Hiện cả nước có khoảng 6.600 hồ chứa các loại, bao gồm 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với đó, là nhiều công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Lo đến mất… ngủ
Hồ, đập dù lớn hay nhỏ khi bị vỡ đều gây thiệt hại nặng nề cho bản thân công trình, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ du. Đặc biệt ở các hồ, đập mà hạ du là khu dân cư thì thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần và phải mất nhiều năm sau mới có thể khắc phục được. Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa nước tại 23 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hoá; Nghệ An; Hà Tĩnh; Gia Lai; Kon Tum; Đắk Lắk; Đắk Nông; Lâm Đồng; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên-Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Ninh Thuận; Bình Thuận; Phú Yên; Khánh Hoà; Bình Phước; Bình Dương; Tây Ninh; Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua kiểm tra thực tế tại các công trình hồ chứa hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn và các hồ chứa đang đầu tư sửa chữa, nâng cấp, Bộ này đã phát hiện nhiều hồ chứa nước đang trong tình trạng mất an toàn.
Ngày 29-8 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước. Theo đó, 4 Bộ gồm: Công thương; Xây dựng; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo vấn đề trên.
Theo đó, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 643 công trình thủy lợi, qua kiểm tra có đến 80 công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Còn tại tỉnh Đắk Nông, riêng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 156 công trình thủy lợi, hồ chứa, nhưng có tới 68 công trình xuất hiện hiện tượng nước thấm qua thân đập, đường đỉnh đập không còn đúng với thiết kế, mái thượng lưu bị xuống cấp. Nghệ An là tỉnh có số lượng hồ đập nhiều nhất cả nước (chiếm 10% số lượng hồ đập cả nước) tuy nhiên, hiện nay địa phương này đang đứng ngồi trong cảnh "lo ngay ngáy”. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 625 hồ đập. Tuy nhiên, phần lớn các hồ đập đều đã qua sử dụng từ 30-50 năm, quá trình sử dụng ít được đầu tư tu bổ, không an toàn trong những tháng cao điểm mùa mưa. Nhiều bộ phận như: thi công công trình, phần đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, hệ thống kênh mương qua hàng chục năm sử dụng và khai thác cũng đã có những dấu hiệu xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu. "Phần lớn các công trình hồ chứa nước đã qua nhiều năm khai thác sử dụng từ 30 đến 40 năm, cá biệt có hồ chứa được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng” - ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An lo ngại cho biết.
Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, dù hiện nay nước trong hồ Phú Bài đang được xả kiệt để chuẩn bị đón lũ chính vụ, nhưng nước vẫn thấm qua thân đập. Bờ kè, mái đập chính đã được gia cố nâng cấp năm 2001, nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng thấm và rò rỉ nước, ước tính khoảng 5m3/s. Song không chỉ hồ Phú Bài, mà cả 55 công trình khác khác trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, trong đó có 6 hồ lớn đến nay vẫn chưa được kiểm định an toàn.
Thiếu tiền, không kiểm định
TS. Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam:
Càng nhỏ càng dễ vỡ
Vấn đề an toàn hồ chứa nước là vấn đề đã tồn tại từ lâu. Trong quá trình vận hành, cộng với biến đổi khí hậu nên nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Vì vậy, trong thời gian sử dụng, khi xuống cấp thì phải sửa chữa. Từ công trình lớn đến công trình nhỏ đều có sự phân cấp. Ví dụ như các công trình thủy điện thì Bộ Công thương quản lý; thủy điện nhỏ và thủy lợi do hai bộ là: Công thương và Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý; còn thủy lợi do Bộ NNPTNT quản lý. Tuy nhiên, phải nói rằng, kinh phí dùng để sửa chữa, khắc phục cho các công trình là khá lớn, mình ngân sách nhà nước không thể kham nổi. Vì vậy, cần phải có sự tham gia của toàn xã hội, huy động sức dân từ tiền của đến nhân công, nhân lực. Nhà nước không thể phân bổ dàn trải mãi được. Do vậy, cần phải phân loại và đánh giá từng loại công trình theo từng mức độ để mà đưa ra hướng khắc phục. Không phân loại, đánh giá được từng loại đập thì không thể xử lý được. Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, công trình càng nhỏ thì càng dễ vỡ. Ở Việt Nam những năm 60, 70 thì cũng đã xảy ra rồi. Vì các công trình lớn từ 1 triệu m3 nước trở lên được thi công, và giám sát cẩn thận nên rất ít xảy ra sự cố. Còn các công trình chứa nước nhỏ thì hầu như không được chú ý đến. Do vậy, vấn đề an toàn cho hồ chứa nước là vấn đề lớn. Vì vậy, cần đánh giá xem xét, đánh giá từng mức độ, và quan trọng là cần phải thông tin công khai, vì nó ảnh hưởng nhiều đến người dân và xã hội.
Theo quy định về kiểm định an toàn hồ chứa nước, thì sau 3 năm phải kiểm tra một lần và sau 7 năm phải tiến hành kiểm định lại. Thế nhưng, "thiếu tiền” đang là nguyên nhân chính khiến chưa thể khắc phục được. Ví dụ như tại tỉnh Đắk Lắk có đến 80 công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Nhu cầu vốn để sửa chữa 80 công trình này khoảng 200 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới được duyệt 34 tỷ đồng. Cùng chung cảnh ngộ với nỗi lo "thiếu tiền”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang lo ngay ngáy khi sinh mạng 6 vạn dân và số tiền 70 tỷ đồng có cơ "bay” theo dòng nước chực chờ ào đến lúc nào không hay.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An, mỗi năm tỉnh này cấp kinh phí từ 7 đến 10 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa nhỏ các công trình hồ chứa nước. Tuy nhiên, do số lượng hồ chứa nước quá nhiều nên chỉ mới tu sửa được một số hạng mục công trình trọng yếu, hư hỏng nặng. "Cũng vì thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên nên phần lớn hồ chứa nước do địa phương quản lý tại Nghệ An đều đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao”-ông Đệ cho hay.
Thực tế, để giải quyết bài toán "an toàn hồ thủy lợi” Chính phủ đã ban hành Nghị định 67, bổ sung một số điều của Nghị định 115, trong đó có việc tăng mức thủy lợi phí lên khoảng 40%. Đây được xem là nguồn kinh phí có thể vận dụng dùng để kiểm định an toàn hồ đập. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, Chính phủ miễn thủy lợi phí cho nông dân. Do đó, nếu thực hiện theo Nghị định 67 thì ngân sách mà Chính phủ phải chi trả cho thủy lợi phí sẽ đội lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Nói như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NNPTNT Nguyễn Văn Tỉnh thì vốn để xây dựng các công trình đang khan hiếm, các địa phương cần chủ động nội lực đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn(!)
daidoanket.vn - H.Vũ (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét