Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Bin Laden – Không được đụng đến Việt Nam

Đó chính là lời căn dặn trước khi chết của Bin Laden đối với các thuộc hạ.

Lý do như sau:
Tổ chức khủng bố An-qaeda trước đây đã nhiều lần cử các phần tử khủng bố sang Việt Nam làm nhiệm vụ nhưng đều thất bại cay đắng.
Osama bin Mohammed bin Awad bin Laden

  1. Tên thứ nhất sang ám sát một đ/c lãnh đạo, nhưng đ/c này họp hành tiếp khách triền miên. Tên này mòn mỏi đợi chờ đến nỗi hết hạn visa, hết tiền khách sạn mà đ/c vẫn chưa họp xong, đành từ bỏ nhiệm vụ quay về căn cứ chịu tội.
  2. Tên thứ hai bị ngập giữa đường phố Sài Gòn, xe hỏng nặng, thuốc nổ ướt sũng, nhiệm vụ thất bại.
  3. Tên thứ ba ra Hà Nội khủng bố Ga Hàng Cỏ nhưng không tài nào chen lên xe buýt được.
  4. Tên thứ tư bị trộm móc mất thiết bị điều khiển từ xa ở cổng chợ Bến Thành, rút chiếc sơ cua ra chưa kịp bấm nút cũng bị 2 kẻ đi mô tô giựt mất luôn.
  5. Tên thứ năm đánh bom Chùa Hương nhưng từ Ngã Tư Sở đã bị đám Cò bám riết như đỉa, tìm mọi cách cũng không sao thoát được, nhiệm vụ thất bại thảm hại.
  6. Tên thứ sáu phá hoại thủy điện Sông Tranh, nhưng vừa trèo lên thì đập nứt, cả người và dụng cụ bị nước cuốn đi chết không kịp ngáp.
  7. Tên thứ bảy bị kẹt xe ở khúc cong mềm mại đường Trường Chinh gần 2 tiếng đồng hồ, ngộ độc khói xe chết tức tưởi.
  8. Tên thứ tám có nhiệm vụ đánh bom đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đúng vào ngày khánh thành. Do chậm tiến độ hết lần này đến lần khác, tên này không biết đợi đến bao giờ mới khánh thành, sốt ruột đi qua hiện trường xem xét, bị giàn giáo và sắt cây rơi trúng đầu chết thẳng cẳng.
  9. Tên thứ chín chuẩn bị hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, nhìn xuống thấy xe tải húc máy bay, kiểm soát không lưu mất tín hiệu, máy bay lòng vòng không hạ cánh. Tên này tưởng máy bay đi tìm nhà cao tầng để đâm như vụ 11/9 nên sợ quá vỡ tim chết hộc máu.
  10. Tên thứ mười là một nữ khủng bố khét tiếng, vợ lẽ của Bin Laden. Ả này vừa xuống sân bay Nội Bài, còn đang ngơ ngác xem bản đồ, thì đã bị bọn buôn người bắt đi, đem sang Trung Quốc bán, đến nay vẫn biệt vô âm tín.

Bin Laden không chịu nổi quyết định đích thân đưa con trai mới 6 tuổi sang Việt Nam đi học để thông thạo địa bàn, sau này lớn lên sẽ khủng bố đẫm máu. Nhưng mỗi lần họp phụ huynh là một cơn ác mộng đối với hắn. Ngoài học phí trái tuyến, Giáo viên bắt trùm khủng bố phải đóng đủ các loại tiền như quỹ lớp, tiền học thêm, tiền học ngoại ngữ, tiền điều hòa, tiền máy chiếu, tiền báo, tiền bảo hiểm thân thể, tiền bảo hiểm y tế…vv và vv…An-qaeda dù đã gồng mình cũng không đỡ nổi. Cuối cùng Bin Laden buộc phải ôm con tháo chạy về căn cứ, kế hoạch thất bại hoàn toàn.

Trước khi chết, Bin Laden đã thống thiết dặn dò thuộc cấp: "các ngươi hãy tấn công toàn thế giới để trả thù cho ta, nhưng vì sự tồn vong của tổ chức, tuyệt đối không được đụng đến Việt Nam"

Ơn Trời! chúng ta đang sống trong một đất nước an toàn nhất thế giới.

Internet nguồn: Ngô Việt Dũng

Thang máy đường thủy độc đáo nhất thế giới

Đi vào hoạt động từ năm 2002, cây cầu Falkirk Wheel trị giá 84,5 triệu bảng là điểm hút khách du lịch hàng đầu Scotland.

Nguồn vốn 32 triệu bảng đến từ Quỹ Xổ số quốc gia của Scotland, số còn lại có sự hỗ trợ từ 7 chính quyền địa phương, mạng doanh nghiệp người Scotland, Quỹ Phát triển khu vực châu Âu và Ủy ban Thiên niên kỷ.

Thiết kế độc đáo của cây cầu Falkirk Wheel nhanh chóng được lựa chọn trong dự án Thiên niên kỷ của Vương quốc Anh tạo ra một bước ngoặt đáng nhớ, thay đổi suy nghĩ về cấu trúc của những cây cầu thế kỷ 21.

Cây cầu ra đời với mục đích ban đầu là liên kết kênh đào Forth & Clyde và kênh Union nhưng xem ra khi hoàn thành, mục đích giải trí của cây cầu có vẻ chiếm ưu thế hơn.

Kể từ năm 2007, hình ảnh cây cầu Falkirk Wheel được in trên tờ 50 bảng do Ngân hàng Scotland phát hành.

Cây cầu 35 mét bao gồm hai cánh tay đối xứng mở rộng 15 mét vượt ra ngoài trục trung tâm và hai đầu có hình dạng lấy cảm hứng từ chiếc rìu Celtic.

Cây cầu hoạt động như một thang máy bằng thuyền kết nối hai kênh đào. Nhưng ý tưởng của các nhà thiết kế còn vượt xa hơn thế, họ đã tạo nên một cấu trúc thực sự ngoạn mục. Kết quả là cây cầu Falkirk Wheel được xây dựng một cách hoàn hảo, và trở thành cây cầu xoay đầu tiên và duy nhất trên thế giới.


Hiện có hẳn một tour tham quan cây cầu độc đáo này trong vòng 1 tiếng. Năm 2010, giá vé cho 1 tour tham quan cây cầu có giá 7,95 bảng cho người lớn và 4,95 bảng cho trẻ em từ 3 – 15 tuổi (miễn phí cho trẻ em dưới 3 tuổi).
nguồn: http://thethaovanhoa.vn/

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước năm 2015 khu vực miền Bắc

dwrm.gov.vn-Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực phía miền Bắc và các công ty tư vấn. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã tập trung giới thiệu và tổ chức thảo luận nội dung các văn bản Quy phạm pháp luật quan trọng: Nghị định 43/2015/NĐ-CP về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 54/2015/NĐ-CP về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT về việc quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đã giới thiệu ngắn gọn các nội dung chính của 02 Nghị định và Thông tư nêu trên. “Hội nghị tập huấn này sẽ giúp cho các cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ hơn các quy định hiện hành của pháp luật về tài nguyên nước để thực hiện tốt công tác về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.” - Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết.

Cũng tại Hội nghị, các cán bộ quản lý tài nguyên nước đã được phổ biến những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, và những nội dung quan trọng trong nghị định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách trên địa bàn theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời, được hướng dẫn cụ thể điều kiện về năng lực của tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Quang cảnh Hội nghị
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan các Nghị định và Thông tư nêu trên nhằm áp dụng và triển khai văn bản trong thực tế. Những câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu đã được Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy lần lượt giải đáp.

Kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến trao đổi của các đại biểu. “Thông qua hội nghị, các lãnh đạo đơn vị cần tăng cường, tập trung triển khai đầy đủ những vấn đề liên quan đến các Văn bản này” - Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Ngọc Điệp (dwrm)

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Hà Lan chế tạo thành công máy tạo sóng lớn nhất thế giới để chống lũ

(Thethaovanhoa.vn) - Thuộc một phần của dự án trị giá nhiều triệu USD, nhằm giúp các nước vùng trũng thấp khỏi bị lũ lụt tàn phá, các nhà khoa học Hà Lan vừa chế ra làn sóng nhân tạo lớn nhất thế giới.
Tới nay, làn sóng nhân tạo cao nhất mà chiếc máy này tạo ra là hơn 5 mét, nhưng các kỹ sư hy vọng sẽ sớm tạo ra những cột sóng cao hơn tại trạm tạo sóng vừa được hoàn thành, trị giá 29,3 triệu USD. Phát biểu với phóng viên Rebecca Morelle của kênh BBC, Tiến sĩ Bas Hofland cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đã tạo ra làn sóng cao trên 5m, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những đợt sóng cao hơn như thế nữa".
Chiếc máy bơm nước với vận tốc lớn vào bức tường cao 100 mét để tạo ra sóng nhờ phản lực. Ảnh: Daily Mail
Có khả năng giữ 9 triệu lít nước và bơm nước từ một hồ chứa với vận tốc 1.000 lít/giây, chiếc máy mang tên Delta Flume tạo sóng bằng cách tạo ra một phản lực của nước nhờ đẩy một lượng lớn nước vào bức tường thép cao 10m. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể tạo ra những con sóng có cường độ tương tự như lúc biển lặng, biển động, thậm chí như khi có sóng thần.

Sau đó, con sóng sẽ được truyền qua một bể hẹp dài 300 mét và tác động vào một loạt hệ thống chống lũ, như đê điều, các đụn cát, đập và một số rào cản khác, để kiểm tra các hệ thống này có thể chống chịu tốt tác động của lực nước lớn hay không.
Mô hình toàn cảnh của Delta Flume. Ảnh: Daily Mail
Hà Lan được xem như là nhà tiên phong trong các công nghệ xử lý lũ lụt, với các kỹ thuật như xây dựng nhà nổi, nhà trên cột cao hay dẫn nước làm ngập một số khu vực đất để bảo vệ những khu vực khác.

Lý do Hà Lan luôn rất chủ động trong công tác chống lũ là vì 2/3 diện tích nước này có nguy cơ chìm trong lũ lụt. Quốc gia nằm ở vị trí trũng sâu đã bắt đầu nghiên cứu việc trị thủy từ hơn 1.000 năm trước, khi những người nông dân thời xưa xây dựng các tuyến đê để bảo vệ đất đai của họ.

Năm 1953, gần 2.000 người đã thiệt mạng khi đợt thủy triều cao và một cơn bão lớn tràn vào từ Biển Bắc, khiến1.500 km vuông đất bị ngập lụt.

Sau đó, người Hà Lan đã xây dựng Delta Works, một mạng lưới các đập nước và rào cản, nhằm bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương nhất do lũ lụt.
Phan Vân Anh
Theo Daily Mail

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Sóng khổng lồ đập vào đê chắn ở TQ, du khách bỏ chạy

Vào tháng 8 hàng năm, hàng triệu du khách đổ về sông Tiền Đường, Trung Quốc, để ngắm những đợt sóng cao hơn 9 m. Tuy nhiên, họ nhanh chóng bỏ chạy khi sóng vượt rào chắn an toàn.

Những đợt sóng khổng lồ trên sông Tiền Đường vỗ mạnh vào đê chắn ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: CFP
Tiền Đường là con sông lớn nhất tỉnh Chiết Giang, chảy theo hướng tây - đông. Triều cường trên sông là một trong những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng thế giới. Ảnh: Chinanews
Những đợt sóng trên sông Tiền Đường hình thành dưới ảnh hưởng của thủy triều từ Đông Hải. Lực ly tâm được gây ra bởi chuyển động quay của trái đất và hình dạng thắt nút cổ chai khác thường của vịnh Hàng Châu khiến thủy triều dễ tràn nhưng khó rút. Ảnh: Chinanews
Sóng trên sông Tiền Đường được coi là con sóng lớn nhất thế giới. Thời kỳ ngắm sóng lý tưởng nhất trong năm kéo dài từ khoảng đầu tháng 8 âm lịch đến sau Trung thu (khoảng tháng 9 dương lịch). Ảnh: CFP
Việc đứng cạnh sông khi sóng lớn dâng cao, tạt vào bờ mang lại cảm giác mạnh. Hàng năm, hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến đây ngắm hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Ảnh: CFP
Sóng dâng cao tạo thành cảnh tượng hùng vĩ. Nhiều người mang theo ô để tránh nước nhưng phần lớn họ đều ướt do sóng quá mạnh. Ảnh: CFP
Sóng có thể dâng cao hơn 9 m kéo theo âm thanh như tiếng sấm hoặc tiếng hàng nghìn con ngựa đang chạy. Ảnh: CFP
Một du khách đứng bên bờ sông, chụp lại cảnh những đợt sóng hung dữ. Người dân địa phương tổ chức Lễ Ngắm Sóng cùng nhiều hoạt động khác nhằm thu hút khách du lịch. Ảnh: IC
Ngắm sóng Tiền Đường trở thành hoạt động du lịch phổ biến ở Trung Quốc nhưng giới chức địa phương cảnh báo du khách cần tuân theo chỉ dẫn của cảnh sát và luôn cảnh giác, phản ứng nhanh để đảm bảo an toàn. Ảnh: IC
'Quái vật' sông Tiền Đường quật ngã du khách

Nguyễn Sương

Cà Mau: Xây cống thủy lợi rồi… đập bỏ

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhiều cống thủy lợi được đầu tư tiền tỷ mới đưa vào sử dụng đã… lạc hậu,  phải đập bỏ.

Cống “trôi sông”
Những ngày gần đây, nhiều người dân sống gần cống kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) buồn vui lẫn lộn khi hay tin UBND tỉnh Cà Mau cho phép phá dỡ cống để xây dựng cẩu trục. Người dân vui vì UBND tỉnh thấu hiểu được nhu cầu thực tế tại địa phương: Cống kênh 18 đã lạc hậu (do khẩu độ quá nhỏ), không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lâm sản và hàng hóa của người dân.

Ngược lại, việc phá dỡ cống kênh 18 cũng có người phản ứng và cho rằng xây cống tốn tiền tỷ mới sử dụng hơn một năm mà đã đập bỏ, như vậy quá lãng phí, sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả. Trong khi đó, tại xã Khánh Thuận (một trong những xã nghèo nhất của tỉnh) lại “khát” kinh phí để đầu tư xây dựng lộ giao thông nông thôn. Tiền tỷ bỏ ra xây cống rồi đập bỏ “trôi sông” như vậy khiến dân bức xúc.
Cống thủy lợi kênh 18 phải đập bỏ vì không phù hợp thực tế
Tương tự, nhiều người dân tại xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cũng “lên án” cống T29. Theo người dân nơi đây, từ ngày đầu tư xây cống T29 chẳng những không phát huy hiệu quả mà ngược lại gây rất nhiều khó khăn nên đề nghị đập bỏ cống này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai cống trên mỗi cống được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Công trình này nằm trong dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng (giai đoạn 1) do Chi cục Kiểm lâm Cà Mau làm chủ đầu tư. Theo giải thích của Chi cục Kiểm lâm, do nguồn vốn có hạn nên thời gian qua các cống được đầu tư với mục tiêu chủ yếu phục vụ công tác phòng chống cháy. Do vậy, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lâm sản, thiết bị máy móc và phương tiện lớn qua lại.

Do các cống thủy lợi mới đưa vào sử dụng đã lạc hậu so với tình hình thực tế, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo điều chỉnh quy mô, khẩu độ các cống trong giai đoạn 2 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, lâm sản của người dân. Ông Dũng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc “kiểm điểm rút kinh nghiệm” trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương đầu tư các công trình này.

Bài học hiện hữu
Cũng liên quan đến việc xây dựng cống thủy lợi, tại hai tiểu vùng 17 và 18 (huyện Đầm Dơi) các cống thủy lợi quy mô được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang xây dựng tại đây cũng gây nhiều tranh cãi.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau (đơn vị phản biện Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Cà Mau đến năm 2020), cho biết: “Khi các cống thủy lợi được xây dựng và bị người dân trong vùng dự án phản ứng, cho rằng rất lãng phí ngân sách lại không hiệu quả. Nguyên nhân vì vùng này có ưu thế sử dụng điều kiện tự nhiên, biên độ triều rộng, đủ khả năng cấp thoát nước. Nếu điều tiết nước bằng cống sẽ hạn chế nước dẫn vào ao nuôi tôm. Đáng nói hơn còn dẫn đến tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, gây cản trở giao thông thủy, khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân”.
Trong khi đó đại diện chủ đầu tư (Sở NN-PTNT) cho rằng, việc xây dựng cống là cần thiết để ngăn chặn phù sa, nhất là từ sông Gành Hào theo dòng chảy làm bồi lắng kênh mương, ao đầm nuôi tôm của dân. Ngoài ra, khi xây dựng cống sẽ ngăn được nguồn nước ô nhiễm và cấp nước sạch, kiểm soát dịch bệnh cho nuôi tôm được tốt hơn.

Trước thực tế đầu tư xây dựng cống thủy lợi tại hai tiểu vùng 17 và 18, ông Đức nêu quan điểm: “Bài học lãng phí về xây dựng cống thủy lợi vẫn còn hiện hữu trên địa bàn Cà Mau. Cụ thể như cống ở phường 5 Cà Mau (TP Cà Mau), cống Bạch Ngưu (huyện Thới Bình). Trước đây, thời kỳ chưa chuyển dịch sản xuất, nhiều cống thủy lợi xây dựng phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyển dịch sang nuôi tôm thì nhiều cống thủy lợi đã lạc hậu, nhà nước phải tốn thêm tiền để phá dỡ cống. Vì vậy, cần cân nhắc khi xây dựng cống thủy lợi nhằm tránh lãng phí”.

Xây cống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cũng như phòng chống cháy là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc khi đầu tư và có tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng vừa xây dựng chưa được bao lâu thì không còn phù hợp với thực tế, phải đập bỏ.
Ngọc Chánh

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Những bức hình ám ảnh về tình hình cạn kiệt nước sạch trên toàn thế giới

Giữa thời tiết nắng nóng đỉnh điểm của mùa Hè, những bức ảnh về tình hình cạn kiệt nước sạch trên toàn thế giới càng khiến chúng ta thêm suy nghĩ, ám ảnh.
Nhiều nguồn nước ngầm hiện đang ngày một cạn kiệt, trong khi đó, các trận mưa cũng được dự đoán sẽ trở nên hiếm hoi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, vào năm 2050, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt ngưỡng 9 tỷ, đẩy nhu cầu sử dụng nước lên cao. Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng nước của thế giới sẽ tăng 55% vào năm 2050, trong khi đó, nguồn nước dự trữ lại ngày càng eo hẹp.

Theo thống kê của tổ chức Liên Hợp Quốc, nếu các quốc gia trên thế giới không thay đổi cách sử dụng nguồn nước, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nước trong vòng 15 năm tới.

Những hình ảnh sau đây sẽ phần nào cho chúng ta hiểu hơn về tình hình cạn kiệt nước đang ngày một trở nên nghiêm trọng ở các quốc gia trên toàn cầu:
Ngày 14/10/2003: Những đứa trẻ đang tắm trong chậu nước thải ở 1 khu ổ chuột tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters.

 Ngày 1/6/2003: Người dân tập trung lấy nước từ chiếc giếng lớn trong làng Natwarghad, bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Ngày 4/4/2013: Nhiều người dân cố gắng lấy nước dưới giếng cạn ở Bhaktapur, Nepal. Ảnh: Reuters.
Ngày 20/3/2013: Một người dân đi xách nước từ dòng sông ô nhiễm để làm nước uống ở Côn Minh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ngày 7/1/2014: Người dân đội những thùng nước quý giá ở trại Tomping, gần thủ đô Juba của Nam Sudan. Ảnh: Reuters.

Ngày 13/12/2011: Người phụ nữ đang lấy mẫu nước dưới dòng sông đỏ ngầu vì ô nhiễm tại Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Ngày 13/6/2003: Một người đàn ông đang trèo ra từ giếng nước cạn sau khi vật vã lấy nước uống cho người dân ở làng Chuda Chokadi, bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Ngày 26/5/2003: Một cô gái đang lấy nước từ 1 vũng nước tù ở quận Tariq, thành phố Saddam, Iraq. Ảnh: Reuters.
Ngày 27/9/2012: Rác thải lấp đầy 1 con kênh ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh: Reuters.
Ngày 1/7/2012: Một cô gái đang lấy nước giếng khoan giữa dòng nước lũ ở làng Dhuhibala, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Ngày 22/3/2012: Một cô bé đang lấy nước từ  1 chiếc lỗ mới đào gần giếng cạn ở Jamam, Nam Sudan. Ảnh: AFP.
Ngày 12/6/2009: Cậu bé đang uống nước từ vũng nước đục ngầu ở làng Bule Duba, ngoại ô Moyale, thành phố biên giới của Ethiopia và Kenya. Ảnh: Reuters.
 Ngày 16/4/2011: Người dân đội nước về nhà sau khi ghé thăm ngôi làng Meni, bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
 Ngày 9/8/2010: Một người đàn ông bị mắc kẹt cùng vật nuôi giữa dòng nước lũ tại quận Rajanpur, tỉnh Punjab, Pakistan. Ảnh: Reuters.
Ngày 19/3/2015: Một người đàn ông cùng con trai đang bơi thuyền để nhặt những chai lọ nhựa giữa dòng sông ngập rác ở Manila. Ảnh: AFP.
Ngày 22/3/2014: Người phụ nữ đang lấy nước dưới đáy sông Siang, làng Berasapori, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Ngày 11/7/2007: Một người công nhân đang thu dọn số cá chết trên sông Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ngày 13/3/2008: Người dân tập trung chờ lấy nước ở khu ổ chuột Mabella, thủ đô Freetown của Sierra Leone. Ảnh: Reuters.
Ngày 21/3/2010: Một người đàn ông giặt quần áo ở chiếc ao ô nhiễm tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
 Ngày 25/3/2010: Một người dân đi qua hồ cạn nước và nứt nẻ ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
(Nguồn: IBTimes)
Theo Trang Đỗ/Trí thức trẻ

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Đà Nẵng “thở phào” với quyết định của Thủ tướng

Đã Nẵng đã từng tính kiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường vì bản dự thảo vận hành hồ chứa nước Vu Gia - Thu Bồn...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Đây được xem là quyết định cuối cùng và chính thức khép lại cuộc tranh luận giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Bộ Tài nguyên và Môi trường hơn một năm về trước, khi Đà Nẵng cho rằng, dự thảo quy trình vận hành hồ chứa nước nói trên do Bộ xây dựng đã đặt lợi ích các dự án thuỷ điện lên trên lợi ích và tính mạng của gần 2 triệu người dân.

Thậm chí, tại thời điểm đó, đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã từng tuyên bố sẽ kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu bản dự thảo trình Chính phủ không được sửa đổi.

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng đã thiên về mong muốn của Đà Nẵng với việc đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Theo đó, hàng năm, các hồ: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: trong mùa lũ, đảm bảo an toàn công trình; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.
Quyết định của Thủ tướng đã thiên về mong muốn của Đà Nẵng với việc đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
Về đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối, các công trình thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 5, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Sông Bung 4, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 năm.

Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Sông Bung 4A, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm.

Trong mùa cạn, phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Quy trình nêu rõ, mùa lũ từ ngày 1/9 đến ngày 15/12; mùa cạn từ ngày 16/12 đến ngày 31/8 năm sau.

Về nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du, quyết định nêu rõ, không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Khi vận hành giảm lũ cho hạ du, phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Trong thời kỳ mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ đối với hồ A Vương 376 m, hồ Đắk Mi 4: 255 m, hồ Sông Tranh 2: 172m, hồ Sông Bung 4: 217,5 m, trừ trường hợp quy định.

Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ nêu trên, trừ trường hợp quy định.

Tác giả bài viết: BẢO QUYÊN
Nguồn tin: vneconomy.vn

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Bạc Liêu: Về một vùng đất phong lưu

Miền Tây Nam Bộ luôn là một vùng đất kỳ thú, thu hút nhiều du khách. Đối với tôi, Miền Tây là một nỗi niềm ám ảnh, khiến tôi luôn nghĩ đến và muốn đến. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, học ở Sài Gòn, lúc nào rảnh rỗi, có điều kiện là tôi đi xuống Miền Tây. Bây giờ cũng thế! Đến nay, có thể nói bước chân của tôi đã đi qua hầu hết các tỉnh Miền Tây. Tất nhiên làm sao mà đi khắp các làng xã của vùng đất rộng lớn này! Chủ yếu là đi du lịch, đến nhiều nơi và đi thăm những thắng tích nổi tiếng, ngắm nhìn cảnh sắc và làm quen với những con người chân chất, thân thương ở những địa danh quen thuộc.

Hình minh họa
Đi, đến nhiều nơi, nhưng vẫn thiếu. Một lần từ TP Hồ Chí Minh, đi xe đò xuống Cà Mau, xe chạy xuyên qua Bạc Liêu, chỉ nhìn ngắm được cảnh vật hai bên đường. Chưa ghé thăm Bạc Liêu được, thì tạm ghi nhận qua Internet vậy!

Bạc Liêu là vùng đất tận cùng của đất nước mới được khai phá từ đầu thế kỷ 18. Trước đó Bạc Liêu còn là nơi hoang vu, sau được người Hoa gốc Triều Châu đến đây lập thành làng xóm, sống bằng nghề chài lưới. Địa danh Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Triều Châu là Pò Léo, có nghĩa là xóm chài lưới (hạ bạc). Bức tranh Bạc Liêu xưa được mô tả qua câu ca dao:

                Bạc Liêu là xứ quê khờ
                Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
                Nói về Xứ Cạnh Đền (nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).
                Gả con về xứ Cạnh Đền,
                Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.

Nhắc đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến giai thoại về công tử Ba Huy nổi tiếng phong lưu, ăn chơi bạt mạng và lắm vợ, nhiều bồ. Là người hào hoa phong nhã, Ba Huy ăn chơi nức tiếng như chuyện Ba Huy đốt tiền nấu chè thi gan với công tử Phước (Phước Georges, người xứ Mỹ Tho, con trai Đốc phủ sứ Sảng). Công tử Bạc Liêu đã từng quậy tưng bừng tại khu Đại Thế Giới, là khách quen của hầu hết các nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn. Ba Huy đã từng bao cả nhà hàng một đêm để đãi duy nhất một người đẹp. Nhà Công tử Bạc Liêu tại số 13, Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu. Hiện nay căn nhà này được dùng làm khách sạn trong hệ thống Nhà hàng - Khách sạn công tử Bạc Liêu.

Bạc Liêu xưa là đất ăn chơi nổi tiếng. Nhiều đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đến đây tung tiền xây cất dinh thự. Du khách tới TP Bạc Liêu sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy nơi đây có những dãy nhà Tây sang trọng, với vật liệu  trang trí nội thất như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều nhập từ Paris về.

Về Bạc Liêu, lại nhớ đến soạn giả Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” độc đáo.
Cao Văn Lầu (1892 – 1976) quê gốc ở Long An nhưng cha mẹ vì nghèo, bị áp bức nên tìm đến đất Bạc Liêu sinh sống. Vợ chồng ông ăn ở với nhau suốt ba năm không có con, khiến mẹ chồng phật ý, bắt phải ly dị. Sáu Lầu đối diện với nỗi đau xa cách người vợ thương yêu, ngày ngày xách đờn ra  bìa ruộng, nơi vợ chồng biệt ly để đàn những bản nhạc vợ ông ưa thích. Một đêm trung thu năm 1919, ông trằn trọc không ngủ được, tiếng trống sang canh vọng lại càng khiến ông đau lòng. Mình thì chưa ra trận mà vợ đã thành người vọng phu.
Hình minh họa
 Và thế là: Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng...  Dạ cổ hoài lang ra đời. Mượn tiếng trống đêm (dạ cổ) để làm nhịp cầu chở nhớ thương, mong đợi của người thiếu phụ vọng phu (hoài lang).
Hiện nay ở thành phố Bạc Liêu có đường phố Cao Văn Lầu và giải thưởng VHNT của tỉnh Bạc Liêu mang tên Cao Văn Lầu.
Về vùng đất này, ta nghe lại những bài hát hay, nhưng giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi nhớ về một thời khổ đau mở đất năm xưa: Bài ca Đất Phương Nam, Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang…

                Lời ai ca... dưới ánh trăng nay...
                Rừng nước mênh mông, đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai,
                Ngày ấy ra đi con sông buồn tiếc một dòng trôi
                Bạc Liêu ơi... có nhớ chăng người ...
                Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
                Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng.

Cũng từ chất phong lưu, tài tử đã thành truyền thống, đất Bạc Liêu ngày nay có nhiều sinh hoạt văn nghệ khá phong phú, cả về phương diện sáng tác lẫn diễn tấu. Trung Tâm VH TP, CLB Hồ Nam mỗi đêm trong tuần đều diễn ra hoạt động văn nghệ. Đầu tuần thì hát karaoké, cuối tuần thì hát nhạc sống và khiêu vũ, thưởng thức nhạc Trịnh...Các TTVH huyện tổ chức tụ điểm hát với nhau. Nghe đâu phong trào này đang gặp khó khăn, nhưng với chất tài tử của người Bạc Liêu, chắc phong trào sẽ được vực dậy và có bước phát triển mới.

Gần đây tôi có vào blog Gió Phương Nam để đọc thơ của người Bạc Liêu. Thơ Gió Phương Nam có giọng trẻ trung, tha thiết. Mới xuất hiện nhưng cô đã viết khá nhiều về tình người, tình đất với nhiều địa phương khác nhau, nhưng điều đáng quý nơi cô là tấm lòng tha thiết với quê hương. Lứa tuổi của cô lớn lên nơi vùng đất phương nam của thời hiện đại, với vẻ đẹp tân kỳ, đâu còn chất phèn chua mặn của những ngày khai hoang vỡ đất đau thương, nên thơ cô viết về Bạc Liêu tươi trẻ, sinh động với làng quê, phố thị đẹp đẽ, reo vui. Điều đó làm nên chất nhạc, chất thơ mới của Bạc Liêu hôm nay.

Sinh ra và lớn lên ở TP Bạc Liêu, lấy chồng Người Phương Bắc, nhưng Gió Phương Nam vẫn sống và làm việc (ngành Y) trong địa bàn tỉnh Bạc Liêu. “Con sáo sang sông”, nhưng luôn nhớ đất quê, và  “Chim Sáo quay về”:

                Mùa xa gió cũng lim dim nhớ
                mưa đến rồi đi nắng ngủ vùi
                chim sáo quay về thăm bến cũ
                ngập ngừng con nước áo lụa phơi
 
Vì trong lòng luôn “Thương Lắm Bạc Liêu”:

                Bạc Liêu ơi quê mình thương lắm
                Vẫn ngàn đời muối mặn gừng cay
                Những cánh chim phương nào có mỏi
                Hãy về nghe mưa nắng đong đầy!
 
Đọc bài thơ, tự nhiên tôi nhớ đến lời bài hát “Điệu buồn Phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển:

                Chợt thương con sáo bay xa bầy
                Sương khói buồn để lại lòng ai
                Con sáo sang sông
                Sáo đã sổ lồng
                Bay về Bạc Liêu, con sáo bay theo phương người
                Bay về Trà Vinh, con sáo bay qua đời tôi.
 
Nhưng nỗi ngậm ngùi xưa “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, Thương những đời như lục bình trôi..” thì không còn nữa, chỉ có nụ cười vui tươi, pha chút dí dỏm trong tâm tư của “Chim Sáo quay về”:

                Trách hờn chi những con thuyền giấy
                chở câu hò đưa sáo qua sông
                hàng dừa nước cong mình tay vẫy
                sóng nôn nao… sóng đổ nghiêng lòng
 
“Mai Anh Về” là lời mời gọi tha thiết, thắm đượm chất tình, nhưng đó không phải là cái tình dành cho một người, mà là tình yêu lớn, nỗi tự hào về quê hương tươi đẹp của mình:

                Mai anh về Bạc Liêu với em
                Nhặt câu vọng cổ rớt bên thềm
                Để tin có sóng dâng lên mắt
                Gió mát từ môi…mát xuống đêm

                Anh có về mà nghe lúa hát
                Lời phù sa kể chuyện trăm năm
                Biển hào phóng mặn mòi hạt muối
                Đất bao dung ngọt mát hương tràm
Hình minh họa
 Thơ văn viết về vùng đất phương nam thì nhiều lắm. Ngày trước tôi đã từng nôn nao với những trang văn của Đòan Giỏi, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy…, bây giờ thì cứ vào trang web Sông Cửu Long tha hồ mà đọc! Nhưng nói riêng một chút về Gió Phương Nam, nhờ người bản địa cảm hộ cái đẹp, vẻ hấp dẫn của Bạc Liêu hôm nay. Đó cũng là cách “mượn hoa bái Phật”, Gió Phương Nam chắc cũng vui lòng, không trách đâu!


Thôi, tìm hiểu về Bạc Liêu như vậy cũng tạm đủ rồi! Bài viết này chủ yếu ghi chép tư liệu từ Internet, copy nhiều, các bạn thông cảm. Mong sớm có dịp đến vùng đất này này để được nhìn ngắm những thắng tích : Phước Đức cổ miếu, Chùa Xiêm Cán, Tháp Vĩnh Hưng, Vườn chim, Vườn nhãn….Ngày ấy, tôi sẽ đến chợ Bạc Liêu nếm thử Cốn xại (cải muối), Xá bấu (củ cải muối), Bánh Củ cải - những món ăn truyền thống của người Hoa. Đi theo đường Cao Văn Lầu chạy ra mé biển, đến Giồng Nhãn (Hiệp Thành) ăn Bánh Xèo; đến chùa cô Bảy (P.5, TPBL) ăn Lẫu Mắm; đến đường Lý Tự Trọng ăn Bánh Tằm bì. Có điều kiện thì đi Hồng Dân ăn Mắm Cá trắm, đến thị trấn Ngan Dừa ăn Bánh Tằm... Chắc ở những nơi này thế nào cũng có Bún Bò Cay ăn sáng, và trưa chiều ăn cơm với món Cá chốt kho sả kèm với rau đắng, hoặc dưa bồn bồn, dưa năn bộp. Gặp mùa nhãn, thì đến một khu vườn nào đó nằm đu đưa trên võng, ăn thử nhãn da bò mà nghe ca vọng cổ. Còn nào là Mắm Chua Vĩnh Hưng, Đuông Chà là...Làm sao thưởng thức cho hết những món bình dị, dân dã nhưng ngon nổi tiếng của vùng đất này đây! Có thể những món trên, một vài nơi khác cũng có, nhưng món ăn Bạc Liêu có hương vị riêng, hấp dẫn, làm nên đặc sản của xứ Bạc Liêu!
Huy Nguyên

Bài đăng phổ biến