Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Luận án tiến sĩ: Nghiên cứu giải pháp chống mạch đùn mạch sủi đảm bảo an toàn đê

Tên luận án: Nghiên cứu giải pháp chống mạch đùn mạch sủi đảm bảo an toàn đê trên địa bàn tỉnh Hà Nam
TS. Nguyễn Quốc Đạt
Ngành học của luận án: Kỹ thuật Xây dựng công trình thủy; Mã số: 62- 58- 02.02
Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
(Nguồn: vawr.org.vn)

b) Nội dung bản trích yếu:
Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án:
Đối tượng nghiên cứu: Tác động của áp lực dòng thấm dưới nền đê đến an toàn ổn định của đê (bục lớp phủ, xói ngầm).
Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu giải pháp ngăn chặn mạch đùn mạch sủi cho các đoạn đê xung yếu và xử lý khẩn cấp sự cố xói ngầm về mùa lũ nhằm bảo đảm an toàn đê điều và phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Phạm vi nghiên cứu: các tuyến đê trong phạm vi tỉnh Hà Nam.
Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng:
Điều tra, khảo sát thực địa: địa chất nền đê trên địa phận tỉnh Hà Nam.
Nghiên cứu tài liệu: nghiên cứu tài liệu, sách báo trong và ngoài nước. Các kết quả của các đề tài, dự án đã thực hiện trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy…vv.
Nghiên cứu lý thuyết: Giải bài toán xác định áp lực thấm dưới nền đê bằng giải tích và bằng phương pháp phần tử hữu hạn, điều kiện đẩy bục, xói ngầm.
Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng: Thông qua các thí nghiệm trên hiện trường và trong phòng rút ra nhận xét về tác dụng thúc đẩy keo hóa, cường độ kháng nén, hệ số thấm của đất nền khi được xử lý bằng xi măng – hóa chất.
Nghiên cứu thực nghiệm hiện trường: Thí nghiệm trên dây chuyền khoan phụt thực tế để đánh giá chính xác các chỉ tiêu về cường độ và hệ số thấm của công nghệ khoan phụt hóa chất.
Các kết quả chính và kết luận:
Luận án đã điều tra thu thập tài liệu, khảo sát bổ sung để lập bản đồ phân vùng địa chất các tuyến đê dựa trên phương pháp luận về an toàn ổn định thấm. Bản đồ này có thể sử dụng cho công tác phòng chống bão lụt, quản lý bảo vệ đê điều của tỉnh Hà Nam. Luận án kết luận: có thể mô phỏng đơn giản hóa mặt cắt địa chất đê tỉnh Hà Nam theo cách làm trong Tiêu chuẩn Mỹ và sử dụng công thức giải tích để tính toán kiểm tra ổn định thấm trong bước lập dự án đầu tư.
Luận án đã đề xuất được giải pháp ổn định thấm nền đê bằng giếng cọc vây gồm các cọc ximăng đất chống lấn tạo thành tường liên tục. Giải pháp mới phù hợp với các đoạn đê có nhiều ao hồ nằm sát chân đê, không phải lấp ao làm ảnh hưởng đến sản xuất (nuôi trồng thủy sản) của nhân dân.
Luận án bước đầu có những nghiên cứu ứng dụng công nghệ khoan phụt ximăng hóa chất kết hợp với xi măng để xử lý khẩn cấp các sự cố thấm nền đê.
Kết quả nghiên cứu của Luận án phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công tác phòng chống bão lụt, quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Tải toàn văn luận án tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến