Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Sống làng nhàng, lười tự học là nguyên nhân thất bại

Là một doanh nhân, tôi thường nhận được câu hỏi của nhiều bạn trẻ: cần phải tự học như thế nào để giàu có và thành công?
Trong môi trường các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, như tôi quan sát, có nhiều bạn trẻ bằng lòng với công việc mình đang làm. Các bạn còn thờ ơ với sách vở, xem việc có tấm bằng đại học là đã đủ. Nhiều bạn chỉ thích lang thang trên mạng và như đang trôi vô định trong dòng đời.

Nhiều bạn đang chọn cuộc sống làng nhàng và không có nhu cầu tự học hay tự hoàn thiện bản thân. Và như là một sự tất yếu, may mắn chỉ mỉm cười với những người luôn nỗ lực vươn lên và chủ động tạo cơ hội cho mình.
Sống làng nhàng, lười tự học là nguyên nhân thất bại
Là lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, tôi luôn mong muốn công ty mình trở thành một tổ chức học hỏi. Tôi thành lập thư viện, tặng sách hay cho nhân viên, tổ chức các buổi đào tạo, quan tâm đến hoạt động của Đoàn thanh niên, hỗ trợ chi phí học đại học cho nhân viên… Tôi mong muốn tạo điều kiện để các bạn trẻ trong công ty có cơ hội phát triển bản thân thông qua việc tự học.

Tuy nhiên, người lãnh đạo hay đàn anh đi trước chỉ có thể gợi mở, định hướng, tạo điều kiện chứ không thể bắt ép nhân viên đọc sách hay thúc ép tham gia các khóa học. Chưa kể dù có ngồi trong lớp học đi nữa mà người đó không thích hoặc không muốn ứng dụng điều mình học vào cuộc sống, biến kiến thức của thiên hạ thành tài sản của bản thân thì thời gian ngồi trong lớp học cũng thành vô ích!

Cho nên, chia sẻ với những bạn trẻ, tôi cho rằng điều đầu tiên cần phải xác định học hỏi là một nhu cầu của bản thân, để mỗi người có thể giỏi hơn, hoàn thiện mình hơn ngày hôm qua.

Một ngày trôi qua mà không tiếp thu, tích lũy được điều gì mới, có ích thì đó là một ngày lãng phí!

Việc tích cực học hỏi có thể chưa mang lại ngay vị trí tốt hơn trong công việc nhưng chắc chắn với tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng học hỏi, bạn trẻ đó sẽ làm tốt hơn công việc được giao và giúp ích được những người xung quanh. Hơn nữa, chính kiến thức được tích lũy và những thành công nho nhỏ trong công việc sẽ giúp chúng ta tự tin và vui sống.

Bạn có đồng cảm với những gì tác giả Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ? Theo bạn, vì đâu các bạn trẻ dễ dàng tự hài lòng với chính bản thân mình và đánh mất những động lực vươn lên?
Trong quá trình làm việc, liệu bạn có gặp được một người sếp như tác giả bài viết, hay chỉ gặp những người sếp thiếu tâm lẫn thiếu tầm...? Và lúc đó thái độ sống của bạn là gì?
Hãy chia sẻ cùng thuyloivn.com qua địa chỉ ngoctu47@gmail.com hoặc pageface của website
Internet, sách vở hiện nay là nguồn kiến thức vô tận. Tôi biết rất nhiều người thành đạt, giàu có và lớn tuổi hơn tôi nhưng đang không ngừng học hỏi. Vừa rồi tôi có trò chuyện với cô Tôn Nữ Thị Ninh. Cô Ninh cho biết một trong những điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời cô là có một giai đoạn vì quá bận rộn nên cô không có thời gian đọc sách.

Các bạn nhân viên từng vào phòng làm việc của tôi và thấy tôi đọc sách. Và mỗi lần bước chân vào cửa hàng sách, tôi luôn choáng ngợp kèm theo nỗi lo lắng. Có quá nhiều sách mới, kiến thức mới mà mình cần phải biết. Tác dụng và ý nghĩa của việc đọc sách chắc không cần phải nhắc lại. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thomas Carlyle: “Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.

Cần có huấn luyện viên
Cũng hãy xem ví dụ về các vận động viên tennis nhà nghề. Đa số họ đều có huấn luyện viên và nếu vận động viên phải thi đấu với huấn luyện viên, có lẽ đa số vận động viên sẽ chiến thắng. Thế nhưng, tại sao họ vẫn cần huấn luyện viên. Vì huấn luyện viên là người có thể nhìn ra những điểm mà vận động viên chưa hoàn thiện và giúp họ rèn luyện để cải tiến.

Trong đời thực cũng vậy. Ngoài những người thầy trên lớp, bạn vẫn nên tìm kiếm để có được những người thầy ngoài giảng đường, giúp định hướng và chỉ ra được những điểm chưa tốt để mình hoàn thiện. Bạn có thể học hỏi và ghi nhận những lời chỉ dẫn từ lãnh đạo phòng, các bạn đồng nghiệp, người thân trong gia đình.

Cuối cùng, việc tự học còn đến từ sự dấn thân và trải nghiệm. Chính thực tế khắc nghiệt sẽ là người thầy khó tính nhưng giàu kinh nghiệm. Chỉ có hành động mới mang lại kết quả và thất bại sẽ giúp bạn trưởng thành.

Để can đảm dấn thân, bạn cần một thái độ sống tích cực và sẵn sàng học hỏi. Thomas Edison đã không lùi bước sau 999 lần thất bại trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. Có thể các công việc khi bắt đầu chỉ là những công việc giản đơn, buồn tẻ. Nhưng nếu bạn hoàn thành một cách xuất sắc, bạn sẽ được công nhận. Tôi định nghĩa sự chuyên nghiệp chính là việc hoàn thành công việc được giao vượt trên sự mong đợi.Bạn hãy trở thành một người làm việc chuyên nghiệp như giá trị cối lõi của công ty đã đề ra.

Luôn luôn có cơ hội thành công và làm giàu cho những bạn không ngừng học hỏi và nỗ lực vươn lên. Cuộc sống vốn công bằng. Bạn sẽ nhận được những gì mình nỗ lực và cho đi. Hãy đừng bằng lòng với một cuộc sống buồn tẻ, làng nhàng mà hãy cố gắng đọc sách, học tập trong và ngoài giảng đường, dấn thân, trải nghiệm để sống một cuộc đời có ích.

Học tập là sự nghiệp của cả một đời người!

NGUYỄN TUẤN QUỲNH
Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn – SFC
Theo tuoitre.vn

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Thiết kế kết cấu Nhà máy Gạch KCN Lễ Môn - Thanh Hóa

CÔNG TRÌNH NHÀ MÁY GẠCH LÁT NỀN CAO CẤP
Khu A KCN Lễ Môn – Thanh Hóa
CĐT: Cty ĐTPT Đô thị - CT Cổ phần

Quy mô gồm 3 nhà thép:
- Nhà 1: Nhà kép: Dài 48m; Rộng 56m; Cao 14m
- Nhà 2: Dài 35m; Rộng 30m; Cao 30m
- Nhà 3: Dài 72m; Rộng 30m; Cao 12m
Dưới đây hình ảnh thiết kế của 3 nhà.
Tổng thể 3 nhà
Cắt ngang khung nhà số 1

Kết cấu khung nhà số 2

Kết cấu nhà số 3
www.thuyloivn.com

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Một số file sử dụng trong tính toán

Kết cấu thép
Kết cấu bê tông cốt thép
Cọc – gia cố đất yếu
Giao thông

Thủy lợi

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Thêm nhiều lựa chọn break đối tượng trong autocad với lisp My Break Object

Với gần 10 lựa chọn phương thức break các đối tượng trong autocad của lisp My Break Object sau đây sẽ giúp cho việc thiết kế trên autocad càng được nhanh và chính xác hơn.
Thông tin chung về lisp
Mục đích : Cắt các đối tượng : lines, lwplines, plines, splines, ellipse, circles & arcs tại các giao điểm.
Yêu cầu : các đối tượng có cùng cao độ (tọa độ Z)
Hạn chế : không cắt các đối tượng trên các Layer bi khóa (locked layers)

Các lệnh và chức năng trong lisp
+ MyBreak - Giao diện hộp thoại các chức năng.
+ BreakAll - Cắt các đối tượng được chọn có giao điểm với tất cả các đối tượng khác
+ BreakwObject - Cắt các đối tượng được chọn tại giao điểm với 1 đối tượng
+ BreakObject - Cắt 1 đối tượng được chọn có giao điểm với các đối tượng khác
+ BreakWith - Cắt các đối tượng được chọn có giao điểm với các đối tượng khác
+ BreakTouching - Cắt các đối tượng có giao điểm với các đối tượng được chọn (bao gồm các đối tượng được chọn)
+ BreakSelected - Cắt các đối tượng được chọn có giao điểm với các đối tượng khác
+ BreakWlayer - Cắt các đối tượng được chọn có giao điểm với các đối tượng khác có layer xác định
+ BreakWithTouching - Cắt các đối tượng có giao điểm với các đối tượng được chọn(không bao gồm các đối tượng được chọn)
+ Break Gap cho phép user nhập giá trị cắt (khoảng hở) lớn hơn 0
Video thực hiện một số tính năng của lisp
Bản quyền của tác giả Charles Alan Butler 2006-2008 www.TheSwamp.org
phiên bản 1.8 Nov. 20,2008
thuyloivn.com sưu tầm

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Sự thật giá nhà đất ở Việt Nam

Để chứng minh cho giá nhà đất Việt Nam đắt đỏ “nhất thế giới” nhiều người thường đưa ra bằng chứng là giá nhà ở Việt Nam gấp 25 đến 30 lần thu nhập, trong khi đó các nước khác chỉ có 2-4 lần. Thực tế giá nhà ở Việt Nam không quá đắt như nhiều người vẫn tưởng tượng.
Giá nhà đất Việt Nam đang ở mức nào?
Trang web Numbeo, một trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát cho thấy phần nào mức độ đắt đỏ của giá nhà ở Việt Nam. Có nhiều tiêu chí để đo lường mức độ đắt đỏ của giá nhà. Trong đó, tiêu chí, giá nhà đất trung bình của một căn hộ chuẩn so với thu nhập ròng của một gia đình (Price to income ratio) được xem là một tiêu chi chuẩn.
 
Chỉ số giá nhà trên thu nhập (Price to Income Ratio). Nguồn: Numbeo.com
Xét ở tiêu chí đó theo số liệu của Numbeo.com ta thấy chỉ số giá nhà trên thu nhập của Việt Nam là 13,77 lần. Trong đó, giá nhà được tính là trung bình một căn hộ 90 m2 tại ở trung tâm đô thị và vùng ngoại ô. Thu nhập được tính là thu nhập của một của hộ gia đình được tính bằng 1,5 lần thu nhập ròng (thu nhập sau thuế và phí) của một người lao động. Việt Nam chỉ đứng thứ 31 về mức độ đắt đỏ trong số 103 quốc gia được xếp hạng trên Numbeo.

Giá nhà đất Việt Nam con rẻ hơn một cách tương đối so với tại Campuchia (36 lần), Singapore (25,38 lần), thậm chí còn rẻ hơn so với Trung Quốc, Hongkong, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan...

Số liệu thống kê này cho thấy giá nhà ở Việt Nam không phải đắt nhất thế giới như nhiều người vẫn hay nghĩ. Nguyên nhân là người ta hay nhìn giá nhà ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM để so sánh. Trong khi đó phần lớn dân số vẫn Việt Nam vẫn sống ở các vùng nông thôn và các đô thị nhỏ giá nhà cũng không thật sự cao.

Giá nhà tại Hà Nội đắt thứ 3 thế giới
Thống kê mới nhất của Numbeo cho thấy chỉ số giá nhà trên thu nhập tại Hà Nội lên đến 34,59 lần, đứng thứ 4 trong số gần 400 thành phố trang web này khảo sát. Giá nhà Hà Nội chỉ thấp hơn Phnom Penh của Campuchia (45,45), Tbilisi của Georgia (45,33) và Thẩm Quyến của Trung Quốc (35,14). Theo thống kê này thì giá nhà đất tại Hà Nội hiện tại cao hơn nhiều tại HongKong, Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok khi so với thu nhập trung bình. Giá nhà đất tại Hà Nội vượt xa giá nhà tại Tp HCM trung bình chỉ 11,02 lần.

Về phương pháp luận, cũng tương tự như trình bày ở trên giá nhà được tính trung bình tại căn hộ 90m2, còn thu nhập tính theo thu nhập ròng một hộ gia đình. Cũng theo khảo sát của Numbeo, mức thu nhập ròng trung bình của hộ gia đình tại Hà Nội vào khoảng 9 triệu đồng/tháng. Giá nhà tại trung tâm thành phố vào khoảng 45 triệu đồng/m2, ngoại ô là 18 triệu đồng/m2.

Một chỉ số khác cũng đáng được lưu ý là nếu ước tính một gia đình tại Hà Nội vay ngân hàng với lãi suất 12% /năm và trong vòng 20 năm thì hàng tháng họ phải trả tới gần 5 lần thu nhập của họ. Có lẽ với mức giá này thì ít gia đình có thể tự mua được nhà.

Ở đây cũng cần lưu ý là nếu so sánh con số tuyệt đối thì giá nhà ở Hà Nội vẫn thấp hơn rất nhiều thành phố khác ở các nước trong khu vực.

Bất động sản Việt Nam về đâu?
Kể từ năm 2008 tới nay giá nhà đất Việt Nam không ngừng đi xuống và xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Giá nhà đất đi ngược chiều so với hầu hết các hàng hóa khác trong nền kinh tế. Nguyên nhân, bong bóng bất động sản lúc trước đã được đẩy lên quá cao vượt xa giá trị thật của nó. Do vậy, việc giảm giá như là một quy luật tất yếu.

Tuy nhiên, liệu giá nhà đất có tiếp tục giảm hay không? Kết quả khảo sát của Numbeo dù không phải là số liệu hoàn toàn đáng tin cậy nhưng nó cũng là một con số tham khảo rất có giá trị. Thứ hạng của Việt Nam đứng 31 thế giới cho thấy giá nhà Việt Nam không phải là quá đắt đỏ. Chỉ có Hà Nội sau một số cơn sốt đất đã làm cho mặt bằng giá trở nên quá cao nhưng vẫn được duy trì khá cao. Tại Tp.HCM giá nhà đất đã giảm khá mạnh tại các dự án mới. Đây là một dấu hiệu khá tích cực bởi sự linh hoạt này sẽ tạo ra tính thanh khoản cho thị trường nhà đất tại đây.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay thì thị trường nhà đất rất khó phục hồi. Thậm chí, tại Hà Nội hay một vài thành phố khác giá nhà đất phải tiếp tục giảm xuống mức hợp lý. Tại Tp.HCM một thị trường lớn nhất cả nước nhiều khả năng đã đi vào vùng đáy sau khi liên tục điều chỉnh.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam thường bất ngờ và khó đoán. Nhiều người thường nói “có ai sống bằng lương đâu”. Câu này có thể ứng nghiệm ở những địa phương như Hà Nội. Do vậy, khảo sát của Numbeo cũng chỉ cho kết quả tương đối. Giá nhà Hà Nội cũng khó giải thích như thu nhập của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.

Theo ashui.com- Hoàng Nam

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Vô địch giải bóng đá sinh viên toàn quốc năm 2013

wru.edu.vn- Trong những cuộc đối đầu giữa các đội bóng ở Hà Nội với Hải Phòng, cả ngàn CĐV đất Cảng lặn lội hơn trăm cây số đến thủ đô, ngồi kín khán đài, cổ vũ cuồng nhiệt. Đặc biệt cổ động viên của trường ĐH Thủy Lợi họ cổ vũ hết sức nhiệt tình và rất chuyên nghiệp có tổ chức, bất kể trận đấu vòng loại hay các trận đá loại trực tiếp, hàng ngàn cổ động viên vẫn đến sân cổ vũ cũng như ngồi tại Hội trường T35 biến mỗi trận đấu của ĐH Thủy Lợi trở thành ngày hội bóng đá, từ các các em sinh viên đến các thầy cô của trường đều thể hiện sự cuồng nhiệt, niềm đam mê trái bóng tròn đến tình yêu dành cho đội bóng thân yêu, cho ngôi trường thân yêu.
Trận chung kết giữa hai đội bóng Thủ đô diễn ra trong bầu không khí nóng bỏng cả trên khán đài lẫn dưới sân cỏ bởi hàng ngàn cổ động viên ở trong và cả ngoài sân. Banrol biểu ngữ ngập 2 bên khán đài của sân vận động Bách Khoa, một ngày hội thật sự của sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học đặc biệt là 2 trường có bề dày truyền thống về bóng đá phong trào là Đại học Thủy Lợi và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Đại học Thủy Lợi (áo trắng) - Đại học Bách Khoa (áo đỏ) ra sân trong trận chung kết
 Đại học Thủy Lợi ra trận với một quyết tâm cao
Trận tái đấu của trận chung kết khu vực Hà Nội cách đây chỉ hơn 1 tháng chính vì vậy mà hai đội đã quá hiểu nhau, cả ĐH Bách khoa HN và ĐH Thủy lợi đều nhập cuộc nhanh, thi đấu quyết liệt. Trước trận thi đấu Đại học Thủy Lợi gặp bất lợi lớn khi đội trưởng Anh Đức vắng mặt do lĩnh đủ số thẻ phạt cho phép thế nhưng thế trận lấn lướt vẫn được ĐH Thủy Lợi tạo ra, ngay ở phút thứ 6, với một cú sút căng và hiểm hóc trong vòng cấm, Trần Quang Nguyên (số 14) đã bất ngờ giúp ĐH Thủy lợi vượt lên dẫn trước 1-0.

 Niềm hân hoan của các cổ động viên Đại học Thủy Lợi
 Sau bàn thắng, ĐH Thủy Lợi chủ động chơi phòng ngự chắc chắn, gây nhiều khó khăn cho các tiền đạo của ĐH Bách khoa HN. Chân sút Văn Thái bị các hậu vệ đối phương bắt chặt nên ĐH Bách khoa HN thi đấu khá bế tắc. Trong khi ĐH Thủy Lợi vẫn là đội làm chủ các đường bóng. Lối đá phản công sắc sảo của ĐH Thủy lợi gây ra nhiều sóng gió cho khung thành đội chủ nhà, trong đó có pha dứt điểm bóng vọt xà của Hoài Sơn.

ĐH Bách khoa càng gặp khó khi gần cuối hiệp 1, trung vệ Tuấn Anh nhận thẻ vàng thứ 2, phải rời sân. Chơi thiếu người, dù rất nỗ lực trong hiệp 2 nhưng các chân sút ĐH Bách khoa HN không thể làm nên chuyện.

Trong khi đó, từ một pha tạt bóng, Đức Thái dễ dàng đệm bóng cận thành tung lưới thủ thành Tiến Cường, ấn định chiến thắng 2-0 cho ĐH Thủy lợi.
Bàn thắng nâng tỷ số trận đấu lên 2-0 của Đức Thái - ĐH Thủy Lợi đã là nhà vô địch

Niềm hạnh phúc ngập sân bóng và trên khán đài của thầy và trò ĐH Thủy Lợi
Thành công của Giải bóng đá sinh viên toàn quốc Truyền hình Quốc phòng - Cúp Viettel 2013 là trên cả mong đợi. Trong 31 trận đấu của giải, các cầu thủ của 16 đội bóng đã thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn, quyết liệt. Dù là một giải phong trào nhưng chất lượng cầu thủ và các trận đấu khá cao

Những đội bóng đi tới những trận đấu cuối cùng của giải xứng đáng được chọn và góp phần quan trọng làm nên chất lượng giải: Nếu ĐH Thủy lợi đồng đều ở các tuyến, đấu pháp hợp lý, ĐH Hải Phòng có hàng công đầy hiệu quả thì Bách khoa HN có các cá nhân xuất sắc cầm chịch đội bóng.

Ngày hội của bóng đá sinh viên Việt Nam đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ đến sân cổ vũ. Có những trận mà sự sôi động trên khán đài không thua kém gì ở giải bóng đá chuyên nghiệp V-League. Trong những cuộc đối đầu giữa các đội bóng ở Hà Nội với Hải Phòng, cả ngàn CĐV đất Cảng lặn lội hơn trăm cây số đến thủ đô, ngồi kín khán đài, cổ vũ cuồng nhiệt. Đặc biệt cổ động viên của trường ĐH Thủy Lợi họ cổ vũ hết sức nhiệt tình và rất chuyên nghiệp có tổ chức, bất kể trận đấu vòng loại hay các trận đá loại trực tiếp, hàng ngàn cổ động viên vẫn đến sân cổ vũ cũng như ngồi tại Hội trường T35 biến mỗi trận đấu của ĐH Thủy Lợi trở thành ngày hội bóng đá, từ các các em sinh viên đến các thầy cô của trường đều thể hiện sự cuồng nhiệt, niềm đam mê trái bóng tròn đến tình yêu dành cho đội bóng thân yêu, cho ngôi trường thân yêu.

Chúng ta đã là nhà vô địch - Tự hào trường Đại học Thủy Lợi Anh Hùng
Được biết, với mong muốn đưa giải bóng đá phong trào được đông đảo giới sinh viên cả nước mong đợi lên một tầm cao mới, đồng thời hỗ trợ, cổ vũ các hoạt động của thế hệ trẻ góp phần xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Viettel dự kiến sẽ đồng hành cùng giải đấu trong nhiều năm tiếp theo.

Kết quả ĐH Thủy lợi giành ngôi vô địch cùng 80 triệu đồng tiền thưởng.
Á quân ĐH Bách khoa HN nhận 60 triệu đồng.
Hai đội đồng giải 3 là ĐH Hàng hải và ĐH Hải Phòng, mỗi đội nhận 40 triệu đồng.
Đức Thiện (ĐH Thủy Lợi) được bầu là thủ môn xuất sắc nhất giải.
Đại học Thủy Lợi còn được nhận những giải thưởng: cầu thủ xuất sắc nhất giải, thủ môn xuất sắc nhất giải, huấn luyện viên xuất sắc nhất giải, cổ động viên xuất sắc nhất giải.


Bài: Bình Dương - Ảnh: Phạm Tuyền - Hoàng Dũng

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Thủy lợi hay... thủy hại

Miền Trung với đặc điểm các con sông đều ngắn, dốc, lưu vực nhỏ nên đỉnh lũ nhọn, hễ mưa lớn hầu như sẽ có lũ. Địa hình miền Trung hẹp ngang, có nơi chỉ 40 km, dãy Trường sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, có nơi núi đâm ra tới biển (Đèo Cả, đèo Hải Vân). Địa hình không có vùng trung du nên lũ tập trung rất nhanh.
Không có khả năng chống lũ chính vụ
Các cửa sông luôn bị đưa lên phía Bắc do tác động của dòng hải lưu gần bờ và bị bồi lấp bởi gió mùa Đông Bắc. Hàng năm, chịu ảnh hưởng trung bình 6-7 cơn bão, có năm lên tới 10 cơn bão với lượng mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12.

Các trung tâm kinh tế- xã hội ở miền Trung đều tập trung ở các vùng ven biển thường xuyên bị ngập lụt khi có lũ lớn, đặc biệt khi có lũ kết hợp triều cường. Đường quốc lộ 01 và đường sắt chạy dài từ Bắc vào Nam như một tuyến đê ngăn lũ, chênh lệch mực nước giữa thượng và hạ lưu khi có lũ lên tới 2,3 m.
 
Miền Trung trong trận lũ lịch sử vừa qua. (Ảnh: Lao Động)
Mỗi khi lũ lụt xảy ra, gây thiệt hại lớn, người ta thường đổ cho nguyên nhân chính là do mưa lớn/ thiên tai xảy ra trong năm nay quá đặc biệt so với nhiều năm. Rồi sẽ hứa là rà lại qui trình một cách nghiêm khắc, nâng cao công tác dự báo vv...

Chỉ tính riêng số công trình thuỷ lợi các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá tới Khánh Hoà có 2.855 hồ chứa, 2.524 đập dâng và đê các loại 3.535 km. Các công trình này được xây dựng qua nhiều thời kỳ, đã xuống cấp, phần lớn không có dung tích phòng lũ. Riêng các công trình được đầu tư sửa chữa bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hoặc trái phiếu Chính phủ thì còn đảm bảo chống lũ theo tần xuất thiết kế.

Nhìn lại năm 1999, miền Trung thực sự bị lũ lịch sử gây ra thảm họa thiên tai cả về người và của. Năm nay (2013) lũ nhỏ hơn năm 1999, ngoại trừ một vài nơi có lũ lớn như Quảng Bình, Quảng Ngãi vv…Năm 1999 thời gian mưa 05 ngày với lượng mưa đến 1700 mm. Năm nay, lượng mưa chủ yếu từ 24- 48 giờ với lượng mưa 800 mm. Các trạm đo An Chí, Ba Thê, Minh Long cho thấy cường độ mưa rất lớn hơn 100 mm/giờ.

Sông Trà Khúc vượt lũ lịch sử do cường độ mưa quá cấp tập.

Nguyên nhân gây ra lũ là các trận bão liên tiếp từ cơn bão số 10 đến 15 và áp thấp nhiệt đới, gây ra cường độ mưa lớn và liên tục. Lượng mưa gây ra bởi ảnh hưởng của các cơn bão này cũng rất lớn, trong đó có những vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Phú Yên, Bình Định. Có những trận mưa lên tới 500- 600 mm tập trung trong vòng có 1-2 ngày.

Có thể thấy đây là nguyên nhân chính gây lên tình hình ngập úng nặng tại miền Trung vừa qua. Cũng do mưa lớn kéo dài liên tục, vừa dứt đợt trước lại tiếp tục có đợt mưa mới nên lượng nước sẵn có trên bề mặt, trong các sông suối, kênh mương chưa kịp tiêu thoát hết. Chịu tác động tương tự là các hồ chứa, lượng nước về hồ chưa kịp xả hết lại đón nhận đợt lũ tiếp theo.

Do nguyên nhân mưa lớn kéo dài, chính quyền và nhân dân phải liên tục đối phó trong tình trạng khó khăn về mọi mặt, giao thông, liên lạc bị chia cắt, năng lượng không đảm bảo, nhu yếu phẩm khó khăn, khiến cho công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn và thiệt hại tăng lên rất nhiều.

Mặt khác, rừng đầu nguồn bị khai thác nhiều, không còn là vùng đệm và khả năng điều hòa dòng chảy. Cơ sở hạ tầng phát triển không theo quy hoạch, nhiều vật cản kể cả đường giao thông làm cho khả năng thoát lũ chậm. Một số cửa sông bị bồi lấp như cửa Đại (Vu Gia - Thu Bồn), cửa Lở (Trà Khúc), cửa Đà Rằng (sông Ba) làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ làm thời gian lũ ngập lâu hơn và mực nước lũ cao hơn.

Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở miền Trung không có khả năng chống lũ chính vụ mà chỉ tham gia chống lũ sớm và lũ muộn. Khác hẳn với lưu vực sông Hồng là các hồ chứa như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà đều tham gia chống lũ chính vụ.

Hệ thống công trình hồ chứa ở miền Trung khi thiết kế và thi công, hầu hết chỉ coi trọng nhu cầu phát điện, không có dung tích phòng lũ hữu hiệu. Chất lượng công tác dự báo kém cho nên quy trình vận hành xả lũ lúng túng không phù hợp với thực tế.

Lũ rất nhanh mà trong quy trình chỉ thông báo trước 02 giờ, lại không kịp đến tất cả người dân cho nên nếu gặp thời điểm xả lũ vào ban đêm hay đồng loạt xả lũ thì nguy cơ đến tính mạng người dân là điều dễ hiểu.

Năm nay lũ về nhanh và tàn phá nhiều vùng do mưa lớn kết hợp với việc thủy điện lo sợ vỡ đập đã cùng nhau xả lũ, khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai là những nơi chịu lũ vì thủy điện. Riêng Quảng Nam lũ xảy ra do tác động của lượng mưa quá lớn.

Những nơi bị lũ tràn về thật khó mà tả cho hết nỗi đau do mất mát của người dân. 

Bầm dập vì phá rừng
Lập quy trình vận hành liên hồ chứa rất phức tạp và còn khá mới mẻ đối với nước ta.

Cho đến nay chưa có quy trình vận hành mùa lũ nào được phê duyệt. Lợi ích về năng lượng của thủy điện đã rõ, nhưng bầm dập do phá rừng, xả lũ chưa hợp lý, thay đổi dòng chảy tác động xấu đến môi trường của nhiều đập thủy điện như vết sẹo để lại thì vẫn còn mãi mãi…
Khu tái định cư của người dân, nhường đất làm thủy điện. (Ảnh: Vũ Điệp)
Mặc dù thủy điện chiếm tỷ trọng đáng kể nhưng toàn bộ hệ thống không có dự phòng cho nên bất cứ biến động nhỏ nào như bất lợi về thủy văn, ngưng bảo trì, sửa chữa do sự cố, biến động giá xăng dầu, khan hiếm than, khí thì hệ thống rơi ngay vào tình trạng thiếu điện.

Nếu hệ thống có độ dự phòng, thì thủy điện có thể tích nước phòng khi khô hạn. Trong khi đó, cả hệ thống phải ăn đong từng ngày, thì thủy điện, cũng ăn đong từng mét nước. Đấy là chưa kể còn phải đi mua điện tận Trung Quốc, dễ gặp nhiều rủi ro không lường trước.

Hầu hết các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ do chủ đầu tư đứng ra thuê tư vấn lập quy trình vận hành hồ chứa phục vụ cho mục đích riêng của mình nên có nhiều bất cập. Quy trình vận hành hồ chứa, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiều khi các hồ chứa chỉ làm cho có, báo cáo kỹ thuật để thuyết minh quy trình không đủ để chứng minh các số liệu thể hiện trong quy trình.

Các công trình thuỷ lợi chỉ có quy trình vận hành bảo đảm an toàn cho công trình và theo biểu đồ cấp nước. Quy trình vận hành liên hồ mùa lũ mới chỉ có lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Sông Ba do Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Nguyên tắc lập quy trình vận hành là dựa trên các tài liệu địa hình, khí tượng thủy văn xác định lưu lượng đến hồ đươc tính toán bằng mô hình thủy văn mưa dòng chảy (mô hình NAM). Tính toán mô hình thủy lực hệ thống sông bằng mô hình thủy lực hệ thống sông (mô hình MIKE 11) . Biên trên của mô hình thủy lực là quá trình lưu lượng theo thời gian Q = f(t). Biên dưới của mô hình thủy lưc là quá trình mực nước theo thời gian Z = f(t) tại các cửa sông đổ ra biển.

Các vết lũ lịch sử 10/1999 được sử dụng trong quá trình mô phỏng để chọn bộ thông số cho mô hình thủy lực. Tính toán mô phỏng và kiểm định mô hình xem xét giữa sai số thực đo và tính toán với bộ thông số của mô hình.

Trong bài toán vận hành hồ chứa, có 2 khối rất quan trọng đó là khối quy trình vận hành bao gồm xả nước, đón lũ, điều tiết cắt giảm lũ và diễn toán lũ sau khi điều tiết qua các hồ chứa và mạng sông về dưới hạ lưu..

Một số tồn tại: Công nghệ dự báo mưa, dòng chảy trên hệ thống sông sử dụng mô hình HRM, ETA ứng dụng cho các trạm khí tượng thủy văn chỉ chính xác 60-65% với thời gian dự kiến 48 giờ, và chính xác 50-60 % thời gian dự kiến 05 ngày. Khả năng dự báo dòng chảy trên sông chỉ đạt 50-65% do mật độ phân bố trạm mưa không đều, địa hình bị chia cắt, phân hóa mạnh.

Tiêu chí xây dựng hồ chứa thủy điện ở miền Trung ưu tiên theo thứ tự: An toàn công trình, phát điện, cấp nước cho hạ du, chống lũ. Thực tế quy trình việc cấp nước cho hạ du không rõ ràng. Với nhận thức tầm nhìn mới, phải đảo lại thứ tự ưu tiên: 1) An toàn công trình. 2) Cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du. 3) Đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du. 4) Phát điện.

Nếu đổi lại thứ tự ưu tiên, phải hy sinh phần phát điện cho mục tiêu chống lũ ở những vùng cần thiết thì phải điều chỉnh lại bài toán quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Chế tài xử lý
Cần rà soát, bổ sung lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch của các ngành, và địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tính toán lại một cách hệ thống lũ khả năng lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng hạ lưu đập.

Tùy điều kiện có thể ứng dụng các phương pháp đơn giản như tính mưa khả năng theo phương pháp thống kê, nếu đủ tài liệu tính theo phương pháp cực đại hóa trận mưa hoặc chuyển vị bão. Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn. Các hồ chứa sau khi kiểm tra thấy cần thiết phải mở rộng tràn hoặc xây thêm tràn sự cố hay còn gọi là tràn dự phòng để đảm bảo thoát lũ khi cần thiết.
Ảnh minh họa: Dân trí
Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu cơ sở khoa học để sớm ban hành quy trình vận hành cho tất cả liên hồ chứa còn lại kể cả mùa lũ và mùa khô. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cho các công trình thủy điện nên xem xét quy định "dòng chảy tối thiểu " cho hợp lý.

Cần nâng cấp các cống tiêu, nạo vét các trục để tăng cường khả năng tiêu thoát. Nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông, xây dựng các tuyến đê mới để chống được mức nước triều với tần suất P=5% có gió bão cấp 9, 10 cộng thêm mức tăng do nước biển dâng.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo, để tăng hiệu ích của hồ chứa. Duy trì dung tích phòng lũ theo thời đoạn, thay đổi quy trình thông báo xả lũ trước 02 giờ thành 06 giờ để người dân kịp thời ứng phó.

Ban hành quy định quy trách nhiệm, chế tài xử lý cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư công trình khi công trình gây sự cố. Ban hành quy định quy trách nhiệm, chế tài xử lý tổ chức, cá nhân trình phê duyệt, và phê duyệt quy trình không đảm bảo chất lượng, để xảy ra thiệt hại, sự cố.

Ban hành quy định phối hợp quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch phòng chống thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ các hồ thủy điện hiện có trên các lưu vực sông để hài hòa lợi ích, ưu tiên bảo đảm nhiệm vụ cho an toàn công trình, an toàn vùng hạ du và vùng lân cận.

Coi trọng các biện pháp phi công trình như tăng cường độ chính xác cho công tác dự báo mưa lũ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp với biến đổi thời tiết, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ven biển. Để chủ động ứng cứu tại chỗ cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ. Việc đầu tư cho các khu nhà ở kiên cố, đường cứu hộ là biện pháp hữu hiệu, an toàn, rẻ rất nhiều so với sự mất mát, tàn phá của lũ lụt như hàng chục năm qua.

"Thủy tai, thủy hại" hay thủy lợi?
Đối với nước nghèo như Việt Nam lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bão lũ xảy ra thường xuyên, vấn đề này càng trở nên đặt biệt nghiêm trọng. Nhà nước đã có nhiều giải pháp và bài học kinh nghiệm phòng tránh thiên tai nhưng xem ra đây vẫn là một thách đố lớn!

Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng của sự phát triển, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Thích ứng một cách chủ động, có các biện pháp công trình kết hợp với phi công trình là yêu cầu tất yếu đối với các nước, đặc biệt là nước còn nghèo như Việt Nam.

Để phòng tránh thiên tai và “nhân tai” một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ.

Từ mảnh sắt con người làm ra cây dao, nhưng tên con dao có khác nhau theo mục đích sử dụng: Công cụ lao động với bà nội trợ, vũ khí tự vệ để giết thú dữ và hung khí gây án của kẻ côn đồ.

Nếu quy hoạch, tính toán thiết kế, thi công và quản lý vận hành các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi sai thì những công trình này sẽ là những thuỷ tai, “thuỷ hại”. Với tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vững và yêu cầu của cuộc sống, thiết nghĩ đã đến lúc phải có tổ chức mới đủ mạnh cho ngành tài nguyên nước, đảm bảo nguyên lý quản lý tổng hợp theo lưu vực sông để khai thác tiềm năng có ích mà vẫn phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả./.
Tô Văn Trường- ashui.com

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Áp dụng thành công công nghệ khoan kích ngầm dự án D3000

Sau 8 năm thi công gặp nhiều khó khăn, gói thầu số 7 thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoạt động theo đúng tiến độ. Sự thành công của dự án đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc áp dụng công nghệ khoan kích ngầm tại Việt Nam, khẳng định các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã thi công được những công trình mà nhà thầu nước ngoài không thể hoàn thành.

Trong quá trình thi công gói thầu “Tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm” do Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc Sở GTVT TP làm chủ đầu tư, nhà thầu Liên doanh TMEC & CHEC3 (Trung Quốc) tiến hành kích ống băng sông Sài Gòn được khoảng 183m/410m cống thì gặp sự cố, đầu khoan bị hỏng nước tràn vào đường ống và nhà thầu đã ngưng thi công. Đến ngày 29/4/2008 nhà thầu từ chối thi công đoạn kích ống băng sông còn lại này, tháo dỡ tất cả bộ phận máy móc và các thiết bị, đường ống phụ trợ... bỏ lại đầu khoan dưới đáy sông.
 
Kích ống dưới độ sâu 40m.
Tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ
Anh Nguyễn Viết Tường Vũ - một kỹ sư trẻ, được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công trình “Kích ống D3000 băng sông Sài Gòn” cho biết, tiếp nhận “khúc xương” của nhà thầu Trung Quốc để lại, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Đây là công nghệ còn mới so với Việt Nam và phải thực hiện ở độ sâu tương đối lớn (40m), do công trình đã ngưng thi công hơn hai năm, đầu kích còn lại trong lòng cống hư hỏng nặng, tuyến cống bị bó cứng và nằm sâu trong lòng đất nên công tác giải kẹt, vệ sinh giếng kích, làm sạch tuyến cống, đầu khoan cũ, lắp đặt các thiết bị thi công mới tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Trong quá trình giải kẹt, kích thử và kích liên tục, dự án đã gặp nhiều sự cố. Chẳng hạn, khi vận hành đầu khoan gặp rất nhiều dị vật như vỏ xe, dây cáp, dây thép, vỏ đạn... gây kẹt hệ thống bơm bùn và làm cháy mô tơ máy nghiền trộn đất đá của đầu kích. Hệ thống điện PLC điều khiển tự động của hệ thống đầu kích cũng bị hư hỏng nặng, đến ngày 17/8/2011 Công ty đã xử lý xong và tiếp tục kích ống. Ngoài ra do điều kiện môi trường thi công ẩm ướt nên các sự cố hư hỏng về thiết bị điện liên tục xảy ra. Hơn nữa, tuyến cống cũ do nhà thầu Trung Quốc để lại đã bị lệch tọa độ so với giếng bờ Đông là rất lớn (phương ngang 800mm và theo phương đứng 750mm) nên công tác kiểm tra, định vị và điều khiển đầu kích vào giếng bờ Đông phải hết sức thận trọng. Vì thế, mặc dù khả năng kích cống có thể thực hiện từ 3-4 cống/ngày nhưng Công ty chỉ kích 1 cống/ngày để định vị đầu khoan đúng tim tuyến kích, điều này cũng làm kéo dài thời gian thi công.

Để hoàn thành công trình trước thời hạn, tập thể kỹ sư, công nhân Ban Điều hành dự án đã làm việc  24/24 giờ, bất kể ngày thứ bảy, chủ nhật, mưa hay nắng, trong điều kiện môi trường lao động dưới độ sâu 40m. Thời gian kích một chiếc cống dài 3m, nặng 27 tấn  kéo dài từ 8-12 giờ, khó khăn là thế nhưng với quyết tâm, ý chí, đội ngũ 54 người CB-CN đã lao động sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, hoàn thành công trình một cách xuất sắc, bảo đảm thời gian, chất lượng.
Thời gian kích một chiếc cống dài 3m, nặng 27 tấn từ 8-12 giờ.
Tiên phong trong công nghệ khoan kích ngầm
Công nghệ khoan kích ngầm là công nghệ mới ở Việt Nam, khi ứng dụng thể hiện nhiều ưu điểm so với công nghệ đào hở truyền thống là ít chiếm dụng mặt bằng, giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ít ảnh hưởng đến đời sống của người dân so với việc đào đường thông thường.

Gói thầu 7B hoàn thành đã khẳng định được Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM là nhà thầu Việt Nam đầu tiên đi tiên phong trong việc thực hiện khoan kích ngầm. Dự án thành công có ý nghĩa rất lớn, một mặt đào tạo được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để thực hiện các dự án khoan kích ngầm của TP trong tương lai, mặt khác tiết kiệm được nguồn ngân sách lớn cho TP trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.

Công trình còn tiết kiệm chi phí, gần 75 tỷ đồng (tương đương 3,9 triệu USD), so với các dự toán của các phương án khác để thực hiện tiếp tục khoan kích ngầm băng sông Sài Gòn. 

Bằng những cố gắng nỗ lực của đội ngũ công nhân kỹ thuật, dự án khoan kích băng sông Sài Gòn được công nhận và khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2011 với tên đề tài sáng kiến “Biện pháp giải kẹt và thi công tuyến cống D3000 băng sông Sài Gòn bằng công nghệ khoan kích ngầm” mang lại hiệu quả tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 87,5 tỷ đồng và rút ngắn thời gian hoàn thành công trình 430 ngày.
giaothongvantai.com

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Smart Draw 2010

Smart Draw 2010 là một phần mềm thiết kế đồ họa nổi tiếngtrong việc hỗ trợ người dùng vẽ các đối tượng sơ đồ, biểu đồ, mô hình,bố cục sàn nhà, sơ đồ mạng, vv... Phần mềm có giao diện trực quan và hệthống menu quen thuộc nên việc sử dụng không quá khó khăn, ngay cả đốivới những người không chuyên. SmartDraw hỗ trợ trích xuất sang các địnhdạng phổ biến của bộ ứng dụng văn phòng, đặc biệt là PowerPoint, giúpcho các bài thuyết trình của bạn sinh động trước mắt người xem.SmartDraw 2010 có dung lượng 23,6 MB, bạn có thể tải tạiđây.

Sau khi tải về, cài đặt và khởi động vào giao diện chính củachương trình. Ở mục New trong khung bên phải, bạn sẽ thấy hai chủ đềBasic và Templates. Trong đó, nếu chưa quen lắm về các thao tác trênSmartDraw thì bạn hãy chọn chủ đề Templates để xem qua một số mẫu màphần mềm cung cấp. Nói "một số", nhưng thực chất có hàng trăm mẫu khácnhau thuộc nhiều lĩnh vực như: Charts & Graphs, Creative &Collateral, Engineering & Schematics, Family Tree, Floor Plans& Landscaping, Flowcharts, Forms & Documentation, ProjectPlanning, Presentations, Mind Maps, vv... Khi đã quen thuộc, bạn có thểtự mình tạo biểu đồ, mô hình... theo cách riêng của mình bằng cách bấmchọn chủ đề Basic.

1. Charts & Graphs - Tạo biểu đồ, đồ thị
Trong cửa sổ bên phải, bạn bấm chọn thẻ SmartPanel > bấm Create New Chartstrong khung Create Chart rồi chọn một trong 8 dạng biểu đồ: Bar - hìnhcột, Pie - hình tròn, Stacked Bar - cột xếp chồng, Line - đường thẳng,Relative Value - dãy giá trị nằm ngang, Area - diện tích, Layered Area- các lớp diện tích, 3D - cột 3D.
Để thay đổi màu cho nhóm trên biểu đồ, bạn chọn cột hoặc đốitượng tương ứng rồi chọn màu trên mục Bar Style (hoặc bấm chuột phải chọn Fill, chọn màu cần thay đổi, và cũng thực hiện tương tự cho BorderThickness, Border Style, Border Color). Nếu số lượng nhóm hay đề mụcmặc định không đủ đáp ứng yêu cầu thì bạn bấm Add Series - tăng nhóm,Add Category - tăng đề mục. Ngoài ra, bạn có thể chèn thêm các hình minh họa lên biểu đồ thống kê của mình ở thẻ Library.

2. Floor Plan - Sơ đồ tầng lầu
Nếu bạn đang làm việc trong ngành kiến trúc - xây dựng thìcông cụ này sẽ là một lựa chọn không thể bỏ qua. Tại thẻ Smart Panel,bạn bấm nút Add Single Wall trên khung Construction để vẽ các bứctường, đồng thời có thể kết hợp với các công cụ như Shape - hình dạng,Line - kiểu nét vẽ trong mục Tools (ở menu Home) để làm cho bảng thiếtkế tăng thêm phần chuyên nghiệp. Sau khi đã tạo ra các bức tường, bạn cần bổ sung vào các vật dụng để trang trí cho căn nhà như Beds -giường, Appliances - thiết bị, đồ dùng, Lavatory - các vật dụng trong phòng vệ sinh. Nếu muốn di chuyển cùng lúc nhiều đồ vật thì bạn hãy kết hợp phím Shift và chuột trái để chọn các đồ dùng đó, rồi bấm chuột phải chọn Group Objects để nhóm chúng lại.

3. FlowChart - Sơ đồ khối.
Để diễn giải một quy trình hoặc một thuật toán nào đó, bạn cầnvẽ một sơ đồ dạng FlowChart. Bạn chọn hình ảnh đại diện cho từng mốc quy trình ở khung Build rồi bấm các nút Add Left - chèn bên trái, AddRight - chèn bên phải, Add Above - chèn phía trên, Add Below - chèn phía dưới các mốc được chọn. Trong khung Text, bạn bấm nút Add Text rồichọn vùng cần ghi chú nhập vào nội dung, đồng thời kết hợp với công cụ Font ở thẻ Home để thay đổi kích thước chữ, font chữ, màu chữ, nhập chỉ số trên, chỉ số dưới. Ngoài ra, bạn bấm vào nút xổ xuống để chọn mộttrong bốn dạng đường vẽ: Straight Line - đường thẳng, Curved Line -đường cong, Shape Connector - dạng dây nối, Curved Connector - dây nốicong.

4. Network Diagram - Sơ đồ mạng
Công cụ Network Diagram giúp nối kết các hình vẽ để tạo ra sơ đồ mạng máy tính trong các tài liệu về kỹ thuật tin học.
Trên cửa sổ SmartPanel, bạn chọn các biểu tượng thiết bị mạng như: Workstation, Secure System, Workgroup Director, LCD Monitor,Laptop PC, Firewall, Secure Host, Comunication Server, FTP Server,Digital Ocean Tarpon, Network Line... để tạo ra mô hình mạng. Cũng nhưFlowChart, bạn cũng sử dụng các công cụ trong các khung Split Path,Text, Lines để bổ sung thêm cho sơ đồ.

5. Org Chart - Sơ đồ tổ chức
Org Chart là công cụ hữu hiệu trong việc vẽ sơ đồ bộ máy tổchức, sơ đồ phả hệ... một cách chuyên nghiệp. Trong thẻ SmartPanel, bạncần lưu ý đến khung Chart Properties để thay đổi một số thuộc tính củasơ đồ: Chart Direction - hướng của sơ đồ, Branch Style - kiểu rẽ nhánh,Box Spacing - khoảng cách hộp, Connector Spacing - khoảng cách của dâynối.
Lưu ý:
- SmartDraw 2010 chỉ phát huy được hiệu quả hoạt động khi máytính của bạn kết nối Internet để chương trình tải về các tập tin biểu mẫu cần thiết.
- Sau khi vẽ xong các sơ đồ, mô hình... bạn cần trích xuấtchúng vào những ứng dụng văn phòng như Adobe Acrobat (pdf), MicrosoftWord (doc), Microsoft Excel (xls), Microsoft Powerpoint (ppt) để hoànthành dự án của mình. Trên giao diện chính của SmartDraw, bạn bấm vàobiểu tượng của phần mềm tương ứng cạnh logo của chương trình, ngay lậptức sơ đồ sẽ được chuyển qua phần mềm đó.
- Để nhập văn bản tiếng Việt có dấu, bạn vào menu Home, chọncác loại font VNI ở thẻ Font > rồi chọn bảng mã tương ứng VNIWindows (đối với bộ gõ Unikey).
- Nếu chưa kịp hoàn thành tác phẩm, bạn bấm nút Save (biểutượng chiếc đĩa) để lưu lại với định dạng SmartDraw File (*.sdr).

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…

(Dân trí) - “Được đón nhận danh hiệu cao quý này, lòng tôi như se lại khi những ngày tháng qua, bão lũ lại tàn phá ở các tỉnh miền Trung trong đó có Hà Tĩnh quê hương tôi” - đó là chia sẻ của tân Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 Trần Đình Hòa.

Giáo sư (GS) Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một trong 2 người ở trong nước được đặc cách GS ngành Thủy lợi. Năm 2012, người đầu tiên được đặc cách GS  là TSKH Phùng Hồ Hải - ngành Toán học. Điều thú vị là cả 2 GS được đặc cách này đều sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh.
 
Tân GS Trần Đình Hòa nhận chứng nhận chức danh giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 18/11/2013.
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ
Chia sẻ với PV Dân trí khi nhận giấy chứng nhận giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), tân GS Trần Đình Hòa cho biết: “Tôi rất vui mừng và xúc động vì những cố gắng, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi suốt chặng đường gian nan vất vả đầy thử thách đến nay đã được các cấp lãnh đạo, các thành viên Hội đồng CDGS các cấp, các nhà khoa học lão thành và các đồng nghiệp đã ghi nhận những đóng góp của chúng tôi. Tôi trân trọng cảm ơn tới người thân trong gia đình, các nhà thành viên HĐCDGS các cấp, thầy cô, bạn bè đồng nghiệp... đã hỗ trợ giúp đỡ tôi trong chặng đường vừa qua”.

Bồi hồi nhớ lại ký ức ngày xưa, GS Trần Đình Hòa tâm sự: “Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bố tôi là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ làm ruộng. Để nuôi được 6 người con ăn học, bố mẹ, ngoài làm ruộng ra đã phải làm thuê lo đủ ăn cho từng bữa. Nhưng vẫn động viên cả nhà cố gắng để cho được học đến đại học”.

Có lẽ, tuổi thơ nghèo khó, quê hương nghèo khó đã luôn ám ảnh trong tâm trí của GS Hòa, thôi thúc anh trong từng bước đường sự nghiệp. Phát biểu tại buổi lễ nhận chức danh giáo sư, GS Trần Đình Hòa lặng buồn: “Về cá nhân tôi, nhìn lại quá trình phấn đấu của mình để được đón nhận danh hiệu cao quý này, lòng tôi như se lại khi những ngày tháng qua, bão lũ lại tàn phá ở các tỉnh miền trung trong đó có Hà Tĩnh quê hương tôi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, ở miền quê mà luôn chung sống với lũ lụt và hạn hán, tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó có ý nghĩa để giúp cho quê hương và đó cũng là mối lương duyên đến với ngành Thủy lợi”.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới và ban hành các quy định, quy chế cụ thể, thật sự đi vào cuộc sống; tạo dựng được môi trường làm việc thẳng thắn, cởi mở và chuyên nghiệp giúp các nhà giáo, nhà khoa học lấy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là mục đích duy nhất, là khởi nguồn của mọi đam mê khoa học, là động lực lớn lao nhất trong công việc hàng ngày” - tân GS Trần Đình Hòa kiến nghị.
Số phận gắn với Thủy lợi
Tốt nghiệp Trường ĐH Thủy lợi năm 1992, GS Trần Đình Hòa về công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi (nay là Viện KHTL Việt Nam). Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê và lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với những năm tháng miệt mài và tận tâm với nghề, GS Hòa đã cùng các đồng nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu mang lại lợi ích thiết thực nhất định cho ngành Thuỷ lợi của nước nhà. Giải thưởng cao quý nhất của nhà nước mà GS Trần Đình Hòa (đồng tác giả) là Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012.

Đối với nghề nghiệp, có lẽ mỗi người một nghề và đó là số phận. Khiêm tốn nói về mình, GS Hòa cho hay: Tôi cũng luôn ý thức sâu sắc rằng, có được những thành quả đó, bên cạnh những nỗ lực của cá nhân, tôi thấy rất may mắn đã được làm việc trong một “tập thể lớn”, được tiếp xúc với những nhà lãnh đạo tài giỏi và tâm huyết như GS Nguyễn Tuấn Anh, GS Đào Xuân Học, những người thầy đáng kính như GS Trương Đình Dụ, GS Trần Đình Hợi  và những người anh mẫu mực như PGS Nguyễn Quốc Dũng, PGS Vũ Đình Hùng... cùng các đồng nghiệp, cộng sự hết sức nhiệt tình say mê với công việc như TS Trần Văn Thái, ThS Thái Quốc Hiền... Đặc biệt, được trực tiếp đối mặt giải quyết những vấn đề “lớn” của ngành Thủy lợi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, những kết quả mà chúng tôi đạt được là rất nhỏ bé trước những gì mà người dân và các thế hệ cán bộ, nhà khoa học ngành Thủy lợi đã làm được cho đất nước.
Nói về môi trường làm việc, theo GS Hòa, làm việc ở trong nước hay nước ngoài không phải là điều quan trọng nhất, vấn đề là mình có phát huy, cống hiến được nhiều nhất cho nghề nghiệp mà mình đã gắn bó hay không.

Các nhà khoa học vẫn đang mắc nợ với nhân dân
Được làm việc trong mồi trường tốt, được cống hiến rất nhiều nhưng GS Hòa luôn trăn trở về những vấn đề khoa học mà các nhà khoa học trong ngành vẫn đang còn mắc nợ với nhân dân - đó là làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của trong lũ lụt, hạn hán, thiên tai - đó là phải làm sao cho “Đất và Nước” được hài hòa tạo ra hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất như lời Bác Hồ đã dạy. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản có thể giải quyết được trong một sớm, một chiều - GS Hòa nhận định.

Chia sẻ về công tác NCKH, GS Hòa cho hay, trong NCKH hay bất cứ ngành nghề nào khác muốn có thành công đều phải có lòng đam mê với nghề, tâm huyết với nghề, làm việc nhiệt tình có trách nhiệm. Đặc biệt trong NCKH phải hết sức trung thực, khách quan và kiên trì.
GS Trần Đình Hòa (thứ 4 từ phải qua) tại công trình Thủy lợi kênh Xà No (Hậu Giang).
Giải thích tại sao hiện nay nhiều bạn trẻ Việt Nam không thích NCKH, GS Hòa cho rằng: “Không phải giới trẻ Việt Nam không thích NCKH. Truyền thống Việt Nam là đất học, trong việc học có cả phần nghiên cứu. Nhiều người trẻ vẫn rất thích nghiên cứu nhưng hoàn cảnh thực tế phải lo toan cuộc sống buộc họ phải chọn cho mình rẽ sang một con đường khác “thực tế” hơn và đi chệch mong muốn mà họ đã từng có.

“Không phải ai cũng có thể làm nhà khoa học, cũng như không phải ai cũng có thể trở thành doanh nhân giỏi, do đó điều quan trọng là phải tự đánh giá khả năng, năng lực, sở trường của mình để chọn lựa nghề nghiệp cho phù hợp. Điều quan trọng là ở bất cứ ngành gì, lĩnh vực hay nghề nghiệp gì cũng cần có đam mê, trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Trong xã hội, đóng góp lớn hay nhỏ, khoa học hay sản xuất, lý luận hay thực tiễn đều có giá trị và đều được trân trọng và ghi nhận. Hãy cố gắng, kiên trì nỗ lực hết mình với ngành nghề và công việc mình đã chọn thì thành công sẽ đến với mình” - GS Hòa chia sẻ.

Tân GS Trần Đình Hòa, người duy nhất được đặc cách GS năm 2013 hiện là Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Giáo sư Hòa đã tham gia các công trình đoạt giải thưởng lớn như:
+ Nhóm tác giả Giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2004 cho Công nghệ Đập Trụ Đỡ;
+ Đồng tác giả Giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 cho Công nghệ Đập Xà Lan Di Động;
+ Đồng tác giả: Giải nhất “Giải thưởng Công nghệ ACECC” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á – Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007, cho “Công nghệ đập Xà Lan di động”.
+ Đồng tác giả: Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012 ;
+ Đồng tác giả: Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN&PTNT năm 2013.
+ Đồng tác giả: 02 bằng độc quyền sáng chế.
Chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu KH.
Ngoài ra, GS Trần Đình Hòa, chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu khoa học khác.

Hồng Hạnh

Bài đăng phổ biến