ashui.com - Một công trình kiến trúc tốt, ngoài quyết định đúng đắn của chủ đầu tư, sự đồng thuận của các cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan còn là chất lượng của đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Nếu nhà thầu xây dựng cũng thực hiện tốt bổn phận của họ - có kỹ thuật tốt và rất biết tôn trọng hồ sơ thiết kế thì câu chuyện để nói, để bàn sẽ chỉ còn là công tác tư vấn thiết kế.
Công trình Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk / thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Thuận (nguồn: Ashui.com)
Một nền kiến trúc cần cái “Tâm” của nhà tư vấn thiết kế
Một trong những điều quan trọng, xác định chất lượng của tư vấn thiết kế đối với sản phẩm của họ đó là thiết kế phí - khoản tiền tương ứng trả công cho lao động và trách nhiệm của họ. Đây chính là mối quan hệ giữa chữ tâm và đồng tiền.
Đã từ lâu lắm rồi, tất cả những người làm nghề tư vấn thiết kế kiến trúc đều hiểu rằng, chi phí trả cho tư vấn Việt Nam (theo định mức của Nhà nước) là rất thấp so với giá tư vấn của nước ngoài - với cùng một loại hình công việc giống nhau (thường thấp hơn từ 4,5 ~ 6 lần, thậm chí đến hơn 10 lần). Các tư vấn Việt Nam biết vậy, “kêu ca” kiến nghị, bàn luận… thì cứ bàn. Song vẫn rất vui vẻ, nếu có công việc suôn sẻ theo đơn giá Nhà nước để làm cũng là tốt lắm rồi! Tại sao vậy? Nhiều người nói thẳng ra rằng - “Tiền nào của nấy”! Tại sao lại nói như vậy được nhỉ?
Chúng ta đều biết rằng, Nhà nước (Bộ Xây dựng) đều có đầy đủ những văn bản pháp quy quản lý, hướng dẫn đầy đủ về sản phẩm của tư vấn thiết kế, cho từng loại hình công việc. Có thể nói, các hướng dẫn của Bộ Xây dựng là khá kỹ, và cũng khó để có một cách hướng dẫn nào khác hơn.
Như vậy, hướng dẫn đã có, tiêu chuẩn về một bộ sản phẩm quy định cho các nhà tư vấn thiết kế phải thực hiện là đủ để xem xét, quản lý. Song trên thực tế, để hiểu các hướng dẫn này thế nào cho đúng, để làm được cho giống nhau… là một vấn đề không dễ dàng, còn là một khoảng cách khá xa so với những gì mà nó cần đạt đến, kể cả về chiều rộng của những vấn đề cần được đề cập trong hồ sơ và chiều sâu của những chi tiết cần được nghiên cứu đầy đủ và chính xác! Vậy ai có thể biết rõ điều này?
Cũng chỉ có nhà tư vấn thiết kế, bởi hơn ai hết, đồ án kiến trúc xây dựng là “con đẻ” của họ, KTS sẽ biết cần phải có một bộ hồ sơ thiết kế như thế nào mới đúng là đầy đủ. Cần phải bỏ thêm bao nhiêu thời gian nghiên cứu nữa mới đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tư vấn.
Ở đây không nói đến trường hợp các tổ chức tư vấn thiết kế không có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm để hiểu đúng công việc mà mình phải làm.
Vậy sản phẩm của tư vấn thiết kế phải qua các khâu quản lý kiểm duyệt của các cơ quan thẩm tra, thẩm định…thì sao? Chúng ta phải hiểu rằng các khâu công tác này cũng không thể thay thế bổn phận của tư vấn thiết kế, trách nhiệm của họ cũng chỉ có thể giới hạn ở những phần cơ bản của bộ sản phẩm thiết kế. Hơn nữa chất lượng sản phẩm của tư vấn thiết kế lại không thuần túy chỉ là những gì cụ thể, trong khi các nhà tư vấn thiết kế lại rất biết cách làm “hàng” của họ.
Chất lượng của sản phẩm thiết kế cũng chỉ có thể nhận thấy được một phần nào trong quá trình diễn biến xây dựng, khó khăn đâu thì cùng nhau giải quyết và cuối cùng thì công trình cũng được xây dựng xong, “tiền nào của nấy” rồi cũng xong.
Thời gian cứ trượt đi, đã lâu lắm rồi, hàng ngàn công trình kiến trúc đã ra đời theo cách như vậy. Các nhà tư vấn thiết kế rất hiểu về quy trình và rất biết cách ứng xử qua các giai đoạn công việc mà họ phải làm. Nhưng một điều sâu xa của hệ thống này, chỉ đến khi ngồi vào hội thảo, chỉ đến khi tổng kết một chặng đường đã qua của nền kiến trúc Việt Nam… hầu như chúng ta không mấy tự hào về nó.
Trong phạm vi câu chuyện này, chúng ta chỉ nói về trách nhiệm của tư vấn thiết kế, trước lịch sử xây dựng của đất nước. Có phải là “tiền nào của nấy” hay không, cái “Tâm” của nhà tư vấn thiết kế để ở đâu?
Có thể nói ai cũng hiểu rằng hầu hết các KTS được đào tạo với cái nghề mà “Tâm” của họ chỉ nghĩ cho công việc tương lai. Thiết kế chính là công việc lập kế hoạch cho tương lai, là gửi gắm những “mơ ước” - ý đồ của mình trên giấy. Dù ở trình độ nào thì bản năng của các KTS là như vậy và cái “Tâm” của họ là như vậy. Nó luôn có ở trong mỗi người, chỉ có điều trong một hoàn cảnh nào đó, nó không được thức tỉnh mà thôi.
Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ / thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Thuận (nguồn: Ashui.com)
Thiết kế phí phải đủ dùng vào những việc gì?
Quan niệm thế nào cho đúng về thiết kế phí. Nếu hiểu rằng đó là một khoản tiền để trả công cho thời gian và sản phẩm của nhà tư vấn thiết kế, đủ để họ sống thì đơn giản quá. Chúng ta cần phải hiểu rằng tư vấn thiết kế là những công việc không thể là sản phẩm của một người, mà là sản phẩm phối hợp của nhiều chuyên gia, của một tổ chức tư vấn. Chi phí cho tổ chức tư vấn để có thể hoạt động được bình thường, có thể phải kể đến tối thiểu như sau:
- Cơ sở vật chất, văn phòng làm việc và các trang thiết bị văn phòng phẩm, máy móc và các phần mềm cần thiết… Đây là những chi phí rất lớn, đòi hỏi tổ chức tư vấn phải thường xuyên mua sắm, thay thế và cập nhật. Phải đủ các công cụ mạnh mới có thể đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và làm ra sản phẩm.
- Phải có một đội ngũ chuyên gia đủ mạnh, có mức lương đảm bảo đủ cho cuộc sống của họ ổn định, yên tâm công việc mà họ đang làm.
- Phải đủ chi phí trang trải cho những rủi ro mà thực tế là một đặc thù của nghề nghiệp. Đây là những việc rất bình thường của các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc (không phải do năng lực yếu kém), kể cả những rủi ro khách quan từ phía đối tác.
- Phải đủ phương tiện và chi phí đi lại trong quá trình giám sát tác giả. Đây cũng là một trong những khoản chi phí rất lớn, phải chi trả trong nhiều năm theo thời gian công trình xây dựng. Sự tích cực có mặt ở công trường của tác giả thiết kế sẽ giúp cho công trình nâng cao chất lượng rất nhiều.
- Phải có đủ các chi phí để thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia của tổ chức mình (phải cập nhật thông tin, công nghệ, đi nước ngoài thăm quan, học hỏi, tham dự các hội thảo khoa học, đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chế tạo thử, làm mẫu…). Đây là những khoản chi phí rất lớn, hiện tại ở Việt Nam rất ít các tổ chức tư vấn làm tốt được các công việc này. Trong khi đây lại là những công việc quan trọng số một để phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn.
Còn rất nhiều các khoản chi phí khác chưa thể kể ra đây trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức tư vấn thiết kế.
Thế mới biết rằng, các tổ chức tư vấn thiết kế nước ngoài được trả thiết kế phí cao hơn chúng ta rất nhiều lần là có cái lý của họ! Và nền kiến trúc của họ luôn hiện đại, với những sáng tạo không ngừng là vậy.
Sự thật khó gỡ
Hiện tại, các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam đang phải bươn chải hàng ngày với nghề nghiệp của mình. Họ phải làm quá nhiều việc, trong một năm đáng ra họ chỉ phải làm một hai công trình là đủ để chi phí cho doanh nghiệp, song thực tế họ phải làm tới cả chục công trình mà vẫn không đủ để nuôi sống nhau! Đây là chưa kể đến họ phải làm nghề trong một môi trường mà thủ tục vô cùng phức tạp. Vậy thử hỏi thời gian đâu để nghiên cứu sâu, làm kỹ, kể cả có cái “Tâm” cũng không thể tốt hơn được.
Như trên đã nói, đối với tư vấn thiết kế Việt Nam có công việc làm là tốt rồi, họ đã quen rồi, quen cách làm “bài” và trả “bài” rồi. Cứ như thế lâu dần, từ thế hệ này sang thế hệ khác, quan niệm về một cái “đúng” đã được xác lập và truyền cho nhau. Đầu tiên là “bệnh”, sau trở thành “mãn tính”, mãn tính kéo dài sẽ không còn là bệnh nữa. Hệ thống của Việt Nam quy định như thế và họ đã hoàn thành như thế. Các KTS dẫu có hiểu sâu sắc về câu chuyện này cũng khó có thể đánh thức cái “Tâm” của mình trỗi dậy được.
Kết quả là gì? Chúng ta chỉ có thể có một nền kiến trúc như trong các hội thảo, các tổng kết đã nói - không mấy tự hào!
Câu chuyện làm nghề của các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam đã trở thành một thứ “văn hóa hành nghề” không dễ thay đổi. Vấn đề chỉ có thể khác khi có một quan niệm đúng về sự hy sinh cho công việc của họ.
TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét