TMO- Bài toán "Tính số gà" lâu nay đã trở nên rất đỗi quen thuộc với các bạn học sinh tiểu học. Ấy vậy nhưng gần đây, dư luận bỗng dưng xôn xao, thậm chí là tranh luận gay gắt sau khi trên mạng Internet đăng tải một bài toán về " tính số gà " mà giáo viên đưa ra cho học sinh.
Bài toán như sau:
" Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:
A. 4 x 8 = 32 B. 8 x 4 = 32
C. 4 + 8 = 12 D. 8 : 4 = 2
Còn đây là bài của học sinh
Trong bài toán này, một bạn học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A. 4 x 8 = 32. Giáo viên cho rằng đây là phương án sai và phương án B. 8 x 4 = 32 mới là chính xác.
Về vấn đề tranh cai trên, để rộng đường dư luận, hôm nay mình xin giới thiệu ý kiến của các giáo viên, chuyên gia toán học để quý thầy cô cùng tham khảo.
1. Thạc sĩ Đỗ Hồng Thuý (Giáo viên Toán - trường CĐSP Hà Nội )
a. Theo SGK Toán 2 ( NXB Giáo dục, chủ biên Đỗ Đình Hoan ) thì:
- Phép nhân được định nghĩa qua tổng các số hàng bằng nhau, ví dụ:
2 + 2 + 2 + 2 + 2 = 10
2 + 2 + 2 + 2 + 2 là tổng của 5 số hạng bằng nhau, mỗi số hạng là 2.
Ta chuyển thành phép nhân, viết như sau:
2 x 5 = 10
Đọc là : " Hai nhân năm bằng mười". Dấu ( x ) gọi là dấu nhân.
- Do đó, phép tính 8 x 4 được hiểu là:
8 được lấy 4 lần, ta có 8 x 4 = 8 + 8 + 8 + 8 = 32
Vậy 8 x 4 = 32
b. Dạy học môn toán ở tiểu học cần phù hợp với trình độ nhân thức của học sinh và gắn liền với thực tế đời sống của các em. Vì vậy, việc học các phép toán không chỉ đơn thuần thực hiện trên các số, mà còn phải giúp học sinh nhân thấy ý nghĩa thực tế thông qua việc giải các bài toán có lời văn hoặc giải quyết các tình huống có liên quan đến nội dung toán học.
c. Với bài toán " con gà " thì học sinh không chỉ đọc-hiểu bài toán, nhận biết các từ khoá then chốt, các giả thiết đã cho, câu hỏi cần trả lời mà còn phải biết trình bày lời giải của bài toán, có thể như sau:
Số gà nhà lan có tất cả là:
8 x 4 = 32 ( con gà )
Đáp số : 32 con gà
Như vậy, khi trình bày bài giải, học sinh cần viết cả đơn vị đính kèm. Quy ước này làm nổi rõ ý nghĩa thực tiễn của phép tính và gần gũi với nhận thức của HS tiểu học . Mặc dù để tìm được kết quả của bài toán là 32 thì HS có thể tính thuần tuý trên các con số 8 x 4 hoặc 4 x 8. Quy ước này đã trở thành một truyền thống trong dạy học môn toán ở tiểu học.
d. Với bài toán " con gà " đã nêu ở trên theo chúng tôi người ra đề thiếu kinh nghiệm sư phạm. Bài toán này nên được ra dưới dạng bài tự luận mà không nên ra dưới dạng bài trắc nghiệm khách quan và không nên sử dụng phương án 4 x 8 như một phương án nhiễu.
2. TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐHSP Hà Nội) cho rằng, đáp án của giáo viên là chính xác. Bài toán tính gà trên giúp học sinh phân biệt được đâu là đơn vị tính, đâu là số lần được gấp lên. Cụ thể ở bài này, số gà là đơn vị tính nên pháp tính phải được viết là 8 x 4, tức là 8 con gà gấp lên 4 lần. Nếu viết 4 x 8 sẽ được hiểu là số chuồng gấp lên 8 lần.
3. PGS.TS Đỗ Đình Hoan (Chủ biên bộ sách Toán dành cho bậc tiểu học đang sử dụng) cũng cho rằng, việc yêu cầu HS hiểu rõ 4 chuồng gà, mỗi chuồng 8 con khác với 8 chuồng gà mỗi chuồng 4 con là phù hợp với quy ước viết tên đơn vị trong bài tính.
4. PGS Văn Như Cương (chuyên gia Toán học, trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) phân tích:
Đáp án của cô giáo đưa ra 8 ( gà ) x 4 = 32 là đúng, tính số gà thì phải lấy số con gà rồi nhân với số chuồng. Còn đáp án 4 x 8 là không đúng, bởi viết như thế sẽ hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần mặc dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32. Ở đây, chúng ta cần phân biệt đâu là đơn vị tính, đâu là số lần được gấp lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét