Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Công trình dẫn nước vượt qua sông Hoàng (Trung Quốc)

vncold- Hệ thống công trình chuyển nước từ lưu vực sông Dương Tử (Yangtse River) lên vùng phía Bắc sông Hoàng (Huanghe -  Yellow River) là nơi ngày càng thiếu nước đang được triển khai khẩn trương. Đây là hệ thống công trình thủy lợi rất lớn, được mệnh danh là “Vạn lý trường thành” trong lĩnh vực nước.  Có 3 tuyến chuyển nước : tuyến phía Tây, tuyến giữa và tuyến phía Đông. Mỗi tuyến có chiều dài khoảng 1500km, gồm những đoạn kênh đào hoặc đắp nổi trên mặt đất, những tunen xuyên qua núi và những tunen xuyên qua phía dưới đáy sông.

Công trình dẫn nước vượt qua sông Hoàng
Tuyến phía Đông dài 1426km, xuất phát từ tỉnh Hubei (Hồ Bắc), qua tỉnh Henan (Hà Nam) lên tỉnh Shantong (Sơn Đồn). Một công trình lớn, quan trọng và phức tạp về kỹ thuật là tunen dẫn nước vượt sông Hoàng tại tỉnh Henam. Dưới đáy lòng sông Hoàng là các lớp đất yếu. Công trình gồm 2 tunen tụ tròn song song, khoảng cách tính từ tâm là 28m, đường kính mỗi tunen là 7m, thành vạch bê tông cốt thép dày 45cm. Lưu lượng qua tunen 265m3/s. Thời gian thi công 56 tháng, hoàn thành cào 2/2014. Sử dụng công nghệ và thiết bị CHLB Đức. Đào giếng cửa ra, chuyển máy đào xuyên xuống sâu ở cửa ra bờ Bắc rồi đào ngầm tunen từ đó về cửa vào tunen bờ Nam. Dưới đây là một số hình ảnh mô hình 3D và công việc trên hiện trường. 
Thiết bị CHLB Đức
Thi công tunen
Cửa vào tunen
S.H.A. St

Tết

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

"Thành phố" cống ngầm lớn nhất thế giới dưới lòng Tokyo

Trước đây thuyloivn.com đã có bài giới thiệu về hệ thống đường chống ngập của TOKYO. Hôm nay xin đưa thêm một số hình ảnh và thông tin về công trình đặc biệt này.
kenh14.vn- Choáng ngợp trước sự "khổng lồ" của công trình kiến trúc đặc biệt tại Nhật Bản...
Tokyo là một trong những thành phố sầm uất nhất nhì thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, thành phố nổi tiếng này nằm trên hệ thống công trình kiến trúc ngầm dưới mặt đất. Với tầm nhìn xa và kĩ thuật tuyệt vời, người Nhật đã xây dựng hệ thống cống dẫn nước khổng lồ nằm bên dưới mặt đất ngay gần thủ đô.
Nằm sâu dưới thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo là một hệ thống cống thoát nước khổng lồ. Công trình kiến trúc này được xây dựng để bảo vệ 13 triệu cư dân của thành phố khỏi mưa lớn và cơn bão nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt thường tấn công Nhật Bản.
Tên đầy đủ của công trình này là “Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị” (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) nhưng vẫn thường được gọi là G-Cans.
Tổ hợp những đường hầm khổng lồ này được xây dựng từ 1992 đến 2006, tiêu tốn một khoản tiền gần 3 tỷ USD (khoảng 62.400 tỷ VND). Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km.
Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple”(Ngôi Đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
Bản thân công trình kiến trúc này là một tác phẩm kỳ công của kỹ thuật hiện đại. Ý tưởng đằng sau dự án này thực sự khá đơn giản, đó là chuyển hướng tất cả lượng nước mưa từ bão biển, bão nhiệt đới và lũ lụt từ các thành phố, thị trấn xung quanh, đặc biệt là Tokyo ra sông Edogawa.
Điều này nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại mà lũ lụt có thể đem lại như phá hủy nhà cửa và các công trình xây dựng quan trọng.
Bể nước khổng lồ “Ngôi đền dưới mặt đất” chính là điểm nhấn ấn tượng nhất của cả khu vực này. Với kích thước khổng lồ và độc đáo của mình, công trình kiến trúc đồ sộ này đã được đưa vào làm bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình khác nhau.
Nước lũ từ các đường ống dẫn nước của thành phố sẽ chảy qua đường hầm và vào bên trong hầm chứa nước. Khi hầm đầy, nước sẽ di chuyển qua các đường hầm dài để cuối cùng chảy vào “ngôi đền dưới lòng đất” đồ sộ này.
Từ đây, 4 tuabin chạy bằng động cơ phản lực sẽ thực hiện nhiệm vụ và bơm nước với công suất 53.000 lít nước mỗi giây ra bên ngoài sông Edogawa.
Những lợi ích mà hệ thống thoát nước khổng lồ này mang lại là một vấn đề tranh luận của nhiều người. Đã có nhiều thắc mắc về tính hợp pháp của hệ thống thoát nước cũng như sự nghi ngờ về việc liệu nó có thể thực sự hoạt động tốt như kế hoạch đã đề ra.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là tính khả dụng của nó ngay tại thời điểm này khi mục đích duy nhất mà khu công trình kiến trúc khổng lồ này được xây dựng chỉ là dành cho những “siêu thiên tai”.
Điều này để lại trong nhiều người thắc mắc về việc liệu toàn bộ dự án này là khôn ngoan và đi trước thời đại hay chỉ là một "miếng mồi ngon" cho các công ty xây dựng.
Theo hội đồng của trung tâm quản lý thiên tai Tokyo, nếu lượng mưa tổng cộng vào khoảng 550mm trong ba ngày liên tục rơi xuống Tokyo, gây tràn sông Arakawa thì sẽ có đến 97 trạm tàu điện ngầm bị ngập hoàn toàn trong nước.
Đó chính là trường hợp mà G-cans được xây dựng để giải quyết. Tuy nhiên viễn cảnh nói trên chỉ là một sự kiện 200 năm mới có một lần và thực sự rất hiếm gặp. Do vậy mà hiện tại, G-cans vẫn chỉ tồn tại như một công trình kiến trúc khổng lồ bỏ không dưới lòng đất.
Dù có thực sự là một “vũ khí ngầm” hay không, dự án G-cans vẫn là một công trình đáng kinh ngạc với vẻ đẹp kỳ lạ và độc đáo. Chính vì thế, nó đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Khi không thực hiện chức năng thoát nước của mình, những đường hầm này trở thành nơi tiếp đón khách du lịch 4 ngày/tuần. Đứng ở 50m dưới lòng đất với âm thanh của những máy nén khí và nước nhỏ giọt ở xa vọng lại thực sự sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Cùng xem video giới thiệu về hệ thống cống ngầm G-cans lớn nhất thế giới:

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Tại sao Đường Tăng vô dụng lại trở thành người lãnh đạo, còn Tôn Ngộ Không tài phép thì lại là kẻ làm công?

4 điều rút ra sau đây sẽ cho bạn 1 bài học quý báu trong cuộc sống, công việc kinh doanh đặc biệt là những người đang làm ở vị trí quản lý.

1. Niềm tin tối cao
Cái đầu tiên mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là niềm tin tối cao.

Đường Tăng luôn tiến về phía trước bằng niềm tin cao nhất của mình, dù có hi sinh tính mạng không từ bỏ, nhưng Ngộ Không thì không thể. Anh ta năng lực tốt, nhưng không kiên định vào mục tiêu của mình, nhiều lần đánh trống bỏ dùi. Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực, khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi, thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo. Với những người không có đủ niềm tin tối cao cũng không được, chỉ trông vào lợi ích cá nhân, biết mình không biết người thì chỉ khiến người khác bỏ mình mà đi.

Giống như Tống Giang trong Thủy hử truyện, là một người không có niềm tin tối cao, cuối cùng bị chiêu an, mà cái lý tưởng cao nhất của ông ta cũng chỉ có vậy, vì thế mà hại chết cả đồng đội của mình.


2. 'Vô Dụng' cũng là tài sản quý giá của một người lãnh đạo
Cái thứ 2 mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có chính là 'Vô Dụng'.

Đường Tăng vô dụng như vậy nên ông ta mới thích người có bản lĩnh, mới có thể bao dung những khuyết điểm của người khác (cũng vì như vậy nên phần lớn những chuyên gia kỹ thuật không làm nổi ông chủ), và mới tìm được ba đồ đệ tài ba bảo hộ mình. Nếu như Đường Tăng cũng thần thông quảng đại, thì Tôn Ngộ Không sẽ không tình nguyện theo ông ta rồi.

Cũng chính vì Đường Tăng vô dụng mà Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ, mới khiến anh ta có thể thể hiện được hết giá trị của mình.Cứ xem Tôn Ngộ Không dù năng lực có mạnh như vậy, nhưng đám đồ tử đồ tôn của anh ta ở Hoa quả sơn, cũng chỉ toàn là lũ vô dụng (thùng cơm), không một ai được việc gì. Vì bản lĩnh của anh ta quá lớn, anh ta mới xem thường khả năng của người khác, vậy là những người có năng lực cũng không thích cùng anh ta. Bản thân là kẻ mạnh, nhưng đoàn đội của anh ta lại trở thành một lũ vô dụng.

Nhiều công ty, xí nghiệp đều có một ông chủ vô cùng giỏi giang, nhưng lại dẫn dắt một đoàn quân vô dụng. Lúc đầu khởi nghiệp, vì sinh tồn, mà bắt buộc phải như vậy để tồn tại, nhưng một khi vấn đề sống còn (sinh tồn) được giải quyết rồi, thì lẽ ra những ông chủ này phải suy nghĩ xem làm thế nào để tạo cơ hội cho những nhân viên tự phát huy khả năng của mình, đồng thời tìm kiếm để bù đắp những công nhân mình còn thiếu, chứ không phải là phàm việc gì cũng tự mình nhúng tay làm (sự tất cung thân), thậm chí ở lĩnh vực chuyên môn không hiểu cũng cứ giả vờ là hiểu.

Như thế một mặt làm mình mệt mỏi đứt hơi, tối mũi tối mắt lo ứng phó, thì tự nhiên còn đâu con đường phát triển. Mặt khác nhân viên của mình cũng bị 'lùn hóa' thành 'công cụ làm việc' (tay chân); sự phát triển của công ty đi đến chỗ nút thắt cổ bình. Nhiều ông chủ cho rằng chỉ dựa nhân viên thì không được, không thể yên tâm, nếu công ty chỉ dựa vào một mình Tôn Ngộ Không, ngộ nhỡ anh ta không tốt, thì biết thế nào. Khà khà, sao không niệm chú cho vòng kim cô thắt chặt vào? Phải xây dựng một chế độ chính sách để ràng buộc người tài – điều này nhất định không được quên.

3. Nhân đức
Cái thứ ba mà Đường Tăng có, Tôn Ngộ Không không có là 'nhân đức'.

Vì có lòng nhân đức nên Đường Tăng thương hại cả tính mạng của yêu quái, như thế cũng sẽ không biết so đo với thuộc hạ của mình, sẽ không phạt hay trừ tiền công của họ, không ức hiếp họ phải tăng ca, không thực hiện 'tẩy não giáo dục', không lợi dụng họ gánh thay trách nhiệm pháp luật, che chắn bản thân khi gặp nguy hiểm,...

Đường Tăng mặc dù lợi dụng ba đồ đệ bảo hộ mình, nhưng lại tuyệt đối không có ý bóc lột mà lại dẫn dắt họ cùng nhau nỗ lực, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau thành công. Sau cùng, ba đồ đệ của Đường Tăng cũng đều đạt được thành tựu .

Đường Tăng không giống như Triệu Khuông Dẫn 'chén rượu tước binh quyền' hoặc là 'chim trời chết, chó săn cũng thịt'. Còn với Tôn Ngộ Không thì ý thức này của anh ta kém xa sư phụ của mình, sau này khi là 'đấu chiến thắng Phật rồi', nhưng bầy quân của anh ta ở Hoa quả sơn cũng vẫn chỉ là bầy khỉ hoang mà thôi.

Ở Nhật Bản có một công ty, họ mời bố của nhân viên đến công ty ngồi tọa đàm với các quản lý. Ông chủ công ty nói với toàn bộ quản lý, khi các vị không biết phải đối đãi thế nào với những nhân viên dưới quyền của mình, thì hãy nghĩ lại ngày hôm nay, những ông bố của nhân viên mình đã gửi gắm con của họ cho các vị, là mong các vị có thể giáo dục họ trưởng thành, dẫn dắt họ đi đến thành công. Các vị phải nghĩ xem bản thân mình đã xứng với sự ủy thác đó chưa?

4. Mối quan hệ
Cái thứ tư Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là 'mối quan hệ' (nhân tố quan hệ).

Kiếp trước của Đường Tăng đã là đệ tử của Phật thích ca mâu ni, còn Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá do trời đất sinh ra không mảy may có một mối quan hệ dây dưa nào. Mặc dù anh ta có bái một vị sư phụ, nhưng lại kém cái quan hệ với với các sư huynh đệ đồng môn, sau cùng lại còn bị sư phụ đuổi xuống núi (tống cổ), kết anh em với Ngưu Ma Vương, nhưng sau rồi cũng lại phản, là hàng xóm với Đông Hải Long Vương vậy mà còn cướp đoạt đồ nhà người ta, cùng là đồng sự (đồng nghiệp) với Nhị Lang thần và các quan tướng khác ở thiên đình nhưng chẳng tôn trọng nể mặt người khác (làm mất mặt đồng nghiệp). Cuối cùng lại còn gây đại náo thiên cung, 'đá đít' nhiều người. Cuốn sách 'Ai che lưng cho bạn' cũng đã nói cấm có sai, ở Việt Nam ta nhất quan hệ rồi nhì mới đến tiền tệ có lẽ cũng là cái quy luật này.

Tóm lại, mối quan hệ xã hội của TNK rất không tốt. Đường Tăng thì không giống như vậy. Ông nhìn thấy thần tiên đều rập đầu bái lạy, cũng không có một kẻ thù nào. Ông không những là đệ tử của Như Lai, lại còn là ngự đệ của vua Đường Lý Thế Dân. Mối quan hệ cao cấp ở cả hai giới người và thần đều có, quan hệ không những tốt mà còn là quan hệ ở cấp cao, quan hệ thông thiên. Người như vậy thì làm ông chủ sẽ thuận buồn xuôi gió. Xã hội là do con người cấu thành, quả đất này nếu không có con người, thì tất cả sự giàu có, tất cả vật chất đều không có ý nghĩa gì hết. Con người là nguồn tài nguyên bản chất nhất thế giới này, là sáng tạo của mọi tài sản. Là một ông chủ, về đối ngoại phải biết tạo dựng những mối quan hệ (nguồn quan hệ), đối nội phải biết sáng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài).

Tóm lại, Đường Tăng hơn Tôn Ngộ Không những thứ gì? ĐÓ LÀ NIỀM TIN TỐI CAO, 'SỰ VÔ DỤNG', TRÁI TIM NHÂN ĐỨC và HỆ THỐNG QUAN HỆ XÃ HỘI TỐT.

Vì thế Đường Tăng có thể làm lãnh đạo, có thể lãnh đạo được Tôn Ngộ Không. Dù Tôn Ngộ Không trong mắt chúng ta là một anh hùng, nhưng anh ta lại không thể tự mình làm nên sự nghiệp vĩ đại, anh ta cần thiết phải dựa vào Đường Tăng dẫn dắt mình. Với ý nghĩa này, Đường Tăng mới là một anh hùng, ít nhất cũng là anh hùng mà những ai làm ông chủ thực sự sùng bái.
Nguồn: stardaily

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Kỳ diệu những giếng nước ngọt giữa biển khơi

Bao nhiêu năm mưu sinh bằng nghề nuôi ngao, sống trong những chiếc chòi giữa biển khơi, chịu cảnh không điện, không nước ngọt, giờ đây những ngư dân đã làm nên điều kỳ diệu là tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi - thứ nước ngọt hơn cả trên đất liền.

Một ngày đầu đông, tôi  theo chân những ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) đi trên một chiếc thuyền máy ra vùng nuôi ngao của họ. Để ra được những chiếc chòi canh ngao đang nằm giữa bao la sóng nước phải vượt quãng đường dài hơn 2 hải lý.

Con thuyền máy nổ phành phạch đưa chúng tôi qua những cánh rừng phòng hộ. Từ cách xa khoảng chừng vài trăm mét, chúng tôi đã bắt đầu thấy thấp thoáng những chiếc chòi canh ngao dựng lô nhô giữa bốn bề sông nước. Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng mới đến được nơi được gọi là “xứ sở của ngao”. Ở đó, tôi bắt gặp những gương mặt sạm đen, rám nắng, mặn mòi gió biển.
Hàng trăm chiếc chòi canh ngao của ngư dân lênh đênh trên biển cách đất liền hơn 2 hải lý.
Anh Bùi Văn Dũng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vừa đưa chúng tôi đi vừa kể: “Trước đây, nghề nuôi ngao chưa được nhiều người biết đến nên những ai nuôi ngày đó thì giàu to. Nhưng những năm gần đây, người ta nuôi nhiều, giá ngao rớt nên lời chẳng được bao nhiêu, đó là chưa kể đến có những năm mưa bão, không kịp gom ngao mà chỉ lo bỏ của chạy lấy người vào đất liền thôi”.

Nói rồi anh Dũng thở dài, đàn ông thì không sao, phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đã gắn với nghề thì cũng cứ phải quăng quật ngày đêm ở ngoài này. Nghề nuôi ngao, lấy đêm làm ngày vì lúc đó nước mới rút, ngao nổi lên thì mới bắt được. Khi thủy triều rút để lộ những vệt loang lổ trên những những chiếc cọc chòi canh ngao là buổi lao động cực nhọc của ngư dân bắt đầu.

Sau một đêm lao động, xúc, rửa sạch sẽ, ngư dân sẽ đưa ngao vào bờ. Sau những chuyến vào đất liền, ngư dân lại vất vả chuẩn bị cơ man là thức ăn, đồ dùng. Những năm trước, không có nước ngọt, họ phải dùng những chiếc xô nhựa, can… để đựng nước, làm sao để có thể dùng cho ít nhất 1 tuần.

Bao nhiêu năm qua, công việc của người nuôi ngao cứ lặp đi lặp lại như thế. Việc có được nước ngọt giữa biển khơi bao la này chỉ là giấc mơ. Vậy mà hơn 1 năm nay, điều kỳ diệu ấy đã trở thành sự thật khi sáng kiến khoan giếng của người dân được thực hiện.

Nước giữa biển ngọt hơn nước đất liền
Việc khoan giếng để tìm nước ngọt giữa biển đã là khó tin vậy mà nguồn nước ngọt ngư dân tìm thấy lại ngọt hơn cả nước trên đất liền. Bao đời nay, do ảnh hưởng của nguồn nước mặn nên nước mà người dân vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn dùng vẫn có vị của biển, không những thế, năm nào cũng phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn. Để chống chọi với hạn hán, hầu hết các gia đình ở đây đều phải xây bể dự trữ nước mưa dùng quanh năm. Vậy nên, việc tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi mênh mông nước mặn này được xem như là một kỳ tích.

Chúng tôi đến thăm chiếc chòi canh ngao nhà anh Bùi Xuân Ngãi (Nga Tân- Nga Sơn). Anh Ngãi là một trong những người đầu tiên tìm ra nguồn nước ngọt trên biển.
Thứ nước ngọt tìm thấy giữa biển ngọt hơn so với nước ở một số vùng ven biển
Nói về giếng nước ngọt, anh hồ hởi kể lại như khoe về một “chiến tích”. Sau khi vay mượn được vài trăm triệu đầu tư vào đồng ngao để mưu sinh, nhưng vì không có nước ngọt, hai vợ chồng anh cứ một tuần lại thay nhau dong thuyền về chở nước ra, vừa vất vả lại tốn kém. Khi nghe người ta nói ở đồng ngao Kim Sơn, Ninh Bình có người khoan được giếng nước ngọt, anh đã chạy ra tận nơi để hỏi thực hư. Nhưng rồi anh được biết thứ nước giếng mà người ngư dân ở Ninh Bình tìm được cũng chỉ để tắm giặt vì vẫn bị lợ, không thể nấu ăn được. Anh thất vọng quay về nhưng vẫn muốn thử ở vùng biển của mình.

Anh quyết tâm tìm thợ chuyên khoan giếng đưa thiết bị máy móc ra chiếc chòi canh lênh đênh giữa biển. Vậy là tranh thủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày, khi thủy triều rút khỏi bãi ngao, anh và đội thợ lại hì hụi khoan. Mất 3 ngày, mũi khoan mới chạm đến độ sâu 110m. Và may mắn, mũi khoan đã chạm đúng mạch nước ngọt nằm sâu dưới đáy biển.

“Lúc phát hiện ra mạch nước ngọt, vui đến trào nước mắt. Để chắc rằng thứ nước không bị mặn hay lợ, tôi lấy tất cả nồi niêu, xoong chảo, thùng, can nhựa trong chòi ra đổ nước vào theo dõi. Sau nhiều ngày đựng trong xoong nhôm, thùng nhựa, nước từ giếng khoan vẫn trong veo không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt, không có mùi lạ” - anh Ngãi vui mừng nói.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Ngư Lộc cũng vui mừng không kém khi nói về giếng nước ngọt đã được tìm thấy của gia đình. “Để khoan một chiếc giếng như thế này phải mất cả tuần mới xong vì vừa khoan vừa dò mạch nước. Như chiếc giếng này, thợ phải khoan sâu 120m. Tính tổng chi phí mất khoảng hơn chục triệu đồng” - anh Minh cho biết.
Có nước ngọt, ngư dân thoải mái dùng sinh hoạt mà không vất vả vào tận đất liền lấy như những năm trước
Theo lời kể của anh Minh thì những năm trước khi chưa có nước ngọt, khoảng một tuần anh lại phải vào bờ chở nước ra để sinh hoạt nên phải dè xẻn. Mỗi lần vào bờ là lỉnh kỉnh đủ thứ can lọ đựng nước ngọt mang ra chủ yếu là phục vụ nấu ăn. Còn tắm giặt có khi để dành vào bờ mới dám tắm.  Mỗi lần vào, ra mất đứt 6-7 lít dầu máy. Những ngày nước thủy triều lên cao thì không sao, gặp hôm nước kém, thủy triều xuống cạn thì việc đi lại càng thêm vất vả. Bây giờ thì nước ngọt dùng thoải mái mà quanh năm không bao giờ hết, mà nấu ăn cũng cảm giác ngon hơn thứ nước được chở từ đất liền ra.

Qủa thật, chỉ khi vộc tay lấy một ít nước thử tôi mới tin ngư dân ở đây đã nói không sai, tôi không thể phát hiện ra bất cứ vị mặn, lợ như thứ nước khoan trong đất liền ở các huyện ven biển Thanh Hóa mà tôi đã từng uống.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn khoan được giếng nước ngọt. Nghe tin anh Ngãi tìm được nước ngọt, hàng trăm chủ đồng nuôi ngao ở vùng Hậu Lộc, Nga Sơn kéo đến xem. Họ không tin được ở giữa chốn biển khơi lại có thể mọc lên một giếng nước ngọt. Khi được mục sở thị, nhiều chủ đồng đã mạnh dạn thuê thợ về khoan giếng, nhưng hầu hết đều thất bại. Hàng trăm mũi khoan xuống nhưng chỉ có khoảng mấy chục mũi trúng được nguồn nước ngọt.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại xã Ngư Lộc cho biết: “Chúng tôi cũng đã khoan thử nhưng không được. Có những chỗ khoan sâu đến 140m mà vẫn không thấy nước. Trong khi đó cách nhà tôi không xa, nhà hàng xóm bên cạnh lại có”.

Chia tay những gương mặt sạm đen, rám nắng trên những chiếc chòi lênh đênh giữa biển, chúng tôi trở lại đất liền khi thủy triều lên cao, những cơn gió thổi phần phật trên các mái chòi, từng con sóng lớn nối nhau tung bọt trắng xóa tựa như niềm vui của ngư dân khi tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi bao la...

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy
Theo: dwrm.gov.vn

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Kinh hoàng vụ sập hầm công trình thủy điện Đa Dâng

Ít nhất 10 công nhân còn kẹt trong hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng) khi vị trí cách cửa hầm 500 mét bất ngờ sập, sáng nay 16/12/2014.
Lúc 11 giờ 30 ngày 16-12, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Sơn, cho biết để đưa các nạn nhân ra khỏi vị trí gặp nạn, một ống sắt có đường kính khoảng 60cm đã được đưa từ Đà Lạt vào hiện trường để hút đất đá ra, các nạn nhân sẽ chui qua đường ống này để ra ngoài.

Song song với phương án này, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang khảo sát tìm kiếm vị trí rò rỉ nước mưa từ phía trên xuống để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải khẩn trương tìm mọi cách để đưa các nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng cứu hộ đông đảo của Lâm Đồng đang nỗ lực bơm ôxy vào trong hầm để giúp các nạn nhân hạn chế ngạt trong khi tìm phương án vào cứu người.

Đến 11h, cơ quan chức năng vẫn chưa tiếp cận và liên lạc được với những người bị mắc kẹt bên trong.
 
Hiện trường vụ sập
Đơn vị thi công cho biết, đường hầm này có thiết kế dài 700 mét, đã thi được 600 mét. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm 500 mét. Đơn vị xác định, trước lúc hầm bị sập có 11 công nhân đang thi công bên trong.

Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn. Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông ĐaDâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).

Công trình dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kWh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).




Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, vụ việc xảy ra lúc hơn 7g sáng nay. Vào thời điểm xảy ra sự cố có 11 người là công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 đang thi công đường hầm này, trong đó có một phụ nữ.

Nhận được tin báo, công an tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lực lượng y tế… tới hiện trường.

Tuy nhiên, địa điểm bị sập cách cửa hầm khoảng từ 300 - 500m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6m với hàng trăm mét khối.

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng đang tìm cách đưa ôxy vào trong, đồng thời khẩn trương gia cố, ổn định vị trí bị sập để giải cứu các nạn nhân.

Hiện nguyên nhân sự cố cũng như số người bị thương vong vẫn chưa được xác định.

Đan Nguyên (tổng hợp theo TTO- Tin nhanh VN)

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Quyết định 285/2006/QĐ-TTg Thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện

QUYẾT ĐỊNH
Về nội dung thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện
Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện
_________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000; Pháp lệnh Đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

     QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định về nội dung của Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, thẩm quyền ban hành và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, trình và tuân thủ Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.
2. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác hồ chứa thủy điện, trừ trường hợp khai thác sử dụng nguồn nước cho thủy điện với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình.
Điều 2. Nội dung của Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện
1. Nhiệm vụ của công trình thuỷ điện.
2. Các thông số chính của công trình thủy điện:
a) Tên công trình, địa điểm xây dựng công trình;
b) Các thông số chính của hồ chứa và công trình;
c) Các thông số về thiết bị có liên quan (số tổ máy, lưu lượng đơn vị tổ máy, đặc tính kỹ thuật của các thiết bị đóng mở).
3. Các quy định cụ thể trong Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện:
a) Các quy định về nhiệm vụ chống lũ:
- Thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ, lũ muộn;
- Mực nước hồ trong các thời kỳ: lũ sớm, lũ chính vụ, lũ muộn;
- Vận hành cắt lũ thường xuyên và cắt, giảm lũ lớn cho hạ du (áp dụng đối với các công trình có chức năng cắt lũ cho hạ du);
- Quy trình thao tác các cửa van để đảm bảo vận hành an toàn, phải đảm bảo giữ mức nước hồ không được vượt quá mức nước quy định trong mọi trường hợp;
- Nguyên tắc phối hợp giữa các công trình cắt giảm lũ và phân lũ (nếu có).
b) Các quy định về nhiệm vụ phát điện:
- Chế độ làm việc của nhà máy thủy điện trong hệ thống;
- Yêu cầu về lưu lượng xả xuống hạ du để đảm bảo dòng chảy sinh thái (nếu có);
- Yêu cầu về dao động mức nước hạ du do chế độ vận hành của nhà máy thủy điện (nếu có);
- Nguyên tắc phối hợp giữa nhiệm vụ phát điện và các nhiệm vụ lợi dụng tổng hợp khác (nếu có).
4. Trách nhiệm tổ chức vận hành hồ chứa thuỷ điện:
a) Trách nhiệm của cơ quan, cá nhân phát lệnh;
b) Trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thực hiện lệnh;
c) Trách nhiệm thông báo lệnh tới các nơi bị ảnh hưởng bởi việc thao tác cửa van;
d) Trách nhiệm về an toàn công trình;
đ) Nguyên tắc xử lý sự cố trong vận hành công trình;
e) Trách nhiệm kiểm tra công trình và hồ chứa trước và sau mùa lũ;
g) Trách nhiệm xử lý các khiếm khuyết, hư hỏng liên quan tới công trình, thiết bị đảm bảo khai thác, vận hành an toàn công trình thuỷ công và hồ chứa trong mùa lũ.
Điều 3. Thẩm quyền phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình vận hành đối với các hồ chứa thủy điện có tầm quan trọng đặc biệt mà chế độ điều tiết hồ chứa có tác động nghiêm trọng đến an toàn đê điều và các hoạt động kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc có ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng.
Bộ Công nghiệp tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy trình vận hành nói trên.
2. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thẩm định và phê duyệt Quy trình vận hành đối với các hồ chứa thủy điện có quy mô dung tích một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên, trừ các hồ chứa được quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, liên quan và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương thẩm định, phê duyệt Quy trình vận hành đối với các hồ chứa thủy điện trên địa bàn có dung tích nhỏ hơn một triệu mét khối (1.000.000 m3). Quyết định phê duyệt và Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện phải được gửi cho Bộ Công nghiệp để tổng hợp, thống nhất quản lý.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này và các Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; giải quyết các vướng mắc và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định này khi cần thiết.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt, phổ biến, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này và các Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tại địa phương theo phân cấp; giải quyết các vướng mắc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi khi cần thiết. 
3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, chủ sử dụng, khai thác, vận hành công trình thuỷ điện:
a) Chủ đầu tư các công trình thủy điện xây dựng mới có trách nhiệm lập Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng bộ với việc thẩm định thiết kế cơ sở;
b) Chủ sử dụng, khai thác, vận hành công trình thuỷ điện đang vận hành có trách nhiệm xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực;
c) Chủ đầu tư, sử dụng, khai thác, vận hành công trình thủy điện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.
4. Các Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực phải được sửa đổi bổ sung để phù hợp với nội dung của Quyết định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng. Hà Nội, ngày 25 tháng  12  năm 2006
                          

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Thủy điện và vấn đề lũ lụt ở Việt Nam

GIỚI THIỆU
Mục đích của bài này có hai phần: (1) trình bày một số khái niệm căn bản của kỹ thuật thủy điện (hydropower engineering) cho những người không ở trong ngành chuyên môn này; và (2) bàn về vấn đề lũ lụt ở Việt Nam và vai trò các hồ chứa thủy điện. Một số danh từ kỹ thuật tiếng Việt được chua thêm tiếng Anh trong ngoặc đơn để làm rõ nghĩa hơn. Trong trường hợp phải đề cập một chi tiết nặng về kỹ thuật, phần chú thích ở cuối bài sẽ giải thích rõ hơn, tuy rằng khá vắn tắc, cho những độc giả “hiếu kỳ”.

Tác giả hy vọng là phần (1) sẽ giúp người đọc có một vốn liếng tối thiểu để có thể hiểu rõ hơn khi đọc một bản tin trên báo chí có ít nhiều liên quan đến thủy điện. Ví dụ lũ lụt làm vỡ đập có phải là một chuyện tự nhiên hay là một sai sót trong thiết kế và xây dựng? Thủy điện có thể giúp chống lũ được không hay có thể làm tình hình lụt lội ở hạ lưu trở nên tồi tệ hơn?

Phần (2) sẽ bàn về một vấn đề có tính thời sự ở Việt Nam là hồ chứa thủy điện và nhiệm vụ chống lũ (flood control) hay điều tiết lũ (flood regulation), và một số biện pháp đề nghị
 
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
KIẾN THỨC CĂN BẢN VỀ KỸ THUẬT THỦY ĐIỆN
Vì sức hút của trái đất (trọng lực) nên nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Chênh lệch độ cao càng nhiều (độ dốc lớn) thì nước chảy càng nhanh càng mạnh. Cái lực của nước chảy này có thể khai thác để tạo ra năng lượng, và lưu lượng nước (flow rate, discharge) càng nhiều thì càng tạo ra nhiều năng lượng. Như vậy thủy điện là cách tạo ra năng lượng điện dùng sức nước chảy để quay máy phát điện (generator) qua trung gian tuộc-bin thủy lực (hydraulic turbine).

Nói chung hiệu suất (efficiency) của tuộc-bin và máy phát điện rất cao, hơn 95%, nên công suất của một nhà máy phát điện tùy thuộc phần lớn vào thế năng của nước và lưu lượng nước chảy qua tuộc-bin. Đây là hai thông số quan trọng khi thiết kế và xây dựng một nhà máy thủy điện.

Đập và hồ chứa
Các nhà máy thủy điện cỡ vừa và cỡ lớn thường có hồ chứa, vì hồ chứa đáp ứng được hai mục đích:

nâng cao mực nước phía thượng lưu của nhà máy thủy điện, nghĩa là làm tăng thế năng của nước – nói cách khác là tăng công suất của nhà máy; và
trữ nước trong mùa mưa để dùng trong mùa khô.
Giống như một trương mục tiết kiệm ở ngân hàng để cất giữ tiền dư cho những lúc thiếu hụt, hồ chứa dùng để tích trữ lượng nước thừa trong mùa mưa lũ và sử dụng khi cần thiết trong mùa khô hạn. Muốn có hồ chứa thì phải xây đập trừ phi có thể dùng hồ thiên nhiên để làm hồ chứa.
Đập càng cao thì mực nước hồ càng cao và sức chứa càng lớn nhưng chi phí đầu tư và diện tích đất đai bị chìm dưới lòng hồ cũng lớn theo. Như vậy người thiết kế phải tìm ra kích thước tối ưu của đập và hồ chứa. Điều này không đơn giản. Trước tiên phải xác định mục đích của hồ chứa: ngoài thủy điện thì hồ chứa còn nhiệm vụ gì khác, ví dụ như cấp nước cho nông nghiệp, cho thành phố, hay chống lũ, giao thông đường thủy, v.v..

Kế tiếp là phân tích số liệu thủy văn (hydrology) để biết được lượng nước vào hồ (reservoir inflow) thay đổi từng năm từng mùa như thế nào (seasonal distribution), tần suất nước mùa khô và mùa lũ ra sao (low flow frequency, flood flow frequency). Thường thì số liệu thủy văn không đầy đủ nên phải ước tính lưu lượng nước dựa trên các số liệu khí tượng bằng cách dùng một mô hình thủy văn (hydrologic model, rainfall-runoff model). Nếu số liệu khí tượng cũng thiếu thì có thể dùng các mô hình khí tượng để ước tính. Phương pháp dùng mô hình thủy văn để kéo dài số liệu về dòng chảy thường hiệu quả hơn là dùng các phương pháp thống kê (statistical methods)(1). Phẩm chất và số lượng của số liệu thủy văn có tính quyết định lên tất cả các tính toán của một dự án thủy điện, do đó cần sử dụng những phương pháp tân tiến nhất cho giai đoạn quan trọng này.

Có một sự tương quan giữa dung tích hồ chứa và lượng nước vào hồ; đó là chu kỳ tích nước và xả nước của hồ chứa, chu kỳ có thể là một năm cho hồ chứa khá lớn: tích nước dư vào mùa mưa để dùng thêm trong mùa khô. Chu kỳ này cũng có thể là một tuần lễ cho các hồ nhỏ: tích nước vào ngày nghỉ cuối tuần khi nhu cầu điện thấp để phát điện nhiều hơn trong những ngày làm việc khi nhu cầu điện cao hơn. Những hồ chứa thật lớn mất nhiều năm mới có thể làm đầy hồ thường không có năng suất sử dụng cao. Như vậy người thiết kế phải cân nhắc giữa chi phí xây đập và lợi ích mà hồ chứa sẽ mang lại.

Một tương quan khác là dung tích hồ chứa và công suất tối đa của nhà máy. Đây là một tương quan nghịch chiều và một lần nữa người thiết kế phải tìm một phối hợp tối ưu. Nhà máy có công suất nhỏ quá khi nước nhiều thì phải xả thừa (spill) nếu không còn chỗ chứa trong hồ, như vậy là chưa sử dụng hết tài nguyên nước. Nhà máy công suất lớn quá thì một phần lớn thời gian sẽ không chạy hết công suất, như vậy là hiệu quả sử dụng thấp. Có một điểm cần lưu ý là phần công suất dư không xài có thể dùng để dự phòng cho hệ thống (reserved capacity). Phương pháp isoquant(2) có thể dùng để phân tích kinh tế tương quan giữa hai thành phần đắt tiền nhất của một dự án thủy điện là hồ chứa và nhà máy.

Đập thường làm bằng các vật liệu dễ có như đất, đá, bê-tông. Trừ đập tràn (overflow dam) là loại đập cho phép nước chảy tràn qua đỉnh đập, các loại đập khác đều được xây như thế nào để mức nước hồ không thể vượt qua đỉnh đập. Nghĩa là đập phải có chỗ để xả nước (spillway) khi có lũ lớn và hồ đã đầy không thể chứa thêm. Chỗ xả nước - là phần đắt tiền nhất của đập - có thể là một đường hầm xuyên qua lòng đập có van đóng mở hoặc một đoạn đập tràn có cửa đóng mở hoặc cả hai. Khi hồ đã đầy và lượng nước vào hồ lớn hơn sức xả tối đa của đập thì nước sẽ tràn qua đỉnh đập và có nguy cơ làm vỡ đập. Người thiết kế đập phải cân nhắc giữa chi phí xây dựng chỗ xả nước và nguy cơ vỡ đập làm thiệt hại ở hạ lưu. Nếu vỡ đập có thể làm thiệt hại nhân mạng thì đập phải được thiết kế như thế nào để có thể xả được lượng nước của cơn lũ cực đại (probable maximum flood - PMF)(3).

Nhà máy và tuộc-bin
Đây là một bộ phận thuộc loại đắt tiền nhất nhì trong một dự án thủy điện, vì vậy kích cỡ của nhà máy cần được tính toán kỷ lưỡng về mặt kinh tế. Vì nước chảy vào hồ từ thượng nguồn của lưu vực thay đổi nhiều trong năm, lượng nước vào mùa mưa lũ có thể gấp trăm hay gấp ngàn lần lượng nước vào mùa khô kiệt nên câu hỏi cho nhà thiết kế là nên sử dụng tài nguyên nước đến mức nào (bằng cách xác định kích cỡ của tổ hợp hồ chứa và nhà máy) để có thể tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất trong việc sử dụng nguồn nước đồng thời giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng xấu lên môi trường ở thượng nguồn cũng như ở hạ lưu của dự án.

Tuộc-bin được chọn lựa phần lớn tùy theo chiều cao cột nước (water column) – tức là chênh lệch độ cao giữa mực nước trên và dưới nhà máy - và lưu lượng nước, cũng như chi phí bố trí và xây cất nhà máy và các bộ phận thủy lực khác. Hiệu suất của mỗi loại tuộc-bin khác nhau và thay đổi theo mực nước cũng như lưu lượng nước. Đây là những yếu tố cần xem xét khi xác định bao nhiêu tổ máy (unit) nên có trong một nhà máy. Sử dụng một mô hình điện toán có khả năng tính toán tối ưu (optimization model) nhiều phương án khác nhau để so sánh và chọn lựa là phương pháp hay nhất hiện nay.

Ảnh hưởng lên môi trường của dự án thủy điện
Bất cứ một công trình xây dựng nào của con người đều tác động lên thiên nhiên không nhiều thì ít, từ một tòa nhà, một con đường, cây cầu, một cái đập nước, v.v.. Vì vậy bổn phận của người xây dựng, cũng như chính quyền cung cấp giấy phép xây dựng, là cân nhắc hai phương diện đối nghịch với nhau: (i) sự cần thiết và lợi ích mang lại cho con người của công trình sẽ xây dựng, và (ii) tác hại trước mắt cũng như lâu dài của công trình đó. Sự cân nhắc tính toán này chỉ được thực hiện đầy đủ và hợp lý khi những người có trách nhiệm biết đặt quyền lợi chung của công chúng lên trên hết, và sử dụng các phương pháp phân tích tân tiến nhất.

Xây dựng một cái đập trên một con sông cũng giống như xây một xa lộ qua một vùng hoang dã, nó sẽ chia cắt môi trường thiên nhiên thành hai không gian khác nhau. Trong trường hợp đập có hồ chứa để điều hòa dòng nước thì dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ thay đổi. Sự thay đổi sẽ nhiều hay ít tùy theo hồ chứa được vận hành như thế nào. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng và có thể mất một thời gian khá lâu mới tìm được sự cân bằng mới. Quá trình này ảnh hưởng như thế nào lên môi trường sống của con người và thiên nhiên cần được nghiên cứu kỷ lưỡng để có thể đánh giá mức độ tác động của dự án.

Các dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như đường sá, đập, nhà máy, đường dây dẫn điện, v.v.. Phần lòng hồ sẽ bị ngập nước cũng phải được khai quang và dân cư trong vùng phải được dời đi chỗ khác. Những hoạt động này sẽ ảnh hưởng lên môi trường thiên nhiên đã có sẵn trước đó và tác động lên hệ sinh thái của khu vực. Đời sống của dân cư trong vùng cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của khu vực dự án cũng sẽ bị thay đổi hoặc biến mất.

Để có thể đánh giá đúng đắn lợi ích của một dự án thủy điện, tất cả các yếu tố nêu trên cần được phân tích đầy đủ, kể cả những thiệt hại hay lợi ích không thể quy ra tiền.

(Còn nữa. Theo http://www.vietecology.org/)

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Nghèo đói là trường đại học tốt nhất

“Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ…”.

Ngày 5/9/1997, là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở Đại học Bắc Kinh, khoa Toán. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc. Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà. Nhà tôi vô cùng nghèo khó.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu. Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày. Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu. Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời. Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa.

Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi:

– Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

– Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu? Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: “Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên.

Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to…Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc…Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu…”.

Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ, thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn.

Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali – chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào. Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa”.

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì. Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập. Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý. “Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!” Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống. Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng! Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng.

Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng. Tháng 1 năm 1997, tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi:

“Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?”

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: “Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng”.

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc. Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi. Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học Trung Quốc tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ… Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi.

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt…

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. Ngày 12/8, trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 8 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa. Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ”.

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh. Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa…Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi”.


Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…

Theo: http://nghethuatsong.org/ngheo-doi-la-truong-dai-hoc-tot-nhat

Bài đăng phổ biến