Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Kỷ niệm 68 năm thành lập Bộ NN-PTNT

Đúng ngày này cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết nghị thành lập Bộ Canh Nông, tiền thân của Bộ NN-PTNT ngày nay.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số sống bằng đồng ruộng.

Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao và ngay ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết nghị thành lập Bộ Canh Nông có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền Nông, Lâm nghiệp nước nhà.

Ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng của cả nước, tổ chức của Bộ luôn có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ. Những dấu mốc quan trọng về thành lập tổ chức của Bộ NN-PTNT trong 68 năm qua như sau:

- Bộ Canh nông năm 1945; Nha Thuỷ lợi năm 1953; Bộ Nông Lâm; Bộ Thuỷ lợi - Điện lực thành lập năm 1955.
- Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Bộ Thuỷ lợi Điện lực; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thuỷ sản, Cục Lương thực thành lập năm 1960.
- Bộ Thuỷ lợi; Tổng cục Lương thực thành lập năm 1962.
- Uỷ Ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ Lương thực thực phẩm thành lập năm 1971.
- Bộ Lâm nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực, Tổng cục Cao su, Bộ Nông nghiệp và CNTP ở những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Bộ NN-PTNT (1995)
Kế thừa và phát huy thành tựu 10 năm đổi mới tổ chức các cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ đã có định hướng thu gọn các Bộ quản lý ngành hiện có theo chiều hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có chức năng gần giống nhau, giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ; để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và Phát triển nông thôn.

Từ ngày 03/10 – 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi.

- Bộ NN-PTNT (8/ 2007)
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII (tháng 8/2007) đã quyết định hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 03/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định quy định “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ, thực  hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong suốt 65 năm qua, ngành NN-PTNT đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa, có những bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

- Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc xâm lược (1945-1975), nông nghiệp, nông dân, và nông thôn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".

Thực hiện lời dạy của Bác: "Ruộng rẫy là chiến trường, quốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương" cùng với những phong trào tiêu biểu như "hũ gạo nuôi quân"; "thóc không thiếu một cân, quân không thiều một người"...đã góp phần vô cùng quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại hoà bình, thống nhất đất nước.

- Trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Trong những năm tháng đó, nông nghiệp đã vượt lên những khó khăn, trì trệ kéo dài trong sản xuất, tìm hướng đi mới và đã đạt được bước tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng ổn định đời sống, kinh tế của cả nước. Nhiều loại sản phẩm tăng hơn 2- 3 lần so với các thời kỳ trước đó, tạo tiền đề cho nông nghiệp nước ta chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ Đổi mới.

- Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (1986-2013), 27 năm qua, nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện.

Năm 2012, giá trị SX nông, lâm, thủy sản cả nước đạt trên 255 nghìn tỉ đồng. Trong đó, SX và XK lúa gạo của nước ta năm 2012 đã ghi được dấu ấn to lớn, với tổng sản lượng lúa ước đạt 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo XK năm 2012 của nước ta ước đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD và là năm đầu tiên Việt Nam chạm mốc XK gạo 8 triệu tấn.

XK nông sản tiếp tục có đóng góp to lớn cho kim ngạch XK cả nước, với tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 20,85% tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước. Ở trong nước, trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp những năm gần đây luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, góp công lớn vào việc kiềm chế lạm phát, giữ vững đà tăng trưởng, ổn định kinh tế chung của đất nước.

 Lê Bền- nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến