Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Vỡ đập, ai phải chịu trách nhiệm?

- Trong một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên 114/166 đập TÐ dưới 30 MW, Bộ Công thương phát hiện 34 đập chưa thực hiện công tác kiểm định, kiểm tra theo quy định và gần một nửa số đập TÐ chưa có phương án bảo vệ khi có sự cố... Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Cần nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm an toàn hồ đập (ATHÐ) không phải chỉ qua công tác kiểm định an toàn đập, thực chất công tác này phải được chủ đập kiểm tra thường xuyên để phát hiện, xử lý các bất thường trong quá trình vận hành, hoặc kiểm tra trước các mùa mưa bão hằng năm. Về phương án bảo vệ đập, theo quy định tại Nghị định 72/2007/NÐ-CP (viết tắt NÐ 72) thì tất cả các đập phải có phương án bảo vệ để chủ động phòng ngừa hành vi xâm hại đập (về bảo vệ an ninh, không phải sự cố đập). Nhưng thực tế, có nhiều đập TÐ rất nhỏ được nêu trong nội dung NÐ 72 không còn hợp lý, cần được điều chỉnh.
Công tác bảo đảm an toàn hồ đập cần được tiến hành thường xuyên, quyết liệt (Internet)
- Thưa ông, có hay không tình trạng "quả bóng trách nhiệm" cứ được đá từ nơi này qua nơi khác... mỗi khi có sự cố an toàn hồ đập xảy ra?
Theo quy định, chủ DN phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của đơn vị mình quản lý. Khi xảy ra sự cố thì phải tiến hành điều tra xác định nguyên nhân, từ đó mới quy trách nhiệm cho từng tổ chức/cá nhân có liên quan. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý được xác định theo sự phân công của Chính phủ (đối với các bộ, ngành, UBND tỉnh) và của UBND tỉnh (đối với các sở). Hiện nay, chịu trách nhiệm chung quản lý nhà nước về ATHÐ thủy điện thuộc Bộ Công thương và an toàn TÐ nhỏ thuộc UBND tỉnh.

- Thiếu cơ chế xử phạt thích đáng những vi phạm trong lĩnh vực vận hành đập TÐ, phải chăng là nguyên nhân khiến cho các chủ đập còn xem nhẹ việc vận hành an toàn?
Không phải chúng ta thiếu văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề trên. Chính phủ từng có Nghị định số 134/2013/NÐ-CP ngày 17-10-2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn đập TÐ. Sau đó ban hành tiếp Nghị định số 140/2005/NÐ-CP ngày 11-11-2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do quy định chưa chi tiết, rõ ràng về hành vi vi phạm nào thì bị xử phạt nên các cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở để xử lý. Thực tế cũng chưa có chủ đập TÐ nào bị xử phạt theo quy định NÐ 140. Vậy nên, các chủ đập còn coi nhẹ việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý ATHÐ.

- Ông nghĩ gì khi chính những chủ đập cũng than khó vì cơ chế chính sách, thưa ông?
Có thể nói, từ năm 2010 trở về trước, hầu hết các chủ đập TÐ chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập... Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của bộ, ngành chức năng, đến nay, hầu hết các chủ đập TÐ lớn đã thực hiện nghiêm túc. Ðến nay vấn đề nằm ở việc nhiều chủ đập TÐ nhỏ và vừa chưa thực hiện đầy đủ các quy định này. Nguyên nhân một phần do các chủ đập gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới vùng hạ du đập, tính toán các kịch bản vỡ đập nên lúng túng trong việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập... Thêm vào đó, một số quy định hiện hành về quản lý an toàn đập không còn phù hợp với thực tế, nhất là đối với những công trình TÐ nhỏ, vẫn chưa được chỉnh lý, khắc phục.

Ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) trả lời Nhân Dân cuối tuần về những bất cập trong hệ thống chính sách hiện nay đối với quản lý an toàn hồ đập thủy điện (TÐ)
- Vì sao gần bốn năm trôi qua mà những bất cập chính sách vẫn là chuyện "khổ lắm biết rồi nói mãi", thưa ông?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng một Nghị định mới thay thế NÐ 72 cũng như việc hỗ trợ phần mềm, xây dựng bản đồ ngập lụt, phương pháp tính cho các kịch bản phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập; xây dựng mới, sửa đổi bổ sung các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ... Những nội dung công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí để hoàn thiện. Do vậy, trong lúc chờ đợi có Nghị định thay thế, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các chủ đập cũng như thẩm định, phê duyệt các phương án theo thẩm quyền.

- Theo nhìn nhận của ông, cần tập trung vào giải pháp gì để tăng cường công tác quản lý xây dựng và vận hành hồ chứa?
Cần phải thực hiện các giải pháp tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền trong công tác an toàn đập TÐ từ trung ương đến địa phương thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về TÐ; rà soát, kiểm tra công tác quản lý, vận hành hồ chứa của các chủ đập; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập TÐ để từ đó đưa công tác quản lý theo đúng quy định, bảo đảm ATHÐ khi mưa, bão đến.
- Xin cảm ơn ông!

Đức Nghĩa (theo báo nhân dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến