Vào ngày này cách đây 27 năm, ngày 29/7/1987, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã chính thức ký hiệp ước Anh-Pháp cho phép xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche, góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhiều thế kỷ nối liền Pháp và "xứ sở sương mù" bằng đường hầm chạy ngầm dưới biển.
Đường hầm eo biển Manche hay Đường hầm eo biển Anh là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,5 km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp; 9,3 km ngầm bên phía Anh và 37,9 km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp. Đường hầm gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với sự hợp tác của hai quốc gia Anh và Pháp.
Eo biển Manche với chiều rộng 34 km, đã chia cắt hai quốc gia Anh và Pháp từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, nhu cầu giao lưu kinh tế toàn châu Âu trở nên cấp thiết, thì eo biển Manche vô tình đã trở thành điểm cản trở giao lưu nghiêm trọng.
Ý tưởng giúp Anh chấm dứt những tháng ngày là một hòn đảo cô độc giữa đại dương thông qua việc đào một đường hầm tới Pháp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Nhưng phải đến khi Anh và Pháp ký hiệp ước Canterbury ngày 12/2/1986, về khởi công xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche và đến ngày 29/7/1987, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand chính thức ký hiệp ước Anh - Pháp cho phép xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche, thì người ta mới có thể tạm yên tâm về “giấc mơ nhiều thế kỷ” sẽ không “mãi chỉ là giấc mơ”.
Tháng 12/1987, công trình chính thức được khởi công. Với sự góp sức của 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lao động, sau 6 năm xây dựng, với tổng chi phí là 21 tỷ USD, con đường hầm đường sắt ngầm dưới biển dài nhất thế giới đã được hoàn tất.
Ngày 6/5/1994, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp François Mitterrand đã chính thức cắt băng khánh thành công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên hành tinh từ trước đến nay.
Đường hầm qua eo biển Manche đã làm toại nguyện giấc mơ hàng thế kỷ của người Châu Âu về việc nối liền Vương quốc Anh với phần còn lại của châu lục này. Không chỉ là một đường hầm, nó còn là sự kết hợp tuyệt vời của hệ thống kết cấu vững chắc và máy móc rất đồ sộ dưới lòng đại dương, biến tham vọng ngoài sức tưởng tượng của loài người thành sự thật. Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm (thành đường hầm dày 1,5 m) là những con tàu điện hai tầng lớn nhất trên thế giới, có chiều ngang thân tàu tới 4,2 m với tốc độ lên tới 300 km/h.
Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng trên thế giới, công trình đường hầm qua eo biển Manche được coi là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng, đưa con người xuyên qua lòng biển hay những dãy núi hùng vĩ một cách dễ dàng. Công trình này không chỉ nổi tiếng bởi các yếu tố kinh phí đầu tư, quy mô xây dựng mà còn được đánh giá cao bởi những giá trị to lớn nó mang lại cho hai cường quốc Anh – Pháp nói riêng và cũng như châu Âu và thế giới nói chung.
Sáu tháng sau lễ khai trương, chuyến tàu cao tốc đầu tiên Eurostar chính thức được đưa vào phục vụ khách đi các tuyến Paris - London và London - Brussels. Hành khách đi tàu chuyến Paris - London mất khoảng 3 tiếng 6 phút, trong đó thời gian qua đường hầm này khoảng 20 phút, trong khi hành khách đi chuyến London - Brussels mất khoảng 3 tiếng 15 phút. Các tàu chạy chặng ngắn cũng được đưa vào hoạt động để vận chuyển xe ô tô con, xe buýt và xe tải qua hầm.
Đường hầm qua eo biển Manche khai thông là thành công lớn đối với người Pháp và người Anh, song thành công không phải lúc nào cũng được nối tiếp bởi thành công. Sau năm 1994, tuyến đường hầm này đã trải qua nhiều khó khăn về tài chính, nhiều lúc tưởng “nhấn chìm” Eurotunnel - hãng ký hợp đồng vận hành đường hầm này tới năm 2086.
Tuy nhiên, mọi khó khăn - từ trận cháy trên đoàn tàu chở xe hồi tháng 11/1996 khiến đường hầm bị đóng cửa một phần trong một thời gian, sự kiện hàng trăm người nhập cư ở trại tị nạn Sangatte ở Calais đã cố gắng vượt đường hầm này để vào Anh trong dịp Giáng sinh năm 2001 gây bất đồng nhỏ về ngoại giao, việc dịch vụ vận tải qua đường hầm này thỉnh thoảng bị hủy và thường xuyên bị chậm, đến những ý kiến cho rằng kinh tế Anh, Pháp có thể tăng trưởng tốt hơn nếu không phải đầu tư xây dựng đường hầm - đều không thể cản trở triển vọng tươi sáng của con đường hầm thế kỷ.
Nếu như vào năm 1994, có tới 75% người Anh nói rằng họ không có ý định sử dụng tuyến đường ngầm dưới biển này để tới Pháp, thì tới năm 2013, ước tính đã có gần 325 triệu lượt khách đi qua đường hầm, trong đó riêng năm 2013 đón trên 20 triệu lượt khách. Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển chặng ngắn của Eurotunnel đã chuyên chở 2,5 triệu lượt ô tô và 1,4 triệu lượt xe tải.
Năm 2013, Eurotunnel có tổng cộng 3.700 nhân viên và thu về khoản lợi nhuận ròng 101 triệu euro (140 triệu USD). Lần đầu tiên từ trước tới nay, doanh thu của hãng cán mốc 1,1 tỷ euro trong năm 2013. Trong báo cáo công bố hồi tháng 3/2014, Giám đốc điều hành Eurotunnel, Jacques Gounon, đã phải thốt lên: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều trắc trở của Eurotunnel, tình hình hoạt động của hãng là rất đáng hài lòng và chúng tôi tin tưởng vào tương lai". Eurotunnel đang nhắm tới mục tiêu đưa lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) từ mức 449 triệu euro trong năm 2013 lên 460 triệu euro năm 2014 và 500 triệu euro năm 2015.
Cho đến nay, đường hầm qua eo biển Manche vẫn là một công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên thế giới và được coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN
Cùng xem video về đường hâm Manche này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét