Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Thiếu kinh nghiệm về cơ học đất: 70% công trình hỏng

Nhiều kỹ sư xây dựng lâu năm vẫn thiếu nghiêm trọng sự nhạy cảm trong xử lý nền đất yếu và móng công trình, dẫn đến 70% công trình hỏng có nguyên do từ khiếm khuyết này. 

Một trong nhiều loại nền đất xấu và yếu (Ảnh tư liệu).
Ngày 19/4, trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật Việt Nam đã cho biết như trên.

Theo GS-TS Nguyễn Trường Tiến, nhiều kỹ sư lâu năm trong nghề vẫn lúng túng trong khảo sát đất nền, lựa chọn các chỉ tiêu đất nền đúng đắn và áp dụng sai giải pháp xử lý nền và nền móng công trình.

Với rất nhiều kỹ sư xây dựng, một phương pháp luận và sơ đồ cơ học nghiêm túc về vấn đề này vẫn còn là điều khá xa lạ. Họ thiếu hẳn những nhạy cảm cần có về sự làm việc của đất nền và công trình.
Trong khi đó, vấn đề xử lý nền đất yếu, đắp đất tôn nền trên nền đất yếu, chống trượt lở đất và kỹ thuật nền móng công trình trong đô thị đã, đang và sẽ trở thành chủ đề hết sức quan trọng để phát triển đường sá, lấn biển, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở.
GS.TS Nguyễn Trường Tiến
(Ảnh: Lê Anh Dzũng).


Chi phí nền móng thường chiếm từ 10 - 40% giá trị xây lắp. Vì vậy, việc lựa chọn ’’lời giải’’ kỹ thuật và giải pháp cho vấn đề này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kỹ thuật và hạ giá thành theo nguyên tắc.

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Trường Tiến cho biết Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật quốc tế cử nhiều nhà khoa học đầu ngành đến Việt Nam để trực tiếp đồng giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về xử lý đất yếu, kỹ thuật nền móng và các cơ hội hợp tác phát triển.
Lớp học và gặp gỡ Địa kỹ thuật COSIFE - ’07 này sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 - 3/5 tới tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, 33, Phạm Ngũ Lão.

Một lớp học tiếp theo cũng sẽ được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM từ ngày 4 - 5/5.

Được biết, nhiều chuyên gia tên tuổi trên thế giới sẽ có mặt trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm như: GS Pedro Seco e Pinto (Bồ Đào Nha - Chủ tịch ISMGE), GS Madhira Madhav (Ấn Độ - Phó Chủ tịch ISMGE), GS Eun Chui Shin (Hàn Quốc), TS Serge Varaksin (Pháp), GS Georg Hertlen (CHLB Đức)...

Về phía Việt Nam sẽ là sự hội ngộ của các chuyên gia đầu ngành này như: GS Nguyễn Mạnh Kiểm, GS Nguyễn Trường Tiến, GS Nguyễn Bá Kế, GS Lê Bá Lương, TS Trịnh Minh Thụ, TS Trịnh Việt Cường, KSCC Trần Đình Ngô...
Đất xấu, yếu kém có thể gặp ở khắp mọi nơi
và thường gặp hơn là các loại đất tốt, chuẩn mực 
Hiện, tuyển tập lớp học với 12 bài giảng đã được chuẩn bị hoàn tất, xoay quanh các nội dung: giải pháp xử lý nền đất yếu trong xây dựng, giao thông, thuỷ lợi và bảo vệ môi trường; các bài học thực tiễn, kinh nghiệm xử lý đất yếu của quốc tế và Việt Nam; một số vấn đề về kỹ thuật nền móng trong phát triển đô thị; nâng cao chất lượng tư vấn, thiết kế, thi công xây lắp và quan trắc địa kỹ thuật... và được đánh giá là một tài liệu quý cho các nhà tư vấn, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, các nhà đầu tư và quản lý.
VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến