Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Lưu ý trước khi lập kế hoạch tiến độ thi công công trình

Kế hoạch tiến độ thi công công trình là điều kiện tiên quyết để quyết định sự thành công của một dự án.Một kế hoạch sơ sài, tùy tiện, bố trí nhân sự lộn xộn, không khoa học, không tính toán và có phương án dự phòng trước được những sự cố phát sinh, công tác quản lý yếu kém sẽ làm giảm năng suất lao động và trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao dự án/công trình, chưa kể chất lượng công trình/dự án cũng bị ảnh hưởng và chi phí bị đội lên do chậm tiến độ, thất thoát, hư hao,…Bên cạnh đó, sản phẩm xây dựng là những công trình/dự án lớn, thời gian tồn tại lâu dài, nên nếu công tác lập kế hoạch không tốt, quản lý yếu kém, thì khi có sự cố, sai lầm trong công tác xây dựng xảy ra, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường ngoài việc lãng phí lớn về tiền của, thời gian, công sức để sửa chữa sai lầm đó. Do đó, có thể thấy tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tiến độ thi công công trình với sự thành công của dự án/công trình đó.
Lưu ý trước khi lập kế hoạch tiến độ thi công công trình
Để giúp người lập kế hoạch tiến độ thi công công trình có thể giảm thiểu những thiếu xót, sai lầm trong việc lập kế hoạch,trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích một vài yếu tố mà người lập kế hoạch tiến độ thi công công trình cần chú ý:
Kế hoạch phải đảm bảo được tính logic
Kế hoạch tiến độ là kế hoạch thời gian thực hiện các phần công việc được sắp xếp có tổ chức, có trình tự và được kiểm soát để đảm bảo toàn bộ dự án xây dựng được hoàn thành một cách có tổ chức, có hiệu quả. Một dự án/công trình có kế hoạch tiến độ thi công hợp lý sẽ giúp cho công việc được diễn ra trôi chảy, không bị chồng chéo, giảm sự lãng phí, tăng năng suất lao động, chất lượng công trình.
Do đó, kế hoạch thi công đòi hỏi tính logic rất cao hay nói cách khác là phải đảm bảo được sự logic, hợp lý cả về thời gian và cơ cấu tổ chức.Với những dự án/công trình lớn, phức tạp, diễn ra trong một thời gian dài với nhiều giai đoạn khác nhau thì việc này sẽ vô cùng khó khăn cho người lập kế hoạch nếu không có một logic tốt. Họ sẽ vô tình bỏ qua nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ dự án/công trình gây ra những sai lầm, thiếu xót trong việc lập kế hoạch tiến độ.
Để khắc phục tình trạng này thì bạn có thể tạo ra những mẫu kế hoạch tiến độ và có thể tùy chỉnh cho từng dự án/công trình cụ thể, thực hiện một quá trình thẩm định cẩn thận, và rà soát thống kê lại lịch sử tiến độ thi công cho từng đơn vị công việc cụ thể.
Đưa ra những giả định và câu hỏi để phản biện giả định tình huống có thể xảy ra
Kế hoạch đặt ra là dựa trên những giả định ban đầu về tình hình thực hiện công việc trên cơ sở thông tin và kinh nghiệm trong quá khứ. Do đó, để có một kế hoạch hoàn hảo thì bạn phải luyện tập việc đặt ra các giả định và các câu hỏi phản biện lại những giả định đó. Từ việc trả lời các câu hỏi phản biện cho tình huống giả định, bạn sẽ có được những phương án dự phòng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống phát sinh sau này khi kế hoạch được đưa vào triển khai thực hiện chính thức.
Mô tả chính xác, chi tiết, rõ ràng nhiệm vụ/thông tin trong kế hoạch
Để đảm bảo người thực hiện kế hoạch triển khai, thực hiện đúng công việc yêu cầu thì đòi hỏi họ phải hiểu và tiếp nhận đúng thông tin mà người lập kế hoạch đặt ra.
Do đó, khi lập kế hoạch thì người lập cần dùng ngôn ngữ dễ hiểu, rõ ràng, cụ thể, chi tiết để cá nhân/bộ phận triển khai thực hiện đúng công việc được yêu cầu.
Ví dụ như kế hoạch từ 01/01/2014-03/05/2014: hoàn thành nền móng công trình A
Như vậy thì sẽ rất chung chung, kế hoạch cần chi tiết hơn: hoàn thành như thế nào? Đến đâu? …Đội triển khai trực tiếp thực hiện công việc này chỉ cần đào móng hay phải đóng cọc và đổ xong cả bê tông cho nền móng? Do đó kế hoạch cần chi tiết và cụ thể sẽ giúp tăng hiệu quả của một kế hoạch thi công.
Xác định mối quan hệ giữa các cá nhân, bộ phận liên quan trong quá trình thi công
Để thực hiện một dự án, công trình thi công là cả một quá trình gồm nhiều giai đoạn và đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều con người, phòng ban, tổ chức. Do đó, người lập kế hoạch cần có sự sắp xếp để những cá nhân/bộ phận/đơn vị tiếp nhận từng giai đoạn của kế hoạch liên quan với nhau có sự kết nối, chuyển tiếp công việc.
Làm tốt được việc này sẽ giúp cho công việc được diễn ra trôi chảy, không bị bỏ ngỏ, gián đoạn mỗi khi kết thúc một giai đoạn, giúp dự án/công trình được diễn ra liên tục và đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch.
Xem xét dự toán chi phí ban đầu
Sẽ là thiếu sót khi lập kế hoạch tiến độ mà bỏ qua dự toán chi phí ban đầu cho việc thi công dự án/công trình đó. Trên cơ sở thông tin dự toán cho từng giai đoạn thi công dự án/công trình mà người lập kế hoạch lựa chọn, phân bổ nguồn lực cho hợp lý. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc dự toán ban đầu bị sai. Khi đó thì người lập kế hoạch tiến độ vẫn phải lập kế hoạch đảm bảo thực hiện công việc chính xác và yêu cầu bổ sung/sửa đổi dự toán hoặc thêm vào dự toán phát sinh.
Theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch
Cuối cùng, để đảm bảo kế hoạch tiến độ được triển khai đúng như thiết kế ban đầu thì hoạt động kiểm tra, theo dõi phải được thực hiện liên tục, thường xuyên. Từ kết quả của việc giám sát liên tục mà bạn biết được tiến độ thực hiện dự án thực tế so với kế hoạch như thế nào? Nhanh hơn hay chậm hơn để có phương án điều chỉnh hợp lý đảm bảo dự án/công trình được hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng như thiết kế ban đầu trong định mức chi phí đảm bảo dự án/công trình mang lại hiệu quả kinh tế cho các bên liên quan và người sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến