Công trình quân sự kiệt tác
Nhà Hồ chính thức tồn tại được 7 năm trong khi những hoài bão cải cách của Hồ Quý Ly còn đang dang dở. Nhà Hồ thành lập không được lòng dân, lại gặp lúc nhà Minh ở thế vương triều mới lập, sức mạnh đang lên nên nhanh chóng mất nước. Trong 6 năm tồn tại ngắn ngủi đó, triều Hồ cũng đã để lại cho đời sau 1 di sản độc đáo là thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ có nhiều tên gọi khác như thành An Tôn, thành Tây Đô… Gọi là thành nhà Hồ là gắn liền với triều đại đã xây nên nó. Gọi thành An Tôn là dựa theo địa danh, khu vực xây thành, dưới triều Trần được gọi là động An Tôn. Gọi Tây Đô là vì xét theo vị trí kinh tuyến thì thành này nằm ở phía tây so với Thăng Long.
Cổng chính của thành với 3 vòm cuốn – là hình ảnh quen thuộc khi nói tới thành nhà Hồ. |
Thành nhà Hồ có chiều dài 883,5 m theo hướng Đông – Tây, chiều rộng 870,5 m theo hướng Nam – Bắc. Nét đặc biệt của tòa thành này so với các tòa thành khác ở nước ta là được xây dựng bằng đá và các vòm cuốn rất đẹp. Tòa thành có 4 cổng. Trong đó cổng chính ở phía Đông Nam có 3 vòm cuốn bằng đá. Chiều cao từ chân lên đến nóc vòm cuốn là gần 8m. Vòm cuốn chính giữa cao 5,75 m rộng 5,82 m dài 15,04 m. Hai vòm cuốn phụ ở hai bên đều cao 5,35 m rộng 5,45 m.
Ngoài cửa chính ở hướng đông nam, 3 cửa còn lại đều được xây dựng theo cùng hình dáng kiến trúc với các vòm cuốn bằng đá. Dĩ nhiên là quy mô vòm cuốn thấp và nhỏ hơn ở cửa chính.
Ngoài mặt thành được ghép bằng nhiều lớp đá. Có hai lớp đá được chôn sâu xuống đất để làm móng. Trên mặt đất có 5 lớp đá với những khối đá xếp tầng lên nhau. Lớp thứ nhất cao 1,1m; lớp thứ 2 cao 0,9 – 1 m, lớp thứ 3 cao từ 0,7 – 0,8 m, lớp thứ 4 cao 0,5 – 0,6 m; lớp thứ 5 cao từ 0,35 – 0,4 m. Trên lớp đá, người ta lại cơi cao tường thành lên bằng những viên gạch nung cỡ lớn (gọi là gạch vồ). Mỗi viên gạch rộng 25 cm, dài 30 đến 35 cm và cao khoảng 9 cm. Lớp gạch này xây thành hình răng lược tạo ra các lỗ châu mai có tác dụng để làm chỗ cho quân lính phòng thủ bắn tên xuống dưới khi thành bị địch tấn công.
Hé lộ “công nghệ” xây thành
Thành nhà Hồ đã 600 năm tuổi song vẫn rất vững chắc. Qua một vài thông tin về cấu trúc của tòa thành, nhiều người sẽ đặt câu hỏi. Một là việc vận chuyển những khối đá nặng hàng chục tấn để về xây thành được tiến hành thế nào. Hai là làm thế nào để đưa được những viên đá nặng hàng tấn để tạo nên những vòm cuốn đẹp uy nghi như vậy.
Những “công nghệ” xây thành nhà Hồ đã phần nào được hé lộ trong cuốn sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy” của Phạm Văn Chấy. Tác giả cho biết: “Để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác ra các phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình tứ giác. Phải dùng phương pháp “mực hệt” nghĩa là dùng giấy hoặc cót cắt thành mẫu các loại phiến đá nói trên đem ghép vào nhau thành hình dáng cổng thành, thấy đạt rồi mới chế tác các phiến đá y hệt theo mẫu. Khi lắp ráp cổng thành, người ta dùng đất, cát, sỏi đắp thành hình dáng cái lòng cổng thành rồi xếp đá lên trên cốt. Khi ghép đá xong rồi mới moi đất, cát ra”.
Một đoạn tường thành với những khối đá xếp lên nhau. |
Khi xây dựng, thành nhà Hồ cũng có điều kiện thuận lợi là các mỏ đá ở gần thành. Các núi đá ở đây có cấu tạo rất đặc biệt. Các lớp đá xếp tầng lên nhau như những đống gạch có bàn tay con người xếp đặt vậy. Tuy nhiên việc khai thác đá cũng không đơn giản. Thời điểm ấy, thuốc nổ còn hiếm. Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu ngày nay khẳng định việc khai thác đá xây thành được tiến hành thủ công vì nếu dùng thuốc nổ thì ít nhiều sẽ đều để lại các vết nứt trên mặt đá.
Khai thác các khối đá hàng tấn đã khó nhưng làm thế nào để chuyển các khối đá ấy về trong điều kiện chỉ có các phương tiện vận chuyển thô sơ của thế kỷ 15. Thì ra, để vận chuyển đá, những người chỉ huy đã cho xây dựng quãng đường dài 1 km từ mỏ đá về đến công trường xây dựng. Mặt đường rộng trên 5m lát bằng các phiến đá phẳng dài từ 1m đến 1,5 m dày từ 20 đến 30 cm. Trước khi lát đá, nền đường đã được đầm nện kỹ lưỡng để chống lún. Con đường này, theo tác giả Phạm Văn Chấy thì hiện nay vẫn còn dấu tích ở thôn Tây Giai – xã Vĩnh Tiến – Vĩnh Lộc – Thanh Hóa.
Trên mặt đường được bố trí các con lăn làm bằng gỗ cứng xen với các hòn bi bằng đá. Chiều dài các con lăn từ 1,5m đến 2 m, đặc biệt có những con lăn dài 4 m. Đường kính các con lăn khoảng 20 cm. Hai đầu con lăn được đóng cọc để ghìm giữ đồng thời giữa các con lăn được xếp xen kẽ các hòn bi đá nhằm mục đích khi chuyển đá ở trên thì các con lăn không bị dồn kẹt vào nhau mà chỉ quay tròn tại chỗ.
Với những hòn đá nhỏ thì vận chuyển bằng sức người. Nặng hơn thì dùng trâu bò kéo còn nặng hàng chục tấn thì dùng 1 voi đến 2 voi kéo. Khi vận chuyển, voi hoặc trâu bò đi ra hai bên ria đường. Lại phải chọn những trai tráng khỏe mạnh để đi theo, điều chỉnh cho đá không bị lăn khỏi đường lăn.
Nhờ những cách làm thông minh đó, tòa thành kiên cố bằng đá được được xây dựng. Trải qua 600 năm mưa nắng bão gió nhưng tòa thành vẫn đứng vững chãi. Thậm chí theo tác giả Phạm Văn Chấy, trong những năm Mỹ ném bom miền Bắc, có lần bom rơi gần sát chân thành mà tường thành không bị suy chuyển gì. Với những nét đặc trưng trong kiến trúc xây dựng, tháng 6/2011, thành nhà Hồ nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là di sản thứ 5 của Việt Nam được tổ chức này công nhận.
(Theo Kienthuc.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét