Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Cà Mau: Xây cống thủy lợi rồi… đập bỏ

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhiều cống thủy lợi được đầu tư tiền tỷ mới đưa vào sử dụng đã… lạc hậu,  phải đập bỏ.

Cống “trôi sông”
Những ngày gần đây, nhiều người dân sống gần cống kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) buồn vui lẫn lộn khi hay tin UBND tỉnh Cà Mau cho phép phá dỡ cống để xây dựng cẩu trục. Người dân vui vì UBND tỉnh thấu hiểu được nhu cầu thực tế tại địa phương: Cống kênh 18 đã lạc hậu (do khẩu độ quá nhỏ), không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lâm sản và hàng hóa của người dân.

Ngược lại, việc phá dỡ cống kênh 18 cũng có người phản ứng và cho rằng xây cống tốn tiền tỷ mới sử dụng hơn một năm mà đã đập bỏ, như vậy quá lãng phí, sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả. Trong khi đó, tại xã Khánh Thuận (một trong những xã nghèo nhất của tỉnh) lại “khát” kinh phí để đầu tư xây dựng lộ giao thông nông thôn. Tiền tỷ bỏ ra xây cống rồi đập bỏ “trôi sông” như vậy khiến dân bức xúc.
Cống thủy lợi kênh 18 phải đập bỏ vì không phù hợp thực tế
Tương tự, nhiều người dân tại xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cũng “lên án” cống T29. Theo người dân nơi đây, từ ngày đầu tư xây cống T29 chẳng những không phát huy hiệu quả mà ngược lại gây rất nhiều khó khăn nên đề nghị đập bỏ cống này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai cống trên mỗi cống được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Công trình này nằm trong dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng (giai đoạn 1) do Chi cục Kiểm lâm Cà Mau làm chủ đầu tư. Theo giải thích của Chi cục Kiểm lâm, do nguồn vốn có hạn nên thời gian qua các cống được đầu tư với mục tiêu chủ yếu phục vụ công tác phòng chống cháy. Do vậy, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lâm sản, thiết bị máy móc và phương tiện lớn qua lại.

Do các cống thủy lợi mới đưa vào sử dụng đã lạc hậu so với tình hình thực tế, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo điều chỉnh quy mô, khẩu độ các cống trong giai đoạn 2 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, lâm sản của người dân. Ông Dũng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc “kiểm điểm rút kinh nghiệm” trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương đầu tư các công trình này.

Bài học hiện hữu
Cũng liên quan đến việc xây dựng cống thủy lợi, tại hai tiểu vùng 17 và 18 (huyện Đầm Dơi) các cống thủy lợi quy mô được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang xây dựng tại đây cũng gây nhiều tranh cãi.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau (đơn vị phản biện Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Cà Mau đến năm 2020), cho biết: “Khi các cống thủy lợi được xây dựng và bị người dân trong vùng dự án phản ứng, cho rằng rất lãng phí ngân sách lại không hiệu quả. Nguyên nhân vì vùng này có ưu thế sử dụng điều kiện tự nhiên, biên độ triều rộng, đủ khả năng cấp thoát nước. Nếu điều tiết nước bằng cống sẽ hạn chế nước dẫn vào ao nuôi tôm. Đáng nói hơn còn dẫn đến tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, gây cản trở giao thông thủy, khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân”.
Trong khi đó đại diện chủ đầu tư (Sở NN-PTNT) cho rằng, việc xây dựng cống là cần thiết để ngăn chặn phù sa, nhất là từ sông Gành Hào theo dòng chảy làm bồi lắng kênh mương, ao đầm nuôi tôm của dân. Ngoài ra, khi xây dựng cống sẽ ngăn được nguồn nước ô nhiễm và cấp nước sạch, kiểm soát dịch bệnh cho nuôi tôm được tốt hơn.

Trước thực tế đầu tư xây dựng cống thủy lợi tại hai tiểu vùng 17 và 18, ông Đức nêu quan điểm: “Bài học lãng phí về xây dựng cống thủy lợi vẫn còn hiện hữu trên địa bàn Cà Mau. Cụ thể như cống ở phường 5 Cà Mau (TP Cà Mau), cống Bạch Ngưu (huyện Thới Bình). Trước đây, thời kỳ chưa chuyển dịch sản xuất, nhiều cống thủy lợi xây dựng phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyển dịch sang nuôi tôm thì nhiều cống thủy lợi đã lạc hậu, nhà nước phải tốn thêm tiền để phá dỡ cống. Vì vậy, cần cân nhắc khi xây dựng cống thủy lợi nhằm tránh lãng phí”.

Xây cống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cũng như phòng chống cháy là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc khi đầu tư và có tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng vừa xây dựng chưa được bao lâu thì không còn phù hợp với thực tế, phải đập bỏ.
Ngọc Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến