Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Mua nhà Hà Nội là chuyện "mơ tưởng"

Bão giá, lạm phát, thu nhập thấp.... Nhiều người thay vì mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn, bây giờ chuyển sang tự trồng rau, gửi con về quê, mua quần áo hàng thùng... để tiết kiệm. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày còn chật vật, nhiều người thở dài, để mua được nhà Hà Nội, có lẽ chỉ là chuyện... trong mơ!
Anh Bùi Mạnh Long, SN 1/4/1975. Tốt nghiệp ĐHXD năm 1997, hiện đang phụ trách một phòng thiết kế thuộc Công ty Tư vấn Thiết kế Công nghiệp - Bộ Công nghiệp. Anh Long chia sẻ với Nguoiduatin.vn về nhà cửa, thu nhập và chi tiêu.
Kết hôn năm 2002, có hai con gái, một cháu lên 8 và một cháu lên 6, là trụ cột chính trong gia đình, anh Long tâm sự: Tôi đi làm 15 năm, vợ tôi cũng đi làm 9 năm nay rồi, tính tổng ra, phải mất 24 năm một người lao động với mức thu nhập trung bình khá mới mua được nhà. Đất nước chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng thừa...
Nan giải bài toán tiết kiệm, chi tiêu

Anh thấy mức thu nhập của người dân Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn hiện nay thế nào?
Ở góc nhìn của tôi, thì thu nhập hiện tại đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hãy hình dung ra 3 cấp độ để đánh giá mức thu nhập:
1 - Các nhà kinh doanh lớn và nhóm người thiên hạ hay gọi là "đại gia": Thu nhập của họ tôi không thể biết và có lẽ không có nhiều người biết.
2 - Tầng lớp người làm thuê lương cao: Nói chung là có trình độ đại học hoặc tương đương, làm việc cho các công ty ổn định.
3 - Tầng lớp lao động phổ thông, buôn bán nhỏ...

Anh tự đánh giá mình có mức thu nhập thứ mấy theo liệt kê trên?
Tôi ở loại thứ hai, và một phần ở loại thứ 3.

Một vợ, hai con, với mức thu nhập ấy, cuộc sống của anh có dư dả?
Bạn có vẻ tránh hỏi về con số, nhưng tôi có thể đưa ra con số cho bạn luôn nhé. Tại thời điểm này thu nhập như tôi bình quân một năm chỉ từ 150 - 200 triệu cho tất cả mọi công việc tôi làm (lương được nhận từ công ty khoảng 60 - 70 triệu, làm thêm, buôn bán thêm là phần còn lại). Chia đều cho 12 tháng, thì chỉ khoảng 12-15 triệu một tháng, một gia đinh với hai nhóc đi học, tôi thấy không quá thiếu thốn. Nhưng chính xác cho câu hỏi của bạn thì không dư dả.

Vợ anh có đỡ được phần nào cho anh không?
Tất nhiên chứ, bà xã tôi làm cho một tổ chức y tế phi chính phủ, thu nhập cũng khá.
Anh thấy giá cả thị trường hiện nay thế nào?
Về nhu yếu phẩm thì tôi ít quan tâm, nhưng thực sự thì tôi lo ngại về giá cả hiện nay. Bản thân tôi đi làm 15 năm mà thấy nghẹt thở. Đối với các anh em khác mới ra trường ở đây, quả thực không dễ dàng gì.

Theo anh thì mức thu nhập bình quân của dân văn phòng hiện nay là bao nhiêu?
Câu này khó trả lời, nếu là bài toán xuôi. Nhưng với bài toán ngược, tôi có thể đoán rằng, trung bình họ kiếm được từ 6 - 8 triệu/tháng. Vì nếu thấp hơn, họ out rồi.
Tôi được biết có những người thu nhập cao nhất chỉ 5 triệu/tháng nhưng họ phải thuê nhà và trang trải nhiều chi phí khác.
Có lẽ, họ không chia sẻ hết với bạn thôi, tôi nghĩ rằng, nên tính thu nhập năm rồi chia theo tháng. Còn bản thân tôi cũng thế, có năm thu nhập còn dưới cả 100 triệu, nhưng cả gia đình vẫn ổn mà.

Thời kỳ khủng hoảng kinh tế chưa qua, anh có bí quyết tiết kiệm nào chia sẻ không?
Với tôi chỉ đơn giản là đặt câu hỏi: Đã cần chi tiêu chưa? Còn nếu có được kế hoạch chi tiêu thì quá tốt, tuy nhiên thói quen ấy không dễ với nhóm người có thu nhập trung bình như "dân văn phòng" ở Hà Nội hiện nay.

Trong gia đình anh, ai là người quyết định chi tiêu mọi việc?
Trên 2 triệu thì hai vợ chồng thống nhất. Còn chi tiêu trong gia đình hàng ngày, "may quá" tôi không biết làm thế nào cả.

Gia đình anh có hay đi chơi, giải trí không?
Có chứ, cuối tuần, nhưng tiếc là vẫn chủ yếu là phục vụ bọn nhóc, còn nếu không thì chắc ở nhà thôi. Khoảng vài ba năm nay, khi nhóc thứ hai nhà tôi lớn lên chút, thì một năm cả nhà tôi thường đi chơi vài ba lần. Nhưng chủ yếu là với cơ quan, hoặc cùng bạn bè, chứ không đi chơi riêng. Không biết mấy năm nữa thì thế nào, nhưng thời điểm này, bọn nhóc còn nhỏ, hai vợ chồng không đi dài được, hơn nữa, ai cũng bận, chỉ lượn xe vài vòng và ghé vào mấy quán ăn ngon ngon quanh khu Kim Mã, Vạn Phúc là đủ mà.

Tức là chi phí cho việc đi chơi của gia đình anh khá thấp?
Có vẻ như thế, thực ra, đến bây giờ tôi vẫn chưa có chổ ở ổn định.

Tức là anh đang phải thuê nhà?
(Cười)... Vừa rồi tôi định mua cái nhà tập thể ở Vạn Phúc, nhưng vì chậm chân nên vẫn chưa mua được.

Như anh nói thì nếu tính tổng năm của cả anh và vợ, mất 24 năm mới mua được nhà, đó là khoảng thời gian khá dài?
Với những người như tôi, không có tài năng xuất chúng, không có ô dù, không chịu nịnh hót, làm việc bằng khả năng và thu nhập bằng lao động trực tiếp thì tôi nghĩ rằng 10-15 năm là thời gian trung bình (khi cả hai vợ chồng cùng cố gắng).
Tuy nhiên nhìn lại, 24 năm quả là một khoảng thời gian dài, bằng một đứa trẻ sinh ra và thừa tuổi lập gia đình. Cái giá của một ngôi nhà Hà Nội khó hơn lên trời!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Thoại Mỹ (thực hiện)

Kiên cố hóa kênh mương phải bằng công nghệ mới

Kênh mương giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công trình thủy lợi. Do đó, trong những năm gần đây, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu lớn giải quyết tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, nhìn lại công việc xây dựng này, nước ta vẫn chỉ sử dụng công nghệ thi công thủ công dẫn đến chất lượng công trình vừa đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp.

Công nghệ lạc hậu vẫn đưa vào sử dụng
Hiện nay, những công trình kênh mương kiên cố hóa dần hiện lên, thể hiện với vai trò rõ nét trong đời sống nông nghiệp, nông thôn cũng như tham gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Có dịp đi qua và chứng kiến nhiều công trình xây dựng kênh mương, chúng tôi thấy rằng các đơn vị hiện nay vẫn thi công mái dốc bằng phương pháp đá hộc hoặc xây bằng các tấm đan đúc sẵn. Việc thi công như vậy, cần khá nhiều lao động và tốn thời gian chuẩn bị mặt bằng, đúc sẵn tấm đan đến việc lắp đặt và hoàn thiện. Tuy mất nhiều công sức thi công, nhưng nhìn lại, phương pháp này vẫn không mang lại chất lượng tốt cho công trình. Các kênh mương được lát mái bằng tấm bê tông thường bị sụt mái, lõm vào, phình ra làm hỏng hệ thống kênh mương, gây thất thoát nước và công trình xuống cấp nhanh chóng. Loại hư hỏng này chúng ta thường thấy rất nhiều trên các kênh sử dụng tầng lọc là vải địa kỹ thuật và lát các tấm bê tông bên ngoài như kênh Liễn Sơn – Vĩnh Phúc; kênh chính Đồng Cam – Phú Yên… Tại những đoạn kênh này, các tấm đan có khe hở lớn làm cho nước dễ dàng thấm qua gây mềm hóa lớp nền phía dưới, lâu dần dẫn đến sụt lún theo từng mảng.

Một biện pháp nữa, hiện nay cũng đang được các đơn vị thi công kiên cố hóa kênh mương, đó là đổ trực tiếp bê tông lên mái kênh bằng thủ công hay kết hợp các thiết bị thi công tự chế cho năng suất lao động không cao, sử dụng nhiều lao động, tốn kém chi phí… Sử dụng phương pháp này, cũng khiến công trình xuống cấp bởi bê tông sẽ không trộn đúng tỷ lệ, không đạt yêu cầu kỹ thuật… Trước hiện trạng kiên cố hóa kênh mương như hiện nay, tại một hội thảo khoa học về Những vấn đề đối mặt với công trình thủy lợi, thủy điện được tổ chức cuối năm 2012, ông Vũ Bá Dũng, GĐ Cty TNHH đầu tư phát triển công nghệ và thiết bị XD Việt Thịnh Phát và ông Nguyễn Hồng Ngân – ĐH Bách khoa TP HCM có nhận định rằng: Chúng ta hiện đang thi công các công trình thủy lợi từ nhỏ đến lớn bằng công nghệ lạc hậu. Mặc dù chi phí ban đầu thấp hơn so với việc áp dụng công nghệ mới, nhưng những tổn thất không thể thống kê được khi thất thoát nước, chi phí sửa chữa hàng năm.

Đã có công nghệ mới
Nhìn ra thế giới, các nước đã nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thi công bê tông kênh mương từ lâu. Chẳng hạn như hãng Gomaco đã từ lâu nổi tiếng về thiết bị rải bê tông. Công nghệ thi công được cơ giới hóa và tự động hóa từ khâu chuẩn bị đến khâu rải và hoàn thiện mặt bê tông. Với công nghệ này, cho phép thi công được hầu hết các kết cấu công trình kênh mương trong mọi điều kiện thi công, còn chất lượng thì đảm bảo từ khâu chuẩn bị nền móng, rải bê tông đến thi công hoàn thiện. Tuy nhiên, với điều kiện nước ta thì công nghệ này được nhận định là đắt và chưa hoàn toàn phù hợp với khả năng vì phụ thuộc nước ngoài từ công nghệ đến việc bảo hành, thay thế phụ tùng.

Nhưng năm 2009, tại Việt Nam, trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công tổ hợp thiết bị rải thảm bê tông xi măng mái kênh phục vụ dự án kênh đào Phước Hòa – Bình Dương. Theo ông Nguyễn Hồng Ngân – chủ bộ môn máy xây dựng – khoa cơ khí - ĐH Bách khoa TP HCM, thì thiết bị này có các thông số kỹ thuật gần tương đương với thiết bị của Mỹ nhưng chi phí đầu tư chỉ chưa bằng một nửa. Còn chất lượng thiết bị và công trình đã được các nhà thầu và chủ đầu tư dự án Phước Hòa kiểm chứng với việc công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, công trình được khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 12-2011. Sau khi thành công dự án này, trường ĐH BK TPHCM và Cty TNHH đầu tư phát triển công nghệ và thiết bị XD Việt Thịnh Phát đã bắt tay vào nghiên cứu hoàn thiện công nghệ rải bê tông theo hướng hiện đại và tự động hóa; không những thực hiện các dự án rải mái kênh, đập, các công trình bê tông mái dốc mà còn có thể thi công bê tông mặt ngang như đường bê tông xi măng, sân bay, bến cảng…

Có thể thấy, Việt Namđã bước đầu làm chủ được công nghệ thi công bê tông tiên tiến có mặt trên thế giới. Công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi từ các dự án kênh mương trung bình đến lớn, vai đập thủy lợi, thủy điện… Và, với công nghệ thi công như hiện nay, các địa phương khi áp dụng sẽ đạt lợi ích lớn, đó là vừa tiết kiệm chi phí lại rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
Bảo Ngọc-www.baoxaydung.com.vn

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Cộng đồng mạng chào mừng 30/4 bằng cách “nhuộm đỏ facebook”

Những ngày gần đây, cộng đồng facebook Việt Nam đang rộ lên phong trào tạo hiệu ứng bằng cách đồng loạt đổi avatar thành cờ Tổ Quốc từ nay cho đến hết ngày 30/4 và 1/5 sắp tới.
Với thông điệp, treo cờ Tổ Quốc – nhuộm đỏ facebook, để chào mừng 38 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước và tạo thành một sự kiến có sức lan tỏa lớn nhất trên trang mạng cộng đồng facebook, để cho cả thế giới thấy và biết được sức mạnh và tinh thần dân tộc bất khuất của người Việt Nam.

Đây sẽ là một phần nào đó minh chứng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng mạng Việt Nam nói riêng. Để góp phần đem hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu, bốn biển. Điều quan trọng nhất chính là đánh thức lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi cá nhân người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Việc phát động phong trào này mặc dù chỉ mang ý nghĩa thức tỉnh tinh thần dân tộc của Việt Nam nhưng đã phần nào cho thấy rằng giới trẻ Việt Nam ngày nay vẫn giữ vững được tinh thần thép như ông cha ta ngày xưa. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì thế hệ trẻ bây giờ vẫn luôn chứa đầy nhiệt huyết với thời cuộc, dù bằng cách này, hay cách khác, thì ngọn lửa yêu nước vẫn luôn cháy rực trong nhiệt huyết thế hệ trẻ. Bởi vậy mới thấy cái hay của câu đừng ai dại thử lòng yêu nước của người Việt Nam, vì chắc chắn họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động liều lĩnh này. Dân tộc ta tuy nhỏ nhưng trước sự kẻ thù thì nó sẽ kết thành một cơn sóng lớn nhấn chìm bè lũ xâm lược.
Ảnh minh họa
Ngoài việc thay đổi hình ảnh đại diện bằng cờ Tổ Quốc, một số bạn còn đề ra những hành động cụ thể kêu gọi mọi người thể hiện tinh thần dân tộc bằng cách: cổ động người Việt dùng hàng Việt, tôn trọng pháp luật, sống có trách nhiệm với xã hội…

Sau cùng mọi người cùng nêu cao khẩu hiệu “Hãy share (chia sẻ) thông điệp này để thể hiện sức mạnh Việt Nam”.
Bạn đọc Thảo Nguyên

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

TPHCM thí điểm công nghệ thi công cống ngầm không đào

UBND TPHCM vừa đồng ý cho thí điểm sửa chữa tuyến cống thoát nước bằng công nghệ lót ống và khoan kích ngầm để hạn chế tình trạng đào đường tràn lan, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đô thị.

Phương pháp thi công sửa chữa đường ống ngầm bằng công nghệ lót ống.
Hiện nay, hầu hết công tác lắp đặt mới, sửa chữa và cải tạo các đường ống hạ tầng kỹ thuật của thành phố đang được thực hiện bằng phương pháp đào hở truyền thống. Với phương pháp thi công cũ, đơn vị thi công sẽ phải thực hiện việc đào và tái lập mặt đường cũ ngay tại điểm hư hỏng. Các điểm này có thể là khu dân cư, vỉa hè hay đường giao thông nên thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, việc đi lại của các phương tiện giao thông, ngoài ra làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, do mật độ công trình ngầm dày đặc và nhu cầu phát triển không ngừng của thành phố nên việc đào đường để lắp đặt, sửa chữa công trình ngầm là không thể tránh khỏi. Dự kiến, trong năm 2013, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phải mở rộng, sửa chữa, cải tạo hơn 680 km đường ống ngầm các loại. Vì thế, việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để hạn chế việc đào đường tràn lan trên địa bàn thành phố là một vấn đề bức thiết.
Mới đây, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị thực hiện thí điểm sửa chữa tuyến cống thoát nước bằng công nghệ lót ống (trên tuyến đường Võ Văn Tần) và khoan kích ngầm (băng Quốc lộ 1A). Đây là 2 phương pháp thi công không đào, sử dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới để lắp mới hoặc sửa chữa cải tạo đường ống ngầm.


Tấm sợi thuỷ tinh đã tẩm thấu được kéo vào trong đoạn ống cần sửa chữa.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị, Công nghệ lót ống tại chỗ cho phép sửa chữa đường cống thoát nước bị hư hỏng mà không cần đến thao tác đào lấp trong giai đoạn thi công, từ đó mang lại những lợi ích nổi trội như: không đào phá đường, chỉ sử dụng các hầm ga hiện hữu để sửa chữa, thời gian sửa chữa nhanh, không gây trở ngại giao thông… Các đường ống hư hỏng (bị nứt, vỡ) sẽ được sửa chữa bằng cách đưa vào một lớp lót bằng Poly Vinyl có khả năng kết dính với lớp vách, đáy cống cũ và phục hồi lại khả năng chịu lực của đường cống.
Công nghệ này đã được Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị nghiên cứu áp dụng thử nghiệm từ năm 2008 trong dự án “Mua sắm trang thiết bị sửa chữa đường ống bằng công nghệ lót ống”. Hiện nay, tại Khu công nghiệp Nhị Xuân – TP. Hồ Chí Minh đã có một xưởng sản xuất tấm lót ống bằng sợi thủy tinh và công ty thoát nước đã có thể làm chủ được công nghệ thi công mới này.
Mặc dù phương pháp trên có nhiều ưu điểm nhưng theo UBND TP, so với việc đào đường thông thường thì giá thành phương pháp thi công không đào vẫn khá cao nên cơ quan quản lý cần tiếp tục cân nhắc. Thành phố cũng giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu hiệu quả tổng hợp của việc thi công và đề xuất UBND TP cho phép tiếp tục triển khai ở các khu vực khác
Theo Giaothongvantai.com.vn

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Dám thay đổi


Hãy nói những ngôn từ tích cực
TTO - Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định khả năng dám thay đổi của bạn: Tôi biết mình là một con người khao khát sự thay đổi.
• Tôi có những khả năng, kỹ năng cần thiết để làm nên sự thay đổi.
• Tôi sẵn sàng chấp nhận thay đổi để bản thân tôi trưởng thành hơn.
• Tôi đang thay đổi bên trong con người tôi, và chính điều này sẽ mang lại những thay đổi bên ngoài.
• Tôi học được những bài học quan trọng từ những nghịch cảnh, biến cố, những đổi thay trong cuộc sống.
Hãy tin mình sẽ làm được
Thay đổi là một điều chính yếu và cần thiết của cuộc sống mà nếu không có sự thay đổi, chúng ta không thể nào trưởng thành hơn. Điều đó cũng giống như một hạt giống cần hấp thu nước mới có thể nảy mầm. Cái chồi ấy phải đâm xuyên qua lớp đất khô cằn đầy sỏi đá bên trên, vươn cao mạnh mẽ đón lấy ánh nắng mặt trời, lớn lên trở thành một cây xanh tươi, khỏe mạnh. Thay đổi mang đến cho ta những cơ hội để trở thành một con người mới, khác xa với chúng ta trước đây.
Trước đây, đã có lần tôi tỏ ra rất phân vân, cân nhắc rất nhiều giữa việc tiếp tục sống nơi quê nhà ở thành phố Seattle hay là dứt khoát rời bỏ nơi này để đi tìm cơ hội thăng tiến ở Atlanta. Trước khi quyết định đi Atlanta, đầu óc tôi cứ toàn nghĩ đến những chuyện như: Tôi sẽ phải rời xa họ hàng thân tộc và những người tôi yêu mến; Tôi sẽ phải tìm những người bạn mới; Tôi sẽ phải tìm một nơi làm việc mới, một chỗ ở mới, và tôi lo sợ trước viễn cảnh phải sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, chẳng biết đường đi nước bước... Tôi có thể chịu nổi những sự đổi thay đó hay không?
Nhưng cuối cùng, tôi đã mạnh dạn quét sạch những suy nghĩ tiêu cực đó ra khỏi đầu mình và thay thế bằng những tư tưởng tích cực hơn: Công việc mới sẽ thú vị hơn và tôi sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn; việc thuyên chuyển như thế sẽ giúp tôi được sống ở một nơi có khí hậu ôn hòa hơn; và việc chuyển nhà sẽ cho tôi cơ hội bỏ bớt những thứ mà lâu nay tôi không còn dùng đến nữa.
Hãy quyết tâm hành động
Hiện giờ, bạn cảm thấy mình cần phải thay đổi điều gì? Giảm cân, bỏ hút thuốc, chấm dứt một mối quan hệ lằng nhằng hoặc chuyển đến một nơi ở mới? Đó cũng có thể là một sự thay đổi ngoài ý muốn bất chợt xảy đến với bạn, chẳng hạn như mất việc, một mối quan hệ nào đó bị đổ vỡ, mệt mỏi vì bệnh tật, hay bạn đang phải trải qua những tổn thương tinh thần rất nặng nề...
Vậy thì bạn hãy suy nghĩ xem mình cần làm gì để tiếp nhận thực tế này. Chẳng hạn, hãy đến bệnh viện khi đau ốm; tìm đến một người bạn khi cần an ủi sẻ chia; trò chuyện với những người mình yêu mến hoặc đọc một quyển sách để giúp mình cảm thấy thanh thản tâm hồn.
Để dám thay đổi, bạn cần điều chỉnh thái độ sống của mình. Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm và hình dung mọi việc sẽ diễn tiến như thế nào khi đã có sự thay đổi. Bạn nên tập trung nhìn vào những khía cạnh tích cực của sự thay đổi và sẵn sàng chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến.
Hãy đọc và suy ngẫm
“Nếu không dám thay đổi, rất có khả năng bạn sẽ bị vướng vào một vết lún sâu. Sự khác biệt duy nhất giữa một vết lún với một nấm mồ chỉ là ở kích thước của chúng.”
- Khuyết danh
“Sự thay đổi hoặc sẽ khép chặt quá khứ của bạn lại, hoặc sẽ mở ra cánh cửa để bạn đi vào tương lai.”
- Danielle Kennedy
“Điều duy nhất bạn có thể thay đổi là chính bản thân mình. Nhưng chính điều này rồi sẽ làm thay đổi mọi thứ.”
- Keith D. Harrell
tuoitre.vn

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

“Giải khát” Bắc Nghệ

Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An mà bà con quê tôi vẫn gọi là nông giang được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1930. Gần 100 năm, những con sông đào ngày ấy đã trở nên già nua, khó nhọc cõng nước sông Lam về cho 4 huyện Bắc Nghệ An, gồm: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu...
Theo thiết kế thì đến nay, hệ thống này chỉ còn tưới được hơn một nửa diện tích - 19.600 ha/34.500 ha. Vì thế mà Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận cho Nghệ An một khoản tín dụng gần 5.000 tỷ đồng để tăng lực cho hệ thống thủy lợi phía bắc. Vựa lúa Diễn – Yên – Quỳnh sẽ được giải khát…

Cuộc mở nước đau thương
Tôi lớn lên bên dòng sông đào, nước cứ đầy vơi theo mùa vụ tưới tiêu. Những ngày Quỳnh Lưu, Diễn Châu vào vụ cấy thì ở Yên Thành sông nằm trơ đáy. Và khi Yên Thành cần nước, bà con vùng biển chỉ biết “rõ dãi” nhìn thèm. Dẫu vậy, bà con cũng đã vô cùng hãnh diện vì không còn cảnh chờ trời mưa mới cắm được cây lúa. Có nông giang, tục cầu đảo (lập đàn cầu mưa) mỗi mùa hạn hán cũng đã mất đi. Nhờ nông giang mà quê tôi được coi là vùng gạo trắng nước trong. Những ngày giáp hạt, xứ Nghệ đói kém, riêng Yên Thành vẫn cứ “cơm thơm ăn với cá rô”.

Hệ thống nông giang được người Pháp khởi công từ năm 1930 và đưa vào sử dụng năm 1936. Họ cho xây đập dâng chắn dòng sông Lam để dâng nước vào kênh đào N1, rồi tỏa về 4 huyện theo các kênh N2, nước về từng thửa ruộng bằng các kênh N3… Đập dâng hay còn gọi Bara Đô Lương được xây thành 12 khoang, dài gần 300 mét, cửa đóng mở tự động bằng sức nước. Người được giao nhiệm vụ kỹ sư trưởng xây dựng công trình này chính là Hoàng thân Souphanouvong.

Những năm chiến tranh phá hoại, đập dâng Đô Lương là một trong những mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ. Khoang số 12 đã bị trúng bom, hư hỏng hoàn toàn. Rồi cùng với thời gian, nhiều thiết bị cơ khí cũng đã hư hỏng, không thể khắc phục được, vì thế mà mức dâng nước không đảm bảo theo thiết kế, cửa sông bị cát bồi lắng, lưu lượng nước giảm rõ rệt…

Sau giải phóng, những người lãnh đạo tỉnh Nghệ An mang khát vọng làm nên cuộc mở nước lịch sử trên dòng sông này, nhanh chóng đưa Nghệ An thoát nghèo. Hàng ngàn thanh niên đã hồ hởi lên đường làm nhiệm vụ mở rộng lòng sông, khơi thông dòng chảy. Nhưng, cuộc mở nước ấy lại đánh đổi bằng mạng sống của 114 thanh niên. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện đau thương đó. Đúng 11 giờ 55 phút ngày 25/12/1977, khi vừa tập hợp đủ quân số ở lòng sông để bước vào ca làm việc buổi chiểu, bất ngờ một khối lượng đất đá khổng lồ từ mặt đê ập xuống, 114 con người bị vùi lấp hoàn toàn…

“Đủ nước, chúng tôi sẽ giàu to”
Hay tin hệ thống nông giang được khôi phục, nâng cấp, bà con rất mừng, ai cũng chờ ngày hết “khát”. Ông Nguyễn Cẩn ở xóm 9, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, nói: “Không có nông giang thì chúng tôi phải đứt bữa quanh năm. Tuy nhiên, nhiều năm lại nay nước dần ít đi, do vậy mà một số diện tích phải bỏ hoang, hoặc tưới phập phù. Chúng tôi đứng nhìn đất khát mà thèm một vụ màu tháng Chạp. Cuối tháng 10 hàng năm, để tưới cho vùng khác thì Quỳnh Lưu không có nước, do vậy mà không sản xuất được vụ rau để cung cấp trong dịp Tết, thiệt thòi rất lớn. Nếu bây giờ tăng được lưu lượng dòng chảy, cả 4 huyện có thể tưới đồng thời chúng tôi sẽ giàu to”.

Ở xã Liên Thành (Yên Thành), ông Nguyễn Thế Thông có một phát hiện rất khác. Ông nói: “Mùa vụ chỉ cần chênh nhau 5 ngày là nơi được mùa, nơi mất ăn. Nếu dành nước tưới cho Yên Thành mà Quỳnh Lưu chậm cấy một tuần thì có thể mắc bão, lụt...”. Ông kể lại câu chuyện mấy người làng đi đào trộm đê, bị công an tóm cổ cũng vì do thiếu nước. Năm xưa, đang trong thời gian cấp nước cho Quỳnh Lưu, thiếu nước xuống giống cho cánh đồng 22, mấy người đàn ông rủ nhau đào trộm đê cho nước vào ruộng nhà mình, phải đi cải tạo cả lũ. Khổ thế, chỉ vì thiếu nước mà người ta phải làm liều.

Tăng lực nông giang
Ông Okiura Fumikio - Phó trưởng đại diện JICA tỉ mỉ với từng con kênh, cống nước
Bất chấp cái nắng đầu mùa rát bỏng, đoàn cán bộ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Văn phòng Việt Nam (JICA) vẫn kiểm đếm đủ từng miệng cống, khúc sông cần khôi phục, nâng cấp. Ông Okiura Fumihiko - Phó trưởng đại diện, mới sang Việt Nam được nửa năm nhưng tỏ ra rất hiểu biết về Việt Nam. Ông tỉ mỉ từng con kênh, đập nước và điều ông muốn tỏ tường hơn cả là năng lực vận hành của cán bộ thủy nông.

Ông không nói gì về mình ngoài việc chia sẻ với tôi sự ngưỡng mộ cụ Phan Bội Châu, một chí sỹ người Nghệ rất yêu Nhật Bản. Ông kể về thủ trưởng của mình, người mà ngày mai tôi sẽ được gặp – ngài Motonori Tsuno, rằng: Nhận được yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An về khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, ông ấy đã gõ cửa các bộ, ngành liên quan để Chính phủ Nhật Bản sớm chấp thuận dự án. Chưa bao giờ có một dự án ODA được chính phủ ông chấp thuận nhanh đến vậy.

Ông Motonori Tsuno bùi ngùi: “Tới đây tôi sẽ rời Việt Nam thân yêu để trở về quê nhà. Vùng Tohoku quê hương tôi, nơi vừa trải qua thảm họa động đất kinh hoàng, có rất nhiều điểm tương đồng với Nghệ An, bờ biển dài, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai liên miên và người dân cũng rất kiên cường. Tôi mong muốn Nghệ An và Tohoku sẽ hợp tác hữu nghị bền chặt hơn nữa để cùng nhau phát triển. Tôi cũng mong, hai nước Việt – Nhật không chỉ là đối tác mà còn là anh em tốt của nhau”.
Đúng hôm sau, tôi đã gặp ông Motonori Tsuno - Trưởng đại diện JICA ngay tại Nghệ An, với tin mừng được ông mang vào, dự án đã được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận. Ông cho biết, khi nhận được yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ NN-PTNT, ông thấy tự tin về sự thành công của dự án. Ông rất ấn tượng với con số 720.000 người dân được hưởng lợi thông qua dự án này, không chỉ có nước sản xuất nông nghiệp mà cả nước sinh hoạt, đảm bảo 100 lít/người/ngày và 35 lít/gia súc/ngày, rồi nước phục vụ sản xuất công nghiệp… Bắc Nghệ An là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của tỉnh, nếu không đủ nước tưới thì năng suất và sản lượng nông nghiệp sẽ rất thấp, khó mà thoát nghèo để vươn lên thành tỉnh khá.

Ông cũng rất chú ý đến những chi tiết, hiện nay do nguồn nước có hạn nên các huyện đang phải thay nhau tưới luân phiên. Chính vì thế nên đã nảy sinh một số vấn đề, như: làm chậm vụ mùa, tranh chấp căng thẳng về nước tưới, nhất là đầu vụ hè thu. Đặc biệt, một số diện tích lớn ở cuối kênh không có nước tưới hoặc tưới không đảm bảo. Vì vậy mà tăng lưu lượng nước từ 31m3/s lên 43,89m3/s để đảm bảo toàn vùng có đủ nước tưới đồng thời là hết sức cần thiết. Muốn thế nhất thiết phải nâng cấp đập dâng Đô Lương hiện đại để nâng mực nước trước cống thêm 40cm nữa, xây dựng các công trình trên kênh, lát lòng kênh chống nhám và chống thấm, tránh thất thoát nước, nâng cấp một số tuyến kênh, cống nước…

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 6.000 tỷ đồng, trong đó phía Nhật Bản hỗ trợ gần 5.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Trung ương và địa phương. “Chắc chắn sau khi hoàn thành, hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An đủ nước tưới đồng thời cho 27.656 ha, năng suất và sản lượng nông nghiệp sẽ tăng đáng kể, gần 720.000 người được cấp nước sinh hoạt và đủ nước cho các khu công nghiệp” – Trưởng đại diện JICA khẳng định.

Đoạn ông vỗ vai tôi, rất thân thiện: “Với tôi, nói đến Việt Nam là nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế mà tôi coi Nghệ An, quê hương Người là quê hương thứ hai của tôi. Đành rằng rất minh bạch, nhưng trong dự án này có chứa đựng tình cảm riêng tư của tôi. Bạn biết đấy, đất nước chúng tôi vừa trải qua thảm họa động đất kinh hoàng, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn dành cho Nghệ An một khoản tín dụng ưu đãi để giúp các bạn phát triển. Tôi mong chính quyền sử dụng hiệu quả vốn vay, người dân sử dụng hiệu quả công trình để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và sớm trở nên giàu có”.
nongnghiep.vn

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Thiếu kinh nghiệm về cơ học đất: 70% công trình hỏng

Nhiều kỹ sư xây dựng lâu năm vẫn thiếu nghiêm trọng sự nhạy cảm trong xử lý nền đất yếu và móng công trình, dẫn đến 70% công trình hỏng có nguyên do từ khiếm khuyết này. 

Một trong nhiều loại nền đất xấu và yếu (Ảnh tư liệu).
Ngày 19/4, trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật Việt Nam đã cho biết như trên.

Theo GS-TS Nguyễn Trường Tiến, nhiều kỹ sư lâu năm trong nghề vẫn lúng túng trong khảo sát đất nền, lựa chọn các chỉ tiêu đất nền đúng đắn và áp dụng sai giải pháp xử lý nền và nền móng công trình.

Với rất nhiều kỹ sư xây dựng, một phương pháp luận và sơ đồ cơ học nghiêm túc về vấn đề này vẫn còn là điều khá xa lạ. Họ thiếu hẳn những nhạy cảm cần có về sự làm việc của đất nền và công trình.
Trong khi đó, vấn đề xử lý nền đất yếu, đắp đất tôn nền trên nền đất yếu, chống trượt lở đất và kỹ thuật nền móng công trình trong đô thị đã, đang và sẽ trở thành chủ đề hết sức quan trọng để phát triển đường sá, lấn biển, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở.
GS.TS Nguyễn Trường Tiến
(Ảnh: Lê Anh Dzũng).


Chi phí nền móng thường chiếm từ 10 - 40% giá trị xây lắp. Vì vậy, việc lựa chọn ’’lời giải’’ kỹ thuật và giải pháp cho vấn đề này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kỹ thuật và hạ giá thành theo nguyên tắc.

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Trường Tiến cho biết Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật quốc tế cử nhiều nhà khoa học đầu ngành đến Việt Nam để trực tiếp đồng giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về xử lý đất yếu, kỹ thuật nền móng và các cơ hội hợp tác phát triển.
Lớp học và gặp gỡ Địa kỹ thuật COSIFE - ’07 này sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 - 3/5 tới tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, 33, Phạm Ngũ Lão.

Một lớp học tiếp theo cũng sẽ được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM từ ngày 4 - 5/5.

Được biết, nhiều chuyên gia tên tuổi trên thế giới sẽ có mặt trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm như: GS Pedro Seco e Pinto (Bồ Đào Nha - Chủ tịch ISMGE), GS Madhira Madhav (Ấn Độ - Phó Chủ tịch ISMGE), GS Eun Chui Shin (Hàn Quốc), TS Serge Varaksin (Pháp), GS Georg Hertlen (CHLB Đức)...

Về phía Việt Nam sẽ là sự hội ngộ của các chuyên gia đầu ngành này như: GS Nguyễn Mạnh Kiểm, GS Nguyễn Trường Tiến, GS Nguyễn Bá Kế, GS Lê Bá Lương, TS Trịnh Minh Thụ, TS Trịnh Việt Cường, KSCC Trần Đình Ngô...
Đất xấu, yếu kém có thể gặp ở khắp mọi nơi
và thường gặp hơn là các loại đất tốt, chuẩn mực 
Hiện, tuyển tập lớp học với 12 bài giảng đã được chuẩn bị hoàn tất, xoay quanh các nội dung: giải pháp xử lý nền đất yếu trong xây dựng, giao thông, thuỷ lợi và bảo vệ môi trường; các bài học thực tiễn, kinh nghiệm xử lý đất yếu của quốc tế và Việt Nam; một số vấn đề về kỹ thuật nền móng trong phát triển đô thị; nâng cao chất lượng tư vấn, thiết kế, thi công xây lắp và quan trắc địa kỹ thuật... và được đánh giá là một tài liệu quý cho các nhà tư vấn, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, các nhà đầu tư và quản lý.
VietNamNet

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Block trong AutoCad: Sử dụng Block Authoring Palettes

Làm việc với block thật sự hiệu quả nếu chúng ta biết rõ về nó, từ cad 2006 trở đi block còn có thêm nhiều điều tuyệt vời, mình xin giới thiệu 1 trong số đó:  bộ công cụ Block Authoring Palettes, các bạn hãy cùng chia sẻ với mọi người nhé.
Sau đây là một số tính năng đặc biệt của bộ công cụ này.
- Array với Block
Bước 1: Trước tiên bạn tạo một block, ví dụ như  sau (click vào hình để xem hình đúng cỡ):
Bước 2 :Vào Edit Block bạn sẽ thấy bảng Block Authoring Palettes:
- Trong thẻ Parametters bạn chọn Linear Parametter
Tích chọn 2 điểm đầu và cuối của đối tượng (sau đó ta sẽ xoá một đầu nếu chỉ muốn đối tượng mở rộng về một phía).
Bước 3: Chọn thẻ Actions chọn Array Actions rồi chọn Distance (Parametter)
Bước 4: Chọn vùng mình sẽ Aray. Đóng block, khi đó ta muốn Aray block thì chỉ cần click vào block rồi di chuyển mũi tên đến vị trí cần thiết.
- Tạo block với nhiều lựa chọn (styles) khác nhau:
Cụ thể là ta sẽ tạo một block là một cái cửa sổ chẳng hạn, tuy nhiên khi chèn block đó vào ta sẽ có các lựa chọn để chèn các mẫu cửa sổ khác nhau, rất linh hoạt phải không, các bạn thử nhé.
- Trước tiên bạn dựng hình các style cửa sổ (vd 3 style) như của mình
- Sau đó bạn save file này lại với tên là filegoc.dwg (để làm bản gốc sau này sẽ mở ra rồi copy – chỉ là mẹo để thao tác nhanh hơn thôi)
- Bây giờ bạn bắt đầu tiến hành tạo chức năng Visibility (hiểu nôm na là tạo các kiểu style cho chiếc cửa sổ)
- Bạn mở file vừa tạo trên rồi “Save as” ra file mới đặt tên là Block.dwg
bạn có thể xoá bỏ style2 và style3 và chỉ giữ lại style1
Bước 2:  Block style1 lại
Bước 3: Vào Edit block (lệnh là bedit, be) bạn sẽ thấy bảng Block Authoring Palettes:
- Trong thẻ Parametters bạn chọn Visibility rồi click vào màn hình, nháy đúp vào đó
- Bảng Visibility states hiện ra (bạn có thể đổi lại tên thành kiểu 01), sau đó bạn chọn new rồi đặt tên cho view đó (ví dụ là kiểu 02) rồi nhấn OK.
Sau đó vẽ 1 đường line để làm căn cứ căn chỉnh.
Tiếp theo bạn nhấn vào nút Make Invisible ở góc phải phía trên
Thêm chú thích
- Rồi chọn tất cả các đối tượng (trừ đường line dùng làm điểm gốc)
- Sau đó bạn mở bản vẽ filegoc.dwg rồi copy mẫu cửa style 02 và paste lại vào (chú ý bắt điểm dựa vào đường line sao cho 2 khớp giữa 2 kiểu cửa).

- Tiếp tục nháy đúp vào chữ Visibility/ New và đặt tên là kiểu 03
- Tiếp theo bạn nhấn vào nút Make invisible ở góc phải phía trên rồi chọn tất cả các đối tượng (trừ đường line dùng làm điểm gốc)
- Sau đó bạn mở bản vẽ filegoc.dwg rồi copy mẫu cửa style 03 và paste lại vào (chú ý bắt điểm dựa vào đường line sao cho khớp giữa 2 kiểu cửa)
- Sau đó bạn xoá bỏ đường line (màu trắng dùng làm điểm gốc để paste), như vậy là ta đã tạo xong chức năng Visibility cho block này rồi (có thể close block và thử xem kết quả)
- Khi đó ta chọn block sẽ thấy biểu tượng tam giác, click vào đó ta sẽ thấy các Kieu 01,02,03
Còn một số chức năng khá thú vị nữa của bộ công cụ Block Authoring Palettes này, như tạo block có thể xoay bằng cách click chuột, tạo block có khả năng stretch,vv…
Theo CadViet.com

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Những điều Facebook “quên” không nhắc

Đôi khi, chúng mình say sưa vun đắp cho những quan hệ bạn bè trên mạng mà quên mất rằng đâu đó, trong cuộc sống thực tại, có những điều cần phải để tâm hơn rất nhiều.
Ngày nay, sự phát triển của các trang mạng xã hội đã khiến cho teen chúng mình gần nhau hơn rất nhiều. Từ Yahoo, Twitter, Opera đến Facebook…, tất cả dường như chỉ để thực hiện mục tiêu duy nhất là: “Đem chúng ta đến gần nhau hơn”. Đặc biệt là Facebook. Với Facebook, teen dễ dàng gặp gỡ, giao lưu, kết bạn và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.

Là một teen chính hiệu, tớ cũng có một tài khoản trên Facebook và mê mải với công cuộc cày bừa Facebook. Trên đó, tớ add vào list friend của tớ vô số bạn bè, thân có mà không thân lắm cũng có. Tớ mải mê thu trồng và hái lượm trên nông trang của Facebook.

Tớ biết hôm nay là sinh nhật của cô bạn lớp trưởng, ngày mai là sinh nhật của cậu bạn ngồi cuối lớp và chỉ cần gõ vài dòng ngắn gọn trên “wall của các bạn ý, là tớ đã trở thành một người bạn chân thành, tình cảm. Tớ biết được bạn A, B, C nào đó, hiện đang ở cách xa tớ hàng ngàn km đang khỏe hay ốm, mới được cô giáo khen hay bố mẹ mắng.

Facebook quả là kì diệu, khi giúp chúng mình xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp trên thế giới ảo, Facebook cũng rất chu đáo, khi “cẩn thận” nhắc nhở chúng mình về những ngày sinh nhật, những ngày kỉ niệm của bạn bè trên Facebook. Nhưng bạn ơi, có những điều mà Facebook không nhắc đến:
Nút like trên mạng ảo không đồng nghĩa với việc bạn đã quan tâm trong thế giới thực tại.
Facebook không nhắc nhở tớ rằng bố tớ vừa bị đau chân hôm qua. Vì bố không có Facebook, nên bố không thể treo 1 cái status kiểu như: “Ôi, đau chân quá” hoặc: “Đen đủi thế, chân với tay”. Bố chỉ biết lặng lẽ dán salonpas lên những chỗ bị thâm tím và dắt xe đi làm với đôi chân khập khiễng mà thôi.

Facebook cũng không nhắc rằng, hôm nay là sinh nhật mẹ. Bởi, cũng như bố, mẹ không có Facebook nên Facebook đâu có biết ngày hôm nay đặc biệt thế nào với mẹ mà nhắc. Tớ chỉ thấy mẹ mua thêm bó hoa về cắm, bố đi làm về sớm hơn và nhấm nháy với tớ có điều gì bí ẩn. À hà, thì ra hôm nay là ngày đặc biệt với mẹ. Giá mà Facebook nhắc tớ nhỉ, thì tớ đã làm một cái gì đó thật hoành tráng cho ngày của mẹ rồi. Tại Facebook đấy, phải không? 

Facebook không dạy cho tớ cách sàng sảy. Hôm trước, mẹ đã phì cười khi tớ phụ mẹ làm món nộm hoa chuối. Chả là, món nộm này cần phải có lạc rắc lên trên. Mẹ đã rang lạc, ủ lạc cho giòn rồi. Việc của tớ chỉ là tróc vỏ lạc và sàng sảy thế nào cho vỏ lạc bay đi hết thôi. Thế mà tớ đã loay hoay mất gần nửa tiếng đấy. Phải đến khi có sự chỉ bảo của mẹ, thì tớ mới thôi đánh vật với những hạt lạc.

Cách đơn giản nhất là, vừa xoay đều cái rá vừa hất nhẹ nó lên trên, bao nhiêu vỏ lạc nhẹ hơn sẽ dồn lại một góc và bạn chỉ việc gạt nó đi thôi. Tớ “lăn lộn” trên Facebook bao lâu mà có thấy lời chỉ bảo nào tường tận như của mẹ đâu.

Facebook không nhắc tớ về ngày giỗ đầu của ông nội. Chỉ đến khi bố mẹ giục giã tớ sửa soạn đồ về quê, để thắp cho ông nội nén nhang nhân dịp giỗ đầu nên tớ mới nhớ ra. Đáng trách thế chứ. Tớ cứ áy náy với chính mình mãi đấy.

Facebook cũng không chỉ cho tớ chiếc khóa nào ứng với chìa nào trong chùm chìa khóa của tớ. Nhà tớ có bao nhiêu là loại khóa: khóa cổng chính, khóa cổng phụ, khóa nhà, khóa bếp, khóa tủ, khóa xe của tớ… Đấy, vì chừng đấy cái chìa khóa mà lắm phen tớ khốn khổ vì nhầm lẫn lung tung. Thế mà, bố mẹ tớ “trăm lần như một” đều tra chìa trúng phóc.

Bí quyết ở đây là: “Con phải để tâm, con gái ạ. Những cái chìa khóa nhìn qua có vẻ giống nhau, nhưng không phải cái nào cũng như cái nào đâu. Ví dụ như chiếc chìa khóa cổng chính và chìa khóa cổng phụ này nhé. Kích cỡ của chúng không bằng nhau”.

Mẹ thì có cách khác, trực quan hơn để đánh dấu những chiếc chìa khóa. Mẹ buộc chỉ màu lên mỗi chiếc chìa khóa. Chìa khóa buộc sợi chỉ màu đỏ là chìa khóa nhà, màu xanh là chìa khóa cổng, màu nâu là chìa khóa bếp… Cứ thế, chùm chìa khóa của mẹ sặc sỡ đủ màu.

Facebook không nhắc tớ cô bạn thân bị ốm, đã nghỉ học được 3 hôm. Vì bạn thân tớ rất chăm học, không có Facebook và cũng không có thói quen chia sẻ trên mạng xã hội. Thế nên, tớ không biết bạn tớ phải nghỉ học vì bệnh gì, bệnh có nặng hay không? Phải đến tận nhà bạn ấy, nhìn gương mặt bạn ấy đỏ bừng trong cơn sốt mê man, tớ mới biết bạn thân của mình bị sốt vi rút.

Đôi khi, chúng mình say sưa vun đắp cho những quan hệ bạn bè trên mạng mà quên mất rằng, đâu đó, trong cuộc sống thực tại, có những điều cần phải để tâm hơn rất nhiều.

Sẽ chẳng có Facebook nào nhắc bạn những điều ấy đâu teen ạ. Nhưng bạn vẫn phải nhớ, không phải vì những notes trên Facebook, mà nhớ bằng trái tim, bằng kí ức của chính mình.
Vì chúng mình còn đôi mắt để quan sát, đôi tai để lắng nghe, và một tấm lòng để biết trắc ẩn, nên sẽ chẳng cần Facebook nhắc giùm những điểu đơn sơ nhưng ý nghĩa đấy đâu, teen nhỉ?
Theo Mai Hà Uyên- Mực Tím

Công trình thế kỷ (Phần 1)

Sau 7 năm thi công, Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã về đích trước thời hạn đề ra. Công trình vừa là niềm tự hào của đất nước vừa đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của ngành điện Việt Nam hôm nay.
Bản hùng ca Tây Bắc
Trên đường đi vào địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, từ xa nhìn lại, ít ai có thể tưởng tượng được gần mười năm trước, dưới hẻm núi bản Pá Vinh, nơi con sông Đà chảy qua chỉ có vài ba chục nóc nhà của đồng bào Thái, nhưng hôm nay ở đó sừng sững dáng hình của một công trình mang tầm thế kỷ. Đó là Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Hôm chúng tôi lên Sơn La đúng vào dịp Nhà máy Thủy điện Sơn La đang hối hả, nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ khánh thành. Khi xe chạy hết con dốc đã được hạ bớt độ cao và bắt đầu lăn bánh trên con đường rộng mở, làn gió lạnh của những ngày cuối đông ở vùng cao trước thềm xuân Quý Tỵ dường như bị xua tan bởi không khí tưng bừng chào đón ngày hội lớn của mảnh đất nơi vùng Tây Bắc này.
Thủy điện Sơn La rực rỡ về đêm. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham quan Nhà máy Thuỷ điện Sơn La vào ngày khánh thành. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Sơn La nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đức Tám – TTXVN)
Từ Thủy điện Sơn La nhìn xuống phía hạ lưu sông Đà. (Ảnh: Việt Cường)
Cầu Mường La trên sông Đà, đoạn dưới hạ lưu Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Thông Thiện)
Cửa xả lũ của đập thủy điện. (Ảnh: Việt Cường)
Giám sát hệ thống vận hành tua bin. (Ảnh: Việt Cường)
Hồ chứa Thủy điện Sơn La có sức chứa hơn 9,26 tỷ m3 nước. (Ảnh: Việt Cường)
6 tổ máy với công suất 2.400MW sẽ cung cấp hơn 10tỷ kWh/năm. (Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN)
Khuôn viên Nhà máy Thuỷ điện Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN)
Diện mạo mới của thị trấn Mường La sau khi có Nhà máy Thủy điện. (Ảnh: Việt Cường)
Hệ thống cẩu phục vụ cho cửa lấy nước Nhà máy Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Việt Cường)


Bài: Ngân Hà - Ảnh: Thông Thiện, Việt Cường & TTXVN

Bài đăng phổ biến