Học thuyết kiến tạo cho rằng phần ngoài của Trái Đất gọi là thạch quyển, cấu thành bởi các mảng với bề dày hàng trăm kilômét, chuyển dịch ngang (trôi) trên quyển mềm (astenosphere), có thể biến dạng được. Thạch quyển ở mỗi mảng gồm có một trong hai dạng vỏ (vỏ lục địa hoặc vỏ đại dương) cộng thêm một phần của manti trên. Các mảng thạch quyển có thể di động tách rời nhau ra hoặc xô vào nhau. Khác với thuyết trôi lục địa của Vêghênơ A. L. (Wegener), thuyết KTM cho rằng các mảng lục địa cùng với các mảng đại dương đều di động trên quyển mềm. Toàn thế giới gồm có 6 mảng lớn đang hoạt động: mảng Châu Mĩ (còn phân ra Bắc Mĩ và Nam Mĩ), mảng Thái Bình Dương, mảng Ấn Độ, mảng Châu Phi, mảng Âu - Á, mảng Nam Cực. Ngoài ra còn có những mảng nhỏ, vd. mảng Philippin. Ranh giới giữa các mảng là các đai hoạt động mạnh về kiến tạo, động đất, núi lửa, các loại đứt gãy. Người ta phân ra ba loại ranh giới cơ bản:
1) Ranh giới tại các đới tách dãn: do ảnh hưởng của dòng đối lưu xuất phát từ các điểm nóng từ dưới sâu đi lên quyển mềm, ở vùng vỏ đại dương, thạch quyển bị tách ra theo một đứt gãy dài gọi là riptơ, hai bên riptơ có gờ cao sống núi giữa đại dương, dọc riptơ có sự phun trào của macma bazan hai phía sống núi như ở giữa đáy Đại Tây Dương. Ở vùng vỏ lục địa, thạch quyển bị tách dãn tạo ra các riptơ lục địa, như riptơ Đông Châu Phi, là một đứt gãy dài từ Biển Đỏ đến Môzămbic. Dọc theo riptơ lục địa có nhiều núi lửa.
2) Ranh giới tại các đới nén ép: nơi tiếp giáp của hai mảng theo một trong các kiểu sau: a) Một mảng chui xuống dưới mảng kia, tạo nên một đới hút chìm. Đới này xuất hiện ở nơi một bên là máng nước sâu và một bên là dãy núi trẻ (vd. ở gần bờ đông Thái Bình Dương), hoặc ở nơi một bên là máng nước sâu và một bên là cung đảo và biển rìa (vd. ở bờ tây Thái Bình Dương). Tại đới hút chìm, sự di động của mảng chui xuống tạo ra lực ma sát khiến nhiệt độ tăng làm nóng chảy đá trầm tích ở dưới sâu, dẫn đến các biểu hiện mạnh mẽ của hoạt động địa chất nội sinh. Ở đây có một mặt (đới) đứt gãy sâu nằm nghiêng, trên đó phân bố nhiều lò động đất ở sâu, được gọi là đới Bêniôp (A. Beniof Zone). b) Hai mảng lục địa xô vào nhau tạo ra đường khâu tiếp xúc, thể hiện ở sự hình thành các dãy núi lớn các đới biến chất, biến dạng phức tạp (như ở dọc dải núi Himalaya do mảng Ấn Độ di chuyển lên phía Bắc húc vào mảng Âu - Á).
3) Dọc ranh giới tại các đới tách dãn và hút chìm phát triển nhiều đứt gãy biến dạng với những chuyển dịch trượt bằng (vd. dọc theo sống núi giữa đáy Đại Tây Dương).
ST
KTM đưa ra một mô hình ở phạm vi vĩ mô giải thích sự chuyển động của các khối lục địa, tiến hoá của các trầm tích đại dương, sự thành tạo các dãy núi có liên quan với sự mở rộng hoặc thu hẹp các đại dương, sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa, vv. Hiện nay, lí thuyết KTM chiếm địa vị chủ yếu trong lí thuyết địa kiến tạo, có nhiều dữ liệu để giải quyết vấn đề kiến tạo ở biển, ở ven bờ biển, nêu ra nhiều luận cứ trong nghiên cứu địa chất và kiến tạo từ đại Trung sinh đến nay. Thuyết KTM bắt đầu từ thuyết trôi lục địa (do nhà địa vật lí người Đức Vêghênơ đề xướng từ 1912), được hoàn toàn thừa nhận từ thập kỉ 60 thế kỉ 20 do kết quả của những nghiên cứu đại dương (bắt đầu từ Chiến tranh thế giới II, vì mục đích quân sự) và sau đó được tiếp tục nghiên cứu. KTM là phát minh lớn nhất của địa chất học trong thế kỉ 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét