Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Liên kết Nước - Năng lượng - An ninh lương thực: Thách thức cho phát triển bền vững ở Việt Nam

(dwrm.gov.vn) Hiện nay dân số thế giới đang ở mức 7 tỷ người. Đến năm 2030 con số này theo dự đoán có thể đạt đến 8,5 tỷ tương đương với việc con người sẽ cần thêm 40% nhu cầu về năng lượng, 50% nhu cầu thực phẩm và 30% nhu cầu nước. Vì vậy, vấn đề đảm bảo nước, năng lượng và an ninh lương thực trong bối cảnh dân số tăng nhanh cũng như việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình sử dụng tài nguyên nước đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho toàn nhân loại.

Suy thoái, khủng hoảng ảnh hưởng đến ngành nước, vượt ra ngoài ranh giới kiểm soát của ngành và vai trò của các nhà quản lý. Áp lực lên tài nguyên nước được kể đến là các chinh sách về năng lượng, lương thực, sử dụng đất và quy hoạch đô thị, chính sách thương mại quốc tế và ngay từ bản thân bên trong ngành nước. Có thể hiểu mối liên kết nước, năng lượng và an ninh lương thực mô tả những mối quan hệ phức tạp, thỏa hiệp và các cơ hội giữa các yếu tố này. Hiện tại, việc đưa ra chính sách sẽ như thế nào và phối hợp ra sao để giải quyết những vấn đề trên vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Vì vậy nhu cầu cấp thiết cho các phương pháp tiếp cận mới, liên kết nước, năng lượng và lương thực, nhằm giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu đang đặt ra những thách thức cho phát triển bền vững.

LIÊN KẾT NƯỚC – NĂNG LƯỢNG – AN NINH LƯƠNG THỰC
1. Những thảo luận gần đây xung quanh mối liên kết NƯỚC – NĂNG LƯỢNG – AN NINH LƯƠNG THỰC
Trong xã hội hiện đại ngày nay, đảm bảo nước, năng lượng và an ninh lương thực là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của con người và sự phát triển của xã hội. Liên Hợp Quốc đã khẳng định “Quyền có lương thực”, đủ về số lượng và chất lượng của con người. “Quyền có nước” của con người được nêu trong Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966. Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia Công ước từ năm 1982. Phải nhấn mạnh rằng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với sự phát triển của xã hội.

Nhận thức tầm quan trọng của mối liên kết này, hội nghị Bonn 2011 đã khởi xướng chủ đề “Liên kết Nước – Năng lượng – An ninh lương thực – Giải pháp cho Kinh tế xanh”. Hội nghị cũng đã khẳng định nước, năng lượng và an ninh lương thực gắn kết chặt chẽ với nhau và vấn đề này cần được giải quyết một cách tổng hợp cùng với sự hợp tác của tất cả các tác nhân từ cả ba lĩnh vực.

Hội nghị Mekong2Rio được tổ chức tháng 5 năm 2012 tại Thái Lan với sự tham gia của các đại biểu từ 14 tổ chức lưu vực sông trên thế giới. Hội nghị bàn thảo xung quanh chủ đề quản lý lưu vực sông xuyên biên biên giới đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nước, năng lượng và lương thực của các nước trong lưu vực, song song với việc làm giảm những tác động tiêu cực. Hội nghị cũng đã gửi thông điệp đến Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) nhằm nâng cao nhận thức và mối quan tâm của toàn thế giới đến vấn đề quản lý lưu vực sông xuyên biên giới trong mối liên kết nước, năng lượng và lương thực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra vào tháng 6 năm 2012 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), các nước tham dự cũng đã nhất trí đề ra nhóm những mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh đến những hành động và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nước và năng lượng cho các thế hệ tương lai.

2. Liên kết NƯỚC – NĂNG LƯỢNG – LƯƠNG THỰC
Về bản chất, mối quan hệ thể hiện liên kết qua lại chặt chẽ không thể tách rời giữa nước, năng lượng và lương thực. Ví dụ, thủy điện cần có một nguồn cung cấp nước ổn định để tạo ra năng lượng. Không có nước, không có thủy điện. Nông dân cần nước tưới cho cây trồng. Không có nước, không có lương thực. Con người cũng cần năng lượng để tạo ra lương thực và năng lượng giúp xử lý nước. Con người cần đất và các đầu ra nông nghiệp cung ứng cho một số ngành năng lượng.
Liên kết nước, năng lượng và an ninh lương thực (IUCN, Water, 2013)
Nếu chúng ta nhìn mối liên kết theo “bản đồ tàu điện ngầm” như minh họa Hình 2. Khi mà nước, năng lượng và lương thực như là các “bến tàu”, thì chúng ta có thể nhận thấy nhiều “đường tàu” chạy qua lại giữa các “bến tàu”. Nếu có một sự cố tại một bến tàu, các đường liên kết đến các bến khác sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến hoạt động của cả hệ thống. Đây là mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau của ba lĩnh vực này (IUCN, 2013).

Quá trình lập kế hoạch và ra các quyết định cần xem xét các mối liên kết nhằm làm hạn chế tác động từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác. Quan trọng hơn nữa, sự phối hợp và các giải pháp chung sẽ đạt kết quả khi nước, năng lượng và các vấn đề an ninh lương thực được giải quyết với nhau hơn là đơn lẻ theo cách tiếp cận ngành. Khi mối liên kết được quan tâm, các cơ hội mới và các lựa chọn sẽ xuất hiện để đáp ứng các thách thức phát triển. Quan điểm của mối liên kết làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa năng lượng, nước và lương thực, nâng cao nhận thức và khuôn khổ minh bạch nhằm  xác định và giải quyết sự thỏa hiệp giữa các ngành, các lĩnh vực chính sách khác như biến đổi khí hậu cũng như  đa dạng sinh học.

Cách tiếp cận liên kết là cần thiết cho hội nhập giữa ba trong số các yếu tố cơ bản của sự phát triển của con người, tức là đảm bảo quyền tiếp cận nước, năng lượng, và lương thực, trong khi xem xét các chức năng của hệ sinh thái và sinh kế đóng góp giải pháp hướng tới nền kinh tế xanh, đó là một trong những cách tiếp cận quan trọng nhằm phát triển toàn cầu một cách bền vững.

TÀI NGUYÊN NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG Ở VIỆT NAM
1. Vai trò của nước trong phát triển năng lượng
Trong thế giới hiện đại ngày nay, nước và năng lượng gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Thực vậy, lượng nước cung cấp nhiều hay ít sẽ có tác động khá lớn đến nguồn cung năng lượng. Trong khi đó việc sản xuất ra năng lượng và sản xuất ra điện sẽ ảnh hưởng đến tính sẵn có của nguồn cấp nước và chất lượng nước. Hiện tại, năng lượng rất cần thiết để sản xuất và phân phối nước sạch cho sinh hoạt cũng như là xử lý nước thải để đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi xả ra môi trường.

Đối với các khu vực sản xuất năng lượng khác nhau, nước tham gia lúc trực tiếp, lúc gián tiếp trong quá trình sản xuất.
Nước cho năng lượng và năng lượng cho nước
Từ sơ đồ trên có thể nhận thấy rằng nước, đặt trong bối cảnh năng lượng, có một vai trò đặc biệt quan trọng. Nước được sử dụng để sản xuất ra năng lượng ví dụ như sản xuất ra điện và năng lượng (điện năng) lại được dùng để bơm nước, truyền tải nước và xử lý nước. Hai hệ thống nước và năng lượng này đan xen, hòa quyện và phát triển dần lên ngày càng phức tạp và ngày càng phụ thuộc vào nhau.

Tính tới thời điểm hiện nay, năng lượng và nước đều đang đối mặt với nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi tỉ lệ đô thị hóa của các quốc gia trên thế giới đang tăng lên một cách đáng kể trong những năm gần đây.

2. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng và trong tương lai không xa sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Nếu Việt nam không đảm bảo được khai thác các nguồn năng lượng trong nước một cách hợp lý, nhập khẩu năng lượng sẽ xảy ra khoảng năm 2015. Về tình hình tiêu thụ năng lượng hiện nay, trong giai đoạn 2000-2009, tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,54%/năm và đạt  57 triệu MTOE vào năm 2009. Tiêu thụ than tăng trung bình 12,12%/năm, xăng dầu tăng 8,74%/năm, khí tăng 22,53%/năm, điện tăng 14,33%/năm - đạt 74,23 tỷ kWh năm 2009.

Hơn nữa, dựa trên kết quả dự báo phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 của Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Khoa học Năng lượng cũng đã dự báo nhu cầu năng lượng Việt Nam năm 2020 là 80,9 triệu MTOE, năm 2025 là 103,1 triệu MTOE và năm 2030 là 131,16 triệu MTOE. Khả năng khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam đến năm 2050 sẽ như sau: Sản lượng than đá là từ 95 – 100 triệu tấn/năm (trong đó phần lớn dành cho phát điện); dầu thô khoảng 21 triệu tấn/ năm (chủ yếu dùng để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước); khí đốt khoảng 16,5 tỷ m3/năm (trong đó có khoảng 14 – 15 tỷ m3 dành cho phát điện); thủy điện khoảng 60 tỷ kWh/năm; nguồn năng lượng tái tạo khoảng 3500 – 4000 MW. Tính đến nay, có thể nói việc sản xuất ra năng lượng ở Việt Nam dựa trên ba trụ cột chính là dầu khí, than đá và thủy điện. Trong đó thủy  điện  chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện Việt Nam. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thuỷ điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão; đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa kiệt. Bảng thống kế dưới đây tóm tắt lại quy hoạch phát triển ngành điện Việt nam trong tương lai hay còn được gọi là Tổng sơ đồ VII.
Cơ cấu nguồn điện theo công suất và sản lượng giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030 (dựa trên Tổng sơ đồ VII)
Nguồn: Bộ Công Thương, 2011
Theo Tổng sơ đồ VII, thủy điện tiếp tục là nguồn năng lượng chính của Việt nam, đứng sau nhiệt điện than từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên thủy điện sẽ giảm thị phần trong tổng sản lượng điện từ 23,1% (năm 2020) xuống còn 11,8% (năm 2030). Ngược lại, thủy điện tích năng sẽ tăng dần từ 2.4% lên 3.8%.

IV. NƯỚC VÀ AN NINH LƯƠNG THỰC
 “Trừ khi chúng ta tăng cường khả năng dùng nước trong nông nghiệp một cách khôn ngoan, bằng không việc chấm dứt cái đói sẽ bất thành và rồi chúng ta sẽ tự mở cửa cho một loạt các rủi ro, bất lợi chen vào, bao gồm hạn hán, nạn đói và sự bất ổn về chính trị” - Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc trong thông điệp nhân Ngày nước thế giới 2012.

IV.1. Nước và tác động của nó đến an ninh lương thực
Trong tổng số khối lượng nước được khai thác sử dụng trên toàn thế giới hiện nay là 3.800 tỷ m3, thì việc tưới tiêu nước trong nông nghiệp sử dụng 70% (2.700 tỷ m3). Gần 95% lượng nước tại các nước đang phát triển được sử dụng để tưới tiêu cho nông nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, nguồn nước ngầm đã giảm mạnh và cạn kiệt ở 20 nước với dân số chiếm tới 50% dân số thế giới. Nạn khan hiếm nước cho nông nghiệp ở 3 nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt đáng lo ngại. Cùng với đó nhu cầu lương thực dự kiến tăng gấp đôi cùng với tác động của biến đổi khí hậu đối với phân bố nước hiện có về mặt địa lý sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về nước và khủng hoảng nước tiềm tàng.

Liên Hợp Quốc khẳng định Châu Á có thể đối mặt với tình trạng thiếu lương thực triền miên nếu không tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong thói quen sử dụng nước. Châu Á sở hữu tới 70% diện tích đất được tưới tiêu của thế giới. Hàng trăm triệu nông dân phải tự chịu trách nhiệm về việc đưa nước vào đồng ruộng của họ. Phần lớn nông dân chỉ sử dụng những thiết bị bơm nước lạc hậu và không hiệu quả. Tuy nhiên, họ lại có thể lấy một lượng nước không hạn chế vào ruộng khiến các nguồn nước nhanh chóng cạn kiệt. Nếu thói quen này vẫn tiếp diễn sẽ dẫn đến tình trạng không có nước để sản xuất lương thực và khủng hoảng lương thực sẽ là tất yếu bùng phát trên khắp Châu Á. Và thực tế đã cho thấy nếu cứ sử dụng nước như hiện nay, khu vực Nam Á sẽ cần thêm 57% nước để tưới tiêu đồng ruộng, trong khi các nước Đông Á cần thêm 70%. Trong bối cảnh cả đất và nước ngày càng trở nên quý giá như hiện nay, một kịch bản như thế rõ ràng không  bền vững và khi người dân đói, xã hội sẽ trở nên bất ổn.

IV.2. Tài nguyên nước ở Việt nam và bài học về an ninh lương thực
Việt Nam có 2.378 con sông trong đó có 9 hệ thống sông có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2 và 15 lưu vực có diện tích lớn hơn 2.500 km2. Diện tích của các lưu vực sông chiếm 80% diện tích của cả nước. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.960mm với tổng lượng dòng chảy hàng năm của tất cả các con sông vào khoảng từ 840-850 tỷ m3 trong đó khoảng 300 tỷ m3 (chiếm 40%) trong lãnh thổ và khoảng 500-510 tỷ m3 là nước từ ngoài lãnh thổ. Sông Mê kông có tổng lượng dòng chảy chiếm 59% tổng dòng chảy cả nước, tiếp theo là sông Hồng chiếm 14.9%.

Theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Tài nguyên Nước & Môi trường Đông Á, lượng nước mặt bình quân tính theo đầu người ở Việt Nam năm 2010 chỉ còn 3.850 m3/năm. Con số này đã đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng từ 4.000 m3/người/năm trở xuống (ngưỡng do Hội Tài nguyên Nước Quốc tế (IWRA) quy định). Theo PGS.TS Bùi Công Quang, Trường Đại học Thủy lợi, với dân số và mức độ phát triển hiện tại, theo tiêu chuẩn trên, lưu vực sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở Đông Nam Bộ đang đối mặt nguy cơ thiếu nước không thường xuyên và cục bộ, trong khi các sông Hồng, Mã và sông Côn đang tiệm cận mức độ thiếu nước này. Theo tiêu chuẩn quốc tế về “căng thẳng do khai thác nguồn nước”, vào mùa khô mấy năm gần đây, sáu trong số 16 lưu vực sông cả nước ta được xếp loại là “căng thẳng trung bình”, bốn lưu vực khác được xếp loại “căng thẳng mức độ cao” trong đó có sông Mã (Thanh Hóa), sông Hương (Thừa Thiên Huế) và sông Đồng Nai (Đông Nam Bộ). Trên hầu hết các lưu vực sông ở Đông Nam Bộ, hơn 75% lượng nước mùa khô bị khai thác. Tại lưu vực sông Mã, tỷ lệ nước khai thác lên đến gần 80%. “Các tỷ lệ trên cho thấy các hoạt động khai thác nước quá mức đã và sẽ tạo nên mức độ rất không bền vững cho các lưu vực”, PGS.TS Bùi Công Quang nhận định.

Về vấn đề an ninh lương thực, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Và để đạt được sản lượng này, Việt Nam cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu héc ta đất chuyên trồng lúa hai vụ để có 6 triệu héc ta đất gieo trồng. Tuy nhiên, có thể thấy trong hai thập niên vừa qua, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp diễn ra mạnh mẽ đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Theo thống kê, diện tích đất canh tác lúa của cả nước đến cuối năm 2007 chỉ còn 4,1 triệu héc ta, giảm 362.000 héc ta so với năm 2005. Dự báo, từ nay đến năm 2025, nước ta có thể phải lấy 10-15% diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác để phát triển công nghiệp. Theo đó, diện tích lúa năm 2010 còn khoảng 4 triệu héc ta, đến năm 2015 khoảng 3,8 triệu héc ta, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 3,6 triệu héc ta và giữ ổn định sau năm 2020 là 3,5 triệu héc ta, trong đó diện tích chuyên trồng lúa nước là 3,1 triệu héc ta. Hơn nữa, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Với kịch bản nước biển dâng 1 mét, đồng bằng sông Hồng sẽ mất 5.000 km2 vuông đất, đồng bằng sông Cửu Long bị ngập 15.000-20.000 km2. Tổng sản lượng lương thực nước ta theo đó có thể giảm khoảng 5 triệu tấn.

Trước tình hình Việt nam sẽ sớm phải đương đầu với các khó khăn về nước cũng như là bị thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp và có thể dẫn đến mất an ninh về lương thực, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực khác nhau, cả trong nước và các hỗ trợ quốc tế, để cải tạo và nâng cấp các hệ thống thủy lợi trên toàn quốc, đặc biệt là các vùng sản xuất lương thực lớn nhằm đảm bảo sử dụng nước cho tưới tiêu tiết kiệm và hiệu quả. Hơn nữa, ngành cũng đã cố gắng tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, tăng nhanh sản lượng lương thực, giảm tổn thất khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm, chế biến gạo với chất lượng cao. Tính đến nay, Việt Nam không chỉ tự cân đối đủ lương thực mà còn dư thừa để xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo mỗi năm. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã tiến tới đứng hàng thứ hai trên Thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Năm 2010, Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, giữ vị trí thứ hai sau Thái Lan với tổng sản lượng gạo xuất khẩu đạt 9,03 triệu tấn.

Mặc dù đã là nước xuất khẩu gạo, an ninh lương thực vẫn được coi là mục tiêu hàng đầu ở Việt Nam.  Chính phủ Việt nam đã ban hành nghị quyết về An Ninh Lương Thực Quốc Gia vào ngày 23-12-2009. Nghị quyết khẳng định: “Đến năm 2020, bảo vệ đất lúa 3,8 triệu héc ta để có sản lượng 41-43 triệu tấn, tăng diện tích trồng ngô lên 1,3 triệu héc ta, sản lượng 7,5 triệu tấn; diện tích cây ăn quả 1,2 triệu héc ta, sản lượng 12 triệu tấn; rau các loại 1,2 triệu héc ta, sản lượng 20 triệu tấn; sản lượng thịt hơi 8 triệu tấn, sữa tươi 1 triệu tấn, trứng gia cầm 14 tỉ quả, 2,4 triệu tấn thủy sản khai thác và 4 triệu tấn thủy sản nuôi trồng”.

V. KẾT LUẬN
Trước nhu cầu ngày càng tăng của con người về sử dụng nước, năng lượng và lương thực, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, năng lượng và lương thực cùng với việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên nhằm mục tiêu phát triển bền vững đang là thách thức lớn cần sự nỗ lực và sự hợp tác thực sự giữa các ngành ở tất cả các cấp, từ địa phương đến quốc tế. Có thể nhận thấy rằng cách tiếp cận liên kết nước, năng lượng và an ninh lương thực sẽ giúp xác định mối quan hệ thỏa hiệp cần thiết, giúp các nhà hoạt định chính sách ở cả ba lĩnh vực đưa ra những quy hoạch và quyết định. Bên cạnh đó, khi cả ba lĩnh vực hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ cung cấp các giải pháp có lợi cho từng ngành.

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra những chương trình mục tiêu và thực hiên cam kết quốc tế về phát triển bền vững, trong đó mức độ bền vững của phát triển kinh tế, phát triển xã hội và môi trường được đề cập đến một cách toàn diện. Trong bối cảnh này, cách tiếp cận liên kết nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nước, năng lượng và lương thực là thực sự cần thiết đối với Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời cách tiếp cận này cũng sẽ đòi hỏi và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các nước về tài nguyên nước, sản xuất năng lượng và lương thực.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Vinh & Nguyễn Công Nhuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến