Sáng thức giấc lúc 6h30 cạp nhanh ổ bánh mì hay gói xôi và phi thật nhanh đến công ty để tránh tắc đường khỏi đến trễ và để đỡ bị phạt mấy trăm ngàn tiền lương vốn đã eo hẹp. Cày bừa cả ngày với đống công việc tới chiều muộn mới dắt xe ra khỏi công ty. Về tới nhà đối đầu với cả quần áo cần giặt. Tối khuya lọ mọ với đám công việc dở dang cần làm gấp cho kịp tiến độ và đi ngủ lúc 1h… Cứ như vậy tôi bị cuốn vào công việc và để giấc mơ làm giàu thời sinh viên bị “ngủ quên”.
Sinh năm 1985 tại một tỉnh lẻ miền núi Trung du Bắc Bộ, tốt nghiệp đại học Thương Mại chuyên ngành QTKD và dắt lưng một bằng chứng nhận khóa đào tạo chuyên ngành Quảng cáo & PR tại Phân Viện Báo Chí & Tuyên truyền, tôi tự tin lựa chọn công ty và công việc mình yêu thích. Sau 2 năm đánh đổi sức khỏe và tuổi trẻ lấy “vốn kinh nghiệm” cho một công ty chuyên về truyền thông & du lịch, tôi quyết định Nam tiến để lĩnh hội cái gọi là “chiều sâu của nghề” hay ngắn gọn là để lên trình “Pro” trong lĩnh vực PR truyền thông & tổ chức sự kiện.
Với kinh nghiệm tích lũy được, cộng thêm sự chăm chỉ “cày bừa” nơi “đất khách - quê người” tôi nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và được đề bạt vào vị trí quan trọng sau nửa năm làm việc. Đắm mình vào công việc, ngập đầu với các dự án “nối đuôi nhau” và để sau gần 2 năm phấn đấu tôi leo lên vị trí GĐ Marketing với mức thu nhập bình quân một tháng khoảng gần 10 triệu.
Người ngoài nhìn vào thấy vậy cứ ngỡ là tốt lắm, là tuyệt vời. Song lúc nào tôi cũng cảm thấy mình cần làm một cái gì đó cho riêng mình và “Làm gì trong thời buổi lạm phát, giá cả leo thang?” Câu hỏi đó luôn ám ảnh trong tôi. Tôi mơ hồ về một viễn cảnh xa xôi, một viễn cảnh mà tôi được làm chủ, một đế chế của riêng mình, đó sẽ là một cỗ máy “in tiền” cho tôi giống như ông sếp đáng kính của tôi đang làm. Suy cho cùng thì dù bạn làm ở vị trí nào đi nữa, lương và trách nhiệm luôn song hành cùng nhau và bản chất vẫn là làm thuê. Ông chủ của bạn đang tạo ra một cái máy in tiền và bạn chính là những chi tiết, bộ phận trong cỗ máy đó. Nếu bạn là chi tiết quan trọng thì được tra nhiều “dầu mỡ” hơn và ngược lại bạn hỏng hóc, không phù hợp sẽ bị thay thế ngày lập tức.
Hàng ngày, trên đường đi làm tôi luôn để tâm quan sát các hoạt động kinh doanh và nhận thấy những người bán hàng rong chính là những nhà marketing vĩ đại nhất và họ có một cỗ máy in tiền hiệu quả nhất. Nếu không tin bạn cứ thử hỏi một người bán bánh mì xem số tiền lẻ họ kiếm được hàng ngày là bao nhiêu? Và nhân số đó với 30 ngày bạn sẽ thấy thật bất ngờ. Và trong thời giá leo thang thì quả thực kiếm tiền lẻ dễ dàng hơn tiền chẵn. Càng lạm phát càng lý tưởng cho các hoạt động bán rong phát triển. Bạn sẽ không ngần ngại bỏ ra dăm ba ngàn để chi tiêu hàng ngày cho: điếu thuốc, ly cà phê, ổ bánh mì, tờ báo… và đắn đo suy xét cho tô phở 20 ngàn, cho một suất ăn KFC 60 ngàn hay một vé xem ca nhạc 100 ngàn,…
Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để đi bán hàng rong. Dường như với đa số mọi người trong công ty và bè bạn, gia đình đều cho tôi là “điên khùng” là “dở hơi ăn cám lợn”. Công việc tốt đẹp, thu nhập ổn định và vị trí cao trong công ty không hề làm tôi thỏa cơn khát “làm giàu”, bao ước mơ thời sinh viên bị “ngủ quên” như được đánh thức, tôi như người mộng du được tỉnh giấc.
Và hiện tại, khi đang ngồi viết những dòng này chia sẻ với bạn đọc của VnExpress tôi đã bắt đầu những bước đi đầu tiên và đang triển khai dự án kinh doanh chuỗi “Bánh Mì Tí Hon”.
Hình ảnh một điểm bán trong chuỗi "Bánh mì Tí Hon" tôi triển khai tại TP Đà Nẵng nhân dịp Lễ hội pháo hoa Quốc tế 2011 vừa qua. |
Dù khởi đầu khó khăn, song tôi luôn có một niềm tin và sẽ luôn nỗ lực hết sức để có thể làm những gì mình thích. Và các bạn trẻ, những người đam mê kinh doanh ngay từ bây giờ hãy tiếp tục ước mơ, không ngừng ước mơ, luôn cầu thị cho bản thân mình thì ắt sẽ tìm thấy tương lai của chính mình.
Chúc các bạn thực hiện được những ước mơ!
vnexPhạm Thanh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét