Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Bạc Liêu: Về một vùng đất phong lưu

Miền Tây Nam Bộ luôn là một vùng đất kỳ thú, thu hút nhiều du khách. Đối với tôi, Miền Tây là một nỗi niềm ám ảnh, khiến tôi luôn nghĩ đến và muốn đến. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, học ở Sài Gòn, lúc nào rảnh rỗi, có điều kiện là tôi đi xuống Miền Tây. Bây giờ cũng thế! Đến nay, có thể nói bước chân của tôi đã đi qua hầu hết các tỉnh Miền Tây. Tất nhiên làm sao mà đi khắp các làng xã của vùng đất rộng lớn này! Chủ yếu là đi du lịch, đến nhiều nơi và đi thăm những thắng tích nổi tiếng, ngắm nhìn cảnh sắc và làm quen với những con người chân chất, thân thương ở những địa danh quen thuộc.

Hình minh họa
Đi, đến nhiều nơi, nhưng vẫn thiếu. Một lần từ TP Hồ Chí Minh, đi xe đò xuống Cà Mau, xe chạy xuyên qua Bạc Liêu, chỉ nhìn ngắm được cảnh vật hai bên đường. Chưa ghé thăm Bạc Liêu được, thì tạm ghi nhận qua Internet vậy!

Bạc Liêu là vùng đất tận cùng của đất nước mới được khai phá từ đầu thế kỷ 18. Trước đó Bạc Liêu còn là nơi hoang vu, sau được người Hoa gốc Triều Châu đến đây lập thành làng xóm, sống bằng nghề chài lưới. Địa danh Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Triều Châu là Pò Léo, có nghĩa là xóm chài lưới (hạ bạc). Bức tranh Bạc Liêu xưa được mô tả qua câu ca dao:

                Bạc Liêu là xứ quê khờ
                Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
                Nói về Xứ Cạnh Đền (nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).
                Gả con về xứ Cạnh Đền,
                Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.

Nhắc đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến giai thoại về công tử Ba Huy nổi tiếng phong lưu, ăn chơi bạt mạng và lắm vợ, nhiều bồ. Là người hào hoa phong nhã, Ba Huy ăn chơi nức tiếng như chuyện Ba Huy đốt tiền nấu chè thi gan với công tử Phước (Phước Georges, người xứ Mỹ Tho, con trai Đốc phủ sứ Sảng). Công tử Bạc Liêu đã từng quậy tưng bừng tại khu Đại Thế Giới, là khách quen của hầu hết các nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn. Ba Huy đã từng bao cả nhà hàng một đêm để đãi duy nhất một người đẹp. Nhà Công tử Bạc Liêu tại số 13, Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu. Hiện nay căn nhà này được dùng làm khách sạn trong hệ thống Nhà hàng - Khách sạn công tử Bạc Liêu.

Bạc Liêu xưa là đất ăn chơi nổi tiếng. Nhiều đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đến đây tung tiền xây cất dinh thự. Du khách tới TP Bạc Liêu sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy nơi đây có những dãy nhà Tây sang trọng, với vật liệu  trang trí nội thất như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều nhập từ Paris về.

Về Bạc Liêu, lại nhớ đến soạn giả Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” độc đáo.
Cao Văn Lầu (1892 – 1976) quê gốc ở Long An nhưng cha mẹ vì nghèo, bị áp bức nên tìm đến đất Bạc Liêu sinh sống. Vợ chồng ông ăn ở với nhau suốt ba năm không có con, khiến mẹ chồng phật ý, bắt phải ly dị. Sáu Lầu đối diện với nỗi đau xa cách người vợ thương yêu, ngày ngày xách đờn ra  bìa ruộng, nơi vợ chồng biệt ly để đàn những bản nhạc vợ ông ưa thích. Một đêm trung thu năm 1919, ông trằn trọc không ngủ được, tiếng trống sang canh vọng lại càng khiến ông đau lòng. Mình thì chưa ra trận mà vợ đã thành người vọng phu.
Hình minh họa
 Và thế là: Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng...  Dạ cổ hoài lang ra đời. Mượn tiếng trống đêm (dạ cổ) để làm nhịp cầu chở nhớ thương, mong đợi của người thiếu phụ vọng phu (hoài lang).
Hiện nay ở thành phố Bạc Liêu có đường phố Cao Văn Lầu và giải thưởng VHNT của tỉnh Bạc Liêu mang tên Cao Văn Lầu.
Về vùng đất này, ta nghe lại những bài hát hay, nhưng giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi nhớ về một thời khổ đau mở đất năm xưa: Bài ca Đất Phương Nam, Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang…

                Lời ai ca... dưới ánh trăng nay...
                Rừng nước mênh mông, đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai,
                Ngày ấy ra đi con sông buồn tiếc một dòng trôi
                Bạc Liêu ơi... có nhớ chăng người ...
                Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
                Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng.

Cũng từ chất phong lưu, tài tử đã thành truyền thống, đất Bạc Liêu ngày nay có nhiều sinh hoạt văn nghệ khá phong phú, cả về phương diện sáng tác lẫn diễn tấu. Trung Tâm VH TP, CLB Hồ Nam mỗi đêm trong tuần đều diễn ra hoạt động văn nghệ. Đầu tuần thì hát karaoké, cuối tuần thì hát nhạc sống và khiêu vũ, thưởng thức nhạc Trịnh...Các TTVH huyện tổ chức tụ điểm hát với nhau. Nghe đâu phong trào này đang gặp khó khăn, nhưng với chất tài tử của người Bạc Liêu, chắc phong trào sẽ được vực dậy và có bước phát triển mới.

Gần đây tôi có vào blog Gió Phương Nam để đọc thơ của người Bạc Liêu. Thơ Gió Phương Nam có giọng trẻ trung, tha thiết. Mới xuất hiện nhưng cô đã viết khá nhiều về tình người, tình đất với nhiều địa phương khác nhau, nhưng điều đáng quý nơi cô là tấm lòng tha thiết với quê hương. Lứa tuổi của cô lớn lên nơi vùng đất phương nam của thời hiện đại, với vẻ đẹp tân kỳ, đâu còn chất phèn chua mặn của những ngày khai hoang vỡ đất đau thương, nên thơ cô viết về Bạc Liêu tươi trẻ, sinh động với làng quê, phố thị đẹp đẽ, reo vui. Điều đó làm nên chất nhạc, chất thơ mới của Bạc Liêu hôm nay.

Sinh ra và lớn lên ở TP Bạc Liêu, lấy chồng Người Phương Bắc, nhưng Gió Phương Nam vẫn sống và làm việc (ngành Y) trong địa bàn tỉnh Bạc Liêu. “Con sáo sang sông”, nhưng luôn nhớ đất quê, và  “Chim Sáo quay về”:

                Mùa xa gió cũng lim dim nhớ
                mưa đến rồi đi nắng ngủ vùi
                chim sáo quay về thăm bến cũ
                ngập ngừng con nước áo lụa phơi
 
Vì trong lòng luôn “Thương Lắm Bạc Liêu”:

                Bạc Liêu ơi quê mình thương lắm
                Vẫn ngàn đời muối mặn gừng cay
                Những cánh chim phương nào có mỏi
                Hãy về nghe mưa nắng đong đầy!
 
Đọc bài thơ, tự nhiên tôi nhớ đến lời bài hát “Điệu buồn Phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển:

                Chợt thương con sáo bay xa bầy
                Sương khói buồn để lại lòng ai
                Con sáo sang sông
                Sáo đã sổ lồng
                Bay về Bạc Liêu, con sáo bay theo phương người
                Bay về Trà Vinh, con sáo bay qua đời tôi.
 
Nhưng nỗi ngậm ngùi xưa “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, Thương những đời như lục bình trôi..” thì không còn nữa, chỉ có nụ cười vui tươi, pha chút dí dỏm trong tâm tư của “Chim Sáo quay về”:

                Trách hờn chi những con thuyền giấy
                chở câu hò đưa sáo qua sông
                hàng dừa nước cong mình tay vẫy
                sóng nôn nao… sóng đổ nghiêng lòng
 
“Mai Anh Về” là lời mời gọi tha thiết, thắm đượm chất tình, nhưng đó không phải là cái tình dành cho một người, mà là tình yêu lớn, nỗi tự hào về quê hương tươi đẹp của mình:

                Mai anh về Bạc Liêu với em
                Nhặt câu vọng cổ rớt bên thềm
                Để tin có sóng dâng lên mắt
                Gió mát từ môi…mát xuống đêm

                Anh có về mà nghe lúa hát
                Lời phù sa kể chuyện trăm năm
                Biển hào phóng mặn mòi hạt muối
                Đất bao dung ngọt mát hương tràm
Hình minh họa
 Thơ văn viết về vùng đất phương nam thì nhiều lắm. Ngày trước tôi đã từng nôn nao với những trang văn của Đòan Giỏi, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy…, bây giờ thì cứ vào trang web Sông Cửu Long tha hồ mà đọc! Nhưng nói riêng một chút về Gió Phương Nam, nhờ người bản địa cảm hộ cái đẹp, vẻ hấp dẫn của Bạc Liêu hôm nay. Đó cũng là cách “mượn hoa bái Phật”, Gió Phương Nam chắc cũng vui lòng, không trách đâu!


Thôi, tìm hiểu về Bạc Liêu như vậy cũng tạm đủ rồi! Bài viết này chủ yếu ghi chép tư liệu từ Internet, copy nhiều, các bạn thông cảm. Mong sớm có dịp đến vùng đất này này để được nhìn ngắm những thắng tích : Phước Đức cổ miếu, Chùa Xiêm Cán, Tháp Vĩnh Hưng, Vườn chim, Vườn nhãn….Ngày ấy, tôi sẽ đến chợ Bạc Liêu nếm thử Cốn xại (cải muối), Xá bấu (củ cải muối), Bánh Củ cải - những món ăn truyền thống của người Hoa. Đi theo đường Cao Văn Lầu chạy ra mé biển, đến Giồng Nhãn (Hiệp Thành) ăn Bánh Xèo; đến chùa cô Bảy (P.5, TPBL) ăn Lẫu Mắm; đến đường Lý Tự Trọng ăn Bánh Tằm bì. Có điều kiện thì đi Hồng Dân ăn Mắm Cá trắm, đến thị trấn Ngan Dừa ăn Bánh Tằm... Chắc ở những nơi này thế nào cũng có Bún Bò Cay ăn sáng, và trưa chiều ăn cơm với món Cá chốt kho sả kèm với rau đắng, hoặc dưa bồn bồn, dưa năn bộp. Gặp mùa nhãn, thì đến một khu vườn nào đó nằm đu đưa trên võng, ăn thử nhãn da bò mà nghe ca vọng cổ. Còn nào là Mắm Chua Vĩnh Hưng, Đuông Chà là...Làm sao thưởng thức cho hết những món bình dị, dân dã nhưng ngon nổi tiếng của vùng đất này đây! Có thể những món trên, một vài nơi khác cũng có, nhưng món ăn Bạc Liêu có hương vị riêng, hấp dẫn, làm nên đặc sản của xứ Bạc Liêu!
Huy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến