Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

“Giải khát” Bắc Nghệ

Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An mà bà con quê tôi vẫn gọi là nông giang được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1930. Gần 100 năm, những con sông đào ngày ấy đã trở nên già nua, khó nhọc cõng nước sông Lam về cho 4 huyện Bắc Nghệ An, gồm: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu...
Theo thiết kế thì đến nay, hệ thống này chỉ còn tưới được hơn một nửa diện tích - 19.600 ha/34.500 ha. Vì thế mà Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận cho Nghệ An một khoản tín dụng gần 5.000 tỷ đồng để tăng lực cho hệ thống thủy lợi phía bắc. Vựa lúa Diễn – Yên – Quỳnh sẽ được giải khát…

Cuộc mở nước đau thương
Tôi lớn lên bên dòng sông đào, nước cứ đầy vơi theo mùa vụ tưới tiêu. Những ngày Quỳnh Lưu, Diễn Châu vào vụ cấy thì ở Yên Thành sông nằm trơ đáy. Và khi Yên Thành cần nước, bà con vùng biển chỉ biết “rõ dãi” nhìn thèm. Dẫu vậy, bà con cũng đã vô cùng hãnh diện vì không còn cảnh chờ trời mưa mới cắm được cây lúa. Có nông giang, tục cầu đảo (lập đàn cầu mưa) mỗi mùa hạn hán cũng đã mất đi. Nhờ nông giang mà quê tôi được coi là vùng gạo trắng nước trong. Những ngày giáp hạt, xứ Nghệ đói kém, riêng Yên Thành vẫn cứ “cơm thơm ăn với cá rô”.

Hệ thống nông giang được người Pháp khởi công từ năm 1930 và đưa vào sử dụng năm 1936. Họ cho xây đập dâng chắn dòng sông Lam để dâng nước vào kênh đào N1, rồi tỏa về 4 huyện theo các kênh N2, nước về từng thửa ruộng bằng các kênh N3… Đập dâng hay còn gọi Bara Đô Lương được xây thành 12 khoang, dài gần 300 mét, cửa đóng mở tự động bằng sức nước. Người được giao nhiệm vụ kỹ sư trưởng xây dựng công trình này chính là Hoàng thân Souphanouvong.

Những năm chiến tranh phá hoại, đập dâng Đô Lương là một trong những mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ. Khoang số 12 đã bị trúng bom, hư hỏng hoàn toàn. Rồi cùng với thời gian, nhiều thiết bị cơ khí cũng đã hư hỏng, không thể khắc phục được, vì thế mà mức dâng nước không đảm bảo theo thiết kế, cửa sông bị cát bồi lắng, lưu lượng nước giảm rõ rệt…

Sau giải phóng, những người lãnh đạo tỉnh Nghệ An mang khát vọng làm nên cuộc mở nước lịch sử trên dòng sông này, nhanh chóng đưa Nghệ An thoát nghèo. Hàng ngàn thanh niên đã hồ hởi lên đường làm nhiệm vụ mở rộng lòng sông, khơi thông dòng chảy. Nhưng, cuộc mở nước ấy lại đánh đổi bằng mạng sống của 114 thanh niên. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện đau thương đó. Đúng 11 giờ 55 phút ngày 25/12/1977, khi vừa tập hợp đủ quân số ở lòng sông để bước vào ca làm việc buổi chiểu, bất ngờ một khối lượng đất đá khổng lồ từ mặt đê ập xuống, 114 con người bị vùi lấp hoàn toàn…

“Đủ nước, chúng tôi sẽ giàu to”
Hay tin hệ thống nông giang được khôi phục, nâng cấp, bà con rất mừng, ai cũng chờ ngày hết “khát”. Ông Nguyễn Cẩn ở xóm 9, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, nói: “Không có nông giang thì chúng tôi phải đứt bữa quanh năm. Tuy nhiên, nhiều năm lại nay nước dần ít đi, do vậy mà một số diện tích phải bỏ hoang, hoặc tưới phập phù. Chúng tôi đứng nhìn đất khát mà thèm một vụ màu tháng Chạp. Cuối tháng 10 hàng năm, để tưới cho vùng khác thì Quỳnh Lưu không có nước, do vậy mà không sản xuất được vụ rau để cung cấp trong dịp Tết, thiệt thòi rất lớn. Nếu bây giờ tăng được lưu lượng dòng chảy, cả 4 huyện có thể tưới đồng thời chúng tôi sẽ giàu to”.

Ở xã Liên Thành (Yên Thành), ông Nguyễn Thế Thông có một phát hiện rất khác. Ông nói: “Mùa vụ chỉ cần chênh nhau 5 ngày là nơi được mùa, nơi mất ăn. Nếu dành nước tưới cho Yên Thành mà Quỳnh Lưu chậm cấy một tuần thì có thể mắc bão, lụt...”. Ông kể lại câu chuyện mấy người làng đi đào trộm đê, bị công an tóm cổ cũng vì do thiếu nước. Năm xưa, đang trong thời gian cấp nước cho Quỳnh Lưu, thiếu nước xuống giống cho cánh đồng 22, mấy người đàn ông rủ nhau đào trộm đê cho nước vào ruộng nhà mình, phải đi cải tạo cả lũ. Khổ thế, chỉ vì thiếu nước mà người ta phải làm liều.

Tăng lực nông giang
Ông Okiura Fumikio - Phó trưởng đại diện JICA tỉ mỉ với từng con kênh, cống nước
Bất chấp cái nắng đầu mùa rát bỏng, đoàn cán bộ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Văn phòng Việt Nam (JICA) vẫn kiểm đếm đủ từng miệng cống, khúc sông cần khôi phục, nâng cấp. Ông Okiura Fumihiko - Phó trưởng đại diện, mới sang Việt Nam được nửa năm nhưng tỏ ra rất hiểu biết về Việt Nam. Ông tỉ mỉ từng con kênh, đập nước và điều ông muốn tỏ tường hơn cả là năng lực vận hành của cán bộ thủy nông.

Ông không nói gì về mình ngoài việc chia sẻ với tôi sự ngưỡng mộ cụ Phan Bội Châu, một chí sỹ người Nghệ rất yêu Nhật Bản. Ông kể về thủ trưởng của mình, người mà ngày mai tôi sẽ được gặp – ngài Motonori Tsuno, rằng: Nhận được yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An về khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, ông ấy đã gõ cửa các bộ, ngành liên quan để Chính phủ Nhật Bản sớm chấp thuận dự án. Chưa bao giờ có một dự án ODA được chính phủ ông chấp thuận nhanh đến vậy.

Ông Motonori Tsuno bùi ngùi: “Tới đây tôi sẽ rời Việt Nam thân yêu để trở về quê nhà. Vùng Tohoku quê hương tôi, nơi vừa trải qua thảm họa động đất kinh hoàng, có rất nhiều điểm tương đồng với Nghệ An, bờ biển dài, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai liên miên và người dân cũng rất kiên cường. Tôi mong muốn Nghệ An và Tohoku sẽ hợp tác hữu nghị bền chặt hơn nữa để cùng nhau phát triển. Tôi cũng mong, hai nước Việt – Nhật không chỉ là đối tác mà còn là anh em tốt của nhau”.
Đúng hôm sau, tôi đã gặp ông Motonori Tsuno - Trưởng đại diện JICA ngay tại Nghệ An, với tin mừng được ông mang vào, dự án đã được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận. Ông cho biết, khi nhận được yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ NN-PTNT, ông thấy tự tin về sự thành công của dự án. Ông rất ấn tượng với con số 720.000 người dân được hưởng lợi thông qua dự án này, không chỉ có nước sản xuất nông nghiệp mà cả nước sinh hoạt, đảm bảo 100 lít/người/ngày và 35 lít/gia súc/ngày, rồi nước phục vụ sản xuất công nghiệp… Bắc Nghệ An là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của tỉnh, nếu không đủ nước tưới thì năng suất và sản lượng nông nghiệp sẽ rất thấp, khó mà thoát nghèo để vươn lên thành tỉnh khá.

Ông cũng rất chú ý đến những chi tiết, hiện nay do nguồn nước có hạn nên các huyện đang phải thay nhau tưới luân phiên. Chính vì thế nên đã nảy sinh một số vấn đề, như: làm chậm vụ mùa, tranh chấp căng thẳng về nước tưới, nhất là đầu vụ hè thu. Đặc biệt, một số diện tích lớn ở cuối kênh không có nước tưới hoặc tưới không đảm bảo. Vì vậy mà tăng lưu lượng nước từ 31m3/s lên 43,89m3/s để đảm bảo toàn vùng có đủ nước tưới đồng thời là hết sức cần thiết. Muốn thế nhất thiết phải nâng cấp đập dâng Đô Lương hiện đại để nâng mực nước trước cống thêm 40cm nữa, xây dựng các công trình trên kênh, lát lòng kênh chống nhám và chống thấm, tránh thất thoát nước, nâng cấp một số tuyến kênh, cống nước…

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 6.000 tỷ đồng, trong đó phía Nhật Bản hỗ trợ gần 5.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Trung ương và địa phương. “Chắc chắn sau khi hoàn thành, hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An đủ nước tưới đồng thời cho 27.656 ha, năng suất và sản lượng nông nghiệp sẽ tăng đáng kể, gần 720.000 người được cấp nước sinh hoạt và đủ nước cho các khu công nghiệp” – Trưởng đại diện JICA khẳng định.

Đoạn ông vỗ vai tôi, rất thân thiện: “Với tôi, nói đến Việt Nam là nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế mà tôi coi Nghệ An, quê hương Người là quê hương thứ hai của tôi. Đành rằng rất minh bạch, nhưng trong dự án này có chứa đựng tình cảm riêng tư của tôi. Bạn biết đấy, đất nước chúng tôi vừa trải qua thảm họa động đất kinh hoàng, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn dành cho Nghệ An một khoản tín dụng ưu đãi để giúp các bạn phát triển. Tôi mong chính quyền sử dụng hiệu quả vốn vay, người dân sử dụng hiệu quả công trình để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và sớm trở nên giàu có”.
nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến