các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc (không phải do năng lực yếu kém), kể cả những rủi ro khách quan từ phía đối tác.

- Phải đủ phương tiện và chi phí đi lại trong quá trình giám sát tác giả. Đây cũng là một trong những khoản chi phí rất lớn, phải chi trả trong nhiều năm theo thời gian công trình xây dựng. Sự tích cực có mặt ở công trường của tác giả thiết kế sẽ giúp cho công trình nâng cao chất lượng rất nhiều.

- Phải có đủ các chi phí để thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia của tổ chức mình (phải cập nhật thông tin, công nghệ, đi nước ngoài thăm quan, học hỏi, tham dự các hội thảo khoa học, đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chế tạo thử, làm mẫu…). Đây là những khoản chi phí rất lớn, hiện tại ở Việt Nam rất ít các tổ chức tư vấn làm tốt được các công việc này. Trong khi đây lại là những công việc quan trọng số một để phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn.

Còn rất nhiều các khoản chi phí khác chưa thể kể ra đây trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức tư vấn thiết kế.

Thế mới biết rằng, các tổ chức tư vấn thiết kế nước ngoài được trả thiết kế phí cao hơn chúng ta rất nhiều lần là có cái lý của họ! Và nền kiến trúc của họ luôn hiện đại, với những sáng tạo không ngừng là vậy.

Sự thật khó gỡ

Hiện tại, các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam đang phải bươn chải hàng ngày với nghề nghiệp của mình. Họ phải làm quá nhiều việc, trong một năm đáng ra họ chỉ phải làm một hai công trình là đủ để chi phí cho doanh nghiệp, song thực tế họ phải làm tới cả chục công trình mà vẫn không đủ để nuôi sống nhau! Đây là chưa kể đến họ phải làm nghề trong một môi trường mà thủ tục vô cùng phức tạp. Vậy thử hỏi thời gian đâu để nghiên cứu sâu, làm kỹ, kể cả có cái “Tâm” cũng không thể tốt hơn được.

Như trên đã nói, đối với tư vấn thiết kế Việt Nam có công việc làm là tốt rồi, họ đã quen rồi, quen cách làm “bài” và trả “bài” rồi. Cứ như thế lâu dần, từ thế hệ này sang thế hệ khác, quan niệm về một cái “đúng” đã được xác lập và truyền cho nhau. Đầu tiên là “bệnh”, sau trở thành “mãn tính”, mãn tính kéo dài sẽ không còn là bệnh nữa. Hệ thống của Việt Nam quy định như thế và họ đã hoàn thành như thế. Các KTS dẫu có hiểu sâu sắc về câu chuyện này cũng khó có thể đánh thức cái “Tâm” của mình trỗi dậy được.

Kết quả là gì? Chúng ta chỉ có thể có một nền kiến trúc như trong các hội thảo, các tổng kết đã nói - không mấy tự hào!

Câu chuyện làm nghề của các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam đã trở thành một thứ “văn hóa hành nghề” không dễ thay đổi. Vấn đề chỉ có thể khác khi có một quan niệm đúng về sự hy sinh cho công việc của họ.
TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Điện than và sự trả giá!

Cho dù độ lượng và có cái nhìn chia sẻ đến đâu chăng nữa thì vẫn phải khẳng định rằng, sản xuất điện từ than đá là “hạ sách” trong thời đại văn minh hiện nay, bởi sự ảnh hưởng của nó đến môi trường sống của con người, không chỉ hiện tại mà cả cho con cháu mai sau.


Trong cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40 nghìn MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ KWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Tuy vậy, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường?

Có nhiều ý kiến cho rằng đây là nhu cầu tất yếu về sự phát triển của nền kinh tế đất nước và là con đường duy nhất về điện năng, trong khi nước ta còn nghèo, không có điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), như điện gió, điện mặt trời...

Có lẽ cũng nên nhắc lại lời cảnh báo cách đây ít lâu của TS Đặng Đình Thống (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam) rằng, Việt Nam phải thay đổi ngay lập tức cách tư duy về phát triển NLTT trước khi quá muộn.

Theo ông, từ nhiều chục năm nay, chúng ta đã có những đánh giá và định kiến không tốt đối với NLTT nói chung và điện NLTT nói riêng. Những định kiến phổ biến nhất bao gồm: một là NLTT quá đắt và do đó là các nguồn năng lượng không kinh tế; hai là NLTT khó có thể trở thành nguồn năng lượng thương mại vì khó có thể đáp ứng về công suất và chất lượng điện năng đối với các phụ tải lớn, phụ tải công nghiệp.

Thế nhưng hiện nay, các tiến bộ về khoa học - công nghệ đã và đang đảo ngược tình thế, và ở nhiều nước trên thế giới, chúng đã cạnh tranh ngang ngửa với nguồn điện từ năng lượng hóa thạch.

Chẳng hạn, Vương quốc Dubai vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3 cent/KWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi KWh điện.

Vậy đâu có đắt?

Theo Báo xây dựng

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Account

NA################################## NA################################## NA################################## NA################################## NA################################## NA################################## NA##################################
STTThuGhi chúChiGhi chú
Tháng 10/2016500a Đức chuyển50Đổ xăng
NT4240Lương tháng 10100Thẻ điện thoại
NT1000Thủy điện Nậm Bụm50Đổ xăng
NT1000Thủy điện Nậm Đích30Nước mía, mì tôm
Tổng cộng6740---230R---
Số dư: 6510k

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Ngày 03/10/2016, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Nghiên cứu triển khai thực hiện công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (gọi tắt là KaWaTech).
KaW aTech là một dự án trong chương trình hợp tác theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức được thực hiện tại Hà Giang. Dự án nhằm nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi từ đó đưa ra giải pháp cấp nước bền vững cho người dân trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Dự án được triển khai từ tháng 02/2014. Đây là dự án được các chuyên gia Đức đầu tư máy móc và chuyển giao công nghệ cấp nước không dùng điện theo công nghệ mới (PAT). Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trên 3 tỷ đồng; UBND tỉnh Hà Giang đối ứng nguồn vốn trên 50 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cùng các chuyên gia kiểm tra tiến độ thực hiện các hạng mục dự án KaWaTech tại thủy điện Séo Hồ thuộc xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Qua một thời gian triển khai, đến nay các chuyên gia Đức đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng với tỉnh Hà Giang đã tiến hành 18 đợt điều tra nghiên cứu tại huyện Đồng Văn. Xây dựng đường ống áp lực và các hạng mục công việc liên quan đến chuyển giao công nghệ nên đã xin giãn tiến độ. Đối với 2 tổ bơm đáp ứng yêu cầu bơm nước lên cao trình 600 mét với công suất từ 1.555m3/ngày đêm đã được lắp đặt tại thủy điện Séo Hồ thuộc xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn theo chỉ đạo kỹ thuật của chuyên gia Đức.

Hiện nay các dự án: Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ lắp đặt hệ thống cấp nước theo công nghệ mới PAT; dự án xây dựng hệ thống phân phối nước cho thị trấn Đồng Văn và các khu lân cận từ ứng dụng công nghệ mới PAT; dự án đầu tư xây dựng đường ống áp lực cho Mudun cấp nước không dùng điện đang khẩn trương triển khai. Các hạng mục dự kiến hoàn thành vào tháng 9/ 2016 nhưng do một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đường giao thông bị sạt lở do mưa bão, lũ quét và việc giải ngân nguồn vốn còn chậm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án đề ra./.
Nguồn tin: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý tài nguyên nước

Ngày 21/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường năng lực cho Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo hai Bộ TN&MT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện hai trường Trường Đại học TN&MT Hà Nội và Trường Đại học Thủy lợi, cùng đại diện sinh viên của hai trường.
Trao bằng khen và phần thưởng cho các sinh viên giỏi
Dự án “Tăng cường năng lực cho Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội trong bối cảnh biến đổi khí hậu” (NICHE VNM 106) nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã được Thủ tướng hai nước ký ngày 04/10/2010. Dự án được thực hiện tại hai trường trong 5 năm 2012 – 2016 tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực cho hai trường đại học thuộc Bộ TN&MT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án đã được đánh giá là một trong những dự án NICHE thực hiện tại Việt Nam thành công nhất cho đến thời điểm này. Thứ trưởng đánh giá cao các kết quả mà dự án đã đạt được cũng như những lợi ích trực tiếp và gián tiếp mà dự án mang lại cho các đơn vị thuộc Bộ TN&MT nói riêng và các Bộ liên quan nói chung.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, trong những năm qua, lĩnh vực tài nguyên nước được nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm do những vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Vì vậy, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Toàn cảnh Hội thảo
Sự hợp tác giúp đỡ trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu của Hà Lan đã giúp các trường đại học tại Việt Nam từng bước hợp tác và hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia và mạng lưới giáo dục quốc tế với tư cách là một đối tác chính trong mọi lĩnh vực nghiên cứu. Với định hướng ấy, Bộ TN&MT đã hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Trường Đại học TN&MT Hà Nội hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra, góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường trong xu thế hội nhập và phát triển.

“Thành công và kinh nghiệm thực hiện các dự án NICHE tại Việt Nam, đặc biệt là tại các trường đại học là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của các trường nhanh, mạnh và bền vững; từng bước đưa vị thế các trường lên một tầm cao mới theo xu hưóng hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.” - Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững các kết quả của dự án NICHE VNM 106 đạt được, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển mong muốn và đề nghị Chính phủ Hà Lan tiếp tục hỗ trợ cho Trường Đại học TN&MT Hà Nội tăng cường năng lực trong giáo dục đào tạo và đặc biệt là năng lực nghiên cứu khoa học.  Sự hỗ trợ của Hà Lan không chỉ giúp Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý tài nguyên nước mà còn đẩy mạnh mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam – Hà Lan.
Bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước thành công của dự án đã mang lại. Bên cạnh tăng cường năng lực cho hai trường Đại học TN&MT Hà Nội và Đai học Thủy lợi, dự án đã giúp các sinh viên giải quyết các vấn đề trong xã hội chứ không chỉ tập trung vào lý thuyết. Bà mong muốn các sinh viên và học viên của hai trường sau khi tốt nghiệp sẽ đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững Việt Nam.

Dự án đã xây dựng thêm 3 khóa học thạc sĩ về Kỹ thuật bờ biển, Quản lý vùng ven biển và Quản lý thiên tai tại Đại học Thủy lợi, sau khi khóa Thạc sĩ đầu tiên về quản lý tổng hợp tài nguyên nước được triển khai thành công vào năm 2013. Hai trường đã có hơn 40 sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học về quản lý tổng hợp tài nguyên nước; 07 thạc sỹ theo chương trình tiên tiến; tổ chức gần 10 khóa học tập, bồi dưỡng ngắn hạn. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên tại hai trường cũng được tăng cường đáng kể.
Theo Monre.gov.vn

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Quy định mới về việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 24/2016/TT-BTNMTquy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2016.
(Ảnh minh họa: Bích Liên)
Theo đó, thông tư quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoat được xác định trên nguyên tắc: đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.

Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100 m3/ngày đêm và công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày đêm.

Với khai thác nước mặt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, rạch để cấp cho sinh hoạt bao gồm phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình.

Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; 1.000 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

Các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa để cấp cho sinh hoạt thì phạm vi bảo hộ vệ sinh tính từ vị trí khai thác nước của công trình và quy định: không nhỏ hơn 1.500 m đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa; toàn bộ khu vực lòng hồ đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa.

Với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô trên 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng. Với công trình có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 30m tính từ miệng giếng.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình khai thác nước; Sở TN&MT và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phối hợp xác định, công bố công khai vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt./.
BL
Nguồn: Dangcongsan.vn

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Vỡ đường ống thủy điện Sông Bung 2, nhiều công nhân bị cuốn trôi

Khoảng 17h ngày 13/9, đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ, cuốn trôi nhiều công nhân.
Nước lũ và nước từ đường ống dẫn tràn vào nhà dân bên dưới đập.
Khoảng 17h, lũ thượng nguồn đổ về gây tràn, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, Nam Giang). Dòng nước đỏ quạch cuốn trôi 2 máy múc đang làm việc dưới thân đập khiến 2 công nhân mất tích.

16 người khác làm việc gần đó hiện chưa có thông tin do địa bàn xa, địa hình đồi núi hiểm trở, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận.

Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư Thủy điện Sông Bung 2) cho biết đây là sự cố nước tràn qua cống dẫn dòng ở dưới thân đập thủy điện, với khoảng 13 triệu m3. Đơn vị đóng cống dẫn dòng để tích nước hồ chứa chuẩn bị phát điện. Tuy nhiên, mấy ngày qua mưa bão, lũ lớn về nên nước tràn xuống phía hạ lưu.

"Sau sự cố, toàn bộ công trình chính an toàn", ông Hải nói và cho biết 2 công nhân vận hành máy múc của nhà thầu mất tích do lũ tràn qua nhanh, không kịp chạy. Phía chủ đầu tư chưa ghi nhận thiệt hại về người với dân cư địa phương. “Lúc đầu nước đột ngột chảy như lũ quét, sau đó không có vấn đề gì nữa. Chúng tôi đang tập trung khắc phục, xử lý”, ông Hải thông tin.
Tổng quan khu nhà máy thuỷ điện Sông Bung 2, thời điểm tháng 7/2015. Ảnh: Ban quản lý dự án TĐSB2
Đến 21h30, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, còn khoảng 10 km nữa là đoàn công tác sẽ tiếp cận hiện trường. Nguyên nhân bước đầu là nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng rất lớn (theo hệ thống quan trắc tự động khoảng 560 m3/s), ảnh hưởng trực tiếp đến đường ống dẫn nước từ đập vào nhà máy và cuốn trôi 2 công nhân.

Phó chủ tịch tỉnh khẳng định đến nay toàn bộ công trình thủy điện vẫn an toàn và bác bỏ thông tin một số người dân đi đãi vàng dưới khu vực hạ lưu bị nước tràn cuốn mất tích.

Dự kiến 9h sáng 14/9, UBND tỉnh sẽ chủ trì cuộc họp báo để thông tin vụ việc.
Nhóm phóng viên
Theo vnexpress.net
Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, huyện Nam Giang) nằm trong bậc thang thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, khởi công năm 2012, công suất lắp đặt 100 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 425,57 triệu kWh. Tổng mức đầu tư công trình hơn 3.600 tỷ đồng, đến tháng 5/2016 bị đội vốn lên 1.600 tỷ đồng. Cuối tháng 8, thủy điện Sông Bung 2 bắt đầu tích nước. Quảng Nam hiện là địa phương có mật độ thủy điện lớn nhất nước với hơn 40 công trình.

Bài đăng phổ biến