Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Trên công trường rộng tiếng ca


Trên công trường rộng tiếng ca
Sáng tác: Ngô Quốc Tính
Thể hiện: Anh Thơ – Trọng Tấn
ST: Đoàn Ngọc Tứ

Đôi bồ câu đang bay về nương.
Anh và em đi ra nơi công trường.
Gió lộng trời xanh chim hót hoa đưa hương,
Với cả tình ta nâng bước ta lên đường.
Như ngày qua em ở hậu phương,
Như ngày qua anh nơi chiến trường
Đã hẹn cùng nhau thề giữ lấy quê hương
Cho ngày hôm nay vai sánh vai trên công trường
Ơ ớ nào! Ta xây những nhà máy
Ta xây những công trường
Trời xanh vươn ống khói
Xuân sang khắp nơi nơi
Xua tan những nghèo đói
Xua tan những lầm than
Mẹ cha vẫn ước mơ ngàn đời vẫn ước mơ
Ơ… dù nắng mưa vẫn bền chí, gió sương vẫn vững lòng.
Tình yêu đang rẽ sóng đi tô thắm non sông
Nhớ ghi mãi lời Bác, trái tim mãi hồng tươi,
Đẹp thay những lứa đôi, vì quê hương mến yêu
Nào đi ta đi lên
Dựng xây quê hương ta
Bừng sáng…đẹp trong muôn câu ca./.

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại Shangri-La

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12
Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thưa Ngài Thủ tướng Lý Hiển Long,
Thưa Tiến sĩ John Chipman,
Thưa quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn ngài Lý Hiển Long, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore, Tiến sĩ John Chipman và Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La 12 đã mời tôi dự và phát biểu khai mạc diễn đàn quan trọng này. Sau 12 năm kể từ khi ra đời, Đối thoại Shangri-La thực sự đã trở thành một trong những diễn đàn đối thoại về hợp tác an ninh thực chất và hữu ích nhất ở khu vực. Tôi tin rằng sự có mặt của đông đảo các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo quân đội, các học giả có uy tín và toàn thể quý vị tại đây thể hiện sự quan tâm, nỗ lực cùng nhau gìn giữ hòa bình và an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong một thế giới đầy biến động.

Thưa quý vị và các bạn,
Ngôn ngữ và cách thể hiện dù có khác nhau, nhưng chắc chúng ta đều đồng ý với nhau: nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ "mất lòng tin là mất tất cả". Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.

Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương. Đó cũng là chủ đề mà tôi muốn chia sẻ với quý vị và các bạn tại diễn đàn hôm nay.

Trước hết, Việt Nam chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn, thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực mà chúng ta cần phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo. Điều này là cơ hội hết sức lạc quan cho tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh toàn cảnh khu vực trong những năm qua, chúng ta cũng không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh.
Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.

Tôi muốn lưu ý thêm rằng lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên ba phần tư khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và hai phần ba số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Trong khi đó, các nguy cơ xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, ly khai, bạo loạn, khủng bố, an ninh mạng… vẫn hiện hữu. Những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; dịch bệnh; nguồn nước và lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn, hạ nguồn của các con sông chung… ngày càng trở nên gay gắt.

Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành.

Thứ hai, để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

Trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp được khi là nạn nhân của tham vọng cường quyền, của xung đột, chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.

Mỗi quốc gia luôn phải là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau. Các nước lớn có vai trò và có thể đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm lớn hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Mặt khác, tiếng nói đúng đắn cũng như sáng kiến hữu ích không phụ thuộc là của nước lớn hay nước nhỏ. Nguyên tắc hợp tác, đối thoại bình đẳng, cởi mở trong ASEAN, các diễn đàn do ASEAN khởi xướng và ngay Đối thoại Shangri-La của chúng ta cũng được hình thành và duy trì trên cơ sở tư duy đó.

Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của ngài Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia, tại diễn đàn này năm ngoái là các nước vừa và nhỏ có thể gắn kết cùng các nước lớn vào một cấu trúc bền vững ở khu vực. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Ngài Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu tại Bắc Kinh tháng 9/2012 cho rằng sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho lợi ích chung của khu vực. Chúng ta đều hiểu rằng châu Á - Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Tương lai của châu Á - Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục được tạo dựng bởi vai trò và sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới, nhất là các nước lớn và chắc chắn trong đó không thể thiếu vai trò của ASEAN.
Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia này.

Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Mỹ - một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Mỹ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm là, các cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM )… cũng như Đối thoại Shangri-La đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra. Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ - lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó. Điều quan trọng trước hết là phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau trước các thử thách, các tác động và trong tăng cường hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, các tầng nấc, cả song phương và đa phương. Một khi có đủ lòng tin chiến lược, hiệu quả thực thi của các cơ chế hiện có sẽ được nâng lên và chúng ta có thể đẩy nhanh, mở rộng hợp tác, đi đến giải pháp về mọi vấn đề, cho dù là nhạy cảm và khó khăn nhất.

Thứ ba, nói đến hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta không thể không nói đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.

Khó có thể hình dung được một Đông Nam Á chia rẽ, xung đột trong Chiến tranh Lạnh lại có thể trở thành một cộng đồng các quốc gia thống nhất trong đa dạng và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang định hình ở khu vực như ASEAN ngày nay. Sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN năm 1995 đánh dấu thời kỳ phát triển mới của ASEAN, tiến tới hình thành một ngôi nhà chungcủa tất cả các quốc gia Đông Nam Á đúng với tên gọi của mình. Thành công của ASEAN là thành quả của cả quá trình kiên trì xây dựng lòng tin và văn hóa đối thoại, hợp tác cũng như ý thức trách nhiệm chia sẻ vận mệnh chung giữa các nước Đông Nam Á.

ASEAN tự hào là một hình mẫu của nguyên tắc đồng thuận và lòng tin vào nhau trong các quyết định của mình. Đó là nền tảng tạo sự bình đẳng giữa các thành viên cho dù là một Indonesia với dân số gần một phần tư tỷ người và một Brunei với dân số chưa đến nửa triệu người. Đó cũng là cơ sở để các nước ngoài khu vực gửi gắm lòng tin vào ASEAN với tư cách là “người trung gian thực tâm”trong vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác khu vực.

Với tư duy cùng chia sẻ lợi ích, không phải “kẻ được – người mất”, việc mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) mời Nga và Mỹ tham gia, tiến trình ADMM đã được hiện thực hóa tại Việt Nam năm 2010 và thành công của EAS, ARF, ADMM những năm tiếp theo đã củng cố hơn nữa nền tảng cho một cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm, đem lại niềm tin vào tiến trình hợp tác an ninh đa phương của khu vực này.

Tôi cũng muốn đề cập trường hợp của Myanmar như một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực chúng ta.

Đã có những bài học sâu sắc về giá trị nền tảng của nguyên tắc đồng thuận, thống nhất của ASEAN trong việc duy trì quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với các nước đối tác và phát huy vai trò chủ động của ASEAN trong những vấn đề chiến lược của khu vực. ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Trách nhiệm của chúng ta là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các vấn đề, trong tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực.

Việt Nam cùng các nước ASEAN luôn mong muốn các nước - đặc biệt là các nước lớn, ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.
Trở lại vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnompenh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại.

Đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống và các thách thức khác – trong đó có an ninh nguồn nước trên các dòng sông chung, bằng việc xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung, tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ đạt được những thành công, đóng góp thiết thực vào hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực.

Thưa quý vị và các bạn,
Trong suốt lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Chúng tôi mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Nhân diễn đàn quan trọng này, tôi trân trọng thông báo, Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.
Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, Biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Thưa quý vị và các bạn,
Hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc. Trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Shangri-La, tôi kêu gọi tất cả chúng ta bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.
Xin cảm ơn quý vị và các bạn.

Theo Chinhphu.vn

Những pha hài hước để đời của bé

Tò mò quá, sao không giống của mình nhỉ?
Cả nhà thương nhau.
Như thế này mới giống trong phim.
"Thà rằng em nói tiếng chia ly".
Đừng tưởng bở.
Đúng là con cháu của mình.
Đây là lần đầu tiên con chơi nghệ thuật với đời
ST

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Công nghệ dầm Deltabeam

Hiện nay tại Việt Nam, công nghệ xây dựng gắn liền với các công tác tại chỗ như gia công cốt thép, lắp dựng ván khuôn, cột chống… Những công tác đó phần nào làm tăng thời gian thi công, đòi hỏi số lượng nhân công tại công trường lớn, mặt bằng kho bãi gia công rộng rãi, và gây ô nhiễm môi trường…Song đã có một công nghệ xây dựng khắc phục hoàn toàn yếu tố bất lợi trên cũng như mang lại hiệu quả tối ưu cho chủ đầu tư về tiến độ và chi phí. Đó là công nghệ dầm Deltabeam.

Công nghệ dầm Deltabeam
Dầm Deltabeam là một công nghệ mới trong xây dựng tại VN được phát triển, áp dụng hiệu quả và rộng rãi tại 25 nước trên thế giới trong vài năm gần đây như Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Phần Lan…Do được thiết kế đặc biệt nên dầm Deltabeam có kết cấu nhẹ hơn và khả năng chịu lực tốt hơn so với các loại dầm truyền thống, Deltabeam có tiết diện hình thang và có 2 cánh hai bên cho phép đỡ tất các loại sàn như: sàn đổ tại chỗ, sàn đúc sẵn, sản rỗng, sàn dự ứng lực, sàn tôn...
Công nghệ dầm Deltabeam
Ngoài ra, dầm Deltabeam kết hợp với bê tông thành một khối đồng nhất nằm chìm trong sàn, nên giảm được tối đa chiều cao của dầm đến 50%. Với tính năng này Deltabeam làm tối ưu hóa không gian đứng có thể tăng số tầng khai thác trên cùng một chiều cao quy định, tạo bề mặt trần phẳng tăng thẩm mỹ, giảm chi phí trần giả, nguyên vật liệu, tải trọng, giúp việc lắp đặt các hệ thống kỹ thuật dễ dàng hơn.
Công nghệ dầm Deltabeam
Theo anh Lâm Minh Đức, giám đốc công ty TNHH Xây dựng Lâm Phạm - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và quản lý dự án các công trình xây dựng tại Châu âu cho biết, dầm Deltabeam có nhiều tính năng ưu việt về kiến trúc, kết cấu, kinh tế và thời gian thi công, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế giá cả vật liệu tăng cao thì Deltabeam là một giải pháp hữu hiệu nhất.
Công nghệ dầm Deltabeam
Công nghệ dầm Deltabeam
Anh Đức cho biết thêm, tuy dần Deltabeam là sản phẩm nhập khẩu từ Châu Âu, nhưng nếu thi công tổng thể dự án thì chí phí sẽ thấp hơn so với dầm truyền thống thông thường, và trong thời gian tới công ty sẽ kết hợp với đối tác để sản xuất loại dần này tại Việt Nam góp phần đưa công nghệ mới áp dựng vào các công trình, nhằm thúc đẩy kinh tế xây dựng trong nước ngày một phát triển.

(Nguồn: Baoxaydung)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Mở rộng mối quan hệ để tìm việc làm

Sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp hằng năm có đến cả trăm nghìn người. Họ tung ra mọi nẻo đường đi tìm việc làm, hiện trạng đó quả thật là vấn đề nan giải, nhất là đối với những tân khoa không thuộc các ngành “hot”.
Khi bước chân vào cổng trường đại học ai cũng có ước mơ, hoài bão của riêng mình. Nhưng ra trường chúng ta mới biết “Đời không như là mơ”. Thực tế như vậy thì phải làm sao? Chẳng nhẽ ta chấp nhận nó và hủy hoại niềm tin của chính mình, của cả người thân, bạn bè, chấp nhận sự uổng phí của 4-5 năm học đại học hay sao? Ở thời điểm hiện nay tôi thấy rằng nếu không là “con cha cháu ông” thì phải có nhiều tiền làm phao cứu sinh cho tấm bằng đại học thì mới có hy vọng xin vào làm việc tại các cơ quan thuộc nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Vốn học ngành lịch sử, khi ra trường tôi bắt đầu tìm con đường lập nghiệp trong hoàn cảnh không có người thân thích làm to cũng không có nhiều tiền lót tay để có thể kiếm được một việc tốt đúng chuyên ngành mình học. Vậy thì phải làm sao?

Nghĩ tới người thân và bạn bè đã từng tự hào khi mình đỗ vào đại học, tôi không cho phép bản thân thất vọng hay nản chí về thực tế đó. Tôi tự nghĩ: bốn năm học đại học chưa đem lại cho mình một công việc để giúp ích cho xã hội cũng như tạo cho bản thân có cuộc sống ổn định thì ít nhất cũng đào tạo cho ta phương pháp luận để suy nghĩ và hành động cũng như thấm nhuần đạo lý và cốt cách của một người có học thức. Với vốn liếng đó mà mình không tìm ra được cách thích ứng với hoàn cảnh xã hội mình đang sống thì thật là uổng công cha mẹ đã nuôi tôi ăn học suốt bốn năm.
(ảnh minh họa)
Với suy nghĩ đó tôi đã gõ cửa rất nhiều nơi, làm qua rất nhiều việc. Từ đó phát triển nhiều mối quan hệ mới để kiếm việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.

Sau 1 năm lăn lộn, tôi cũng tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành mặc dù lương thấp hơn so với lúc tôi làm ở ngoài. Suốt thời gian làm việc đó, tôi biết rất nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành của nhiều người ở các công ty, doanh nghiệp nhỏ.

Làm sao để không rơi vào thực tế học xong cầm tấm bằng đại học mà không có việc làm khi mà số lượng tân khoa tốt nghiệp hàng năm là không hề nhỏ? Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có thể rút ra một số điều mong giúp ích cho các bạn sinh viên.

Thứ nhất, các bạn không nên đặt cho mình ước mơ quá cao khi bước vào giảng đường đại học bởi ước mơ càng cao thì thất vọng càng lớn, hãy thiết thực hơn đối với cuộc sống.

Thứ hai, chúng ta phải biết tự lực khi đang là sinh viên. Bằng cách đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập vừa tự lo phần nào cho cuộc sống bản thân vừa hiểu thêm cuộc sống của những người quanh ta. Qua đó phát triển các mối quan hệ công việc khi ra trường bởi xã hội mỗi người làm mỗi lĩnh vực, họ có nhiều mối quan hệ trong các lĩnh vực công việc khác nhau. Không nên nghĩ rằng mình học chuyên ngành này thì không có việc làm thêm phù hợp. Bản thân tôi học ngành khoa học cơ bản là ngành Lịch sử mà còn kiếm được việc làm thêm thì tôi nghĩ dù học chuyên ngành nào cũng có thể tìm được việc làm thêm để chủ động làm quen với cuộc sống và thiết lập các mối quan hệ, chứ không bị động trông chờ vào vận may khi ra trường.

Thứ ba, các tân cử nhân hãy chịu khó tìm việc làm ngay khi ra trường, việc gì cũng làm nếu gần với chuyên ngành của mình thì càng tốt. Không nên ở nhà chờ việc mà sinh ra tâm lý chán nản, bi quan.

Việc học trong trường cũng như ngoài xã hội là rất cần cho bản thân để nâng cao hiểu biết nói chung về xã hội cũng như hiểu sâu hơn về một chuyên ngành nào đó. Chúng ta đừng tạo dựng cho mình tâm lý học ngành này thì khi ra trường mình sẽ có một công việc xứng đáng với tấm bằng bởi suy nghĩ đó là chủ quan.

Phải lăn lộn vào cuộc sống mới tìm được những mối quan hệ tốt để chủ động tạo cơ hội công việc đến nhanh hơn với mình. Để thiết lập được những mối quan hệ tốt đẹp cũng là một quá trình phấn đấu và thật sự có thiện tâm với cuộc sống. Ông cha ta thường nói: “Ở hiền gặp lành”. Đấy cũng là lời khuyên chí lí xuất phát từ việc đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi chiêm nghiệm điều đó là đúng, các bạn cứ hành động theo thiện tâm của mình, thành công sẽ đến với bạn.
                                          Đắc Hoài
                             toasoan@baodaidoanket.com.vn
LTS Dân trí - Bài viết trên đây là lời khuyên chân thành của một sinh viên tốt nghiệp ngành sử, một ngành học khó tìm được công việc thích hợp trong cơ chế thị trường với nhiều ngành kinh doanh khá sôi động nhưng hình như không có “chỗ đứng” cho người học ngành sử. Nhưng với niềm tin vào chính mình, xông xáo đến gõ cửa nhiều nơi, sẵn sàng làm bất cứ việc gì còn thiếu người. Vừa làm vừa học hỏi thêm và mở rộng các mối quan hệ. Nhờ vậy cuối cùng đã tìm được việc làm ổn định và có thể vận dụng được những kiến thức của chuyên ngành đã học. Hơn nữa, không nhất thiết học chuyên ngành nào thì phải làm việc đúng chuyên ngành đó. Thực tế cho thấy, nhiều người làm không đúng chuyên ngành được đào tạo nhưng đã trưởng thành qua quá trình tự đào tạo trên cơ sở có trình độ văn hóa đại học.

Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, nhiều nhà báo có tên tuổi thuộc các thế hệ trước đây không hề học các trường báo chí mà chủ yếu trưởng thành từ quá trình vừa làm vừa học; biết tự học có phương pháp và không ngừng rút kinh nghiệm qua cả những thành công và thất bại. Đấy là kinh nghiệm thiết thực cho đến hôm nay vẫn còn có thể vận dụng.


Nguồn : Dân Trí

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Những hòn đảo nhân tạo nổi tiếng trên thế giới

Ashui.com- Trước thực trạng dân số thế giới ngày càng đông và mật độ dân cư tại các đô thị tăng nhanh, việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ven biển có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu đất trong tương lai.

Ông McKinley Conway, một thành viên của Tổ chức Xã hội Thế giới Tương lai (World Future Society- WFS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết các hòn đảo nhân tạo tương lai sẽ gồm những nhà máy lớn chế biến nước biển thành nước ngọt, các trạm phát điện, sân bay, cảng biển và các vùng đô thị phát triển mới.
Sân bay quốc tế Kansai
Đặc biệt, các hòn đảo này còn có thể trở thành những "quốc gia siêu nhỏ", thế giới sòng bạc, những nơi có kiểu sống khác lạ, một số hòn đảo sẽ có cuộc sống xa hoa, tươi đẹp, thu hút đông dân cư trên thế giới đến sinh sống.
Dự kiến các dự án đảo nhân tạo sẽ được thực hiện trên diện rộng trong những năm tới, sau khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất cho ra đời khu đảo nhân tạo hình cây cọ ngoài khơi vịnh Dubai và Nhật Bản xây dựng sân bay quốc tế Kansai trên một hòn đảo nhân tạo ở vịnh Osaka.
"The Palm" - Đôi cọ vàng Dubai
The Palm là tên gọi chung của 2 hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới: The Palm Jumeirah và The Palm Jebel Ali.
The Palm được xây dựng từ năm 2001, tại bờ biển thành phố Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Mang hình dáng của 2 cây cọ, The Palm góp phần khẳng định vị trí của Dubai là điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới. Dự kiến The Palm hoàn thành năm 2010, với khoảng 60 khách sạn sang trọng, 4.000 vila cao cấp, hơn 5.000 căn hộ và nhiều nhà hàng, khu mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí khác.

The Palm cũng được vinh dự mệnh danh là "Kỳ quan thứ 8 của thế giới".

"Hulhumale" - Điểm tựa của người Maldives
Tình trạng trái đất nóng dần lên đang là mối đe dọa thực sự cho Cộng hòa Maldives, thiên đường nhiệt đới tại vùng biển Ấn Độ Dương. Đây chính là lý do giúp đảo nhân tạo Hulhumale ra đời.

Nằm không xa thủ đô Male, Hulhumale là một dự án khổng lồ được khởi công từ năm 1997 với chi phí dự tính hàng trăm triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Chính quyền Maldives hy vọng hòn đảo nhân tạo trên sẽ chào đón khoảng 45.000 dân đến sinh sống trong 15 năm tới đây.

“Pearl-Qatar” – Viên ngọc của vùng Vịnh
Cách bờ biển Doha, Qatar khoảng 350m thuộc vịnh West Bay Lagoon, đảo nhân tạo Pearl-Qatar là dự án đầu tư bất động sản quốc tế đầu tiên của Qatar.
Pearl-Qatar trải rộng trên diện tích 400ha với tổng trị giá 2,5tỷ USD.
Dự kiến đảo nhân tạo Pearl-Qatar hoàn thành vào cuối năm 2010, sẽ tiếp đón khoảng 30.000 dân cư thượng lưu đến sinh sống./.
Phương Nga

Lốc xoáy/ vòi rồng là gì?

Trận lốc xoáy ở Oklahoma đầu tuần này đã thu hút sự chú ý của cả thế giới bởi sức tàn phá của nó. Vậy lốc xoáy là gì? Lốc xoáy được hình thành như thế nào?
Lốc xoáy (vòi rồng) là gì?
Theo từ điển khí tượng học, lốc xoáy là "một cột khí xoáy dữ dội, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động lủng lẳng từ một đám mây, trông giống như cái vòi".

Nghĩa là, để cho một cơn lốc được phân loại là một cơn lốc xoáy, nó phải được tiếp xúc với mặt đất và đám mây.
Lốc xoáy/ vòi rồng
Lốc xoáy hình thành như thế nào?
Câu trả lời kinh điển, cũng là đơn giản nhất – "Khí nóng ẩm từ vịnh thổi vào gặp không khí lạnh và khô từ núi". Nhiều cơn bão được hình thành từ những điều kiện tương tự nhưng không bao giờ, thậm chí là gần tạo ra được lốc xoáy. Thực tế này vẫn chưa được giải thích đầy đủ. Đó cũng là lý do tại sao ở Việt Nam không xảy ra hiện tượng lốc xoáy như ở bang Oklahoma mới đây.

Còn theo Wikipedia, lốc xoáy phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy, song cũng may là nó rất hiếm. Cũng có khi nó sinh ra từ một dải gió giật mạnh (được gọi những đường tố) hay từ một cơn bão. Người ta cho rằng khi không khí ở lớp bên trên lạnh đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới, không khí nóng sẽ bị cưỡng bức chuyển động lên rất mạnh. Nhưng khi lốc xoáy xảy ra trên mặt nước thì thường lại không thấy đối lưu và cũng không thấy sự khác biệt nhiệt độ giữa các lớp. Vì vậy nguyên nhân lốc xoáy con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu được hết.

Tuy vậy, phần lớn lốc xoáy được hình thành từ một dạng mây dông đặc biệt là mây dông tích điện. Một đám mây có thể kéo dài trong vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính từ 10 đến 16 km, di chuyển hàng trăm dặm và sinh ra vô số ống hút khổng lồ. Nguồn gốc của chúng là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống.
Lốc xoáy/ vòi rồng
Đầu tiên là quá trình tương tác giữa cơn dông có chiều lên trên và gió. Sự tương tác này sẽ làm cho tầng khí nóng ở dưới di chuyển lên trên và xoay tròn trong không trung.

Tiếp đó là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng đi xuống mặt đất ở phía bên kia của cơn bão. Vận tốc của dòng khí đi xuống có thể lớn hơn 160 km/h.

Một trận lốc xoáy kéo dài bao lâu?
Lốc xoáy có thể kéo dài từ vài giây cho đến hơn 1 giờ. Cơn lốc xoáy diễn ra lâu nhất trong lịch sử cho đến nay chưa được biết đến bởi có quá nhiều cơn lốc xoáy "tuổi thọ" lâu đã được ghi nhận từ giữa những năm nửa đầu thế kỷ 20. Hầu hết trận lốc xoáy kéo dài chưa đến 10 phút.
Trận lốc xoáy ở bang Oklahoma vừa qua kéo dài hơn 40 phút.

Cường độ lốc xoáy F là gì?
Tiến sỹ T. Theodore Fujita đã phát triển được một hệ thống phân biệt cấp độ của lốc xoáy dựa trên việc đo tác hại lên các công trình do cường độ gió.
Lốc xoáy/ vòi rồng
Thang độ F ban đầu F-scale đã không còn được sử dụng nữa, thay vào đó là một phiên bản được cải tiến. Tốc độ gió lốc xoáy nói chung vẫn còn là một bít ẩn và tốc độ gió trên F-cale phiên bản đầu tiên chưa bao giờ được thử nghiệm và chứng minh một cách khoa học. Bởi vì thiệt hại tương tự có thể là do các trận gió khác nhau, phụ thuộc vào cấu trúc của công trình có chất lượng như thế nào, hướng gió, thời gian diễn ra…

F-scale đã được cải tiến xếp hạng thiệt hại do lốc xoáy gây ra từ F0-F5 dựa trên các tiêu chí như tòa nhà, cây cối, cấu trúc công trình…

Âm thanh lốc xoáy nghe như thế nào?
Còn tùy thuộc vào việc lốc xoáy tấn công cái gì, quy mô nó như thế nào hay cường độ mạnh hay yếu… Âm thanh lốc xoáy thông thường nhất là nghe như tiếng đùng đùng liên tục, giống như âm thanh khi tàu hỏa sắp đến. Đôi khi lốc xoáy tạo ra tiếng ồn lớn như tiếng thác nước đổ hoặc tiếng ồn mở cửa kính ô tô khi xe chạy cực nhanh.
Thanh Xuân

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Thành phố châu thổ Rotterdam - nơi hội tụ của thách thức và cơ hội

Ashui.com-Bờ biển, những con sông, vùng châu thổ ở phía Tây Nam, đất than bùn lún – Rotterdam có tất cả. Cùng với hàng loạt vấn đề, các yếu tố này cũng đem đến những cơ hội lớn nhằm biến đổi và tái sinh vùng thủ phủ.

Đầu những năm 80, Rotterdam đã nỗ lực tạo ra hai sự thay đổi lớn. Đầu tiên, thành phố chuyển dịch theo một phía với các hoạt động kinh tế gắn với yếu tố cảng, pha trộn đa dạng giữa công nghiệp cảng, dịch vụ, tri thức và các ngành nghề sáng tạo. Thứ hai, thành phố này cố gắng xoá đi sự chia cắt và sự chênh lệch về phát triển đang tồn tại giữa hai bờ Nam Bắc của dòng sông. 
Thành phố Rotterdam nằm hai bên bờ sông Rotte
Vùng Nam Rotterdam là một trong những vùng đô thị có nhiều vấn đề nhất của Hà Lan sau khi công nghiệp cảng chuyển khỏi hai bờ sông tại trung tâm thành phố trong suốt những năm 1980 và 1990. Tỉ lệ thất nghiệp, nghèo đói, ít học, phân biệt chủng tộc và các vấn đề xã hội khác gia tăng mạnh mẽ tại khu vực. Từ năm 2006, Nam Rotterdam đã trở thành một mục tiêu trong chương trình nâng cấp điều kiện kinh tế xã hội cho những khu vực đô thị bị xuống cấp của chính phủ nước này.

Từ những năm 80, mục đích tái sinh những khu vực cảng cũ đi cùng với mong muốn nâng cao điều kiện sống tại Nam Rotterdam đã được triển khai thông qua các hoạt động cải tạo nhà ở và kiến tạo thêm không gian kết nối hai phần của thành phố. Một ví dụ là dự án Kop van Zuid, chuyển đổi 80 hecta của khu cảng trước đây trở thành một khu vực đô thị đặc biệt. Dự án đã đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược tạo thêm những liên kết đô thị và thúc đẩy ý tưởng biến dòng sông trở thành lõi cảnh quan đô thị ngang qua vùng thủ phủ(1). Hay dự án Stadsvisie Rotterdam (Viễn cảnh cho thành phố Rotterdam) năm 2007 cũng nhấn mạnh yếu tố dòng sông bằng cách đề xuất phát triển 10.000 ngôi nhà tại khu vực ngập lụt.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên quản lý tài nguyên nước và phòng chống lũ lụt cùng với khả năng cạnh tranh và bản sắc đô thị là các yếu tố rất được quan tâm chú ý, chúng tạo ra rất nhiều cơ hội trong việc tích hợp kỹ thuật thuỷ văn với các mục tiêu phát triển của thành phố.
Vị trí các công trình trong dự án Delta Works
CỦNG CỐ BẢN SẮC CỦA THÀNH PHỐ CHÂU THỔ: NGHIÊN CỨU THÔNG QUA THIẾT KẾ (RESEARCH BY DESIGN)
Thành phố Rotterdam đã rất nỗ lực nhằm tích hợp hai vấn đề: quản lý nước và tái sinh đô thị trong nhiều năm gần đây. Vào năm 2005, thành phố giới thiệu bản quy hoạch Thành phố nước Rotterdam 2035, nỗ lực đầu tiên nhằm phát triển một kế hoạch tổng thể gắn với 2 vấn đề nêu trên. Bản quy hoạch tập trung vào sự cần thiết nâng cao số lượng không gian trữ nước trong thành phố. Hệ thống thoát nước hiện hữu của đô thị không đáp ứng nổi sự gia tăng của lượng mưa bởi rất nhiều những con kênh cổ trong đô thị đã bị san lấp. Các nhà thiết kế thuộc Sở Quy hoạch thành phố, kỹ sư thuộc Sở các công trình công cộng, và các nhà quản lý Ban nước của vùng đã cùng ngồi lại đề xuất một cách nghĩ mới nhằm tích hợp nhiều hệ thống hạ tầng trữ nước và thoát nước đô thị(2). Năm 2008, những ý tưởng này đã được sát nhập trong Kế hoạch nước 2 của Rotterdam - một điều khoản chính thức của thành phố Rotterdam và ba uỷ ban về nước của vùng - đề xuất thêm vào một lượng lớn nước bề mặt trong đô thị nhằm trữ và thoát nước mưa. Điều thú vị ở đây là bản kế hoạch đã cố gắng tận dụng những không gian đặc trưng riêng biệt của các phần khác nhau trong thành phố. Phần phía Bắc, với tính chất của đất than bùn và các tuyến đường dài, giống như một tấm bọt biển có khả năng thấm thấu nhiều nước, được đề xuất tích hợp chức năng thấm vào các nhân tố cấu trúc nên khu vực. Đặc biệt là không gian dành cho trữ nước bề mặt sẽ được bố trí dọc theo các đại lộ lớn và trong công viên.

Đề xuất cho vùng Nam Rotterdam lại khác hơn một chút. Bản kế hoạch tập trung nhấn mạnh vào tính chất nguyên bản của khu vực, nơi khởi đầu là tập hợp của những hòn đảo nhỏ. Nhằm nhấn mạnh tính chất đặc biệt của từng hòn đảo nguyên bản, những đặc điểm mới của nước sẽ được tích hợp vào trong cấu trúc của chúng.
Sử dụng đất và mặt cắt khu vực hai bên bờ sông Rotte. Đường màu đỏ thể hiện hệ thống đê sông.
Bản kế hoạch đã cố gắng kết hợp cấu trúc hạ tầng nước mới với chiến lược nổi bật hoá đặc trưng riêng biệt của các khu vực trong đô thị. Đặc biệt ở Nam Rotterdam, nó tập trung vào chiến lược sử dụng địa hình tự nhiên và lịch sử khu vực hơn là xây dựng hạ tầng với tỉ lệ lớn, với mong muốn liên kết khu vực phía bắc và phía nam thành phố.

Cùng với vấn đề trữ lượng mưa, Rotterdam còn phải quan tâm tới vấn đề thoát nước lúc cao điểm, sự dâng cao của mực nước sông và nước biển. Nếu nước thoát từ sông đạt tới ngưỡng cùng lúc với bão lớn từ biển, kết quả sẽ còn tồi tệ hơn cả trận lụt năm 1953 tràn ngập khắp Tây Nam Hà Lan và nhấn chìm 2000 người. Nước lụt dâng cao hơn 4m so với mực nước biển trong suốt thảm hoạ. Nhưng trong tương lai, những mức nước cao như vậy hoàn toàn có thể xảy ra, và khi mực nước cao hơn đê nó sẽ ảnh hưởng đến những khu vực phía trong đê cũng như các khu vực cửa sông.

Vì thế, một câu hỏi lớn đặt ra đó là liệu có thể thiết kế một hệ thống chống ngập lụt dựa vào triết lý “xây dựng với thiên nhiên” (building with nature) và phát triển các môi trường đô thị giàu sức cạnh tranh và hấp dẫn ở Nam Rotterdam? Và liệu có thể biến những điểm yếu về kinh tế xã hội và tính dễ bị tổn thương bởi lũ lụt của khu vực trở thành các thế mạnh?

Nhằm trả lời các câu hỏi đó, Hội đồng Châu thổ đã đề nghị phá bỏ một hoặc một số đập nước thuộc dự án Delta Worksi (Các công trình Châu thổ) nhằm cho phép thoát nhiều nước hơn từ sông ra biển. Trong dự án “Nghiên cứu thông qua thiết kế” được tổ chức bởi TU Delft, bốn kịch bản khác nhau đã được đưa ra và nghiên cứu bài toán này trong mối quan tâm tới tình trạng của đô thị và mục tiêu phát triển kinh tế(3).

Kịch bản 1 là làm giảm vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg là các kênh thoát nước và dẫn hướng hầu hết nước sông tới cửa sông phía Nam của vùng Rotterdam. Có thể đóng Nieuwe Waterweg bằng cách khoá lại, giống như kênh Biển Bắc gần Amsterdam. Nhiều khoá sẽ được xây dựng tại các sông đổ về Đông Rotterdam. Các con đê phía Nam vùng Rotterdam dọc theo Haringvliet sẽ được nâng cao và củng cố, nhằm tăng tính an toàn. Trên thực tế, tuyến đê vành đai số 14 sẽ được mở rộng cho tới phía Nam nhằm hoàn toàn kiểm soát mức nước trong đô thị, như trường hợp Amsterdam. Giải pháp này giả thiết những hoạt động cảng quan trọng nhất sẽ tập trung tại khu vực cảng cải tạo Maasvlakte, vị trí của hệ thống khoá phía Tây. Nó thống nhất các mức độ bảo vệ trong cả vùng Rotterdam, hoàn toàn kiểm soát được mực nước và làm giảm tiếp cận tới các cảng nước sâu.
Kịch bản 1: Giảm vai trò của hai kênh thoát nước Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg, khoá các lối vào của nước, thoát nước chủ yếu về hướng Nam của vùng
Kịch bản 2 duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một phần của hệ thống thoát nước sông, bao bọc vùng bằng một chuỗi các barie di động chắn sóng. Trong kịch bản này, những con đê phía Nam Rotterdam dọc theo Haringvliet cũng sẽ được nâng cao và cũng cố, nhằm gia tăng tiêu chuẩn an toàn cho Nam Rotterdam. Chỉ khi trời có bão thì các đập di động mới cần đóng lại. Hơn nữa, trong kịch bản này, toàn bộ vùng Rotterdam sẽ được bảo vệ bởi tuyến đê vành đai số 14. Sự khác biệt giữa kịch bản này và kịch bản ban đầu là trong hoàn cảnh thông thường ảnh hưởng của các dòng chảy của sông và thuỷ triều trong đô thị vẫn được duy trì và các khu vực cảng vẫn tiếp tục vận hành như thường lệ.
Kịch bản 2: Duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như các kênh thoát nước chính, đưa hệ thống barie chắn sóng di động vào vị trí các lối thoát nước.
Kịch bản 3 duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một phần của hệ thống thoát nước sông, bao bọc khu vực phía Nam Rotterdam với một tuyến đê vành đai được nâng cấp – với mức độ an toàn như tuyến đê vành đai 14. Ảnh hưởng của dòng chảy sông và thuỷ triều được duy trì, và các hoạt động vẫn tiếp tục được tiến hành tại các khu cảng hiện hữu. Sự khác biệt giữa kịch bản này và kịch bản 2 đó là củng cố những tuyến đê bao quanh vùng Nam thay vì thay thế bởi hàng loạt barie di động.
Kịch bản 3: Duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như các kênh thoát nước chính, nâng cấp các con đê hiện hữu
Kịch bản 4 khuyếch trương vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một kênh thoát nước và mở một hệ thống lạch và nhánh sông phụ trợ cho phép thoát nước lũ khi nước sông dâng cao. Những barie chắn sóng tại cửa sông được duy trì để bảo vệ khu vực phía trong chống lại những cơn bão khắc nghiệt. Khu vực này cũng chịu sự ảnh hưởng của thuỷ triều. Sự tái xuất của các lạch và nhánh sông sẽ trở thành một phần của cảnh quan trong hầu hết thời gian, nhưng trong thời kỳ thoát lũ khi nước sông dâng cao, chúng tạm thời bị ngập lụt. Tại khu vực đô thị phía nam Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg, hiệu quả của dòng chảy sông và thuỷ triều mạnh hơn, và các khu vực cảng hiện hữu vẫn tiếp tục vận hành. Những con đê vững chắc hơn bao quanh các hòn đảo sẽ đảm bảo sự an toàn cho cư dân sống tại đó.
Kịch bản 4: Nâng cấp vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg cùng với các vùng kiểm soát lũ
Những kịch bản này thể hiện bốn cách thức khác nhau điều khiển tác động của sông và mực nước biển bằng cách sử dụng bốn hệ thống hạ tầng khác nhau.

Sử dụng cách tiếp cận lớp (layer approach), chúng nhấn mạnh tầm quan trong của quy hoạch và thiết kế các mạng lưới cơ sở hạ tầng (lớp thứ 2) – cái ”khung” cơ bản tạo hình các trạng thái trong hai lớp khác: tầng đất cái của lãnh thổ (bao gồm nước, dòng chảy của sông, kiểm soát lũ, xói mòn đất, hệ sinh thái và đai dạng sinh học) và hoạt động của con người (bao gồm môi trường đô thị, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp)

Vấn đề giá và vốn cho từng kịch bản không hề đơn giản, tuy nhiên điều quan trọng cần cân nhắc là những nguồn đầu tư trước mắt và giá thành, cũng như cần quan tâm đến chất lượng của đất và môi trường xây dựng trong thời gian dài hạn

MẠNG LƯỚI CÁC VÙNG NGẬP NƯỚC
Ý tưởng về một quy trình hoạch định chính sách nhằm cân nhắc các ảnh hưởng và tận dụng cơ hội của từng kịch bản là rất cần thiết. Nó giúp người dân và chính quyền có nhiều thông tin để tranh luận về ưu điểm và nhược điểm của từng sự lựa chọn.

Tuy nhiên, do sự hạn chế của thời gian, dự án tập trung vào lựa chọn thứ tư. Mô hình này hấp dẫn từ khía cạnh quản lý tài nguyên nước bởi nó nâng cao được sức chứa của vùng để giải quyết đồng thời hai vấn đề thoát nước sông và bão nếu chúng diễn ra cùng một thời điểm. Nó cũng cung cấp điều kiện tối ưu cho việc ngăn chặn xọi mòn đất nhờ đưa thêm vào các dòng chảy mới cho khu vực.

Hơn thế nữa, hệ thống cửa sông, dòng chảy và nhánh sông được cung cấp một mạng lưới mở rộng của các vùng ngập nước đô thị khiến chúng cải thiện được hệ sinh thái châu thổ và nâng cao đa dạng sinh học.

Thêm vào đó, kịch bản bốn cũng tối ưu hoá các điều kiện nhằm phát triển công nghiệp cảng. Vào thời điểm hiện tại, nhu cầu trữ dầu và ngành công nghiệp hoá dầu ngày càng phát triển, chiếm phần lớn quỹ đất tại cảng và đòi hỏi khu vực này một sự thay đổi triệt để. Trong kịch bản đầu tiên, cảng của Rotterdam tập trung tại Maasvlakte và vào hoạt động bốc xếp container. Tuy nhiên, cảng cũng cần phát triển những phương thức mới trong bốc dỡ hàng khối lượng lớn, lưu kho và công nghiệp chế biến với nguồn năng lượng mới (như nhiên liệu sinh học, năng lượng địa nhiệt, năng lượng gió và mặt trời). Các hoạt động kinh tế mới này cần không gian gần các khu vực nước sâu. Bởi vậy kịch bản một không có tính thực tế và kịch bản bốn đưa ra điều kiện tốt nhất cho việc gia tăng sản xuất năng lượng.
Quy hoạch vùng Rotterdam với các khu vực cho phép ngập có kiểm soát.
Cuối cùng, lựa chọn thứ tư mang lại những cơ hội tối ưu nhằm chuyển đổi không gian đô thị Nam Rotterdam thành một “thành phố châu thổ” cuốn hút với bản sắc độc nhất. Thay vì cấy thêm một vài tính năng nước mới vào cấu trúc đô thị hiện hữu, không gian đô thị sẽ biến đổi thành một dạng mới hấp dẫn hơn, hướng tới yếu tố nước, đó là điểm khác biệt chủ đạo với không gian phía Bắc dòng sông.

Trong khi đường biên phía Bắc có thể coi như một “ban-công” của khu bờ sông cung cấp những tầm nhìn ra cảnh quan châu thổ, bờ Nam lại cung cấp không gian để sống trong vùng châu thổ, nơi liên kết nhà ở và mặt nước với các phương thức phát triển khác nhau. Dự án “nghiên cứu thông qua thiết kế” cũng đưa ra một vài ví dụ về các khu vực định cư khác nhau trên vùng đô thị ngập nước này, như nhà ở trên khu bến tàu ngày xưa, hay bên cạnh các nhánh sông mới được khai thông trở lại.

KIẾN TẠO CÁC ĐIỀU KIỆN TỪ THIẾT KẾ CÁC LỚP HẠ TẦNG
Một dự án thiết kế rõ ràng không thể là một đề xuất cuối cùng. Mục tiêu của nó là chỉ ra phương pháp nhằm cân bằng khác biệt giữa phát triển đô thị cơ sở và những lựa chọn trong việc quản lý nước cho các khu vực đô thị hoá ở Hà Lan.

Phương pháp này dựa trên cách tiếp cận lớp (layer approach) và tập trung vào thiết kế cân bằng lớp cơ sở hạ tầng của các con đê, đập, cửa cống và các dự án nước. Lớp này chính là một khung có thực nhằm cấu trúc lớp đất tự nhiên và lớp hoạt động của con người bao gồm không gian xây dựng và các khu vực công nghiệp. Ý nghĩa thực chất của bốn sự lựa chọn đó là chúng đưa ra những cách thức khác nhau nhằm cấu trúc nên lớp dưới cùng cũng như việc phát triển đô thị và công nghiệp.

“Nghiên cứu thông qua thiết kế” đưa ra những khả năng và điều kiện cho chỉ một lựa chọn. Nó thách thức các chuyên gia và chính trị gia tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc phân tích cẩn trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả bốn kịch bản.
Han Meyerii / Nguyễn Phương Ngaiii & Nguyễn Đỗ Dũng (biên dịch)
(Bài đã được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)
Chú thích:
(1) Han Meyer, Thành phố và Cảng

(2) Thành phố nước Rotterdam 2035 là đóng góp của thành phố Rotterdam và Ban nước của vùng tới Hội nghị Kiến trúc Quốc tế Rotterdam tổ chức hai năm một lần. “Lũ lụt” là chủ đề được quan tâm và được điều phối bởi kiến trúc sư cảnh quan Adriaan Geuze.

(3) Dự án Nghiên cứu thông qua thiết kế được phát triển bởi TU Delft và các sinh viên Chương trình Cao học Châu Âu về Đô thị học năm 2009. Nó là một phần của dự án nghiên cứu “Chiến lược thích ứng”, được tổ chức bởi Thành phố Rotterdam, TU Delft, Viện nghiên cứu các vùng Châu thổ, trường Hoge Rotterdam, Arcadis Engineers, INBO Architects, và Dura-Vermeer Construction. 

(i) Delta Works là một loạt các dự án trị thủy và ngăn biển tại Tây Nam Hà Lan được xây dựng sau trận lụt lịch sử vào năm 1953. Dự án thu ngắn đường bờ biển của khu vực nhằm giới hạn chiều dài đê phải nâng cao, giải quyết vấn đề ngập lụt cho vùng châu thổ Tây Nam và giảm sự tàn phá của sóng biển trong các cơn bão. Mức bảo vệ của dự án là các trận lụt 10.000 năm.
(ii) Hen Meyer là cựu giám đốc quy hoạch của thành phố Rotterdam và hiện là giáo sư về lý thuyết và phương pháp thiết kế đô thị tại Đại học Kỹ thuật Delft. Bài viết là một chương trong cuốn Delta Urbanism – The Netherlands (Đô thị Châu thổ - Hà Lan) do Hội Quy hoạch Hoa kỳ (APA) đặt hàng ba chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và thiết kế đô thị tại Đại học Kỹ thuật Delft là Han Meyer, Inge Bobbink, và Stenffen Nijhuis thực hiện. Cuốn sách nằm trong nỗ lực của APA nhằm thúc đẩy năng lực quản lý và quy hoạch các thành phố châu thổ trước rủi ro ngập lụt và Biến đổi khí hậu sau sự kiện siêu bão Katrina tàn phá New Orleans năm 2005.
(iii) Nguyễn Phương Nga là kiến trúc sư và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Queensland (Úc) về đô thị học cảnh quan (landscape urbanism).

Bài đăng phổ biến