Đầu những năm 80, Rotterdam đã nỗ lực tạo ra hai sự thay đổi lớn. Đầu tiên, thành phố chuyển dịch theo một phía với các hoạt động kinh tế gắn với yếu tố cảng, pha trộn đa dạng giữa công nghiệp cảng, dịch vụ, tri thức và các ngành nghề sáng tạo. Thứ hai, thành phố này cố gắng xoá đi sự chia cắt và sự chênh lệch về phát triển đang tồn tại giữa hai bờ Nam Bắc của dòng sông.
Thành phố Rotterdam nằm hai bên bờ sông Rotte |
Vùng Nam Rotterdam là một trong những vùng đô thị có nhiều vấn đề nhất của Hà Lan sau khi công nghiệp cảng chuyển khỏi hai bờ sông tại trung tâm thành phố trong suốt những năm 1980 và 1990. Tỉ lệ thất nghiệp, nghèo đói, ít học, phân biệt chủng tộc và các vấn đề xã hội khác gia tăng mạnh mẽ tại khu vực. Từ năm 2006, Nam Rotterdam đã trở thành một mục tiêu trong chương trình nâng cấp điều kiện kinh tế xã hội cho những khu vực đô thị bị xuống cấp của chính phủ nước này.
Từ những năm 80, mục đích tái sinh những khu vực cảng cũ đi cùng với mong muốn nâng cao điều kiện sống tại Nam Rotterdam đã được triển khai thông qua các hoạt động cải tạo nhà ở và kiến tạo thêm không gian kết nối hai phần của thành phố. Một ví dụ là dự án Kop van Zuid, chuyển đổi 80 hecta của khu cảng trước đây trở thành một khu vực đô thị đặc biệt. Dự án đã đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược tạo thêm những liên kết đô thị và thúc đẩy ý tưởng biến dòng sông trở thành lõi cảnh quan đô thị ngang qua vùng thủ phủ(1). Hay dự án Stadsvisie Rotterdam (Viễn cảnh cho thành phố Rotterdam) năm 2007 cũng nhấn mạnh yếu tố dòng sông bằng cách đề xuất phát triển 10.000 ngôi nhà tại khu vực ngập lụt.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên quản lý tài nguyên nước và phòng chống lũ lụt cùng với khả năng cạnh tranh và bản sắc đô thị là các yếu tố rất được quan tâm chú ý, chúng tạo ra rất nhiều cơ hội trong việc tích hợp kỹ thuật thuỷ văn với các mục tiêu phát triển của thành phố.
Vị trí các công trình trong dự án Delta Works |
CỦNG CỐ BẢN SẮC CỦA THÀNH PHỐ CHÂU THỔ: NGHIÊN CỨU THÔNG QUA THIẾT KẾ (RESEARCH BY DESIGN)
Thành phố Rotterdam đã rất nỗ lực nhằm tích hợp hai vấn đề: quản lý nước và tái sinh đô thị trong nhiều năm gần đây. Vào năm 2005, thành phố giới thiệu bản quy hoạch Thành phố nước Rotterdam 2035, nỗ lực đầu tiên nhằm phát triển một kế hoạch tổng thể gắn với 2 vấn đề nêu trên. Bản quy hoạch tập trung vào sự cần thiết nâng cao số lượng không gian trữ nước trong thành phố. Hệ thống thoát nước hiện hữu của đô thị không đáp ứng nổi sự gia tăng của lượng mưa bởi rất nhiều những con kênh cổ trong đô thị đã bị san lấp. Các nhà thiết kế thuộc Sở Quy hoạch thành phố, kỹ sư thuộc Sở các công trình công cộng, và các nhà quản lý Ban nước của vùng đã cùng ngồi lại đề xuất một cách nghĩ mới nhằm tích hợp nhiều hệ thống hạ tầng trữ nước và thoát nước đô thị(2). Năm 2008, những ý tưởng này đã được sát nhập trong Kế hoạch nước 2 của Rotterdam - một điều khoản chính thức của thành phố Rotterdam và ba uỷ ban về nước của vùng - đề xuất thêm vào một lượng lớn nước bề mặt trong đô thị nhằm trữ và thoát nước mưa. Điều thú vị ở đây là bản kế hoạch đã cố gắng tận dụng những không gian đặc trưng riêng biệt của các phần khác nhau trong thành phố. Phần phía Bắc, với tính chất của đất than bùn và các tuyến đường dài, giống như một tấm bọt biển có khả năng thấm thấu nhiều nước, được đề xuất tích hợp chức năng thấm vào các nhân tố cấu trúc nên khu vực. Đặc biệt là không gian dành cho trữ nước bề mặt sẽ được bố trí dọc theo các đại lộ lớn và trong công viên.
Đề xuất cho vùng Nam Rotterdam lại khác hơn một chút. Bản kế hoạch tập trung nhấn mạnh vào tính chất nguyên bản của khu vực, nơi khởi đầu là tập hợp của những hòn đảo nhỏ. Nhằm nhấn mạnh tính chất đặc biệt của từng hòn đảo nguyên bản, những đặc điểm mới của nước sẽ được tích hợp vào trong cấu trúc của chúng.
Sử dụng đất và mặt cắt khu vực hai bên bờ sông Rotte. Đường màu đỏ thể hiện hệ thống đê sông. |
Bản kế hoạch đã cố gắng kết hợp cấu trúc hạ tầng nước mới với chiến lược nổi bật hoá đặc trưng riêng biệt của các khu vực trong đô thị. Đặc biệt ở Nam Rotterdam, nó tập trung vào chiến lược sử dụng địa hình tự nhiên và lịch sử khu vực hơn là xây dựng hạ tầng với tỉ lệ lớn, với mong muốn liên kết khu vực phía bắc và phía nam thành phố.
Cùng với vấn đề trữ lượng mưa, Rotterdam còn phải quan tâm tới vấn đề thoát nước lúc cao điểm, sự dâng cao của mực nước sông và nước biển. Nếu nước thoát từ sông đạt tới ngưỡng cùng lúc với bão lớn từ biển, kết quả sẽ còn tồi tệ hơn cả trận lụt năm 1953 tràn ngập khắp Tây Nam Hà Lan và nhấn chìm 2000 người. Nước lụt dâng cao hơn 4m so với mực nước biển trong suốt thảm hoạ. Nhưng trong tương lai, những mức nước cao như vậy hoàn toàn có thể xảy ra, và khi mực nước cao hơn đê nó sẽ ảnh hưởng đến những khu vực phía trong đê cũng như các khu vực cửa sông.
Vì thế, một câu hỏi lớn đặt ra đó là liệu có thể thiết kế một hệ thống chống ngập lụt dựa vào triết lý “xây dựng với thiên nhiên” (building with nature) và phát triển các môi trường đô thị giàu sức cạnh tranh và hấp dẫn ở Nam Rotterdam? Và liệu có thể biến những điểm yếu về kinh tế xã hội và tính dễ bị tổn thương bởi lũ lụt của khu vực trở thành các thế mạnh?
Nhằm trả lời các câu hỏi đó, Hội đồng Châu thổ đã đề nghị phá bỏ một hoặc một số đập nước thuộc dự án Delta Worksi (Các công trình Châu thổ) nhằm cho phép thoát nhiều nước hơn từ sông ra biển. Trong dự án “Nghiên cứu thông qua thiết kế” được tổ chức bởi TU Delft, bốn kịch bản khác nhau đã được đưa ra và nghiên cứu bài toán này trong mối quan tâm tới tình trạng của đô thị và mục tiêu phát triển kinh tế(3).
Kịch bản 1 là làm giảm vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg là các kênh thoát nước và dẫn hướng hầu hết nước sông tới cửa sông phía Nam của vùng Rotterdam. Có thể đóng Nieuwe Waterweg bằng cách khoá lại, giống như kênh Biển Bắc gần Amsterdam. Nhiều khoá sẽ được xây dựng tại các sông đổ về Đông Rotterdam. Các con đê phía Nam vùng Rotterdam dọc theo Haringvliet sẽ được nâng cao và củng cố, nhằm tăng tính an toàn. Trên thực tế, tuyến đê vành đai số 14 sẽ được mở rộng cho tới phía Nam nhằm hoàn toàn kiểm soát mức nước trong đô thị, như trường hợp Amsterdam. Giải pháp này giả thiết những hoạt động cảng quan trọng nhất sẽ tập trung tại khu vực cảng cải tạo Maasvlakte, vị trí của hệ thống khoá phía Tây. Nó thống nhất các mức độ bảo vệ trong cả vùng Rotterdam, hoàn toàn kiểm soát được mực nước và làm giảm tiếp cận tới các cảng nước sâu.
Kịch bản 1: Giảm vai trò của hai kênh thoát nước Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg, khoá các lối vào của nước, thoát nước chủ yếu về hướng Nam của vùng |
Kịch bản 2 duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một phần của hệ thống thoát nước sông, bao bọc vùng bằng một chuỗi các barie di động chắn sóng. Trong kịch bản này, những con đê phía Nam Rotterdam dọc theo Haringvliet cũng sẽ được nâng cao và cũng cố, nhằm gia tăng tiêu chuẩn an toàn cho Nam Rotterdam. Chỉ khi trời có bão thì các đập di động mới cần đóng lại. Hơn nữa, trong kịch bản này, toàn bộ vùng Rotterdam sẽ được bảo vệ bởi tuyến đê vành đai số 14. Sự khác biệt giữa kịch bản này và kịch bản ban đầu là trong hoàn cảnh thông thường ảnh hưởng của các dòng chảy của sông và thuỷ triều trong đô thị vẫn được duy trì và các khu vực cảng vẫn tiếp tục vận hành như thường lệ.
Kịch bản 2: Duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như các kênh thoát nước chính, đưa hệ thống barie chắn sóng di động vào vị trí các lối thoát nước. |
Kịch bản 3 duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một phần của hệ thống thoát nước sông, bao bọc khu vực phía Nam Rotterdam với một tuyến đê vành đai được nâng cấp – với mức độ an toàn như tuyến đê vành đai 14. Ảnh hưởng của dòng chảy sông và thuỷ triều được duy trì, và các hoạt động vẫn tiếp tục được tiến hành tại các khu cảng hiện hữu. Sự khác biệt giữa kịch bản này và kịch bản 2 đó là củng cố những tuyến đê bao quanh vùng Nam thay vì thay thế bởi hàng loạt barie di động.
Kịch bản 3: Duy trì vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như các kênh thoát nước chính, nâng cấp các con đê hiện hữu |
Kịch bản 4 khuyếch trương vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg như một kênh thoát nước và mở một hệ thống lạch và nhánh sông phụ trợ cho phép thoát nước lũ khi nước sông dâng cao. Những barie chắn sóng tại cửa sông được duy trì để bảo vệ khu vực phía trong chống lại những cơn bão khắc nghiệt. Khu vực này cũng chịu sự ảnh hưởng của thuỷ triều. Sự tái xuất của các lạch và nhánh sông sẽ trở thành một phần của cảnh quan trong hầu hết thời gian, nhưng trong thời kỳ thoát lũ khi nước sông dâng cao, chúng tạm thời bị ngập lụt. Tại khu vực đô thị phía nam Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg, hiệu quả của dòng chảy sông và thuỷ triều mạnh hơn, và các khu vực cảng hiện hữu vẫn tiếp tục vận hành. Những con đê vững chắc hơn bao quanh các hòn đảo sẽ đảm bảo sự an toàn cho cư dân sống tại đó.
Kịch bản 4: Nâng cấp vai trò của Nieuwe Maas và Nieuwe Waterweg cùng với các vùng kiểm soát lũ |
Những kịch bản này thể hiện bốn cách thức khác nhau điều khiển tác động của sông và mực nước biển bằng cách sử dụng bốn hệ thống hạ tầng khác nhau.
Sử dụng cách tiếp cận lớp (layer approach), chúng nhấn mạnh tầm quan trong của quy hoạch và thiết kế các mạng lưới cơ sở hạ tầng (lớp thứ 2) – cái ”khung” cơ bản tạo hình các trạng thái trong hai lớp khác: tầng đất cái của lãnh thổ (bao gồm nước, dòng chảy của sông, kiểm soát lũ, xói mòn đất, hệ sinh thái và đai dạng sinh học) và hoạt động của con người (bao gồm môi trường đô thị, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp)
Vấn đề giá và vốn cho từng kịch bản không hề đơn giản, tuy nhiên điều quan trọng cần cân nhắc là những nguồn đầu tư trước mắt và giá thành, cũng như cần quan tâm đến chất lượng của đất và môi trường xây dựng trong thời gian dài hạn
MẠNG LƯỚI CÁC VÙNG NGẬP NƯỚC
Ý tưởng về một quy trình hoạch định chính sách nhằm cân nhắc các ảnh hưởng và tận dụng cơ hội của từng kịch bản là rất cần thiết. Nó giúp người dân và chính quyền có nhiều thông tin để tranh luận về ưu điểm và nhược điểm của từng sự lựa chọn.
Tuy nhiên, do sự hạn chế của thời gian, dự án tập trung vào lựa chọn thứ tư. Mô hình này hấp dẫn từ khía cạnh quản lý tài nguyên nước bởi nó nâng cao được sức chứa của vùng để giải quyết đồng thời hai vấn đề thoát nước sông và bão nếu chúng diễn ra cùng một thời điểm. Nó cũng cung cấp điều kiện tối ưu cho việc ngăn chặn xọi mòn đất nhờ đưa thêm vào các dòng chảy mới cho khu vực.
Hơn thế nữa, hệ thống cửa sông, dòng chảy và nhánh sông được cung cấp một mạng lưới mở rộng của các vùng ngập nước đô thị khiến chúng cải thiện được hệ sinh thái châu thổ và nâng cao đa dạng sinh học.
Thêm vào đó, kịch bản bốn cũng tối ưu hoá các điều kiện nhằm phát triển công nghiệp cảng. Vào thời điểm hiện tại, nhu cầu trữ dầu và ngành công nghiệp hoá dầu ngày càng phát triển, chiếm phần lớn quỹ đất tại cảng và đòi hỏi khu vực này một sự thay đổi triệt để. Trong kịch bản đầu tiên, cảng của Rotterdam tập trung tại Maasvlakte và vào hoạt động bốc xếp container. Tuy nhiên, cảng cũng cần phát triển những phương thức mới trong bốc dỡ hàng khối lượng lớn, lưu kho và công nghiệp chế biến với nguồn năng lượng mới (như nhiên liệu sinh học, năng lượng địa nhiệt, năng lượng gió và mặt trời). Các hoạt động kinh tế mới này cần không gian gần các khu vực nước sâu. Bởi vậy kịch bản một không có tính thực tế và kịch bản bốn đưa ra điều kiện tốt nhất cho việc gia tăng sản xuất năng lượng.
Quy hoạch vùng Rotterdam với các khu vực cho phép ngập có kiểm soát. |
Cuối cùng, lựa chọn thứ tư mang lại những cơ hội tối ưu nhằm chuyển đổi không gian đô thị Nam Rotterdam thành một “thành phố châu thổ” cuốn hút với bản sắc độc nhất. Thay vì cấy thêm một vài tính năng nước mới vào cấu trúc đô thị hiện hữu, không gian đô thị sẽ biến đổi thành một dạng mới hấp dẫn hơn, hướng tới yếu tố nước, đó là điểm khác biệt chủ đạo với không gian phía Bắc dòng sông.
Trong khi đường biên phía Bắc có thể coi như một “ban-công” của khu bờ sông cung cấp những tầm nhìn ra cảnh quan châu thổ, bờ Nam lại cung cấp không gian để sống trong vùng châu thổ, nơi liên kết nhà ở và mặt nước với các phương thức phát triển khác nhau. Dự án “nghiên cứu thông qua thiết kế” cũng đưa ra một vài ví dụ về các khu vực định cư khác nhau trên vùng đô thị ngập nước này, như nhà ở trên khu bến tàu ngày xưa, hay bên cạnh các nhánh sông mới được khai thông trở lại.
KIẾN TẠO CÁC ĐIỀU KIỆN TỪ THIẾT KẾ CÁC LỚP HẠ TẦNG
Một dự án thiết kế rõ ràng không thể là một đề xuất cuối cùng. Mục tiêu của nó là chỉ ra phương pháp nhằm cân bằng khác biệt giữa phát triển đô thị cơ sở và những lựa chọn trong việc quản lý nước cho các khu vực đô thị hoá ở Hà Lan.
Phương pháp này dựa trên cách tiếp cận lớp (layer approach) và tập trung vào thiết kế cân bằng lớp cơ sở hạ tầng của các con đê, đập, cửa cống và các dự án nước. Lớp này chính là một khung có thực nhằm cấu trúc lớp đất tự nhiên và lớp hoạt động của con người bao gồm không gian xây dựng và các khu vực công nghiệp. Ý nghĩa thực chất của bốn sự lựa chọn đó là chúng đưa ra những cách thức khác nhau nhằm cấu trúc nên lớp dưới cùng cũng như việc phát triển đô thị và công nghiệp.
“Nghiên cứu thông qua thiết kế” đưa ra những khả năng và điều kiện cho chỉ một lựa chọn. Nó thách thức các chuyên gia và chính trị gia tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc phân tích cẩn trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả bốn kịch bản.
Han Meyerii / Nguyễn Phương Ngaiii & Nguyễn Đỗ Dũng (biên dịch)
(Bài đã được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)
Chú thích:
(1) Han Meyer, Thành phố và Cảng
(2) Thành phố nước Rotterdam 2035 là đóng góp của thành phố Rotterdam và Ban nước của vùng tới Hội nghị Kiến trúc Quốc tế Rotterdam tổ chức hai năm một lần. “Lũ lụt” là chủ đề được quan tâm và được điều phối bởi kiến trúc sư cảnh quan Adriaan Geuze.
(3) Dự án Nghiên cứu thông qua thiết kế được phát triển bởi TU Delft và các sinh viên Chương trình Cao học Châu Âu về Đô thị học năm 2009. Nó là một phần của dự án nghiên cứu “Chiến lược thích ứng”, được tổ chức bởi Thành phố Rotterdam, TU Delft, Viện nghiên cứu các vùng Châu thổ, trường Hoge Rotterdam, Arcadis Engineers, INBO Architects, và Dura-Vermeer Construction.
(i) Delta Works là một loạt các dự án trị thủy và ngăn biển tại Tây Nam Hà Lan được xây dựng sau trận lụt lịch sử vào năm 1953. Dự án thu ngắn đường bờ biển của khu vực nhằm giới hạn chiều dài đê phải nâng cao, giải quyết vấn đề ngập lụt cho vùng châu thổ Tây Nam và giảm sự tàn phá của sóng biển trong các cơn bão. Mức bảo vệ của dự án là các trận lụt 10.000 năm.
(ii) Hen Meyer là cựu giám đốc quy hoạch của thành phố Rotterdam và hiện là giáo sư về lý thuyết và phương pháp thiết kế đô thị tại Đại học Kỹ thuật Delft. Bài viết là một chương trong cuốn Delta Urbanism – The Netherlands (Đô thị Châu thổ - Hà Lan) do Hội Quy hoạch Hoa kỳ (APA) đặt hàng ba chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và thiết kế đô thị tại Đại học Kỹ thuật Delft là Han Meyer, Inge Bobbink, và Stenffen Nijhuis thực hiện. Cuốn sách nằm trong nỗ lực của APA nhằm thúc đẩy năng lực quản lý và quy hoạch các thành phố châu thổ trước rủi ro ngập lụt và Biến đổi khí hậu sau sự kiện siêu bão Katrina tàn phá New Orleans năm 2005.
(iii) Nguyễn Phương Nga là kiến trúc sư và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Queensland (Úc) về đô thị học cảnh quan (landscape urbanism).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét