Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Hồ Chí Minh và minh triết về nước

Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Thủy lợi),
Nguyên Cục trưởng Cục Đê điều phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp & PTNT)
Hơn nửa thế kỉ trước đây, ngày 17/9/1959, tại Hội nghị Thủy Lợi toàn miền Bắc, Hồ Chí Minh đã nói:

“Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh.
Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.”

(Trích lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, NXB Sự Thật Hà Nội, 1960, tập 5 tr 261, 262)
Lời dạy đó được ghi ở tất cả các nơi trang trọng nhất từ TW đến địa phương của ngành thủy lợi, xem như một lời hiệu triệu để cố gắng trong hành động của mình; và ngày càng nhận rõ ý nghĩa Minh Triết sâu xa của Người về nước – tài nguyên vô giá quyết định sự sống, sự phát triển của nhân loại.

Điều kì lạ là Minh Triết đó đã vượt xa tầm suy nghĩ của thời đại mà mãi đến thập kỉ 90 của thế kỉ trước, thế giới mới ngày càng nhận rõ hơn vai trò vị trí của nước, các hội nghị nguyên thủ quốc gia về nước năm 1992 tại Riode Janeiro đề ra bốn nguyên tắc Dublin, năm 2002 ở Johannesburg đặt nước lên hàng đầu trên năm ưu tiên: Nước, năng lượng, sức khởe, nông nghiệp, và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó các diễn đàn về nước liên tiếp mở ra ở Mara Kech ( Ma-rốc - 1997 ), Hague ( Hà Lan - 2000 ), Kyoto (Nhật Bản – 2003) với quy mô ngày càng lớn.
Nhân loại nhận thức rằng những thách thức mà các quốc gia đang phái đối mặt vì sự phát triển kinh tế xà hội và con người đều liên quan đến nguồn nước. Thiếu nước, suy thái chất lượng nước, biến đổi khí hậu và môi trường, thể chế quản lí, an ninh lương thực, chống đói nghèo…là những vấn đề cần có sự quan tâm cấp bách và hành động cụ thể liên quan đến nước. Ngưười ta cũng nhận ra rằng nước là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng lại không thể xây dựng một kế hoạch chung mà phải dược triển khai theo từng quốc gia và khu vực.

Minh Triết Hồ Chí Minh về nước được đặt ra đúng tầm lớn lao quan trọng về nước, các vấn đề được giải quyết và phương pháp thực hiện trên cơ sở hài hòa bền vững giữa phát triển và thiên nhiên để đem lại lợi ích cho con người, cho nhân dân, cho sự công bằng xã hội.

Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, ý nghĩa của ngôn từ Tổ quốc và Đất Nước mà đó chính là cái gốc rễ của hồn Minh Triết Việt thấm đẫm trong tư tưởng của Người.

Vượt trên tất cả những định nghĩa, xác lập vị trí của nước với những quan niệm hiện đại mà thế giới đang diễn đạt hôm nay, Hồ Chí Minh đặt nước ở vị trí thiêng liêng, cội nguồn của sự sống con người, sự tồn vong của mỗi dân tộc : có Đất và có Nước mới thành Tổ quốc. Cái vị trí tột đỉnh ấy không thể thay thế, không thể đánh đổi bởi đó là nguồn cội của sự sống, chẳng thế mà các thám hiểm vũ trụ chỉ mong tìm thấy dấu hiệu của Nước trên bất cứ hành tinh nào thì hi vọng sự sống sẽ xuất hiện ở đó.
Hồ Chí Minh và minh triết về nước
Người luôn đặt sự vật trong bàn tay vận động của mỗi con người, của dân tộc: có Đất lại có Nước thì dân giàu nước mạnh. Nước trở thành nhân tố quyết định sự phát triển bền vững sống còn của mỗi dân tộc. Ở Người, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người là sự vận động biện chứng tìm đến sự hòa hợp để phát triển trong thể thống nhất và bền vững. Đó chính là sự khởi nguồn cho ngày nay chúng ta đang bàn tới, đang định nghĩa về quản lí tổng hợp tài nguyên nước.

Người nhìn sâu xa hai thuộc tính đối nghịch của nước: “Nước có thể làm lợi nhưng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán.” Bộ đôi song sinh thiên tai (lũ lụt, hạn hán) và lợi ích do nước đem lại theo một chu trình thủy văn, chu trình đó lại thay đổi tích cực hoặc tiêu cực theo tác động của con người mà đến nay ta càng nhìn rõ ở tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra có xu thế ngày càng cực đoan, quyết liệt hơn.

Từ tầm nhìn vị trí thiêng liêng không thể thay thế của nước đến tính hai mặt của nước để đi đến cái cần thiết nhất, cái quyết định nhất: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.” Đến đây thì Minh Triết của Người về nước đạt đến sự hoàn mĩ tài tình.

Vào những năm đầu của thế kỉ 21 này, thế giới quy tập một đội ngũ chuyên gia tài ba để định nghĩa tổng hợp tài nguyên nước, có nghĩa là tìm đến cách tiếp cận sử dụng nước hiệu quả nhất như sau: “Quản lí tổng hợp tài nguyên nước là một quá trình đẩy mạnh, phối hợp phát triển và quản lí nguồn nước, đất đai và tài nguyên liên quan để tối đa hóa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu.”
Với Hồ Chí Minh là “làm cho đất với nước điều hòa với nhau” có lẽ bắt nguồn từ triết lí cân bằng âm dương của phương Đông. Không thể tìm được ý tưởng nào chuẩn xác hơn, phổ quát hơn, khoa học hơn, bền vững hơn, biện chứng hơn và không ngừng phát triển để đạt tới mục tiêu nhân văn hơn bằng triết lí “điều hòa”. Bởi đó là Minh Triết con người biết hòa hợp, khéo léo hòa thuận với tự nhiên để tìm đến cái tối ưu, cái mục đích đạt tới, biết sự vận động trong phát triển không ngừng, biết tìm đến sự hợp lí và công bằng.

Lê-nin khi nói về thủy lợi: “Công tác thủy lợi là cần thiết hơn cả; chính nó sẽ tái tạo đất nước, sẽ phục hưng đất nước, sẽ chôn vùi quá khứ, sẽ củng cố bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.” (Lê-nin tập 5 NXB Sự Thật, 1960, quyển II, tr 485). Ở đây ta thấy như có một cái gì đó quyết liệt thiếu sự mềm dẻo với tự nhiên, mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại mặc dù mục tiêu đều hướng tới con người, chủ nghĩa xã hội.

Minh Triết “làm cho đất với nước điều hòa với nhau” để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội dẫn dắt tư duy và hành động của chúng ta:

Tính phổ quát của nó thích ứng với từng bước phát triển của xã hội, nhất là trong giai đoạn hiên nay nhân loại đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu toàn cầu, rất cần một cách tiếp cận hòa hợp thích nghi thay cho những cách nhìn cực đoan, khiên cưỡng.

Tính khoa học của nó là sự lựa chọn hiểu biết giữa đất ( Đất và tất cả những gì tồn tại trên mặt đất) và nước để tìm đến những giải pháp phù hợp, mềm dẻo, thuận quy luật và chính vì vậy để phát triển bền vững hơn, đặc biệt với hệ sinh thái rừng đảm bảo cho tầng thấm nước bổ sung nước và từ đó lại tái tạo những lợi ích mới.
Sự điều hòa đó không có điểm dừng mà vận động trong sự phát triển không ngừng, mỗi bước phát triển có bước thích ứng phù hợp ngày càng nâng cao bền vững hơn và như vậy lợi ích của các nhân tố tồn tại trên mặt đất phải được phối hợp một cách công bằng và hợp lí hơn.

Mục tiêu đạt được phải là nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không giải quyết được nâng cao đời sống của nhân dân thì mọi cái đều trở nên vô nghĩa.

Lịch sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta là lịch sự phát triển điều hòa giữa đất và nước. Hệ thống đê điều đồng bằng sông Hồng từ buổi khởi đầu cho đến ngày nay tồn tại đã một nghìn năm là từng bước tìm sự điều hòa giữa đất và nước trong tương quan phát triển kinh tế xã hội, ban đầu có lẽ là khoanh vùng nhỏ, lợi dụng mặt đất cao thấp để có thể sản xuất trong những điều kiện lũ lụt bình thường; xã hội phát triển, dân số một ngày tăng lên, hệ thống đê phải nối liền rồi độ cao từng bước nâng lên để có thể sản xuất vững chắc hơn đối với những trận lũ vừa: vụ chiêm không khê, vụ mùa không úng. Cứ thế nâng dần đến ngày nay không những chống được lũ lớn mà còn đưa nước sông vào tưới tiêu, đảm bảo ăn chắc hai vụ. Bài học điều hòa giữa đất và nước trong một nghìn năm qua để tồn tại và phát triển cho ta hiểu sâu sắc hơn tầm vóc Minh Triết về nước của Hồ Chí Minh.

Ngày nay vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt tới sản lượng trên 20 triệu tấn vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo. Mấy ai biết được đó là thành quả của việc điều hòa giữa đất và nước. Với 1,7 triệu hécta ngập lụt và chua phèn, gần 1 triệu hécta nhiễm mặn mà theo các chuyên gia nước ngoài phải có những công trình cải tạo đất đồ sộ trong hàng thập kỉ mới phát triển được. Thế nhưng chúng ta hiểu được quy luật của nước hiểu được bản chất của đất và của nước để tìm tới giái pháp thủy lợi tiêu chua, đẩy phèn, xổ phèn, ém phèn bằng một hệ thống kênh rạch đưa nước vào đồng và tiêu thoát, hệ thống bờ bao ngăn lũ sớm và kiểm soát lũ, hệ thống cửa van tự động ở vùng mặn đã tạo nên một môi trường nước điều hòa với đất phèn và mặn tạo cơ sở vững chắc phát triển hai vụ lúa thâm canh ngay cả ở vùng ngập sâu và vùng mặn khó khăn nhất.
Khi nào sự điều hòa đó không được vận hành nhuần nhuyễn thì lập tức hậu quả tiêu cực phải gánh chịu ngay. Mấy năm nay vận hành hệ thống thủy điện đã bộc lộ rõ điều đó: sông Hồng dẫn đến cạn kiệt khó tin và mấy ai đo đếm được lợi nhuận mà ngành điện đem lại khi vận hành không phù hợp với sự điều hòa, không đặt mình trong sự điều hòa chung để so với những biến đổi môi trường sinh thái trên toàn bộ hệ thống sông Hồng khi mà hệ thống đê điều thủy lợi trị giá hàng chục tỷ đôla đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, rối loạn và đàn cá mòi không còn ngược dòng sông Hồng trong mùa sinh sản hàng năm sẽ tác động đến ngư dân trên biển như thế nào? Tình hình đó cũng đang diễn ra ở miền núi, Tây Nguyên, miền Trung Đông Nam Bộ.

Minh Triết điều hòa giữa đất và nước để nâng cao đời sống của nhân dân cho chúng ta sự tỉnh táo để xem xét lại toàn bộ quá trình điều hành quản lí nước nhằm tới sự công bằng và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tôi cứ suy nghĩ mãi có lẽ tình yêu đất nước (Tổ quốc) đến độ nung nấu khôn nguôi mới đưa Hồ Chí Minh đến Minh Triết về nước một cách hoàn hảo và biện chứng như vậy. Ngay từ buổi đầu hoạt động Cách mạng năm 1921 trên tờ La revue Comministe, bài báo với tiêu đề “Đông Dương” Người đã đề cập đến vấn đề thủy lợi. Gần 25 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người có 168 sự kiện đích thân chăm lo đến vấn đề thủy lợi và đê điều, trong đó có 90 bài viết, bài phát biểu. Hơn một tháng sau ngày đọc tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, ngày 11/10 Người chủ tọa phiên họp Hội đồng chính phủ có nội dung kế hoạch và dự trù kinh phí tu sửa đê điều, và những giờ phút sắp đi xa trên giường bệnh vào một ngày cuối tháng 8 năm 1969, thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm, Người nói: “Nước đang lên to đấy, chú Kỳ bảo Bác sơ tán lên chỗ cao nhưng Bác không đi đâu, Bác ở với dân, các chú đừng để lụt, đừng để vỡ đê.” (Vũ Kỳ, “Bác đã đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1986). Hiểu sâu sắc đất nước mình, yêu thương nhân dân mình, Minh Triết về nước của Người đạt tới tột đỉnh, phổ quát, khoa học, biện chứng, phát triển bền vững và nhân văn đến thế.

Cố bộ trưởng Hà Kế Tấn với phong cách của người thợ và của vị tướng lĩnh, người có công hàng đầu trong việc kiến tạo nên bộ máy thủy lợi Việt Nam trong suốt thập kỉ 60 của thế kỉ trước, từ điều tra thăm dò, đánh giá nguồn nước, quy hoạch lưu vực sông, khảo sát thiết kế xây dựng và quản lí các công trình thủy lợi, thủy điện và phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học, đào tạo xuyên suốt từ TW đến địa phương đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế mà thành quả chói lọi là quy hoạch trị thủy sông Hồng và hệ thống thủy lợi đồng bằng Bắc bộ, từng bước thực hiện Minh Triết về nước “làm cho đất với nước điều hòa với nhau”  để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi có những sự việc không thể lí giải nổi hoặc không muốn lí giải. Sang thập niên 70 của thế kỉ trước, tách thủy văn ra khỏi thủy lợi rồi tiếp tục tách thủy điện tạo nên một khoảng trống cân đối, thế rồi đến những năm cuối thế kỉ trước, một sự phá vỡ hệ thống tổ chức và nề nếp nghiệp vụ chuyên sâu của toàn ngành từ TW đến cơ sở khi xem thủy lợi chỉ là đơn thuần cho nông nghiệp, nên chuyển phần lớn bộ máy và lực lượng thủy lợi sang bộ Nông nghiệp và chức năng quản lí tài nguyên nước sang bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những biến đổi về dòng chảy và nguồn nước ngầm, dù có nguồn gốc khí hậu nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu hay yếu kém trong quản lí đất đai, quản lí nguồn nước đều góp phần nảy sinh hạn hán và lũ lụt ngày càng cực đoan hơn gây nên những tổn thất khó lường về sinh mạng, về kinh tế xã hội và môi trường. Ô nhiễm nguồn nước góp phần tạo ra những rủi ro về sức khỏe, tác động tới tiến trình phát triển kinh tế và hệ sinh thái. Thiếu ổn định, phân tán và biến động trong tổ chức bộ máy thực hiện cũng làm cho các yếu tố rủi ro về thiên tai gia tăng, tổ chức thực hiện thiếu nhất quán gây chồng chéo và hiệu quả thấp dẫn đến những tranh chấp giữa các ngành, các khu vực lợi ích, phá vỡ sự bền vững và tăng thêm sự bất công giữa các nhóm lợi ích.

Làm cho đất và nước điều hòa với nhau cũng như sự tiếp cận quản lí tổng hợp tài nguyên nước của thế giới đều có nghĩa là phát triển thủy lợi trong mọi ngành kinh tế và xã hội, trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Yêu cầu kiến lập lại bộ Thủy lợi như buổi ban đầu Hồ Chí Minh sáng lập để thích ứng hữu hiệu hơn trước những biến đổi khí hậu toàn cầu là đòi hỏi tất yếu khách quan. Kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2010) chúng ta ôn lại chặng đường dài phấn đấu vừa qua càng thấm sâu Minh Triết về nước của Hồ Chí Minh luôn dẫn dắt con đường chúng ta đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến