Trước mối nguy từ đập của Trung Quốc, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là một giải pháp cho vấn đề điều tiết việc xả lũ từ phía Trung Quốc.
Trả lời Thanh Niên về giải pháp điều tiết để tránh xảy ra tình trạng xả lũ đột ngột ở thượng lưu, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trung Quốc không tham gia bất cứ tổ chức nào liên quan đến nguồn nước nên chúng ta không có cơ chế nào để ràng buộc họ.
Lũ sông Hồng dâng cao trong ngày 11.10, nhấn chìm toàn bộ bãi bồi và hoa màu ven sông ở Lào Cai và các địa phương dọc theo sông Hồng - Ảnh: Khánh Vân |
Cụ thể như LHQ có Công ước về luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy (Công ước 1997) hay sông Mê Kông có Ủy hội sông Mê Kông thì Trung Quốc đều không tham gia. Ngay cả khi Trung Quốc tham gia Công ước quốc tế về luật Biển thì họ cũng hành xử theo cách của họ như thực tế đang diễn ra trên biển.
Như vậy, về mặt nội tại, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm ở khu vực biên giới. Hệ thống này sẽ phát tín hiệu khi mực nước diễn biến bất thường. Nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó”.
Cần có cơ chế hợp tác
Nhìn nhận câu chuyện ứng phó xả lũ thượng nguồn sông Hồng, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, cho rằng quan trọng nhất vẫn là cơ chế pháp lý cấp quốc gia giữa VN và Trung Quốc về trao đổi thông tin khí tượng thủy văn, cũng như quản lý dòng chảy trên các dòng sông. Nhưng đây là việc lớn cần có thời gian giải quyết lâu dài.
Còn ở địa phương biên giới đang có những con sông lưu vực nằm cả trên lãnh thổ VN và Trung Quốc, như Lai Châu có sông Đà, Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng… các địa phương chủ động có hợp tác ở cấp tỉnh, mục tiêu quan trọng nhất là nắm được thông tin về khí tượng thủy văn làm cơ sở xây dựng giải pháp ứng phó trong các tình huống khác nhau.
Cũng theo TS Đào Trọng Tứ, nếu hợp tác chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp trao đổi thông tin thì chỉ giải quyết được tính chất xảy ra đột ngột như xả lũ trên sông Hồng vừa qua, phía VN sẽ không bị động bất ngờ. Nhưng để có giải pháp ứng phó mang tính chủ động, giữa VN và Trung Quốc phải xây dựng và thống nhất được các kịch bản xả lũ trên thượng lưu sông Hồng trong các tình huống thiên tai cực đoan để chủ động ứng phó. Ở góc độ kỹ thuật, theo TS Đào Trọng Tứ, các quốc gia nằm ở khu vực hạ lưu các con sông mà đi xây dựng các công trình ngăn, chống lũ không phải là giải pháp tối ưu.
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ TN-MT của VN và Bộ Tài nguyên nước phía Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về chia sẻ số liệu thủy văn của lưu vực sông Hồng, phía Trung Quốc gọi là sông Nguyên. Cụ thể từ ngày 15.5 - 15.10 hằng năm, Cục Thủy văn và tài nguyên nước tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đều chia sẻ số liệu thủy văn trên thượng lưu sông Nguyên tại 5 trạm đo thuộc tỉnh Vân Nam là: Nguyên Giang, Mạn Hảo, Trung Ái Kiều, Thổ Khả Hà và Kim Giang.
Theo đó, các thông tin này được trao đổi qua đường thư điện tử, cụ thể về các số liệu quan trắc về lượng mưa, mực nước và lưu lượng nước đo lúc 0 giờ và 12 giờ GMT hằng ngày, tức là 8 giờ và 20 giờ Bắc Kinh, tương ứng 7 giờ và 19 giờ Hà Nội. Còn phía VN cung cấp cho Trung Quốc số liệu thủy văn trong mùa mưa lũ của lưu vực sông Bằng Giang, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cùng là thượng nguồn sông Zuojiang của Trung Quốc tại các trạm thủy văn Bằng Giang (Cao Bằng) và TP Lạng Sơn, Vân Mịch (Lạng Sơn) đo lúc 0 giờ và 12 giờ GMT, tức là lúc 7 giờ và 19 giờ tại Hà Nội, tương đương 8 giờ và 20 giờ Bắc Kinh. Hai bên thống nhất trao đổi thông tin ít nhất 2 lần/ngày và trong các trường hợp lượng mưa, mực nước vượt giá trị bình thường sẽ tăng cường cung cấp các thông tin bổ sung.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh thiết lập cơ chế trao đổi thông tin phòng chống thiên tai Trung Quốc ở cấp quốc gia, cùng với các nước ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp thật sự cho vấn đề này.
Chí Nhân - Phan Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét