Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

'Đánh máy là nghề nguy hiểm nhất Việt Nam'

Cái máy chữ bị phát hiện là thủ phạm đưa tên "Công an Hà Nội" vào văn bản yêu cầu kỷ luật các cá nhân của ĐH Lâm nghiệp vi phạm quy chế phát ngôn về cây xanh.

Đưa Công an Hà Nội vào thông báo yêu cầu kỷ luật các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn về cây xanh, trong khi chính Công an Hà Nội khẳng định "không can thiệp gì", ĐH Lâm nghiệp sau đó đính chính rằng đó là "lỗi đánh máy".
Đánh máy được cho là nghề nguy hiểm nhất Việt Nam hiện nay.
Sau khi xác định được "đối tượng" gây ra lỗi, có nhiều người cho rằng nên bắt giam cái máy lại để xử lý. Một ý kiến khác thì bảo nên chuyển công tác và cũng có ý kiến cho rằng đánh máy hiện giờ là nghề nguy hiểm nhất Việt Nam và thế giới.
Các ý kiến xung quanh vụ việc do máy đánh chữ gây ra.
Tuy máy đánh chữ đã thừa nhận mình gây ra mọi chuyện nhưng vẫn có người còn bán tính bán nghi về "lời khai" này. Nhiều người khác phát hiện ra đây không phải lần đầu tiên máy đánh chữ trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Tuy nhiên, lỗi này hoàn toàn không xuất phát từ máy đánh chữ mà theo nhận định nó bắt nguồn từ một loài cây. Cây này mới được phát hiện gần đây nhưng vẫn chưa được thống nhất tên gọi vì có người bảo là cây Mỡ nhưng số khác gọi là Vàng Tâm. Và chính vì loài cây này xúi giục mà máy đánh chữ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vừa rồi.
Cặp này là nguyên nhân của hàng loạt vụ việc vừa qua.
Do có liên quan với nhau nên nhiều ý kiến cũng cho rằng nên cấm loài cây kia tiết lộ thân phận và tạm thời ngưng nghiên cứu chúng. Trong khi số khác thì lại bảo nên có một sự tích về loài cây trên.

Dù thế nào thì vụ việc cũng đã xảy ra và người nhà của máy đánh chữ cũng đã lên tiếng xin lỗi nhà trường về những sai sót liên tiếp trong thời gian gần đây.

 theo vnExpress.net

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Nhìn những hàng cây, biết tương lai một thành phố

Ashui.com- Phát triển một thành phố cũng giống như đánh cờ. Mỗi nước cờ đều không thể vội vã bởi chi phí đầu tư, tác động tới con người, tới môi trường đều rất lớn và để lại hệ quả lâu dài. Trồng một hàng cây lấy bóng mát cần 10 năm, xây một khu đô thị mới nên hình hài cần 15-20 năm. Do đó những quyết định vội vã, ăn xổi ở thì trong phát triển đô thị có thể dẫn đến hệ lụy không lường trước và đầy lùi sự phát triển của thành phố hàng chục năm. 
Cây xanh trên một tuyến đường của Hà Nội bị chặt hạ để xây tàu điện trên cao.
Bản án vội vã cho 6.700 cây xanh đã làm những người Hà Nội như tôi trải qua những ngày nhiều cảm xúc. Trước tin thành phố quyết định chặt hạ hàng nghìn cây xanh, chúng tôi bất ngờ. Khi được biết về mục tiêu “đồng bộ hóa” cây xanh, chúng tôi băn khoăn. Và cuối cùng, trước thái độ của lãnh đạo thành phố về việc thông tin cho dân biết và trả lời 21 câu hỏi chính đáng của báo chí, chúng tôi thực sự thất vọng.

Phản ứng của người dân là có thể là cảm tính. Chúng xuất phát từ tình yêu với thành phố và từ tình cảm cho những hàng cây bao năm mang đến cho chúng tôi màu xanh mát và nhiều kỷ niệm. Những cảm xúc ấy cũng xuất phát từ cách làm và triển khai chính sách kém cỏi của chính quyền. Chặt 6.700 cây xanh là một chương trình lớn bởi nó thay đổi bộ mặt đô thị, thay đổi môi trường sống ngay vào thời điểm mà một mùa hè oi bức lại sắp tới. Với quy mô và thời điểm như vậy, bỏ qua ý kiến người dân là một việc thiếu cân nhắc.

Thay vì công bố việc chặt cây chỉ vài ngày trước khi thực hiện, thành phố có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu về chương trình phát triển cây xanh qua các kênh triển lãm hoặc trang web để nói rõ những loại cây nào nên trồng, loại nào không nên trồng. Thậm chí thành phố có thể vận động người dân cùng tham gia xác định những cây đã bị sâu mọt, trồng sai quy cách để chặt hạ hoặc cắt tỉa. Một khi người dân có được thông tin đầy đủ và sự đồng thuận, thành phố có thể từng bước thay thế cây xanh.

Chặt hạ đồng loạt là một giải pháp tồi bởi nó sẽ xáo trộn cảnh quan đường phố, ảnh hưởng tới đời sống đô thị và có thể dẫn đến một thất bại ở diện rộng nếu như những cây trồng mới không phù hợp với môi trường đô thị như nhiều nhà khoa học đã cảnh bảo. Thêm vào đó, thay thế cây xanh ở quy mô lớn đồng nghĩa trong tương lai, khi những cây này đến tuổi ‘về hưu’ thì thành phố lại phải chặt hạ chúng đồng loạt. Do đó trồng cây trong đô thị phải đa dạng về chủng loại, tuổi cây và khả năng chống sâu bệnh.
Cây xanh vẫn được trồng trên một tuyến đường tương tự tại Singapore
Cây xanh quyết định giá trị của một thành phố. Khi xưa toan tính chọn đất lập kinh đô, vua không chỉ nhìn thế đất mà còn nhìn cả cây cỏ để biết xứ đó có “tươi tốt phồn thịnh” hay không. Vua Trần Thái Tông khi lên ngôi (1251) năm đầu cũng cho trồng cây hai bên đường ở thành Thăng Long, sau này mới có phố Liễu Nhai (Giai) là phố trồng liễu, Hòe Nhai là phố trồng hòe.

Vai trò của cây xanh trong định vị giá trị của các thành phố càng được khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hóa. Giữa thế kỷ 19, thành phố trẻ New York, với tham vọng cạnh tranh với Paris và London đã giành ra 341 hecta giữa lòng Mahattan để xây Công viên Trung tâm, biến một đô thị đông đúc thành nơi đáng sống hơn và “con người trở nên cao thượng hơn bởi được gần gũi với thiên nhiên.” Năm 1963, thủ tướng Lý Quang Diệu của hòn đảo bé nhỏ Singapore mới giành độc lập đã phát động chiến dịch trồng cây với tầm nhìn: “biến Singapore thành một ốc đảo (xanh) ở Đông-Nam Á, […] nhờ vậy mà các doanh nhân và du khách sẽ chọn chúng ta làm nơi đặt cơ sở cho doanh nghiệp và những chuyến đi của họ trong vùng.”

Khi việc trồng cây đã là một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, việc đầu tiên mà các chính quyền đô thị khắp thế giới thực hiện là thiết lập cơ quan chuyên trách về công viên và cây xanh. New York có Sở Công viên. Singapore có Ủy ban Công viên Quốc gia. Những cơ quan này không chỉ có trách nhiệm phủ xanh một thành phố, họ còn bảo tồn các giá trị thiên nhiên bản địa, tạo ra những không gian ngoài trời cho người dân sinh hoạt cộng đồng và nâng cao thể chất. Những cơ quan này có tiếng nói độc lập với sở giao thông và sở xây dựng/quy hoạch để đảm bảo rằng phát triển một đô thị không đồng nghĩa với hy sinh cây xanh và môi trường. Việc thiếu vắng một cơ quan chuyên trách như vậy và phó mặc chức năng trồng cây cho sở giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích cây xanh trên đầu người ở Hà Nội và Tp. HCM ngày càng giảm sút, xuống dưới 2 m2 trong khi tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc là tối thiểu 10 m2 cây xanh/người.

Cây xanh có thể dự báo tương lai của một thành phố. Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4oC, giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai 23%. Một thành phố có nhiều cây xanh do đó sẽ là nơi trong lành để sinh sống và hấp dẫn để đầu tư. Liệu Hà Nội và các thành phố khác có muốn trở thành một đô thị như thế?
Nguyễn Đỗ Dũng
(Bài đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 22/03/2015)

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Ngày nước Thế giới 2015 (Lai Châu)

thuyloivn.com- Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Năm 2015, chủ đề của Ngày Nước thế giới là “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước.

Lai Châu 20/3/2015
Lai Châu 20/3/2015
Lai Châu 20/3/2015
Lai Châu 20/3/2015
Lai Châu 20/3/2015
Lai Châu 20/3/2015

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

World water day

Ngày nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm. Đây là ngày quốc tế tôn vinh tài nguyên nước. Ngày Nước thế giới đầu tiên được khởi xướng tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNICED) năm 1992 tại Rio, Brazil. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã lấy ngày 22/3/1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Và từ đó, Ngày Nước thế giới được kỷ niệm hàng năm trên toàn cầu. Mỗi năm, một khía cạnh cụ thể của nước sẽ được nhấn mạnh. Năm 2015, Ngày Nước thế giới tập trung nhấn mạnh môi tương quan giữa Nước và Phát triển bền vững.

Dưới đây là một số thông điệp chung cho Ngày Nước thế giới 2015:

1. Nước là cốt lõi của phát triển bền vững

2. Nước giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

3. Nước đảm bảo đa dạng sinh học

4. Nước đảm bảo cho quá trình đô thị hóa thành công

5. Càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng cần nhiều nước.

6. Nước đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

7. Để có hai miếng bít tết cần 15.000 lít nước

8. Phụ nữ tốn hàng triệu giờ cho việc lấy nước mỗi ngày


Theo dwrm dịch và tổng hợp

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Gạch không nung là gì?

Gạch không nung là loại gạch xây, sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học: Cường độ nén, uốn, độ hút nước... mà không cần qua nhiệt độ. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng.

Về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn gạch đất nung. Quá trình sử dụng gạch không nung, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền theo thời gian. Tất cả các tổng kết và thử nghiệm trên đã được cấp giấy chứng nhận: Độ bền, độ rắn viên gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung đỏ và đã được kiểm chứng ở tất cả các nước trên thế giới: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản,...

Gạch không nung ở Việt Nam đôi khi còn được gọi là gạch block, gạch blốc, gạch bê tông, gạch block bê tông, gạch xi măng,... tuy nhiên với cách gọi này thì không phản ánh đầy đủ khái niệm về gạch không nung. Mặc dù gạch không nung được dùng phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam gạch không nung vẫn chiếm tỉ lệ thấp.

Sản phẩm gạch không nung có nhiều chủng loại trên một loại gạch để có thể sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ nhỏ đến các công trình kiến trúc cao tầng, giá thành phù hợp với từng công trình. Có nhiều loại dùng để xây tường, lát nền, kề đê và trang trí.

Hiện nay, gạch không nung đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trong các công trình, nó đang dần trở nên phổ biến hơn và được ưu tiên phát triển. Có rất nhiều công trình sử dụng gạch không nung, từ công trình nhỏ lẻ, phụ trợ cho đến các công trình dân dụng, đình chùa, nhà hàng, sân golf, khu nghỉ dưỡng, cao ốc,...
Ưu điểm
So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm vật liệu xây dựng không nung có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung. Đó là:

- Không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất.. Đất sét chủ yếu khai thác từ đất nông nghiệp, làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đang là mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.

- Không dùng nhiên liệu như than, củi.. để đốt. tiết kiệm nhiên liệu năng lượng, và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

- Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hoả, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung.

- Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm, nhiều màu sắc khác nhau, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, nâng cao hiệu quả kiến trúc.

- Được sản xuất từ công nghệ, thiết bị tiên tiến của quốc tế, nó có các giả pháp khống chế và sự đảm bảo chất lượng hoàn thiện, quy cách sản phẩm chuẩn xác. Có hiệu quả trong xây dựng rõ ràng, phù hợp với các TCVN do bộ xây dựng công bố.

Các đặc điểm công nghệ gạch không nung: 
- Nguyên liệu đầu vào thuận lợi không kén chọn nhiều vô tận.
- Sản xuất từ thủ công tới tự động hóa hoàn toàn
- Chất lượng viên gạch tiêu chuẩn tốt.
- Giá thành hạ hơn so với gạch nung.

Một số loại gạch không nung hiện nay đang sử dụng
Gạch papanh
Gạch không nung được sản xuất từ phế thải công nghiệp: Xỉ than, vôi bột được sử dụng lâu đời ở nước ta. Gạch có cường độ thấp từ 30–50 kg/cm2 chủ yếu dùng cho các loại tường ít chịu lực.

Gạch Block hay gạch xi măng cốt liệu
Gạch không nung XMCL được tạo thành từ xi măng, mạt đá và các phụ gia khác. Loại gạch này được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong các loại gạch không nung. Trong các công trình thì loại gạch không nung này chiếm tỷ trọng lớn nhất. Loại gạch này thường có cường độ chịu lực tốt ( trên 80kg/m3 ), tỉ trọng lớn ( 1900kg/m3 ) nhưng những loại kết cấu lỗ thì có khối lượng thể tích nhỏ hơn ( 1800kg/m3 )

Đây là loại gạch được khuyến khích sử dụng nhiều nhất và được ưu tiên phát triển mạnh nhất. Nó đáp ứng rất tốt các tiêu chí về kỹ thuật, kết cấu, môi trường, thi công ... ngoài ra nó có thể dùng vữa xây thông thường.

Gạch xi măng - cát
Gạch được tạo thành từ cát và xi măng.

Gạch không nung tự nhiên
Từ các biến thể và sản phẩm phong hóa của đá bazan. Loại gạch này chủ yếu sử dụng ở các vùng có nguồn puzolan tự nhiên, hình thức sản xuất tự phát, mang tính chất địa phương, quy mô nhỏ ...

Gạch bê tông bọt siêu nhẹ

Sản suất bằng công nghệ bọt khí. Thành phành cơ bản: Xi măng, tro bay nhiệt điện, cát mịn, phụ gia tạo bọt. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng vượt TCXDVN: 2004 về cường độ chịu nén đối với tỷ trọng D800.

Gạch bê-tông khí chưng áp
Tên tiếng Anh là Autoclaved Aerated Concrete – gọi tắt là AAC. Bê  tông khí là hỗn hợp của cát hay tro bay với xi măng và vôi. Quá trình dưỡng bằng hơi nước ở áp suất cao trong nồi hấp làm cho sản phẩm ổn định cả về tính chất vật lý và hóa học. Bê tông khí chứa bong bóng khí rất nhỏ nằm tách biệt, chúng tạo cho bê tông khả năng cách âm cách nhiệt tốt.

Gạch không nung tại Việt nam
Nước ta hiện nay tiêu thụ 20 – 22 tỷ viên gạch một năm, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng ước tính gấp đôi, 40 tỷ viên.

Để đạt được lượng gạch này, cần một lượng đất khoảng 600 triệu m3, tương đương 30.000 ha đất canh tác. Hay nói nôm na, mỗi năm phải nướng diện tích một xã vào lò gạch. Gạch nung còn tiêu tốn nhiều năng lượng than, củi. Những lò gạch thải vào bầu khí quyển một lượng khí độc lớn.

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam cũng đã có gạch không nung, nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp, chỉ chiếm 4 – 5% sản lượng gạch toàn quốc. Lý do, ngoài thói quen sử dụng gạch nung từ lâu nay, còn do dây chuyền chủ yếu nhập, công nghệ phức tạp nên giá thành gạch cao. Gạch không nung đến nay vẫn là món hàng xa xỉ.

Chính sách
Với những vấn đề trên, gạch nung đang dần là một điểm yếu về công nghệ quan trọng trong công nghiệp xây dựng ở nước ta và rất cần được quan tâm. Chính vì vậy theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến 2020 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/08/2001, phải phát triển gạch không nung thay thế gạch đất nung từ 10 đến 15% vào năm 2005 và 25% đến 30% vào năm 2010, xóa bỏ hoàn toàn gạch đất nung thủ công vào năm 2010.

- Nghị định 121/2008-TTG của Viện vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng trình thủ tướng đã phê duyệt đưa ra lộ trình đưa gạch không nung vào thay thế vật liệu nung quy hoạch tới năm 2020. Theo lộ trình đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tỷ lệ vật liệu xây không nung trên tổng số vật liệu xây vào các năm 2010 sẽ là 10% để đến năm 2015 tăng lên từ 20-25% và bứt phá vào năm 2020 với 30 đến 40%; ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm vật liệu mới tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

- Công văn 2383/BXD – VLXD ngày 27/11/2008 của Bộ xây dựng gửi các Sở xây dựng các tỉnh thành phố phát triển vật liệu xây, gạch không nung thay thế cho gạch ngói nung để giảm ô nhiễm môi trường.

- UBND TP Hà Nội đã chỉ thị nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói, đồng thời không cho phép các xã, thôn, ký hợp đồng mới, gia hạn hợp đồng về sản xuất gạch bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường tại địa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không cho phép tận dụng đất đào từ các công trình nuôi trồng thủy sản, kênh mương, ao hồ để sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công. UBND TP HCM khuyến khích sử dụng gạch không nung vào các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình nhà cao tầng, công trình nhà ở, ký túc xá sinh viên... Tất cả nhằm mục tiêu phát triển các loại VLXD thân thiện với môi trường bằng công nghệ tiên tiến. Trong nội dung của đồ án quy hoạch phát triển VLXD TPHCM đến năm 2020 thì đến năm 2015, các cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) có hàm lượng khí thải vượt quá quy định hoặc không có hệ thống xử lý chất thải phải chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến hoặc phải ngừng sản xuất.

- Quyết định phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020‎ (Q567TTG_ngày 28-04-2010 )

- Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung

Một số giải pháp Phát triển vật liệu xây dựng không nung
Để thực hiện mục tiêu đạt 40% vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 bằng 16,8 tỷ viên, trung bình mỗi năm phải đầu tư mới 1,6 tỷ viên. Căn cứ vào nguồn nguyên liệu của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để đầu tư các cơ sở sản xuất VLXKN thích hợp.

Phát triển sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, cát, tro xỉ, mạt đá, trên các dây chuyền 3 triệu, 7 triệu, 15 – 40 triệu viên/năm ở các vùng nông thôn, miền núi, các KĐT, KCN, trước tiên thay thế các lò gạch thủ công. Loại vật liệu này chiếm trên 70% VLXKN vào năm 2020. Đầu tư sản xuất đá chẻ, đá ong, VLXKN từ đất đồi, từ phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp (bùn đỏ) với các dây chuyền sản xuất trên 8 – 20 triệu viên TC/năm, chiếm khoảng 5% VLXKN.

1. Các giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất VLXKN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay… Chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình.

2. Các địa phương còn xây dựng và công bố quy hoạch sử dụng đất để sản xuất gạch đất sét nung, không sử dụng đất nông nghiệp. Ban hành các chính sách tăng trưởng tỷ lệ gạch rỗng đất sét nung lên 80% vào năm 2020. Tăng thuế tài nguyên đất sét làm VLXD.

3. Hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN, nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp.

4. Nâng cao năng lực cơ khí trong nước để chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, để giảm nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2020 không nhập khẩu.

5. Soát xét, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa VLXKN vào công trình.


6. Để đưa VLXKN vào cuộc sống cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững.
Theo vatlieukhongnung.net

Bài đăng phổ biến