Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Tôi yêu Thái Bình quê tôi

"Người ta có thể có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về!"
Trong tận sâu thẳm mỗi con người, quê hương vẫn là nơi chôn rau cắt rốn. Người ta cũng không được phép chối bỏ, lãng quên quê hương dù có nghèo khổ. Quên sao được khi tôi được sinh ra từ gốc lúa bờ tre hồn hậu, quên sao được khi đó là dải đất nặng ân tình, màu mỡ phù sa và hiển hách những chiến công, những con người làm nên lịch sử.

Thái Bình quê tôi đó, bao đời cây lúa nuôi lớn những tâm hồn, những trái tim hồn hậu, thủy chung. Bao lần trở về, cảm xúc trong tôi luôn dâng tràn khi đi qua những cánh đồng bạt ngàn lúa đang thì con gái dậy mùi thơm, hay bến nước, gốc đa, sân đình.Mọi người thường bảo tôi sao giản dị lạ thường. Tôi trả lời anh vì tôi sinh ra ở Thái Bình quê lúa mộc mạc và tôi lớn lên bằng hạt lúa mẹ trồng - lúa Thái Bình.

Lúc bé tôi chẳng biết đích xác cây lúa có tự bao giờ ở quê tôi. Nghe mẹ kể và kí ức còn sót lại của một con bé bốn tuổi thì căn nhà đắp đất nhỏ bé của bố mẹ tôi nằm bên đồng lúa bạt ngàn. Cuộc sống người dân gắn liền với cây lúa, đến cái nhà đắp đất cũng trộn từ rơm rạ lúa. Mẹ mang thai tôi vẫn đi nhổ mạ, đi cấy cho đến khi gặt lúa gánh về nhà mẹ chuyển dạ, gánh lúa oằn theo cơn đau của mẹ.

Lớn lên một chút, thiên đường của bọn trẻ nhỏ quê tôi là bồ thóc lúc chơi ú tim hay những vệt cỏ xanh ngan ngắt ven đồng lúa. Tôi hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ, không phải đi chăn trâu cắt cỏ. mỗi chiều học xong tôi theo chân người chị họ ra đồng bắt cào cào, muồm muỗm. Hai chị em với hai cái vỉ trên tay, tay kia cầm chai thủy tinh để đựng. Cào cào là món ăn cung cấp chất đạm cho đa phần những gia đình nghèo quê tôi. Chạy đuổi chán và khi cũng đã được kha khá, mệt mỏi, hai chị em nằm ệch ra bờ lúa thở hổn hển. Những tháng ngày tuổi thơ như thế đã giúp tôi phân biệt được mùi vị đặc trưng mỗi thời kì cây lúa: lúa đương thì con gái hương tinh khiết, thoang thoảng gió đưa, lúa chín vàng lại nồng nàn, ngào ngạt.

Lớn thêm chút nữa, bố kể chuyện cô tích Lang Liêu làm bánh chưng bánh giày dâng vua, tôi biết thêm rằng cây lúa có tự ngày xửa ngày xưa nhưng xưa như thế nào tôi không rõ. Tôi chỉ biết hạt lúa đơn sơ, bình dị đã làm nên điều kì diệu cho hoàng tử Lang Liêu.

Qua năm tháng, nước con sông Hồng vẫn đỏ nặng phù sa bồi đắp đôi bờ. Và tôi lớn lên, được học lịch sử tối biết nhều hơn về vùng đất lúa Thái Bình, lòng dấy lên niềm tự hào quê lúa, và càng hãnh diện vì được là một người con gái của quê lúa thân yêu.

Thái Bình tự ngàn xưa cho đến bây giờ vẫn là vùng đất lúa, đặc những lúa, mênh mông những lúa. Nên dân quê tôi nghèo dù đất nặng phù sa. Có những con người chưa bao giờ rời khỏi thửa ruộng con con mà bước ra ngoài lũy tre làng. Cái nghèo cứ đeo bám theo các nếp nhăn hằn trên khuôn mặt mỗi người. Dẫu thế muôn người vẫn thủy chung cùng lúa.

Người ta cũng thường bảo chỉ có người phụ đất chứ đất không bao giờ phụ người. Đất lúa Thái Bình là vùng đất đã trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, bao đời cây lúa nuôi dưỡng, sản sinh ra những nhân tài hào kiệt.

Đó là một Trần Thủ Độ có công sáng lập triều Trần. Đó là một Lê Quý Đôn nhà bác học Việt Nam. Đó là một Phạm Tuân anh hùng người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ và có công đầu trong bắn rơi B52 - pháo đài bay của Mỹ. Hay là một Bùi Quang Thận - người đầu tiên cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc lập ngày toàn thắng… Và còn, nhiều nhiều nữa những cái tên như thế, họ đã được sinh ra từ quê lúa và được nuôi dưỡng bằng hạt lúa.

Người ta sống bên lúa chết vùi chân lúa nên yêu lúa như yêu máu thịt. Chỉ có những ai từng dầm mình cấy lúa trong cái rét cắt da giêng hai dưới mưa phùn mới biết yêu quý hơn thành phẩm của lúa là hạt gạo. Bưng bát cơm nóng hổi mà nghe vị mặn của mồ hôi dù mùi cơm thơm nồng. Bởi biết người yêu lúa nên lúa chẳng phụ lòng, cứ mơn mởn, cứ xanh tốt, cứ vàng ươm chuỗi hạt cho mùa bội thu. Mặc cho bom rơi đạn nổ từ hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ, lúa gục xuống lại vươn thẳng lên hơn trước. Đất anh hùng sinh những người con anh hùng, sức sống mãnh liệt nên cây lúa trên mảnh đất ấy, từ những bàn tay con người ấy cũng có sức sống mãnh liệt kia. Và rồi một quê hương năm tấn ra đời dưới sức mạnh tàn phá của bom đạn kẻ thù. Chúng không nhận ra một điều là bom đạn có thể hủy diệt vật chất nhưng không hủy diệt được tình yêu.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, lúa lại theo người vượt Trường Sơn đi cứu nước. Những gùi lúa, bao lúa khi đến được tay người chiến sĩ đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu đào của người tải lúa, gạo. Tất cả cho hòa bình, tất cả vì miền Nam yêu thương mà “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Có bưng bát cơm nóng hổi từ hạt lúa vượt Trường Sơn ác liệt ngày ấy mới thấy trân quý tình người, tình lúa quê tôi.

Những cánh đồng lúa năm tấn một hecta thời kì chống Mỹ đó là một kì tích. Ngày nay, năng suất lúa ngày càng tăng nhờ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, sản lượng lúa trên một hecta vượt xa cái ngưỡng năm tấn. Nhưng dưới chiến tranh tàn phá mà làm được như vậy thật đáng quý trọng biết bao. Nhìn vào quá khứ tôi chỉ muốn thốt lên “Ôi quê lúa anh hùng!”.

Về quê trong dịp cuối năm, tôi vẫn thấy dì tôi cùng mọi người lóp ngóp trong cái lạnh cắt da, mưa phùn gió bấc để cấy. Lúc lên bờ đôi tay ai cũng cứng đờ, tê dại, đầu xoay xoay như chong chóng. Phải chăng vì thế mà lúa cứ xanh, cứ tốt, cứ trĩu hạt vàng bông, cho no con mắt ưng cái bụng người trồng lúa. Gặp mùa cắt lúa ngả rạ, cái khung cảnh rộn rịp, tưng bừng cộng với mùi hương nồng nàn lúa mới khiến bất kì ai cũng phải dừng lại ngắm nhìn và thưởng thức khi đi qua. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười đùa rôm rả, những cánh cò chấp chới đằng xa, ngay chân gặt rào rào những cào cào, châu chấu béo vàng nũng nĩnh. Một miền quê thanh bình, yên ả đến không thể tưởng.

Con đường về quê mang máng trong ký ức khi tôi mới bốn tuổi, một cảm giác khó tả trào dâng. Hai bên đường những thửa ruộng lúa non mơn mởn trải dài. Đồng quê yêu thương, lòng những người con quê lúa như được vỗ về sau những tháng ngày xa quê.

Từ thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 tới quốc lộ 39 là gặp làng Nguyễn - xứ sở cửa thứ bánh tiến vua quê tôi - bánh cáy. Gọi là bánh tiến vua bởi khi xưa, quan đại thần triều đình đi kinh lý vùng châu thổ về qua đây, người dân đã lấy bánh dâng lên vua. Cứ thế, thành thông lệ, gần tết là người dân dâng bánh cho vua thưởng thức.

Nguyên liệu chính làm nên bánh cáy là gạo nếp. Ngoài ra còn có gấc, quả dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn. Gạo nếp được chia ra làm hai phần, một phần đồ xôi với quả dành dành tạo nên màu vàng tươi, một phần đồ xôi với quả gấc cho màu đỏ. Hai loại xôi sau đó được giã bằng chày. Sau khi giã nhuyễn, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mở lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn.

Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín giòn, xát bỏ vỏ, gạo nếp hoa vàng được rang nổ bỏng nở tung, sạch trấu, dậy mùi. Mỡ lợn muối đường hơn nửa tháng đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ. Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường muối, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra đóng gói.(tham khảo ý và trích dẫn tại…)

Bánh cáy không phơi nắng không sấy qua lửa nhưng để được lâu và làm bật lên những mùi vị đặc trưng của nguyên liệu nhờ vào bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Nguyễn.

Lần nào về tôi cũng thủ sẵn 5 đến 10 phong bánh vào Nam làm quà sau khi đã ăn thỏa thích. Ai qua Thái Bình mà chưa thưởng thức bánh cáy và đem về thì xem như chưa tới Thái Bình.

Những hôm tiết trời se lạnh, có bánh cáy cắt miếng nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng hổi thật không có gì tuyệt vời bằng.

Những món ngon quê tôi bình dị, dân dã mà sâu sắc vì nó làm từ hạt lúa hay nhờ lúa mà ngon hơn. Nó sâu sắc vì tình người và cả tình lúa bao đời trên miền đất mộc mạc thủy chung này.

Tôi đã đi học trong miềm đất Nha trang đẹp và đầy nắng gió nhưng tôi không thể quên mảnh đất Thái Bình- chỉ cái tên thôi đủ làm tôi ấp áp và đượm mùi lúa thơm nồng - mảnh đất tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó, và sau 4 năm tôi lại trở về lòng đầy tự hào rằng mình được sinh ra từ vùng quê nghèo ấy. Nơi đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, cho tôi niềm tin, nghị lực để bước vào đời.

Ai cũng có một nơi để trở về và một điều gì đó để tự hào. Tôi cũng vậy, tôi tự hào vì mình sinh ra từ quê lúa bình dị, khi mỏi gối chồn chân tôi luôn tìm về để được thả mình trong không gian yên ả. Nếu có dịp đến quê tôi - Thái Bình, bạn sẽ hiểu vì sao tôi yêu quý./.

(ST. Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến