Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Tải Trọng Container

Xe container không được qua cầu, trách nhiệm thuộc về ai?
Toàn bộ hệ thống cầu đường bộ của Việt Nam, ngay cả những cây cầu hiện đại vừa mới đưa vào khai thác, cũng không có cầu nào cắm biển tải trọng lớn hơn 30 tấn. Điều này có nghĩa là, một tỉ lệ rất lớn phương tiện vận tải hàng hóa của nền kinh tế, trong đó gần như toàn bộ những xe container chở hàng rời thông thường không được lưu thông. dư luận hiện nay cho rằng nguyên nhân cơ bản là do cục đường bộ VN hiểu và thực hiện chưa đúng với quyết định về vấn đề này của bộ GTVT.


Tải trọng một xe hàng là bao nhiêu ?
Một xe container chở hàng thông thường gồm có phần đầu kéo, rơmooc, thùng container và hàng chứa trong container. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tải trọng 1 đầu kéo là 8,9 tấn, rơmooc (loại rơmooc sàn) là 7,5 tấn, hoặc 5, 5 tấn (loại rơmooc xương), thùng container 4 tấn, trọng lượng hàng được phép chưa trong 1 container loại 20feet lên đến 21 tấn, hàng được chứa trong con tainer loại 40feet được phép lên đến 27 tấn. Như vậy 1 xe container chở hàng thông thường sẽ có tổng tải trọng lên đến 40 - 50 tấn.

Khi nhập khẩu vào Việt Nam, giấy tờ hải quan đi kèm theo xe xác nhận tải trọng nhà thiết kế cho phép, đối với loại xe đầu kéo thông thường hiện nay như Hyundai đầu kéo 3 trục (xe 2 cầu) được phép kéo đến 54 tấn. Như vậy có nghĩa là nhà sản xuất xe cho phép 1 xe đầu kéo container có thể có tổng tải trọng lên đến:

8,9tấn+ 54 tấn = 62,9 tấn.

Khi đơn vị kinh doanh vận tải, mang xe đi đăng kiểm lần đầu, loại xe đầu kéo của Hyundai này (xe mới, đi đăng kiểm lần đầu), cơ quan đăng kiểm chỉ cho phép kéo theo tối đa đến 41,5 tấn, tức là giảm đi rất nhiều so với năng lực thiết kế cho phép. Dù như vậy, theo cấp phép của cơ quan đăng kiểm Việt Nam, tổng trọng tải xe cũng được phép lên đến:

8,9 tấn + 41,5 tấn = 50,4 tấn.

Thực tế, các đơn vị kinh doanh vận tải cho biết, khi vận chuyển hàng hóa, loại hàng như thiết bị máy móc của nhà máy điện, nhà máy ximăng, nhà máy bia thường rất nặng, có những thiết bị không thể tháo rời lên đến trên 50 tấn là chuyện thường.

Hàng vận chuyển bằng container, có một số loại hàng tiêu dùng như xe máy nguyên chiếc đóng đúng quy cách vào 1 container loại 40feet kể cả thùng conttainer lên đến 26 tấn (hàng 22 tấn), hoặc hàng bông vải sợi lên đến 28 tấn (hàng 24 tấn), hàng đông lạnh lên đến 31 tấn (hàng 27 tấn). Như vậy nằm trong phạm vi cho phép theo quy định của quốc tế đối với vận chuyển hàng bằng container

Chịu tải cho phép của cầu đường là bao nhiêu?
Theo Điều 6 Quy định về giới hạn xếp hàng bộ” ban hành kèm theo Quyết định số 60/2007/QĐ-BGTVT Bộ trưởng Bộ GTVT. Bộ GTVT công bố tải trọng cho phép trên 32 tuyến đường bộ quốc gia (tổng số 80 tuyến QL) đã được cải tạo nâng cấp đồng bộ, bao gồm trên 7.300km (tổng số 17.300km), là:

- Đối với trục đơn: từ 10 tấn trở xuống;

- Đối với trục kép và trục ba, tùy thuộc vào khoảng cách của 2 tâm trục liền kề (tùy thuộc các loại xe khác nhau), tải trọng cho phép là 11tấn, 16 tấn, hoặc 18 tấn (trục đơn) và 21 tấn hoặc 24 tấn (trục ba). Quy định này cũng quy định giới hạn tổng trọng lượng của xe đối với xe 2 trục, 3 trục và 4 trục lần lượt là: 16 tấn, 24 tấn và 30 tấn.

Tổng trọng lượng tổ hợp ôtô rơmooc hoặc ôtô sơmi rơmooc gồm: tổng trọng lượng của ôtô kéo hoặc ôtô đầu kéo (tương ứng với tổng trọng lượng xe theo quy định này) và tổng các tải trọng trục xe được kéo theo (tương ứng với các tải trọng trục xe theo quy định này). Như vậy với 1 xe đầu kéo Hyundai 3 trục, khi chở hàng trên đường, đầu xe 24 tấn, được phép kéo theo đến: 21 tấn hoặc 24 tấn sẽ có tổng trọng tải cho phép lên đến 45 tấn hoặc 48 tấn.

Điều 10, Khoản 1 Quy định này nêu rõ: “Xe ôtô thỏa mãn các quy định về giới hạn xếp hàng tại Chương II quy định này và các xe ôtô có thông số kĩ thuật cơ bản theo Quy định kiểu loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép tham gia giao thông(ban hành kèm theo Quyết định số 4597/2001/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT), được lưu hành bình thường trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ quy định tại Điều 9 quy định này. Trừ một số cầu trên QL1, QL1B, QL3, QL18, QL21, QL43, khi lưu hành phương tiện qua các cầu đó phải căn cứ vào biển báo về tải trọng, khổ giới hạn cho phép của cầu, tốc độ và khoảng cách của các phương tiện khi qua cầu.”

Như vậy, có thể hiểu đơn giản là: 1- trên hệ thống đường bộ (được công bố tại Điều 9), những xe không vi phạm về xếp hàng hóa, có tải trọng trong giới hạn cho phép được lưu thông bình thường; 2- Trừ 1 số cầu (chỉ một số), phương tiện lưu thông qua đó phải căn cứ vào biển báo tải trọng cầu (do tải trọng cầu thấp, chưa được nâng cấp đồng bộ với đường).

Biển báo tải trọng cầu được cắm như thế nào?
Tuy nhiên, khi triển khai cắm biển hạn chế tải trọng, Cục Đường bộ VN đã không làm đúng như Quyết định 60/2007/Qđ-Bgtvt của Bộ GTVT. Toàn bộ hệ thống cầu trên các QL và toàn bộ hệ thống đường bộ hiện nay ở Việt Nam, không có cầu nào cắm biển tải trọng cho phép lớn hơn 30 tấn. Một loạt những cây cầu mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác đều cắm biển tải trọng giới hạn 30 tấn. Cầu đã khai thác được 1 thời gian cắm biển giới hạn tải trọng thấp hơn 30 tấn, thậm chí có cây cầu lớn trên QL1, đưa vào sử dụng năm 2000, đến nay cắm biển 20 tấn.

Lưu thông qua cầu, giới hạn tải trọng của phương tiện được kiểm soát theo tổng tải trọng. Như vậy, có nghĩa là 1 xe chở hàng hóa, hành khách v.v chỉ được phép qua cầu (những cầu có cắm biển giới hạn tải trọng lớn nhất Việt Nam hiện nay) nếu có tổng tải trọng (gồm tải trọng xe và hàng hóa) từ 30 tấn trở xuống.

Như vậy, đối với những phương tiện có tổng tải trọng lớn hơn 30 tấn, phải là phương tiện chở hàng siêu trường siêu trọng và chở loại hàng hóa đặc biệt (hàng không thể tháo rời), được cấp phép lưu hành đặc biệt (hàng hóa thông thường chở bằng container như đông lạnh, may mặc, lương thực... gọi là hàng rời, không phải hàng hóa đặc biệt, không được cấp phép lưu hành đặc biệt) mới có thể lưu hành qua những cầu “xịn” nhất hiện nay. Cũng có nghĩa là xe tiêu chuẩn quốc tế, chở hàng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế quy định, được cơ quan đăng kiểm Việt Nam cho phép, cũng chưa chắc đã được lưu thông trên hệ thống đường bộ đã được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất tại Việt Nam.

Xem xét với những trường hợp cụ thể, hiện nay hàng loạt xe container đang bị CSGT, với chiến dịch kiểm tra xử phạt xe quá tải đang được làm rất nghiêm túc, thổi phạt hàng loạt tại Đồng Nai và một số tuyến đường vì có tổng trọng tải vượt quá 30 tấn đi qua cầu. Vì vậy, cần sớm kiểm tra xem xét lại việc cắm biển tải trọng cầu của Cục Đường bộ VN. Nói gì thì nói, hầu hết phương tiện vận chuyển bằng container chuyển chở hàng hóa trong giới hạn thông thường cho phép, đều không thể lưu thông được bình thường, ngay trên những tuyến đường bộ tốt nhất của quốc gia là tình trạng không thể kéo dài.

Được biết, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đường bộ VN và các cơ quan chức năng của Bộ khẩn trương xem xét, điều chỉnh lại vấn đề này.

Theo báo GTVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến