Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Những sai sót trong việc khoan khảo sát địa chất

Cũng có thể báo cáo khảo sát địa chất thì đầy đủ nhưng các kết quả khảo sát thí nghiệm lại không được đánh giá đúng mức, hoặc có khi người kỹ sư thiết kế và người thi công không hiểu rõ một cách đầy đủ tình hình đất nền. Thực tế đã có trường hợp thiếu sự phối hợp giữa người khảo sát địa chất và người thi công. Điều quan trọng là người kỹ sư thiết kế và người thi công phải được biết tất cả kết quả thí nghiệm về đất nền và đặc biệt là tính chất và độ dày khác nhau của lớp đất phía dưới; ngược lại, cũng phải thông báo cho người khảo sát và thí nghiệm đất nền (thí nghiệm cơ học đất) biết rõ tính chất của công trình sẽ xây dựng và các yêu cầu về nền móng.
 - Khoảng cách khảo sát giữa các lỗ khoan quá lớn nên không thể phản ánh chính xác tình hình thực tế của các lớp đất về thế nằm và vị trí của nó trong nền đất. Do vậy, mà các hang hốc nhỏ hoặc các thấu kính đất yếu không được phát hiện trong mạng lưới khoan không thích hợp nói trên. Việc bỏ sót các hang động (trong đá có các-tơ) hoặc các thấu kính đất yếu sẽ dẫn đến sự biến dạng lún không đều, lún lớn hoặc dẫn đến nhầm lẫn trong việc dùng giải pháp móng không thích ứng như chọn chiều dài cọc không đúng, đặt vị trí khe lún không phải tại nơi có biến đổi chiều dày và tính chất đất nền…

 - Độ sâu lỗ khoan khảo sát địa chất không đủ nên không thể xác định được chiều dày các lớp đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng của móng và nhất là không xác định được lớp đất chịu lực mà công trình đặt vào lớp đó. Điều này dễ dẫn đến sự lựa chọn giải pháp móng không đủ căn cứ hoặc độ tin cậy thấp mà hậu quả của nó sẽ rất khó lường về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế.

 -Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình và thí nghiệm không rõ ràng chuẩn xác. Nguồn tư liệu thường hay sai sót nữa là các số liệu về nước ngầm, đặc biệt là sai lầm về dòng chảy và thẩm thấu nước mặt thay đổi. Khi khảo sát địa hình cần khảo sát cả về khả năng thay đổi dòng chảy của nước mặt trong các vùng thực vật khác nhau; phải chú ý khả năng thẩm thấu nước mặt của đất liền xung quanh và ảnh hưởng của tải trọng công trình bên cạnh. Tất cả những điều vừa nói có thể gây chuyển động và trượt bề mặt.

 - Nhiều trường hợp không thể lường trước khả năng xảy ra sự cố cho những công trình đã đưa vào sử dụng do các nguyên đất nền bị nhão, thẩm lậu, bị ngập lụt, thay đổi tính chất cơ lí của đất do chịu tác động của chấn động, mực nước ngầm bị dâng cao hoặc hạ thấp, thay đổi lớn về nhiệt độ, ảnh hưởng sinh vật học và hóa học hoặc do tổng hợp các nguyên nhân trên cùng các hiện tượng khác nữa. Những điều này có liên quan đến công tác khai thác và bảo trì công trình cũng như giữ gìn môi trường địa chất không bị biến đổi bất lợi cho công trình.

Khảo sát địa chất một cách khoa học tham khảo cách sau :
 - Ở giai đoạn 1: Định vị công trình, địa hình, xếp loại tính chất công trình và sưu tầm các dữ liệu về đất nền đã lưu trữ được, đánh giá dữ liệu đã có so với yêu cầu của công trình dự định xây dựng. Nếu thấy đầy đủ thì chuyển cho thiết kế .
 - Ở giai đoạn 2: Khi cần khảo sát thì chỉ nhằm xác định vị trí lỗ khoan ở một số hạng mục công trình rồi thiết kế tạm nên còn gọi là giai đoạn nghiên cứu khả thi.
 - Ở giai đoạn 3: Đánh giá, so sánh phương án, khảo sát kĩ hơn để phân lớp và thiết kế sơ bộ.
 - Ở giai đoạn 4: Xác định các thông số của đất ở hiện trường và phòng thí nghiệm để có đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc thiết kế cuối cùng.

Hậu quả của những sai sót trong khảo sát đất nền cũng như trong việc quản lý môi trường địa chất thường dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất đáng kể. Để hạn chế hoặc khắc phục nó (cũng có khi không thể khắc phục được), cần có những luật pháp về khai thác và bảo vệ môi trường địa chất chặt chẽ. Điều này sẽ lần lượt làm tỏ bằng một số ví dụ được trình bày trong các chương sau.
Trong bảng trình bày một số trường hợp gây lún không đều cho công trình cần được chú ý khi khảo sát đất nền để phát hiện trước khi thiết kế cũng như trong việc tìm nguyên nhân hư hỏng khi tìm biện pháp sửa chữa.
Bảng một số điều kiện đất nền có thể gây lún không đều
www.thuyloivn.com- ST

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Cố GS Nguyễn Sinh Huy và dấu ấn công trình thoát lũ ra biển Tây

(Dân trí) - Tâm huyết cả đời với nghề dạy học và nghiên cứu, cố giáo sư Nguyễn Sinh Huy đã cống hiến cho xã hội nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Trong đó nổi bật nhất chính là công trình thoát lũ ra biển Tây.

Con người của những công trình nghiên cứu
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sinh Huy sinh ngày 17/10/1932 tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai trưởng trong gia đình có 7 anh, chị em đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1950, sau khi học xong trung học phổ thông, Nguyễn Sinh Huy gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc và chuyên trách công tác Đoàn tại địa phương.

Năm 1953 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết định, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1955, hòa bình lập lại, ông được lựa chọn sang Liên Xô (cũ) và được phân công học tập tại Trường Đại học Khí tượng - Thủy văn Ôđetxa thuộc nước Cộng hòa Ukraina. Khác với nhiều sinh viên cùng thời, khi đi học, ông đã là cán bộ trong biên chế Nhà nước, là Bí thư chi đoàn của nhóm thanh niên học tại Ôđetxa. Sau 5 năm mải miết học tập, ông giành được tấm bằng kỹ sư xuất sắc. Tháng 7/1962 về đến Hà Nội, ông được phân công giảng dạy tại Trường đại học Thủy lợi.

Trong suốt 35 năm liên tục công tác tại Trường ĐH Thủy lợi, GS Nguyễn Sinh Huy đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp cho 31 khoá sinh viên các ngành thủy văn, thủy công, thủy nông và thi công công trình. Nhiều thế hệ sinh viên được GS Huy dạy bảo, dìu dắt nay đã trưởng thành, từng giữ những cương vị chủ chốt tại Trường ĐH Thủy lợi, ở trong và ngoài ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành quả ấy đã ghi nhận công lao to lớn của ông đóng góp vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyên môn của Bộ môn Thủy văn công trình nói riêng và sự nghiệp đào tạo chung của Trường ĐH Thủy lợi.
 GS Nguyễn Sinh Huy cùng các đồng nghiệp trong
chuyến khảo sát hồ sinh thái Vĩnh Lộc (TPHCM).
Là một giảng viên có trình độ cao, rất có uy tín trong đồng nghiệp, được sự tín nhiệm của tổ chức, từ tháng 12/1984, ông được cử làm giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Trung tâm ĐH1 (nay là cơ sở 2 của trường) cho đến khi nghỉ công tác quản lý tháng 11/1993. Giáo sư Huy đã được cử tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước; trong đó có 11 đề tài thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 3 đề tài ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, và tham gia nhiều đề tài khác. Ông cũng được giao chủ trì 31 đề tài do cấp Bộ, cấp Tỉnh và Thành phố quản lý. Có những công trình quan trọng về tính hiệu quả và tính xã hội sâu sắc đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đông dân cư hay có diện tích lớn như khu vực TPHCM, ĐBSCL.

 Ông cũng đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng như: Luận chứng và Thiết kế các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi (1981 - 1993); Chủ trì lập kế hoạch vận hành lợi dụng tổng hợp kho nước Dầu Tiếng (1984); Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây (1996 -1997); Kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười (1998 - 1999); các dự án phục vụ phát triển TPHCM như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Lấn biển Cần Giờ, khu du lịch sinh thái Vĩnh Lộc... Những vùng khác như Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ven biển miền Trung... đều có các công trình nghiên cứu của ông.

Về nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục phối hợp với cơ sở 2 Trường ĐH Thủy lợi, Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và nhiều dự án quy hoạch quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển thủy lợi và kinh tế xã hội ở ĐBSCL, TPHCM, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Miền Trung.

Dấu ấn công trình thoát lũ ra biển Tây
Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây của cố GS Nguyễn Sinh Huy là một tư duy khoa học đầy sáng tạo, bằng cách: xây dựng thêm một số công trình mới, cải tạo các công trình đã có, kể cả kênh Vĩnh Tế, nhằm chuyển một phần nước của sông Hậu thoát về biển Tây, vừa giảm áp lực nước cho vùng tứ giác Long Xuyên, vừa đồng thời sử dụng nước ngọt trong mùa lũ để cải tạo đất phèn vùng Tứ giác Hà Tiên.

Theo số liệu của năm 1997, trong vùng có diện tích 489.935 hecta, nhưng có đến 253.186 hecta là đất bị nhiễm phèn, và 12.100 ha bị nhiễm mặn. Sau mùa lũ 1996, trước những khó khăn lớn của ĐBSCL do bị ngập lụt, ý tưởng kiểm soát lũ tràn qua biên giới được ông đưa ra nhưng không phải được sự đồng tình ngay từ ban đầu.

Khi đó ông đã nghỉ hưu và về làm việc tại Phân viện Địa Lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia (TTKHTN & CNQG, nay là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam). May mà ý tưởng của ông được Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu khi đó đang là Giám đốc TTKHTN & CNQG biết đến và Viện sỹ đã mời ông trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng vốn là người đang có nhiều trăn trở về phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, chỉ sau một buổi làm việc, tuy chưa kiểm tra các kết quả tính toán, nhưng ông đã hoàn toàn tin vào ý tưởng của GS Huy và quyết định cho phép đề án được tiếp tục nghiên cứu chi tiết để triển khai thực hiện.
GS Nguyễn Sinh Huy báo cáo đề tài kiểm soát lũ Đồng
Tháp Mười năm 1997. (Ảnh gia đình cung cấp)
Đề án đã được đánh giá cao, được tặng giải thưởng của TTKHTN & CNQG và do tính cấp bách của yêu cầu thực tế, công trình đã được Chính phủ đồng ý cho cơ quan chức năng nghiên cứu chi tiết và thực hiện vào năm 1997. Năm 2000, một trận lũ lịch sử đã xảy ra, công trình Thoát lũ ra biển Tây đã đứng vững trước một thách thức lớn và phát huy hiệu quả. Vào năm này kênh Vĩnh Tế và hệ thống thoát lũ đã vận chuyển được 13 tỷ m3. Nước phù sa sông Hậu chảy sâu vào nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên từ 30 đến 40 km, đã có 8 tỷ m3 được sử dụng để thau chua, rửa phèn so với 2,5 tỷ m3 trước đây.

Ngay trong 5 năm đầu tiên đã khai hoang được 50.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn nước ngọt cho 200.000 ha đất tự nhiên, 150.000 ha đất phèn được cải tạo, hơn 200.000 người dân thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày, môi trường đã tốt hơn, cá Linh là biểu hiện của môi trường trong lành đã về đến Kiên Giang, chim đàn trở về nhiều hơn trước; riêng tỉnh Kiên Giang, năm 2002 đã thu hoạch được 2,5 triệu tấn lương thực so với 1,6 triệu tấn những năm chưa có công trình.

Đến nay, sau 10 năm vận hành, hệ thống thoát lũ biển Tây ngày càng phát huy hiệu quả toàn diện, các mục tiêu tổng hợp của công trình như ngăn lũ, thoát lũ, cải tạo môi trường, tạo nguồn, giữ nước và phối hợp thuỷ lợi - giao thông - dân cư được thực hiện đồng bộ.

GS Nguyễn Sinh Huy đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 22/9/2012. Những ngày cuối đời, ông vẫn luôn trăn trở tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm của mình nhằm tìm ra những giải pháp tổng hợp, hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xem xét đánh giá toàn diện hệ thống công trình thoát lũ Tứ giác Long xuyên để kiph thời phát hiện, sửa chữa những sai sót. Đặc biệt là hoàn thiện công trình trong tình hình mới với những yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế - xã hội và sự tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Tiếc thay, những dự định của ông đành phải để lại cho các thế hệ kế tiếp.

Nguyễn Hùng

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

90 triệu người không thể ngồi nhìn Trung Quốc lộng hành

Từ khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD981 đến nay, chưa có biểu hiện nào từ phía Trung Quốc cho thấy họ có thiện chí hòa bình và sẵn sàng rút lui. Ông Trình Quốc Bình - dù nói kiểu gì - cũng bỏ qua dư luận quốc tế để biện bạch rằng giàn khoan HD-981 hoạt động trong vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc và họ sẽ “duy trì lợi ích cốt lõi và bảo vệ chủ quyền”.


Ông Trình Quốc Bình phát biểu như vậy mà ai đó còn tin rằng Trung Quốc “dịu giọng” và “xuống thang” thì quả là rất mất cảnh giác.

Tiếp theo, Dịch Tiên Lương - Vụ phó Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - còn tuyên bố Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút tàu khỏi khu vực đặt giàn khoan HD-981. Ông Dịch đặt điều kiện Việt Nam phải rút các tàu về thì Trung Quốc sẵn sàng đàm phán.

Ăn nói quá ngạo ngược.

Trung Quốc đưa giàn khoan vào tận thềm lục địa của Việt Nam, lại tuyên bố Việt Nam phải rút tàu thì mới đàm phán.
Trung Quốc đã dồn Việt Nam đến kịch tường, không còn bất cứ lựa chọn nào khác là phải bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại.

Ở đây không phải là vùng biển tranh chấp, mà lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ có một việc duy nhất Trung Quốc phải làm là rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nếu đàm phán, thương lượng, có nghĩa là thừa nhận đây là vùng biển tranh chấp. Việt Nam không thể mắc vào cái bẫy của Trung Quốc dễ dàng như vậy.

Vào tận thềm nhà người khác để chiếm đất, lại không cho người ta chống lại, bắt người ta rút lui để đàm phán.

Trung Quốc đã dồn Việt Nam đến kịch tường, không còn bất cứ lựa chọn nào khác là phải bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại.

Nếu để Trung Quốc ngang nhiên xâm lược lãnh thổ bằng chiếc giàn khoan này, thì thế hệ hôm nay sẽ mang tội với tiền nhân và con cháu mai sau. Cho nên, nhân dân Việt Nam có cùng ý chí như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV: “90 triệu dân VN sẽ không ngồi im nhìn TQ lộng hành”.

Nhìn lại các vụ việc xảy ra trên Biển Đông gần đây, Việt Nam luôn đưa ra các biện pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là rất tôn trọng tình hữu nghị của hai nước.

Về phía Trung Quốc, họ đã tỏ ra xem thường thiện chí của Việt Nam, liên tục thực hiện những hành động xâm chiếm biển Đông, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Và lần này, Trung Quốc không còn xâm lấn ngoài “vườn” mà đã vào chiếm đất tận “hiên nhà”.


Việt Nam vẫn kiềm chế và thuyết phục Trung Quốc rút lui, nhưng nói như Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu: “Mọi sự kiềm chế đều có giới hạn”.

Theo laodong.com.vn

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Chủ quyền biển đảo, máu thịt người đời!

Việt Nam ta bốn ngàn năm văn hiến, nhỏ bé thôi nhưng anh dũng vô cùng. Hai tiếng “Việt Nam” hai tiếng tự hào. Tự hào bởi dải đất cong cong hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương - nơi “đẹp núi, đẹp sông, đẹp những cánh đồng”.
Nơi “rừng vàng biển bạc”, nơi những anh tài được nuôi dưỡng, nơi những chiến công oanh liệt được ghi vào sử sách của Thế giới, và nơi ấy không thể lẫn với bất kỳ quốc gia nào… Việt Nam – Tổ quốc chúng ta.

 “ Có nơi đâu đẹp tuyệt vời 
Như sông, như núi, như người Việt Nam”

Lãnh thổ đất liền mang dáng dấp hình chữ S xinh xinh, nhỏ nhắn nằm ở rìa phía Đông của bán đảo Đông Dương, Việt Nam ta được vùng biển Đông rộng lớn ôm trọn và bao bọc nên ngàn đời nay “đất liền” với “dân” với “ biển, đảo” gắn bó bên nhau chẳng thể tách rời. Biển, đảo Việt Nam luôn được nhắc đến như một phần máu thịt của dân tộc Việt.
Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh minh họa
Vào những ngày này khi cả nước đang có nhiều hành động thiết thực chung tay góp sức hướng về Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu, với những tình cảm thiêng liêng nhất, cao quý nhất, chân thành nhất, lòng tôi cũng rạo rực với những cảm xúc khó diễn tả thành lời. Cái cảm xúc của một chàng thanh niên mang trong mình ước mơ và khát vọng cháy bỏng được đóng góp công sức dù chỉ là nhỏ nhoi của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương yêu dấu, giữ vững chủ quyền đất nước mà cha anh ta ngàn đời nay vẫn làm. Trường Sa, Hoàng Sa, Biển đảo quê hương - những tên gọi thân thương mà chỉ nhắc đến thôi trong tôi lại vỡ òa bao cảm xúc. Dù tôi chưa từng đặt chân đến hết mọi miền Tổ quốc, không được chứng kiến tận mắt những sự kiện mà trong những năm gần đây, quân và dân ta ở biển đảo phải chịu đựng và chống cự kiên cường, tôi chỉ được biết qua những thước phim tư liệu, hình ảnh đất nước Việt Nam trải dài từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau đẹp như tranh vẽ trong câu thơ của nhà thơ Tỗ Hữu:
Ngày 19-9-1954, Bác Hồ về thăm Đền Hùng, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong khi Đại đoàn về tiếp quản Thủ Đô. Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác như đã nói lên một trong những quy luật phát triển của đất nước là: “Dựng nước” luôn gắn liền với “Giữ nước”. Có dựng nước mạnh mới giữ được nước bền và ngược lại có giữ vững độc lập tự chủ của đất nước mới xây dựng được xã hội Việt Nam giầu mạnh văn minh.


“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình ca”

Hình ảnh người lính hải quân chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo từ những thước phim tư liệu ấy như sống thực trong trí óc tôi. Những người lính ngoài đảo xa ấy không ngại gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, đang ngày đêm canh giữ đất trời tổ quốc, dẫu cho bão táp phong ba, dẫu cho khó khăn gian khổ vẫn trọn lời thế bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Đã từ lâu tôi luôn coi họ như là những người anh trai của mình vậy, những người anh, người đồng đội của tôi trong lực lượng vũ trang. Và hình ảnh những đoàn tàu không số băng mình trong mưa bom bão đạn ra sức chi viện cho miền Nam lại hiện lên. Còn đó những ngư dân ven biển quyết chí bám biển, một tấc cũng không rời dù có bị dụ dỗ hay đe dọa, cả tính mạng họ cũng không màng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm trái tim tôi thổn thức chỉ muốn hét lên thật to, thật rõ:

“Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi.
Trọn đời mình quyết giữ vững quê hương”.

Tôi lớn lên ở một làng chài ven biển miền Trung, cái mặn mòi của biển cả ru lớn tâm hồn tôi, hiểu được sự khắc nghiệt của đại dương mênh mông mang lại, tôi thấy yêu hơn vẻ đẹp hùng vĩ, bao la mà không kém phần huyền ảo của nó, để thấy tự hào hơn, trân trọng hơn chủ quyển biển đảo quê hương. Đó là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm mà như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đó là chủ quyền mà ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, nước mắt không quản “sáng ngăn bão giông chiều ngăn nắng lửa” để bảo vệ, giữ gìn.

 Yêu lắm Việt Nam, yêu lắm biển đảo quê hương - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc. Càng yêu quý bao nhiêu lại càng thấy bất bình bấy nhiêu trước những hành động ngang ngược vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, vi phạm trắng trợn pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về biển đảo, sẵn sàng chà đạp lên tất cả với mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Không! Sẽ không một ai và bất cứ kẻ thù nào có thể thực hiện được mưu đồ đen tối đó. Lịch sử dân tộc ta, lịch sử của một dân tộc anh hùng đã sống và chiến đấu với một lòng nồng nàn yêu nước, một ý chí kiên cường quật khởi luôn ra sức bảo vệ, giữ gìn độc lập dân tộc, giữ gìn hồn thiêng sông núi nước Nam. Với chúng tôi, những thanh niên của Học viện An ninh nhân dân đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng ấy…

Các bạn thì sao? Thanh niên thế hệ trẻ chúng ta hãy để cho nhiệt huyết tuổi trẻ bùng cháy cho sức sống căng tràn, hãy là một ngôi sao băng rực cháy chứ đừng làm dải ngân hà vĩnh cữu nhưng mờ nhạt. Bởi tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại. Tổ quốc ta, biển đảo quê hương ta đang đón chờ những người con của đất mẹ để hiến dâng sức trẻ cho chủ quyền dân tộc. Chúng ta hãy sẵn sàng. Chúng tôi luôn mong rằng, là những thanh niên của một đất nước Việt Nam anh hùng, các bạn trẻ hãy sống và xây cho đời những ước mơ hoài bão thật cao đẹp để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lịch sử sẽ nhắc đến, ghi tên và biết ơn các bạn, nhưng các bạn hãy nhớ một điều rằng, tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo không đồng nghĩa với những việc làm thiếu suy nghĩ, trái đạo đức lương tâm, vi phạm đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Tương lai đang vẫy gọi các bạn, Tổ quốc đang chào đón chúng ta từng ngày từng giờ, mỗi cá nhân hãy chuẩn bị cho mình hành trang thật tốt để bước vào đời, bước vào cuộc hành trình thiêng liêng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tôi rất may mắn khi đang là sinh viên của một ngôi trường với bề dày 67 năm hình thành và phát triển, đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Ngôi trường mà tôi muốn nhắc tới ở đây chính là Học viện An ninh nhân dân, cái nôi đào tạo ra những chiến sĩ an ninh vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng là “cánh tay đắc lực” của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Với tôi, được khoác lên mình bộ quân phục màu “cỏ úa” là một niềm vinh dự lớn lao bởi:

“Quân phục tôi mang là cỏ úa màu xanh
Màu biểu tượng cho sự trung thành với Đảng”

Nhưng lại càng thấy trách nhiệm của mình to lớn hơn, nặng nề hơn. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người con đối với quê hương đất nước mà hơn nữa còn là trách nhiệm của người chiến sĩ công an, người đầy tớ trung thành của nhân dân, với trách nhiệm mang lại cho nhân dân cuộc sống bình yên và hạnh phúc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

Chúng tôi tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ để lãng phí dù chỉ là một phút giây vào những việc làm vô bổ. Quãng đời sinh viên là vô cùng quý giá để chúng tôi trang bị kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để bước vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ ANQG, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt. Là sinh viên Học viện An ninh nhân dân, chúng tôi sẽ tích cực học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau dồi bản lĩnh chính trị, không ngại khó khăn gian khổ để trở thành những chiến sĩ an ninh vừa hồng vừa chuyên dù hiểm nguy muôn ngả vẫn sẵn sang ungdung bước tiếp chẳng ngại chi. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài dự thi tìm hiểu, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây thực sự là một hoạt động có ý nghĩa thiết thức góp phần chung tay cùng cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương thân yêu.

Ai đó đã nói rằng, cuộc đời là những chuyến đi, mỗi chuyến đi là một va chạm, là một xê dịch trong cảm xúc và cuộc sống của chính mình. Mỗi chuyến đi mang lại cho ta thêm hiểu biết, thêm những trải nghiệm mới trong tâm hồn và bạn biết không tôi vừa có một hành trình trong tâm tưởng đến với Trường Sa thân yêu. Thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên đất trời, sự tấp nập của những chuyến tàu, những khu vui chơi giải trí sầm uất, nhà cửa san sát nối tiếp nhau… hình ảnh người lính Hải quân chắc tay ung bảo vệ biển đảo quê hương… bất chợt ở đâu đó vang lên câu hát :

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

Đó không phải là một giấc mơ phải không các bạn ? Rồi một ngày không xa tôi, chúng ta sẽ đến với Trường Sa, với biển khơi! Sẽ đem hơi thở đất liền đến với biển đảo xa xôi, sẽ tạo dựng không chỉ cuộc sống thường dân giản dị mà là nét văn hóa bản sắc Việt Nam, xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Để rồi xem thế lực nào, dân tộc nào gian ác nào có thể phá vỡ được nó ? Thanh niên Việt Nam quyết chí hoàn thành những tâm nguyện của thế hệ đi trước, hoàn thành khát vọng của chính tuổi trẻ chúng ta.

Trường Sa ơi ! Biển khơi ơi ! Ngàn đời sóng vỗ, ngàn đời giữ gìn !!!

http://thanhnienviet.vn/

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Trách nhiệm cụ thể về quản lý chất lượng công trình

1 - Đối với Chủ đầu tư:
Chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do mình quản lý. Nếu thành lập Ban quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện năng lực theo quy định. Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu đối với những tổ chức tư vấn doanh nghiệp xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, theo quy định hiện hành. Được quyền yêu cầu những đơn vị liên quan, theo hợp đồng, giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị, công việc… và có quyền từ chối nghiệm thu. Khi Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải thuê tổ chức Tư vấn có đủ năng lực thực hiện các công việc liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng như: Giám sát thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị, đặc biệt đối với công tác quản lý chất lượng tại công trường, công tác nghiệm thu (cấu kiện, giai đoạn, hoàn thành) và việc đưa ra quyết định đình chỉ thi công trong những trường hợp cần thiết.

 2 - Đối với đơn vị tư vấn:
- Chịu trách nhiệm về những quy định pháp lý đã nêu trong hợp đồng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và thời gian thực hiện cần phải đảm bảo nghiêm túc.
+ Phải sử dụng cán bộ có đủ năng lực cho mỗi công việc thực hiện theo quy định.
+ Phải có hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế của đơn vị.
+ Phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm tư vấn của mình gây ra.
+ Phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định.
+ Không được chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật của một nơi sản xuất, cung ứng nào đó, mà chỉ được nêu yêu cầu chung về tính năng kỹ thuật của vật liệu hay vật tư kỹ thuật.
+ Không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của hợp đồng cho một tổ chức tư vấn khác.
- Đảm bảo sản phẩm được thực hiện theo đúng nội dung các bước thiết kế đã quy định; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng giao nhận thầu thiết kế với chủ đầu tư.
- Đồ án thiết kế chỉ được thực hiện khi chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế có đủ năng lực theo quy định của Bộ Xây dựng. Người chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng sản phẩm do mình thực hiện.
- Tổ chức tư vấn thiết kế phải có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm thiết kế để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế.
- Tổ chức tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công phải thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp theo quy định.
- Tổ chức tư vấn thiết kế không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của nội dung hợp đồng cho một tổ chức tư vấn thiết kế khác.
- Việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế phải lập biên bản theo mẫu quy định, trong đó có nêu rõ những sai xót (nếu có), thời gian khắc phục, bổ sung và kết luận về chất lượng.

3 - Đối với doanh nghiệp xây dựng:
- Phải đảm bảo chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng tốt, cho công trình đang thi công, những công trình khác xungh quanh và khu vực lân cận.
- Chỉ được phép nhận thầu thi công những công trình thực hiện đúng thủ tục đầu tư và xây dựng, phù hợp với năng lực của mình; thi công đúng thiết kế được duyệt, áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được quy định và chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế và cơ quan giám định Nhà nước theo phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp.
- Vật liệu thành phẩm hoặc bán thành phẩm, cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định; tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công.
 Chất lượng thi công Xây - Lắp:
Luật Xây dựng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, có hiệu lực thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày 01/07/2004.



Thực hiện nội dung các Nghị định Chính Phủ số 209/2004/NĐ-CP, ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình; số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; và Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây Dựng về việc Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân  trong hoạt động xây dựng.
+ Doanh nghiệp phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với hợp đồng giao thầu, trong đó cần có bộ phận giám sát chất lượng riêng của doanh nghiệp.
+ Lập đầy đủ, đúng quy định nhật ký thi công xây dựng công trình.
+ Chỉ được phép thay đổi, bổ sung vật liệu, khối lượng khi được Chủ đầu tư chấp thuận ( có biên bản ký nhận giữa các bên liên quan).
+ Báo cáo đầy đủ quy trình tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng.
+ Phối hợp với Chủ đầu tư và đơn vị giám sát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu.
+ Báo cáo thường xuyên với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn và môi trường xây dựng.
+ Tổ chức nghiệm thu nội bộ trước khi mời đại diện chủ đầu tư nghiệm thu.
+ Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng cho người, thiết bị và những công trình lân cận, kể cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực.
+ Lập hồ sơ hoàn công theo quy định hiện hành.

4 -  Đối với đơn vị Khảo sát xây dựng:
- Bao hàm khảo sát địa chất, thủy văn, khảo sát hiện trạng, đo đạc địa hình, đo đạc lún, nghiêng, chuyển dịch, … của công trình đang có.
- Nhiệm vụ khảo sát do đơn vị thiết kế lập, được chủ đầu tư phê duyệt phải phù hợp với quy mô, các bước thiết kế, tính chất công trình, điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng; đặc biệt khảo sát phải đủ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, tránh lãng phí.
- Công việc khảo sát phải phù hợp nhiệm vụ đã phê duyệt, trong báo cáo phải kiến nghị về việc xử lý nền móng công trình xây dựng.
- Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung, do thiết kế đề nghị.
- Việc khảo sát không được xâm hại về môi trường, phải phục hồi lại hiện trạng ban đầu của hiện trường, theo những nội dung phục hồi đã ghi trong hợp đồng.
- Việc khảo sát không được xâm hại mạng lưới kỹ thuật công trình công cộng và những công trình xây dựng khác trong phạm vi địa điểm khảo sát.

5- Đối với đơn vị Giám sát thi công xây lắp:
- Phải có bộ phận chuyên trách (có thể là doanh nghiệp tư vấn) đảm bảo duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công xây lắp, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao.
- Phải phân định nhiệm vụ, quyền hạn của giám sát trưởng, các giám sát viên chuyên trách cho từng công việc và thông báo công khai tại công trường và đảm bảo việc giám sát được thường xuyên, liên tục.
- Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu của dự án.
- Kiểm tra các điều kiện khởi công; điều kiện về năng lực các nhà thầu, thiết bị thi công (phù hợp hồ sơ dự thầu), phòng thí nghiệm của nhà thầu hay những cơ sở sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng (khi cần thiết); kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng, chứng chỉ chất lượng thiết bị công trình.
- Lập đề cương, kế hoạch và biện pháp thực hiện giám sát.
- Kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn, môi trường của công trình, hạng mục công trình.
- Tổ chức kiểm định sản phẩm xây dựng khi cần thiết
- Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.
- Giúp chủ đầu tư tập hợp, kiểm tra và trình đơn vị quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra hồ sơ, tài liệu nghiệm thu, trước khi tổ chức nghiệm thu (giai đoạn, chạy thử, hoàn thành).
- Giúp chủ đầu tư lập báo cáo thường kỳ về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
- Giúp chủ đầu tư (hay được ủy quyền) dừng thi công, lập biên bản khi nhà thầu vi phạm chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng.
- Từ chối nghiệm thu các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Lý do từ chối phải thể hiện bằng văn bản.


Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long

Bài đăng phổ biến