Ủy ban Nhân dân thành phố vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư khác cho dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) với tổng mức đầu tư 7.900 tỷ đồng (tương đương 380 triệu USD).
Việc đầu tư nạo vét nhằm hoàn tất đầu tư luồng Soài Rạp theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo đà phát triển cho khu đô thị cảng Hiệp Phước và cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án nhằm đầu tư nạo vét, nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000DWT (đầy tải) và trên 50.000DWT (giảm tải) ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và phát triển hoàn chỉnh hệ thống cảng biển trên sông Soài Rạp.
Trước đó, dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Bỉ đã hoàn thành, đưa vào khai thác, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000DWT và 50.000DWT giảm tải, đang mang lại hiệu quả về kinh tế rất lớn cho thành phố.
Theo định hướng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực; trong đó khu bến Hiệp Phước là khu bến tổng hợp, chuyên dùng phát triển thay thế các bến hiện có trên sông Sài Gòn, là đầu mối tiếp chuyển hàng xuất nhập khẩu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT, tàu container có sức chở 4.000TEU.
Liên quan đến các dự án sử dụng vốn vay ODA, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố theo dõi 15 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 93.420 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, giải ngân vốn ODA của các dự án đạt 65% kế hoạch vốn được giao.
Về dự án trọng điểm, dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) trong quý 3 giải ngân được 312 tỷ đồng, trong đó vốn ODA giải ngân được 284 tỷ đồng, đạt 19% so với Hiệp định vay đã ký (hết hạn vào ngày 31/1/2017).
Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong quý 3 giải ngân được gần 632 tỷ đồng, vốn ODA là 540 tỷ đồng, đạt 55,6% so với Hiệp định vay đã ký (ngày hết hạn là 1/12/2019). Trong khi đó, dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) giải ngân được gần 53 tỷ đồng trong quý 3/2015 (vốn ODA đạt 47,5 tỷ đồng).
Hiện nay Ban Quản lý Đường sắt đô thị (chủ đầu tư) đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế nền tảng, đồng thời thực hiện các thủ tục để tổ chức thẩm tra theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải./.
Tác giả bài viết: TRẦN XUÂN TÌNH
Nguồn tin: TTXVN/Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét